Máu Đỏ Lung Linh Sắc Yêu Mến
Da Vàng Lấp Lánh Màu Kính Tin
Như một quy luật bất biến, Kinh Thánh cho biết: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.” (Tv 126:5) Thật đúng như vậy, chỉ là người đời rất ư bình thường mà người ta cũng có thể nhận định: “Có nhục mới có vinh.” Tương tự, muốn thành công thì phải khổ luyện, có đau khổ mới có hạnh phúc đích thực.
Theo bản tính con người, ai cũng sợ chết, dù chỉ chết một lần, bởi vì chỉ có một cuộc đời để sống, không thể rút… kinh nghiệm. Thế nên phải cố gắng sống sao cho có ý nghĩa để cái chết hợp lý. Chắc chắn các thánh tử đạo Việt Nam nhận thức được vậy nên không sợ chết, đặc biệt là chết vì tin vào Đức Giêsu Kitô. Đó là một mối phúc: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:10)
Như để tái xác định, Chúa Giêsu giải thích thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.” (Mt 5:11-12)
Thật lạ lùng với cách nhận xét của De Giradin: “Tình yêu chỉ sống được nhờ đau khổ. Sống trong hạnh phúc, tình yêu sẽ chết dần mòn.” Chính đau khổ và hy sinh là bằng chứng về tình yêu chân thật. Tình yêu vô hình, không thể nhìn thấy nhưng có thể cảm nhận. Bussy Rebutin nói: “Tình yêu trong xa cách ví như ngọn lửa trong gió, gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn.” Đó là nói về tình yêu đôi lứa, nhưng vẫn có ý nghĩa đối với các dạng tình yêu khác, kể cả tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa. Tính chất của lửa rất lạ, càng được chia sẻ càng lan tỏa, càng tăng thêm, chứ không bị giảm bớt hoặc mòn dần.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã.” Máu duy trì sự sống bằng cách không ngừng từ Trái Tim – Trung Tâm Phân Phối Sự Sống – chuyển giao đi khắp cơ thể. Người ta khác nhau về loại máu, nhưng chung quy vẫn là sống và yêu. Tim còn đập là còn sự sống, còn sống thì còn yêu.
Theo y học, có khoảng 46 nhóm máu khác nhau, nhưng nhóm máu chủ yếu là O, A, B, AB và yếu tố Rhesus (Rh, có Rh+ và Rh-). Trong đó, máu O có thể cho bất cứ loại máu nào nhưng chỉ nhận cùng loại máu; còn máu AB có thể tiếp nhận mọi loại máu. Tuy nhiên, máu của mỗi nhóm có thể có kháng thể chống lại các nhóm khác. Một nhóm máu hoàn chỉnh có thể bao gồm một bộ 30 chất trên bề mặt của các RBC (red blood cell – hồng cầu), và nhóm máu của cá thể là một trong những cách kết hợp của một số kháng nguyên nhóm máu. Trong số 30 nhóm máu, có hơn 600 chất kháng nguyên (phân tử kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể, sản sinh kháng thể) đã được phát hiện, nhưng đa số rất hiếm hoặc chủ yếu được tìm thấy trong các nhóm bộ tộc nhất định.
Đối với Kitô giáo, Công giáo nói riêng, Thập Giá là biểu tượng của đức tin, vì thế mà những người bách hại dùng Thập Giá – dù chỉ là hai thanh gỗ xếp thành hình thập giá – để bắt người ta bước qua, nhưng chỉ luống công vô ích, vì các tín nhân chân chính luôn tuyệt đối tin vào Đức Giêsu Kitô. Điều đó đã được chứng minh bằng hàng trăm ngàn cái chết của các vị tử đạo Việt Nam trong thời bách hại của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Đó là ứng nghiệm lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt 10:17-18) Lời tiên báo đó đã và đang xảy ra khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam xưa và nay, càng ngày càng có xu hướng gia tăng. Thật đáng sợ với mưu mô thâm độc của ma quỷ, nhưng đừng hốt hoảng, vì Chúa Giêsu đã nói: “Khi người ta nộp anh em thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (Mt 10:19-20) Cứ an tâm mà sống!
Bách hại đủ kiểu, đủ mức, tín nhân cũng chẳng yên thân với chính người thân ngay trong gia đình mình: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10:21-22) Không hẳn là những người trong gia đình hoặc trong dòng họ sẽ nộp nhau hoặc ra mặt chống đối, nhưng có thể “bằng mặt mà không bằng lòng,” họ bách hại nhau bằng nhiều cách tinh vi: Lườm nguýt, xa lánh, ghen ghét, mỉa mai, gièm pha, khích bác,… Đơn giản chỉ là không thúc giục nhau sống đạo.
Âm nhạc có những cung bậc khác nhau nhưng chung giai kết trọn, cuộc đời của chúng ta cũng tương tự, cần noi gương các thánh tử đạo Việt Nam, cùng hòa âm bản Hùng Ca Tin Yêu qua cách sống hằng ngày. Chúng ta không viết bản nhạc cuộc đời mình bằng máu tử đạo, nhưng có thể viết bằng cách khác: Sống âm thầm chịu đựng đau khổ vì Chúa cũng là một cách tử đạo liên lỉ, có ích lợi cho chính mình và các linh hồn. Cách nào cũng có mức độ khó riêng, chẳng cách nào dễ. Quan trọng là chúng ta phải hoàn tất bản tổng phổ đời mình.
Bửu Huyết Đức Kitô đã đổ ra vì thương xót và cứu độ nhân loại. Nhờ đó, nhiều người không tham sanh úy tử, dám liều chết vì Chúa. Đó là những nhân chứng đức tin, là các vị tử đạo. Chính máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống sinh các tín hữu. Cũng là những người có cuộc sống bình thường như chúng ta, nhưng các vị tử đạo đã có cách sống khác thường. Thời đó, Việt Nam mới lãnh nhận đức tin Kitô giáo chưa được bao lâu, nhưng đức tin đã bén rễ mau chóng và sâu sắc.
Cụ thể là chàng trai trẻ Anrê Phú Yên (1625-1644) mới rửa tội được 4 năm, vậy mà đức tin ấy đã sớm trưởng thành nên không ngại thí mạng vì Đức Kitô khi mới 19 tuổi đời. Bà Anê Lê Thị Thành (1781-1841), thường gọi bà Đê, là một bà mẹ Công giáo bình thường, nhưng lại có một đời sống đức tin khác thường, để rồi dám chết vì Đức Kitô. Biết tin vua Thiệu Trị ra lệnh xử trảm, thương gia Matthêu Lê Văn Gẫm (1813-1847) vẫn thản nhiên nói: “Tôi có ăn trộm ăn cướp gì đâu mà sợ, mà buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm.” Thật tuyệt vời biết bao!
Đối với xã hội loài người, họ là những người dại dột, thậm chí là ngu xuẩn, nhưng đối với Thiên Chúa thì họ là những người khôn ngoan. Chúa Giêsu đã giải thích: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10:28) Thật vậy, tác giả sách Khôn Ngoan nói: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa.” (Kn 3:1) Đau khổ chẳng là gì đối với những người hết lòng yêu mến Chúa, vì họ xác tín với lòi Chúa Giêsu: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9:24)
Các vị tử đạo Việt Nam đã chứng minh lòng tin yêu theo lời Thầy Chí Thánh: “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.” (Lc 9:26) Rất rõ ràng. Rất mạch lạc.
Tại Việt Nam, người Công giáo đã từng bị bách hại đủ kiểu, vì thế người Bắc và Trung đã tìm cách di cư vào Nam để có thể tự do tôn thờ Thiên Chúa, nhiều nhất là hồi tháng 07-1954. Mỗi thời có kiểu bách hại riêng, càng ngày càng tinh vi hơn. Thời Cựu ước, sách Ma-ca-bê 2 kể rằng có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Môsê cấm. Bà mẹ là người rất mực xứng đáng khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Hẳn là rất hiếm có bà mẹ nào như vậy. Bà thực sự can đảm, đúng là bà yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Chắc chắn “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13)
Các Việt nhân chân chính sống trung thành, luôn đặt trọn niềm vui và hy vọng vào Chúa, hoàn toàn tín thác nơi Ngài. Họ THEO ĐẠO, cương quyết GIỮ ĐẠO, can đảm SỐNG ĐẠO, và chứng tỏ niềm tin bằng cái chết. Đúng là “vô tri bất mộ.” Không biết thì không yêu mến, nhưng càng biết thì càng thích, càng thích thì càng yêu, càng yêu thì càng mê, mê tới… chết.
Đạo và đời có liên quan lẫn nhau: Người có đạo giữ đạo và sống đạo giữa đời. Các thánh tử đạo Việt Nam đã trải qua như vậy, nhưng các ngài đã kiên cường giữ vững đức tin và không ngả theo cái xấu.
Về phần đời, Việt Nam có danh tướng Trần Bình Trọng đã chống lại quân Nguyên – Mông năm 1285, đời nhà Trần. Ông bị giặc bắt nhưng khí phách vẫn khẳng khái: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.” Một tấm gương sáng về tính cương trực và lòng ái quốc. Ngài Thomas Jefferson (1743-1826), tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, nói: “Nếu pháp luật bất công, người ta không chỉ phải bất tuân mà còn bắt buộc phải làm như vậy.” Thật vậy, Thánh GH Phaolô VI cho biết: “Chính trị là một dạng bác ái cao nhất.”
Lạy Thiên Chúa chí thánh chí tôn, xin ban thêm đức tin và đức mến cho chúng con, xin giúp chúng con can đảm sống chân chính, không xao xuyến trước bất cứ áp lực nào. Lạy chư thánh tử đạo Việt Nam, xin nguyện giúp cầu thay và thúc giục chúng con sống xứng đáng là hậu duệ của các ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU