Home / Chia Sẻ / Maria-Mađalêna, nữ tông đồ đầu tiên

Maria-Mađalêna, nữ tông đồ đầu tiên

 

 

 

Maria-Mađalêna, nữ tông đồ đầu tiên

bởi phanxicovn

lavie.fr, Régis Burnet, 2018-03-28
              hqdefaultMaria-Mađalêna là nhân chứng đầu tiên của Chúa Sống Lại, nhưng với chúng ta bà vẫn là một bí ẩn. Nhân mùa Phục Sinh, báo Sự Sống có loạt bài về hình ảnh rất cảm hứng này của Thánh Kinh. Chúng ta cùng xem lại câu chuyện này với ông Régis Burnet, giáo sư Tân Ước ở Đại học Công giáo Louvain, nước Bỉ, nhà viết xã luận của báo Sự Sống, tác giả quyển Maria-Mađalêna. Từ người phụ nữ tội lỗi ăn năn trở lại đến hiền thê của Chúa Giêsu (2004).
Khi người đọc mở quyển Thánh Kinh để tìm Maria-Mađalêna, họ sẽ không tìm ra bà. Hay đúng hơn, họ tìm ra quá nhiều. Đối với đa số, tên bà là hình ảnh của người tội lỗi được tha thứ có mặt dưới chân thánh giá khi Chúa Giêsu bị đóng đinh và là một trong các phụ nữ đầu tiên được Chúa Giêsu hiện ra sau khi Ngài sống lại. Hình ảnh truyền thống là hình ảnh phối hợp của ba phụ nữ khác nhau: Maria-Mađalêna (hay Maria của thành Mácđala), Maria của làng Bêtania và người phụ nữ tội lỗi vô danh.
           Maria của thành Mácđala, người trung tín vượt qua cái chết
              Trước hết chúng ta biết Maria thành Mácđala, mà ba trong bốn Phúc Âm chỉ nói đến từ cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Chỉ có Phúc Âm Thánh Luca là giới thiệu bà một chút trước đó, giải thích bà ở trong nhóm phụ nữ đi theo Chúa Giêsu khắp nơi, lấy của cải của mình giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ, thánh sử cũng nói đến bà Gioanna, vợ của quan quản lý nhà vua, bà Suzanna và nhiều bà khác nữa. Các bà được lành khỏi “quỷ dữ và bệnh tật”; bà Maria Mácđala được trừ khỏi bảy con quỷ dử. Bà có thể là một phụ nữ vùng Galilê (Mácđala là một thị trấn nhỏ ở bên bờ hồ Tibêria), bà khá giả, sau khi được trừ quỷ, bà vào trong nhóm các môn đệ. Việc nói chính xác chuyện này đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực và góp phần vào việc đồng hóa bà với người phụ nữ tội lỗi mà chúng ta sắp nói đến.  Nhưng lời chú giải này thì khá lỗi thời. Trong Phúc Âm, quỷ không liên quan đến tâm hồn, nhưng đến thể xác. Chúng không phải là quyền lực tà ác thúc đẩy con người làm việc xấu, nhưng là những lực tiêu cực chiếm lấy cơ thể con người. Quả vậy, người ta giải thích nhiều bệnh bị ảnh hưởng của quỷ, kể cả bệnh thân thể (bệnh tê liệt), bệnh tâm lý (tâm phần phân liệt, chứng rối loạn lưỡng cực).
              Được Chúa Giêsu chữa lành, Maria tham gia vào nhóm những người đi theo Chúa Giêsu, phải nhớ là không phải chỉ 12 thánh tông đồ. Sự hiện diện của bà nhắc cho chúng ta nhớ, nhóm các môn đệ có nhiều phụ nữ, họ đóng một vai trò quan trọng vì chính họ là ân nhân của Chúa Giêsu và các môn đệ đi theo Ngài. Nếu các Phúc Âm không nói gì nhiều, nhưng tất cả đều nói đến sự hiện diện của Maria-Mađalêna dưới chân thập giá, trong khi các ông, đứng đầu là Thánh Phêrô đã bỏ Thầy của mình (Mt 27, 56; Mc 15, 40; Lc 23, 49; Ga 19, 25). Ở đây một lần nữa, qua sự chính xác đáng ngạc nhiên này, trong một xã hội gia trưởng đã cho chúng ta thấy, sự vượt trội của các phụ nữ bên cạnh Chúa Giêsu. Dấu ấn của sự gắn bó này thường phối hợp với các phụ nữ thánh thiện ở giai đoạn sau, dù các Phúc Âm chỉ nêu rõ trường hợp ông Giuse Arimathê và ông Nicôđêmô trong Phúc Âm Thánh Gioan (Mt 27, 57-61; Mc 15, 42-47; Lc 23, 50-56; Ga 19, 38-42). Dù các Phúc Âm không nêu rõ, nhưng hình ảnh Maria hiện diện ở mọi lúc trong các bức ảnh ở nhà thờ, từ khi hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, đến khi đặt Chúa vào mồ.
Sự hiện diện của bà nhắc cho chúng ta nhớ, nhóm các môn đệ có nhiều phụ nữ.
           
            Chúng ta cũng thấy các phụ nữ này trong các lần Chúa hiện ra sáng Phục Sinh. Bốn Phúc Âm đều nhắc đến bà Maria trong số các bà đi nhanh đến mộ để tẩm thơm xác (Mt 28, 1; Mc 16, 1; Lc 24, 10; Ga 20, 1). Sự trung tín của người phụ nữ thành Mácđala vượt lên cả cái chết. Bà được đền bù, được Chúa hiện ra lần đầu tiên giữa các phụ nữ chứng tỏ tầm quan trọng của họ trong cộng đoàn đầu tiên.
           Phúc Âm của Thánh Gioan còn đi xa hơn, vì ngài ca ngợi Maria trong câu chuyện hiện ra đặc biệt mà thường được nhắc đến một trong các câu là “Noli me tangere”, “Đừng đụng đến Thầy” (Ga 20, 11-18). Một câu viết phi thường, đoạn này vừa cùng lúc nói lên nỗi tuyệt vọng của Maria đứng trước cái chết của thầy, vì bà không nhận ra Ngài; và tình yêu mến sâu đậm mà Chúa Giêsu gắn kết với môn đệ của mình, thể hiện qua sự trao đổi giữa hai tên “Maria!”,  “Ráp-bu-ni!”; và cuối cùng là sự khó khăn để hiểu thế nào là Sống Lại. Quả vậy, câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu – “Đừng đụng đến Thầy”, mà người ta có thể dịch là “Đừng giữ Thầy lại” – cho thấy từ nay các quan hệ mới với Người Sống Lại phải được đặt ra: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20, 17). Lòng trung thành của Maria-Mácđala được hoàn tựu cao điểm trong một nhiệm vụ mới: loan báo cho anh em mình sự Sống Lại của Chúa. Từ đoạn Phúc Âm này, mọi Truyền thống đều khẳng định, bà là “tông đồ của các tông đồ, apostolorum apostola”. 
                   Maria Bêtania, mối dây liên kết gần như trong gia đình
              Maria Bêtania là một nhân vật khác. Cùng với chị Mácta, bà thể hiện một hình thức trung thành khác, lòng trung thành trong gia đình. Thật vậy hai chị em không ở trong nhóm đi theo Chúa Giêsu. Nét đặc biệt của họ là ngôi nhà của họ, nhà Bêtania, nhà Chúa Giêsu xem “như nhà mình”. Chúng ta biết câu chuyện này qua ba giai đoạn. Đầu tiên, là trong Phúc Âm Thánh Luca (Lc 10, 38-42), tả rất rõ đời sống của gia đình này. Một đời sống trở thành nổi tiếng qua các chi tiết: Mácta lăng xăng làm đủ chuyện nhà. Maria nghe Chúa Giêsu, ngồi bên chân Ngài như một cô học trò chăm chỉ. Khi Mácta than phiền, Chúa Giêsu xác nhận: “Maria đã lựa phần tốt nhất”. Theo truyền thống, lời nói này dùng để xác nhận đời sống chiêm nghiệm thì cao hơn đời sống hoạt động. Nhất là nó xây dựng hình ảnh của đời sống thiêng liêng hàng ngày, phát triển trong trọng tâm đời sống hàng ngày.
                Mối dây gia đình với hai chị em này cũng được mô tả qua việc ông Ladarô được sống lại trong Phúc Âm Thánh Gioan (Ga 11, 1-46). Trong lời trách của Mácta, lần này bà là người đầu tiên chạy đến Chúa Giêsu, rồi sau đó là Maria nói với thầy của họ, chúng ta thấy tất cả nỗi đau của cảm nhận bị bỏ rơi, “Nếu có thầy ở đây…”: chỗ của thầy là ở bên đầu giường Ladarô khi Ladarô bệnh, thầy đã bỏ chúng tôi. Mối dây thương yêu được xác nhận trong đoạn Phúc Âm, nhắc rằng, Chúa Giêsu “quý mến cô Mácta, em cô là Maria và Ladarô” được trích dẫn chung: đây là một tình thương mật thiết. Câu chuyện cũng được xác nhận bởi trường hợp duy nhất này trong Phúc Âm Thánh Gioan, đứng trước gia đình đang tang tóc, Chúa Giêsu khóc, và tất nhiên, nhờ sự Sống Lại thật kinh ngạc của người chết được trình bày trong Tin Mừng như lời báo trước sự Sống Lại của Ngài.
              Một đoạn khác củng cố cho ý tưởng gia đình Maria có mối liên hệ đặc biệt với Chúa Giêsu, đã cho phép Đức Giêsu có một hành vi ngôn sứ mà người ta thường gọi là “xức dầu ở Bêtania” (Ga 12, 1-11; Mt 26, 6-13; Mc 14, 3-9). Thật ra chỉ có Thánh Gioan mới đề cập đến người phụ nữ ở Bêtania, còn Thánh Mát-thêu và Thánh Luca thì chỉ nói đến một phụ nữ ẩn danh. Nhưng các bản văn rất gần nhau nên chúng ta có thể nhận ra cùng một đoạn: trong một bữa ăn, Maria đập vỡ một bình dầu thơm rất đắt tiền và đổ trên đầu Chúa Giêsu theo Phúc Âm Thánh Mát-thêu và Thánh Máccô, còn trong Phúc Âm Thánh Gioan thì đổ lên chân. Còn đối với những người thì thầm, (Thánh Gioan nói là Giuđa) thì Chúa Giêsu loan báo trước việc mai táng mình và đó là một hành động đáng nhớ.
                Người phụ nữ tội lỗi được tha thứ
             Cho đến bây giờ, không một đề cập nào nói đến tội lỗi. Làm thế nào lại kết hợp Maria-Mađalêna với hình ảnh người tội lỗi? Đó là trong đoạn Phúc Âm của Thánh Luca nói về việc xức dầu thơm ở Bêtania mà chúng ta thấy chìa khóa này (Lc 7, 36-50). Thánh sử không những nhắc đến tên người phụ nữ đến xức dầu (ở chân, như trong Phúc Âm Thánh Gioan). Nhưng, Thánh Luca còn nói thêm: “Đó là người phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành”. Thành ngữ kỳ lạ này cho thấy mọi người biết đến Maria là người “tội lỗi”, có lẽ có nghĩa cô là cô gái điếm (hay bị cho là như vậy). Sự liên hệ với tội này làm cho chủ nhà thầm nghĩ vì sao một phụ nữ như vậy lại dám chạm đến Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng: “Vì thế tôi nói cho ông hay, tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều (Lc 7, 47- 48), rồi Ngài nói thêm: “Lòng tin của chị đã cứu chị, chị hãy đi bình an”. (Lc 7, 50).
                Phải chú ý nhiều đến thời gian tính của các lời tuyên bố này, để nắm bắt ý nghĩa thích hợp cho nhân vật tội lỗi được tha thứ này. Trước hết Chúa Giêsu đưa ra một lời tuyên bố thần học thiết yếu: chính tình yêu và đức tin đã cứu tội lỗi; đó là những yếu tố duy nhất Ngài giữ lại khi một hành vi đã làm xong. Kế đó là việc tha tội đã đi trước lời xác nhận sự tha tội này. Những tội mà người phụ nữ được tha ngay khi bà nhận biết đức tin và tình yêu, ngay cả trước khi bà xức dầu thơm. Thay vì nói người phụ nữ phạm tội được tha, thì nên nói người phụ nữ mà đức tin và tình yêu của bà đã xóa lỗi lầm của mình.
               Ba trong một?
           Ba phụ nữ ba số phận khác nhau. Maria Bêtania là người Giuđêa và ở một chỗ, Maria-Mađalêna là người Galilê đi đây đi đó và người phụ nữ tội lỗi vô danh; không có ai trong hai phụ nữ Maria Bêtania và Maria-Mađalêna là người tội lỗi trong Phúc Âm Thánh Luca. Nhưng từ thời xa xưa, ba phụ nữ này bị dính với nhau. Hai người trong số họ có tên là Maria, và cả hai đều mang theo dầu thơm, một người để tôn vinh Chúa, một người để tẩm liệm Chúa. Tất nhiên người phụ nữ tội lỗi vô danh được cho là Maria Bêtania vì Thánh Luca thuật chuyện cùng một cách (dù ngài cho một ý nghĩa khác).
               Ba phụ nữ liên kết với nhau khá sớm trong đầu óc tín hữu, nhưng phải chờ đến thế kỷ thứ 6 mới có sự xác nhận chính thức. Năm 591, Giáo hoàng Gregoria Cả đã phê chuẩn điều mà mọi người đã ít nhiều nghĩ đến: “Người phụ nữ mà Thánh Luca gọi là ‘người tội lỗi’ và Thánh Gioan gọi là ‘Maria’, chúng ta tin rằng đó là bà Maria mà Thánh Máccô chứng nhân bà đã được trừ khỏi bảy con quỷ”. Đức Giáo hoàng đã làm rõ, ngài đưa ra lời chú giải luân lý cho các Phúc Âm, có nghĩa là đọc bản văn để học cách đối xử nào thích hợp. Thật vậy, nó cho phép, cùng một lúc vừa lên án tội, nhưng trên hết, khẳng định rằng tội lỗi không có tiếng nói cuối cùng. Maria-Mađalêna mà ngài vừa làm sáng tỏ là ví dụ hoàn hảo, vì là người tội lỗi, bà trở nên người đồ đệ trung thành nhất trong các đồ đệ của Chúa Giêsu.
                Maria, nhà nữ quyền
              Các Tin Mừng dành cho phụ nữ một chỗ đứng đáng ngạc nhiên đối với các bài viết ở trong bối cảnh bị đàn ông thống trị. Đặc biệt trong trường hợp Maria-Mađalêna dường như có một ảnh hưởng rất lớn và ký ức về bà đã được nhớ đến rất lâu. Trong các trường hợp này, vì sao bà không đóng một vai trò trọng tâm trong các bản văn của các Tổ phụ Giáo hội cũng như nơi các nhà thần học? Đây là vấn đề được đặt ra trong những năm 1970 của các độc giả được đánh động bởi các lý thuyết nữ quyền đang lên mạnh. Câu trả lời họ đưa ra rất đơn giản: vì các ông làm tất cả để giảm tầm quan trọng của bà, và gắn cho bà với người tội lỗi là một trong các bước dùng để giảm uy tín bà. Vì vậy họ dứt khoát tìm hiểu Maria-Mađalêna “thật”, người được cho là nữ tông đồ đầu tiên của các tông đồ, gần như song song với Phêrô. Lý thuyết này được phổ biến rộng rãi trên báo chí và được dùng làm nền cho nhiều kịch bản phim hay tiểu thuyết, đưa ra một loại như “âm mưu” để làm biến mất người bạn thật sự của Chúa Giêsu. Như thế Maria-Mađalêna sẽ là kẻ thù xấu nhất của Maria Mácđala? Phải châm chước luận đề này, vì suốt quá trình lịch sử, đây đúng là mối liên hệ giữa việc cứu chuộc và nữ tính, đã cho phép nhiều phụ nữ nói lên được tiếng nói của mình. Dù sao, “trường hợp của Maria Mácđala” đã khởi xướng để có một cái nhìn sâu sắc hơn về chỗ đứng của phụ nữ trong kitô giáo.
Marta An Nguyễn dịch

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …