Home / Chia Sẻ / MÁNG CỎ TÂM HỒN

MÁNG CỎ TÂM HỒN

 

Những ngày này ra đường, bước vào một quán cà phê dễ nghe văng vẳng những ca khúc giáng sinh. Những bài ca nửa đạo, nửa đời lắm lúc trữ tình nghe đến não lòng như: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noel năm nào chúng mình có nhau… Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi” (Bài thánh ca buồn). Hoặc: “Mùa Noel đó, chúng ta quen bên giáo đường. Mùa Noel đó, anh dắt em vào tình yêu… Yêu nhau chi rồi xa nhau” (Hai mùa Noel). Bước sang một nhà hàng ăn uống hoặc một cửa tiệm mua bán, dễ trông thấy những cây thông Noel rực rỡ gắn những bóng đèn điện và những quả cầu nho nhỏ chớp chớp đủ màu sắc. Người dân Sài gòn bất kể đạo giáo nô nức chuẩn bị ăn mừng lễ Noel. Bởi từ lâu Noel dường như đã trở thành một ngày lễ mang tính “quốc tế”.

Riêng đối với những người Công giáo có thêm những sự chuẩn bị trang trọng xứng hợp với niềm tin đạo giáo của mình. Trước lễ Giáng Sinh là Mùa Vọng kéo dài bốn tuần lễ. Trong thánh lễ tại các nhà thờ hoặc những giờ phụng vụ tại gia, giáo dân tham dự hát những bài thánh ca mang tâm tình trông đợi và hy vọng: “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội…”  (Trời cao). Hoặc: “Từ trần gian con ngước trông lên Chúa ơi! Cầu xin hãy mưa Đấng Thiên Sai Chúa ơi! Nghe lời con thiết tha…” (Nguyện mùa vọng). Đến những ngày cận kề lễ Giáng Sinh mọi người náo nức làm hang đá. Những hang đá được thiết kế dựng trong nhà hoặc trước cửa nhà mình. Các giáo xứ huy động giáo dân, phân công làm hang đá bên trong và ngoài sân nhà thờ. Trên hang đá có chiếc ngôi sao lớn. Rồi là những hàng dây điện gắn các bóng đèn nhấp nháy giăng giăng, kéo dài từ trong sân nhà thờ ra ngoài đường, có nơi bao bọc hàng cây số. Nhiều người “bên lương” qua lại ngắm nhìn trầm trồ khen ngợi. Ai ai cũng rộn lên một niềm vui.

Bên ngoài người Công giáo chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh như thế đó. Còn bên trong thì sao? Người Kitô hữu chuẩn bị đón mừng ngày Chúa Giêsu giáng trần như thế nào? Hay nói một cách bóng bảy hơn: họ chuẩn bị “máng cỏ tâm hồn” của mình ra sao để đón Chúa Hài Đồng đến ngự vào? Tôi nhớ đoạn Tin Mừng “Ông Gioan Tẩy Gỉa rao giảng” của thánh Luca, hằng năm thường được nghe đọc trong các thánh lễ Mùa Vọng: “Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ợn tha tội” (Lc 3, 3). Những người Công giáo nghe và thực hành Phúc Âm, mỗi dịp lễ Giáng Sinh, họ sốt sắng dọn mình xưng tội, rước lễ. Nhưng không lẽ cứ phải đợi đến lễ Giáng Sinh hoặc các lễ trọng khác mới dọn mình xưng tội, rước lễ sao? Thiết nghĩ là người Kitô hữu khôn ngoan phải luôn luôn biết chuẩn bị “máng cỏ tâm hồn” của mình hằng giây, hằng phút trong cuộc đời để sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào, như thể những cô trinh nữ khôn ngoan luôn luôn chuẩn bị đèn dầu đầy đủ trong tay để đón chàng rể đến muộn trong đêm. (Xem “Dụ ngôn mười trinh nữ” (Mt 25, 1-13).

Bên cạnh đó cũng có một số không ít mừng lễ bằng những bữa tiệc vui từ sau lễ đêm 24 về, có người vui chơi thâu đêm xả láng đến sáng. Lễ sáng 25 xong, về chơi tiếp. Họ mời những người thân quen ngoại đạo cùng tham dự, một dịp để bày tỏ niềm chung vui đạo giáo với mình? Có những bữa tiệc kéo dài lắm lúc thừa mứa, vất cả ra đường! Mừng Chúa Giáng sinh như thế có đẹp lòng hài nhi Giêsu? Trong Tin Mừng đoạn “Ông Gioan Tẩy Gỉa rao giảng”, thánh sử Luca kể tiếp: “Đám đông hỏi ông rằng: ‘Chúng tôi phải làm gì đây?’ Ông trả lời: ‘Ai có hai áo, thì chia cho những người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy’’ (Lc 3, 10-11). Người Công giáo đích thực, nghe và thực hành Phúc Âm. Mỗi dịp lễ Giáng Sinh, họ chuẩn bị “máng cỏ tâm hồn” của mình bằng những việc làm bác ái, nhường cơm xẻ áo cho những người bất hạnh hơn mình. Sài gòn những năm gần đây nở rộ các “Ông già Noel”. Chiều áp lễ, các chàng trai, cô gái của các đòan thể Công Giáo, các tổ chức thiện nguyện khoác trang phục ông già Noel, đeo trên mình các túi quà, cỡi xe len lỏi vào các ngõ hẽm phố phường phát tặng quà cho những trẻ em côi cút, neo đơn; hay tặng mươi ký gạo, ít hộp sữa, túi đường gọi là quà Giáng sinh cho những gia đình nghèo, không hề biết đến niềm vui Giáng Sinh (khác với dịch vụ phát quà nhưng phải trả tiền, do cha mẹ nhờ các công ty đem đến cho con mình hay con cháu bạn bè thân thuộc).  

Riêng giáo xứ Nhân Hòa của tôi có truyền thống hằng năm vài ngày trước lễ Giáng Sinh, cha chính xứ chủ sự một Thánh lễ tại nhà thờ dành cho các cụ già trên 70 tuổi và những người tật nguyền, bệnh hoạn. Trước lễ, ngài và các cha khách giải tội cho những ai muốn xưng tội, rồi xức dầu Thánh cho tất cả mọi người. Sau lễ, cùng với sự sắp xếp của quý chức trong các giáo khu, các ngài trao quà tận tay từng cụ và từng bệnh nhân. Những món quà được đón nhận và gói ghém từ tấm lòng hảo tâm của các giáo hữu gần xa. Cảm phục nhất là một số cụ được thân nhân dìu dắt đến dự lễ nhưng trước đó đã không lấy phiếu nhận quà, để nhường lại cho những người nghèo khổ khác.

Giáo xứ Nhân Hòa hằng năm chuẩn bị “máng cỏ tâm hồn” của mình như thế đó để đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Kết thúc bài viết, tôi thả hồn theo lời ca, điệu nhạc của ca khúc “Mùa sao sáng” với giọng hát Giao Linh, trầm vọng từ cặp loa vi tính: “Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời… Lạy Mẹ Đồng Trinh ban ơn, người Việt cùng thương nhau hơn, đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao”.

Gioan Long Vân

GX Nhân Hòa

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …