Home / Chia Sẻ / MẠNG NHỆN

MẠNG NHỆN

MẠNG NHỆNMạng nhện là thứ rất bình thường, thậm chí còn bị người ta ghét, vì làm bẩn nhà cửa, nhưng nó lại mặc nhiên có mối liên kết kỳ diệu và có bài học giá trị.

Thật lạ lùng, chính cái mạng nhện xem chừng “vô dụng” ấy lại là cái bẫy bắt mồi vô cùng hữu ích của loài nhện, bất kỳ con côn trùng nào rơi vào cái bẫy này thì bị dính chặt ngay lập tức, không thể nào thoát ra được. Chuyên gia côn trùng học Matt Bertone, ĐH Bắc Carolina (Mỹ), cho biết: “Khi nhện giăng tơ trong nhà sẽ có nhiều lợi ích hơn là tác hại.” Một trong những tác dụng của nhện khi giăng tơ trong nhà đó là sẽ giúp bắt côn trùng, bọ, ruồi, muỗi,… có khả năng phát tán bệnh truyền nhiễm.

Nhưng chính con nhện luôn tiếp xúc với mạng nhện lại không hề bị dính. Các khoa học gia phát hiện loài nhện còn khéo léo dệt thêm các sợi tơ trắng trang trí bắt chéo như một thủ thuật nhằm bảo vệ hệ thống mạng của chúng khỏi bị hư hại. Họ cũng phát hiện các mạng nhện tinh xảo còn có thể tạo ra âm thanh như một nhạc cụ dây. Thiên Chúa thật tài tình!

Mạng nhện là cấu trúc được tạo ra từ tơ được ép ra từ nhện gọi là dịch tơ nhện. Cấu trúc mạng nhện giăng ra để bắt mồi. Nhiều loài nhện xây dựng mạng lưới đặc biệt để bắt côn trùng. Tuy nhiên, không phải loài nhện nào cũng bắt được con mồi trong mạng lưới kiểu này và một số loài hoàn toàn không sử dụng mạng nhện. Nhện xe tơ dệt lưới cân bằng giữa hai phương pháp chạy và quay mạng trong thói quen kiếm ăn của nó. Chữ “mạng nhện” cũng được các nhà sinh vật học sử dụng để mô tả mạng lưới ba chiều rối rắm của một số loài nhện thuộc họ Theridiidae.

Một số loài nhện không sử dụng mạng để trực tiếp bắt mồi, mà nó lao ra từ nơi ẩn náu hoặc chạy đuổi theo mồi.  Có loài nhện đan một tấm lưới nhỏ gắn vào hai chân trước. Sau đó, nó ẩn nấp để chờ đợi con mồi, khi con mồi đến, nhện lao về phía trước để quấn nạn nhân trong lưới, cắn và làm tê liệt nó. Do đó, loài nhện này tiêu tốn ít năng lượng hơn loài nhện săn mồi.

Các triết gia thường sử dụng mạng nhện như phép ẩn dụ hoặc loại suy và một trong những phương pháp triết học là phương pháp con nhện tượng trưng cho sự giáo điều. Ngày nay các thuật ngữ như Internet hoặc World Wide Web (www) gợi lên sự liên kết của mạng nhện vì một trong những biểu tượng được xem là độc nhất vô nhị của loài nhện là… mạng nhện. Hình dạng mạng nhện chằng chịt nhưng logic, giúp nhện làm đường đi, tìm mồi, gọi bạn tình. Con nhện an vị trên mạng của nó là biểu tượng của trung tâm thế giới, do đó mà nó được coi như gã thợ dệt vĩnh hằng của một mạng lưới ảo, gắn liền với huyền thoại sáng tạo vì dường như nó dệt nên thế giới nghệ thuật của riêng mình.

Hệ thống internet mà chúng ta gọi là “mạng” hoặc website là “bắt chước” mạng nhện. Các hệ thống khác chúng ta gọi là “mạng lưới.” Mạng nhện thật độc đáo, bất cứ một điểm nào trên đó, ở bất kỳ nơi nào, cũng có liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với các điểm khác. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, không ai là một ốc đảo, người này có liên đới với người khác về phương diện nào đó, xã hội hoặc tâm linh, kể cả về phương diện tội lỗi, dù người này ở xa với người kia – vì có tính liên đới.

Chuyện kể rằng có một người lính bị quân địch truy lùng nên phải chạy trốn vào hang núi. Khi quân địch đuổi theo sát phía sau, anh phải trốn vào hang, thầm cầu mong kẻ địch không phát hiện mình.

Đột nhiên, anh thấy nhồn nhột ớn lạnh ở cánh tay, quay lại nhìn thì thấy một con nhện, anh định bóp chết nó nhưng rồi sinh lòng thương cảm nên anh thả nó ra. Nhện bò đến cửa hang dệt một mạng lưới. Quân địch đuổi tới hang núi thì thấy một mạng nhện còn nguyên lành, đoán rằng không có ai trong hang nên họ kéo nhau đi.

Đối xử tử tế với người khác cũng là cách tự giúp chính mình vậy.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN