Home / Chia Sẻ / MÀU SẮC THÁNG MƯỜI MỘT

MÀU SẮC THÁNG MƯỜI MỘT

MÀU SẮC THÁNG MƯỜI MỘTKiếp Người Khổ Bởi Màu Đen Tội Lỗi

Nhân Thế Buồn Vì Sắc Trắng Khăn Tang

Thu về cho lá vàng. Thu đi cho lá rụng. Tháng Mười Một tới, Mùa Cầu Hồn về. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Tháng Cầu Hồn là Mùa Báo Hiếu, Mùa Tri Ân. Cầu hồn liên quan sự chết, sự chết liên quan đám tang, đám tang liên quan khăn tang. Mùa Cầu Hồn phủ màu tím rịm, trầm buồn, nhưng tín nhân vẫn tràn trề hy vọng vào Đức Kitô tử nạn và phục sinh.

Cuộc sống đủ dạng tang tóc. Ai cũng có kinh nghiệm. Khăn tang là dấu hiệu của sự mất mát, nỗi buồn trĩu nặng, nỗi buồn đó càng “lớn” hơn nếu sự mất mát là cha hoặc mẹ. Những thứ khác có thể kiếm lại được, dù là chồng hoặc vợ, nhưng cha mẹ thì không thể tìm lại được. Cũng vậy, người ta có thể chọn nhiều thứ nhưng không thể chọn cha mẹ. Vì thế chữ Hiếu rất quan trọng trong cuộc đời của mọi người!

Ca dao Việt Nam so sánh:

Có cha có mẹ thì hơn

Không cha không mẹ như đờn đứt dây

Đờn đứt dây còn xoay còn nối

Cha mẹ mất rồi, con phải mồ côi!

Cổ tích kể rằng…

Ngày xưa, có vợ chồng nhà phú hộ nọ sinh được năm người con gái. Nhà giàu nhưng lại không con trai, nên bao nhiêu tình thương họ đều dồn vào những cô con gái. Lần lượt năm cô lớn lên, ai nấy đều lập gia đình và đi ở riêng.

Vì các cô lấy chồng xa, nên hai ông bà phú hộ cảm thấy nhớ con quá. Một hôm bà bảo chồng:

– Sắp tới, ông chịu khó trông nhà cửa cho tôi đi thăm chúng một lượt, sau đó tôi lại về trông để ông đi.

– Phải đó, nhưng bà phải đi nhanh lên mới được, đừng bắt tôi đợi lâu!

– Không được đâu, tôi tính ở lại với các con đứa nào ít nhất cũng một tháng, năm đứa vị chi là năm tháng, còn đi đường tổng cộng độ vài ba chục ngày, như vậy cũng mất ngót nửa năm rồi ông ạ!

– Thôi được, thế thì bà cứ đi, bà nhớ đừng để cho đứa nào quấn quýt quá rồi ăn dầm nằm dề ở đó làm cho tôi mỏi mòn trông đợi.

Rồi người vợ cùng con hầu ra đi. Nhưng chỉ được vài tháng đã thấy bà trở về, vẻ mặt buồn xo. Thấy thế, ông liền hỏi dồn:

– Cớ sự làm sao mà bà về nhanh như vậy? Có gặp điều gì khó khăn dọc đường hay không mà vẻ mặt bà không được vui thế?

Bà phú hộ đáp:

– Chẳng có gì hết, tôi vẫn bình yên, chúng nó đều mạnh khỏe cả. Tôi về sớm là vì tôi muốn ông khỏi trông. Ông cứ đi một lần cho biết.

Thấy vợ nói úp úp mở mở, ông phú hộ chẳng hiểu gì nên cuối cùng cũng sắm sửa hành lý ra đi. Ông ghé nhà người con gái thứ nhất. Chàng rể tiếp đón niềm nở làm ông hài lòng, nhưng con gái ông lại không được như thế, nó chỉ chuyện trò giả lả được đôi câu rồi quay vào công việc của nó.

Đến khi chồng nó ra đồng trông coi thợ cày cấy, con gái ông lúi húi lo việc bếp núc, cha con chẳng có dịp chuyện trò. Mãi đến gần trưa, ông cảm thấy bụng đói cồn cào, định bảo nó dọn cho mình ăn trước như khi còn ở nhà, nhưng rồi lại nghĩ: “Để xem nó đối đãi với cha nó ra sao cho biết!” Ông thấy con gái chờ chồng về mới dọn cơm ra. Chàng rể ông lúc ấy tuy đã về rồi mà vẫn còn bận một số công việc nên ông phải đợi tiếp. Đến khi thấy quá trưa, con gái ông mới gọi chồng:

– Mình ơi, hãy để đó vào ăn cơm đi, cho ông già ăn với!

Nghe con gái nói thế, ông cảm thấy không vui. Chiều hôm ấy và liên tiếp những ngày sau cũng vậy. Ông nghiệm ra rằng con gái ông chăm sóc cho chồng nó chứ không phải cho ông: “Thì ra bây giờ nó coi cha nó chẳng ra cái quái gì. Nếu chồng nó không ăn thì có lẽ mình cũng phải ngồi nhịn đói.” Ở chơi được ít ngày, thấy con gái không được vồn vã đằm thắm như xưa, ông liền từ giã vợ chồng nó mà đi đến nhà đứa khác.

Lần này vừa đi ông vừa lẩm bẩm: “Chắc thế nào những đứa sau cũng phải khác chứ, chẳng lẽ đứa nào cũng như vậy cả sao? Vợ chồng ta trông cậy chúng nó rồi đây sẽ chia nhau về phụng dưỡng một khi bố mẹ tuổi già kia mà!”

Nhưng khi đến nơi, ông thấy đứa thứ hai cũng chẳng khác gì đứa đầu. Nghe bố đến thăm cũng tiếp đãi gọi là cho tròn bổn phận rồi lại loay hoay vào công việc nhà chồng, bỏ mặc ông chẳng chút quan tâm.

Lần lượt ông đi thăm đủ cả năm cô con gái yêu quý nhưng chẳng đứa nào là không say mê với công việc của nó, chẳng đứa nào quan tâm chăm sóc đến ông như lúc còn ở nhà. Sau cùng, ông chép miệng:

– Vậy là con gái khi bước về nhà chồng thì chẳng còn là con mình nữa. Nó xem chồng trọng hơn bố mẹ nhiều.

Nghĩ vậy nên ông quày quả trở về. Ông tính lại thời gian thăm con cả đi lẫn về còn ngắn hơn cả bà. Khi về, ông gọi vợ lại và nói:

– Thế là mấy đứa con gái có cũng như không, chẳng hy vọng gì vào chúng nó đỡ đần mình tuổi già nữa rồi. Bây giờ bà để tôi đi kiếm một đứa con nuôi đặng mai sau nó săn sóc chúng mình lúc mắt lòa chân chậm. Bà nó nghĩ sao?

Vợ phú hộ trả lời:

– Thôi ông ạ! Đừng có đi mà mất công, nhọc xác. Con đẻ rứt ruột ra mà chúng không đoái không hoài thì con nuôi có làm được gì?

Phú ông liền bảo:

– Trên đời này có kẻ tốt người xấu, đâu phải ai cũng như ai, bà đừng ngại.

– Được rồi, ông cứ đi đi, cố tìm một đứa con ngoan phụng dưỡng, mọi việc ở nhà mặc tôi lo liệu.

Phú hộ bèn đóng vai một ông già nghèo khó rồi ra đi từ làng này đến làng khác, đến đâu ông cũng rao:

– Ai mua cha không? Có ai mua cha thì ra mà mua! Mua ta về làm cha chỉ mất năm quan tiền thôi!

Mọi người nghe ông già rao như vậy thì tưởng ông điên. Có người còn vui miệng nói:

– Mua lão ấy để về nhà mà hầu ư? Rồi đây lão ta trăm tuổi qua đời chả được đồng nào còn phải lo tống táng nữa sao? Thà là nuôi một người đầy tớ còn hơn!

Tuy có nghe nhiều lời mỉa mai cười cợt, phú ông vẫn không nản chí, vẫn đi hết xóm này đến ấp kia, miệng rao không ngớt:

– Có ai mua cha không này?

Bấy giờ ở làng nọ có hai vợ chồng một nông phu nghèo, nghe có người đi bán mình làm cha, chồng bảo vợ:

– Hai vợ chồng mình mồ côi từ thuở bé, chưa bao giờ được hưởng tình cha con, lại chưa có mụn con nào, thật là buồn. Thôi thì ta mua ông già này về thủ thỉ với nhau khuya sớm cho vui cửa vui nhà.

Thấy vợ bằng lòng, anh chàng chạy ra đón ông già vào và nói:

– Ông định bán bao nhiêu tiền?

– Năm quan không bớt.

Anh chồng liền thưa:

– Thú thật với ông, nhà tôi nghèo quá, muốn mua ông nhưng không sẵn tiền. Vậy ông ngồi chơi để tôi bảo nhà tôi đi vay xem sao.

Phú hộ ngồi chờ hồi lâu, thấy chị vợ chạy đi một lát rồi lại quay về, nhưng số tiền vay được cùng với tiền nhà gom lại cũng chỉ có hai quan. Anh chồng liền nói:

– Thôi thì ông thông cảm cho, hai ngày nữa mời ông trở lại, chúng tôi sẽ có đủ tiền.

Hai ngày sau, vợ chồng anh nông phu trao tiền cho ông, mời ông vào nhà “cha cha, con con” rất thân tình. Phú hộ thấy đầu tóc người vợ bây giờ biến đi đâu mất liền hỏi:

– Này con ơi, tại sao đầu tóc của vợ con lại cắt cụt đi như vậy?

Anh chồng tần ngần đáp:

– Chẳng giấu gì cha, nhà con quá nghèo không đủ tiền mua, mà nếu không mua thì biết có dịp nào tốt hơn. Vì vậy, vợ con phải cắt tóc đi bán mới có đủ số tiền năm quan đó.

Từ ngày có người cha nuôi, hai vợ chồng nông phu tỏ ra rất niềm nở và chịu khó chăm sóc hầu hạ ông không biết mệt. Phú ông vẫn không cho biết gốc tích quê quán thật của mình, hằng ngày vẫn cứ ăn no ngủ kỹ, đôi lúc lại kêu nhức đầu, mỏi lưng, bắt họ phải xoa bóp hoặc tìm thầy chạy thuốc.

Mặc dầu vậy, hai vợ chồng vẫn cơm nước săn sóc không bê trễ. Cứ như vậy được vài tháng sau, nhà họ đã nghèo lại càng mạt thêm.

Hai vợ chồng phải cố gắng làm thêm để nuôi cha, có bữa phải nhịn đói để nhường cơm cho ông già. Tình hình như vậy kéo dài nửa năm, nợ nần của họ chồng chất quá nhiều mà trong nhà gạo tiền đã kiệt. Tuy vậy, họ vẫn không hề lộ vẻ mỏi mệt, cố làm vui lòng cha già. Một hôm, hai vợ chồng ngủ dậy đã thấy người cha nuôi khăn gói chỉnh tề, ông bảo họ:

– Các con hãy đốt cái nhà này rồi đi theo ta!

Vợ chồng anh nông phu trố mắt nhìn nhau, tưởng ông phát điên, nhưng sau đó lại thấy ông phú hộ giục bảo:

– Làm con thì phải vâng theo cha mẹ, chớ có sai lời. Cha đã bảo các con đi theo cha kiếm ăn thì cứ việc đi, còn cái nhà này ọp ẹp chẳng đáng bao nhiêu đừng tiếc nữa.

Vợ chồng nghe thế thì biết ông nói thật, không dám cãi, đành nhặt vài món đồ buộc thành một gói, rồi châm lửa đốt nhà. Đi theo ông già, họ thấy ông ban ngày lần hồi xin ăn, tối tối lại vào nhà người xin ngủ nhờ, nhưng họ vẫn vâng lời, không chút phân vân.

Ba người đi xin ăn như thế được năm ngày, cuối cùng đến trước một ngôi nhà ngói tường vôi, ông vui vẻ nói:

– Các con ơi, đã đến nhà ta rồi!

Bà phú hộ bước ra cổng đón vào, ông tươi cười bảo vợ:

– Bà này, đây mới thật là con của chúng ta đấy!

Bấy giờ vợ chồng anh nông phu mới ngớ người ra, biết được cha mẹ nuôi mình là một nhà giàu có. Phú hộ bảo anh nông phu lấy theo họ mình, và từ đó hai vợ chồng bước vào một cuộc đời sung sướng.

Ít lâu sau, phú hộ lâm bệnh nặng. Biết mình sắp gần đất xa trời, ông bèn làm tờ di chúc để phần lớn gia tài cho đứa con nuôi, đoạn ông gọi vợ đến trối rằng:

– Sau khi tôi chết, bà nhớ ĐỪNG cho năm đứa con gái biết tin đấy!

Ông nói tiếp:

– Nếu chúng nó có nghe ai mách mà về đây, chưa biết chừng tôi sẽ “bứt néo” trỗi dậy cho mà coi. Việc để tang thì đứa con trai cứ theo cổ tục, cắt tóc, đội mũ, quấn rơm trên đầu để chứng tỏ mình chịu cực chịu khổ với cha mẹ thì thôi cũng được, nhưng đứa con dâu thì bà bảo nó khỏi cắt tóc, vì tôi chưa bao giờ quên được cái việc nó đã hy sinh mái tóc dài của nó để mua cha, vậy nó chỉ cần đội khăn tang là đủ.

Nhưng khi tẩm liệm cho chồng xong, bà phú hộ vì nặng lòng nên cũng cho người lén báo tin cho năm đứa con gái biết. Khi chúng về, bà đón ở cổng, thuật lại lời trối của cha cho chúng nghe và bảo chúng đừng có vào nhà, kẻo có sự chẳng lành.

Năm đứa con gái hối hận lắm, nhưng việc đã rồi biết làm sao? Khi đưa linh cữu cha, chúng đòi đi đưa cho bằng được. Khuyên can con mãi không xong, cuối cùng bà buộc lòng phải xé cho chúng ngoài khăn tang ra còn thêm mỗi đứa một vuông vải cho các con gái che mặt lại để mong linh hồn bố chúng khỏi biết.

Từ đó, người ta bắt chước để tang theo cách gia đình này đã làm: Con trai cắt tóc vành rơm, mũ mấn, dây lưng chuối như cổ tục, con dâu được miễn cắt tóc, chỉ đội khăn tang, lại miễn cả che mặt. Còn con gái ngoài khăn tang còn có thêm một mảnh vải che mặt.

Lời bàn: Chuyện đời lắm cảnh éo le, cười ra nước mắt. Thật đáng buồn cho cái thế thái nhân tình biết bao! Đáng buồn hơn là chuyện đó lại xảy ra ngay trong gia đình, giữa mối thâm tình nhất của cuộc đời này. Đúng như ca dao nói: “Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng, Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày!”

Cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước viết ca khúc “Ơn Nghĩa Sinh Thành” với những ca từ thật đẹp và đầy tính giáo dục: “Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu. Em ơi, hãy nhớ năm xưa, những ngày còn thơ, công ai nuôi dưỡng. Công đức sinh thành, người hỡi đừng quên. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Người ơi, làm người ở trên đời, nhớ công người sinh dưỡng, đó mới là hiền nhân. Vì đâu, anh nên người tài ba? Hãy nhớ công sinh thành, vì ai mà có ta?”

Cha mẹ nuôi dưỡng con cái nhưng chẳng mong được đền đáp, nhưng bổn phận làm con (dù trai hay gái) phải biết sống cho trọn Đạo Hiếu – một trong những giới răn của Đạo Làm Người. Dù là ai, không có niềm tin tôn giáo hoặc theo bất cứ tôn giáo nào, trước tiên phải “làm người,” phải giữ Đạo Làm Người – trong đó có luật sống có Hiếu. Thật vậy, không gì tốt hơn là “có hiếu,” và không gì tệ hơn “bất hiếu,” vì không ai lại không có cha mẹ. Ca dao có nhiều câu nói về Đạo Hiếu đối với song thân Phụ Mẫu. Chẳng hạn:

Làm trai đủ nét trăm đường

Trước tiên điều hiếu, đạo thường xưa nay

Công cha, đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ hai thân

Thức khuya dậy sớm chuyên cần

Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con

Hoặc như cách phân tích của ca dao:

Ngày nào em bé cỏn con

Bây giờ em đã lớn khôn thế này

Cơm cha, áo mẹ, công thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao

Rất giản dị mà sâu sắc, tưởng chừng rất dễ mà lại khó thực hành vuông tròn. Bất kỳ thứ gì mất thì cũng hầu như có thể thay thế bằng thứ khác, nhưng cha mẹ thì không có gì khả dĩ thay thế, một khi các ngài đã khuất bóng. Biết ân hận là điều tốt, nhưng chính nỗi ân hận đó sẽ cắn rứt lương tâm những nghịch tử suốt đời, không ngừng phải khổ tâm.

Con người là sinh vật cao cấp nhất thì phải có văn hóa, mà văn hóa cao cấp nhất hẳn phải là chữ Hiếu!

Kinh Thánh dạy: “Hãy thảo kính cha mẹ.” (Hc 3:1-16) Chính Thiên Chúa cũng luôn tôn trọng chữ Hiếu, nên Ngài đặt luật “thảo kính cha mẹ” là giới răn thứ tư trong Mười điều Răn. Chính Thiên-Chúa-làm-người là Con Trẻ Giêsu, sau ba ngày “lạc” cha mẹ, đã theo cha mẹ “trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.” (Lc 2:51)

Con Thiên Chúa đã nêu gương giữ trọn bổn phận đối với cha mẹ Ngài, đó là Ngài thi hành chữ Hiếu.

TRẦM THIÊN THU

 Nhớ Ơn – https://youtu.be/z7mv90f5q6Q

 

Xem trước video trên YouTube ✠ NHỚ ƠN by Trầm Thiên Thu

✠ NHỚ ƠN by Trầm Thiên Thu

Xem thêm

23-1-2025 11-25-05 AM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT TUẦN III THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM AN TÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Năm Thánh – Năm Hồng Ân SUY NIỆM CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN – C (Lc …