Cầu vồng mới có màu, chứ cầu hồn mà cũng có màu sắc ư? Có “lộn chuồng” không đấy? Xin thưa ngay: KHÔNG.
Cầu vồng có bảy sắc, vậy cầu hồn mấy màu hoặc màu gì? Đa sắc màu. Người thì thấy màu trắng như khăn tang và áo sô, người thì thấy màu đen thui hoặc tím rịm như cờ tang. Ảm đạm. U buồn. Cô đơn. Đau khổ. Nghẹn ngào. Lạc lõng. Trống vắng. Tủi thân. Tất cả bỗng dưng… xám xịt!
Trong Tháng Mười Một và tại các đám tang, chúng ta thường thấy chữ viết tắt R.I.P. Có thể một số người không biết chữ đó có ý nghĩa gì. Chữ này có nguồn gốc từ tiếng Latin.
Tiếng Latin: Requiescat in pace (R.I.P.).
Tiếng Anh: Rest in peace (R.I.P.).
Tiếng Ý: Riposi in pace (R.I.P.).
Tiếng Pháp: Repose en paix (R.E.P.).
Tiếng Đức: Ruhe in Frieden.
Tiếng Hy Lạp: Αναπαύσου εν ειρήνη ([anaˈpafsu en iˈrini]).
Tiếng Nhật: 安 ら か に 眠 れ (Yasuraka ni nemure).
Tiếng Hàn: 고인의 명복을 빕니다 (Goinui myeongbogeul bimnida).
Tiếng Bồ Đào Nha: Descanse em Paz.
Tiếng Tây Ban Nha: Descanse en paz / Que en paz descanse (D.E.P./Q.E.P.D.).
Tiếng Esperanto: Ripozu pace (R.P.).
Tiếng Việt: Xin cho các linh hồn được nghỉ yên.
TỪ MÀU XÁM XỊT, ĐEN SẪM…
Cái chết là thất bại lớn nhất của loài người, nguyên nhân do đã phạm tội. Thế thì tiêu! Chó chết thì hết chuyện. Người chết vẫn còn chuyện. Tục ngữ Việt Nam có câu rất quen thuộc:
Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Biết mình sắp chết, người ta thường có di chúc hoặc lời trăn trối. Và người sắp chết luôn thật lòng. Cái “bia miệng” đó vẫn còn, dù người chết là người tốt hay xấu. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.
Trong ca khúc “Hận Tình”, nhạc sĩ Mạc Phong Linh (cũng là tên nhóm Lê Minh Bằng – gồm các nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, và Anh Bằng), hai người yêu nhau hỏi nhau: “Nếu mai anh (em) chết em (anh) có buồn không? Sao em (anh) không đến khi anh (em) còn sống?… Lỡ mai anh (em) chết em khóc nhiều không? Sao không âu yếm khi anh (em) còn sống?…”. Đặc biệt là câu hỏi này: “Lỡ mai anh (em) chết em (anh) hứa gì không? Anh (em) xin bia đá thêm tên người sống, anh (em) xin ngôi mộ đẫm lệ tình nồng, những khi gió lùa đêm đông, hồn anh (em) không quá lạnh lùng…!”. Ca khúc có tựa đề “Hận Tình” nghe sao mà “chua chát” quá, nhưng lời lẽ thì chẳng có chi là hận tình.
Người ta sắp chết mà vẫn nuối tiếc, nhất là không biết còn ai nhớ tới mình nữa hay không. Nhưng rồi tất cả sẽ qua. Và mọi thứ lại trở nên bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Cũng phải vậy thôi, vì như thế người ở lại mới đủ sức bước đi tiếp, chứ cứ ủ rũ và đau khổ vì sự mất mát quá lớn thì làm sao sống nổi!
Trong ca khúc “Cỏ Úa”, NS Lam Phương bày tỏ: “Còn nhớ tên nhau xin gọi trong giấc mộng, còn chút thương yêu xin đưa vào dư âm… Từ lúc em đi trong rượu cay men nồng, màu trắng khăn tang quanh căn phòng cô đơn… Một chiều trên đồi em làm thơ, cỏ biếc tương tư vàng úa…”.
Yêu thương nhau càng nhiều thì càng thương tiếc và thương nhớ nhiều. Cỏ biếc mà bỗng dưng vàng úa vì thương nhớ. Nhưng vấn đề là “sao không đến, sao không âu yếm khi còn sống” mà lại để lúc người ta chết rồi mới “ra vẻ thương tiếc”, thậm chí còn muốn “thêm tên người sống” vào bia mộ của người chết cho có vẻ “chung thủy”. Biết thương thì xương chẳng còn. Đời là thế!
Người ta có nhớ lắm thì cũng chỉ có thể “gọi trong giấc mộng”, chỉ còn là dư âm, mà rồi thì cũng chỉ được vài tháng, cao lắm thì được vài năm, giỗ ba năm xong là bát nhang lạnh tanh, mạng nhện giăng ngang. Còn ai nhắc đến tên nữa không?
Đó là sự-thật-phũ-phàng của trần gian. Vì thế Giáo hội kêu gọi mọi người còn sống đặc biệt nhớ cầu nguyện cho những người đã khuất hằng ngày, nhất là ngày Lễ Cầu Hồn và Tháng Cầu Hồn. Để “hồn anh (em) không quá lạnh lùng” vì thiếu nước-hồng-ân của Thiên Chúa được trao tặng nhờ những lời cầu nguyện của những người còn sống!
…CHUYỂN SANG XANH BIẾC VÀ HỒNG TƯƠI
Thật hạnh phúc vì chúng ta tôn thờ một Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, chậm giận mà mau tha thứ, biết mọi thứ mà lại dễ quên. Vì thế, cầu hồn không còn xám xịt nỗi buồn mà chợt biếc xanh màu hy vọng, hồng tươi màu mừng vui: “Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103:10).
Không chỉ vậy, Thiên Chúa còn hơn như thế: “Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103:11-12). Còn phúc đức nào lớn hơn như thế đâu!
Thiên Chúa là người cha chạnh lòng thương con cái, Ngài chạnh lòng thương những kẻ kính tôn. Ngài chẳng chấp lách gì thứ “tép riu” như chúng ta: “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi. Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình. Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại (Tv 103:14-17).
Phàm nhân chẳng đáng gì với Ngài, tất cả đều là Hồng Ân Thiên Chúa mà thôi! Nếu như Ngài chấp tội, chẳng có ai đứng vững. Nhưng “Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130:3-4).
Biết là đầu mối sự khôn ngoan. Nhận biết mình tội lỗi và bất xứng thì mới khả dĩ tự hạ, có thể chân thành thân thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử. Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51:3-7).
Đồng thời biết xin Ngài “nâng cấp” chính chúng ta: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 51:12-14). Thiên Chúa là đệ nhất phú túc, đệ nhất phú quý, đệ nhất thánh thiện, Ngài không cần gì cả, Ngài chỉ muốn lòng chân thành của chúng ta: “Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50:19).
Tác giả Thánh Vịnh nói rõ: “Ai được vào ngụ trong nhà Chúa, được ở trên núi thánh của Ngài? Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy” (Tv 15:1-2). Thật vậy, ngoài Chúa ra, chẳng có gì là hạnh phúc (Tv 16:2), và chỉ có chính Chúa mới là phần gia nghiệp vĩnh hằng (Tv 16:5-6), như Thánh Phaolô đã xác định: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1:21).
Lễ Cầu Hồn khói nhang nghi ngút, nến đèn lung linh, lời kinh râm ran,… tất cả hòa quyện thành bức tranh đa sắc màu, như bản tổng phổ đa âm thanh trầm hùng và lắng đọng nhưng không buồn bã, vì khói bay tỏa những lời kinh lấp lánh yêu thương lên Thiên Tòa, và chắc chắn Ngài sẽ vui lòng giảm án hoặc xóa án cho các linh hồn đang phải chịu thanh tẩy nơi luyện hình. Lạ thật, “nhặt một cây đinh vì yêu mến Chúa thì cũng có thể cứu được một linh hồn” (Thánh Teresa Hài Đồng).
Lời cầu nguyện là “sức mạnh” của con người, và là “sự yếu đuối” của Thiên Chúa, vì chính Chúa Giêsu đã cho phép điều đó xảy ra: “Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy” (Ga 16:23).
Hãy cầu nguyện và hy sinh để “bảo lãnh” cho các linh hồn, các linh hồn sẽ nguyện giúp cầu thay cho chúng ta, để chúng ta cùng được nghe Chúa dịu dàng nói: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25:34).
Lạy Chúa Trời, xin mở miệng chúng con, cho chúng con cất tiếng ngợi khen Ngài (Tv 50:17). Chúng con xin dâng mọi sự cho Chúa vì yêu mến Ngài và để cứu các linh hồn. Nhờ Máu và Nước của Đức Giêsu Kitô, Con Cha, xin Cha thương xót mà tha thứ cả tội và vạ cho chúng con. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU