Home / Chia Sẻ / MẶN và SÁNG

MẶN và SÁNG

Chẳng Ích Gì Nếu MUỐI Không Còn Mặn

Thành Vô Dụng Khi ĐÈN Chẳng Sáng Soi

 

MẶN & SÁNGCó rất nhiều loại chất, nhưng có thể nói rằng có hai thứ gần gũi nhất đối với cuộc sống con người là chất mặn và ánh sáng. Đó cũng là hai thứ mà Chúa Giêsu dùng để đề cập vấn đề tâm linh: Mỗi tín nhân phải là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian. Công việc đó là trách nhiệm, nghĩa là không thể tùy ý hoặc tùy hứng –muốn hay không muốn, thích hay không thích.

Tiến sĩ James Stewart, nhà thuyết giảng người Anh, có nhận định đáng để chúng ta quan ngại: “Mối đe dọa lớn nhất đối với Kitô giáo không phải là chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy vật, hoặc chủ nghĩa nhân đạo, nhưng vì các Kitô hữu tìm cách giả dạng lén vào Nước Trời mà không chia sẻ đức tin của mình, KHÔNG SỐNG đời Kitô hữu để làm muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.” Và đó cũng chính là vấn đề Chúa Giêsu đã cố gắng chữa trị bằng Bài Giảng Trên Núi với Tám Mối Phúc Thật.

Là người Việt Nam – dù già hay trẻ, có lẽ không ai lại không thuộc câu ca dao liên quan việc giáo dục: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Một cách ví von rất giản dị nhưng lại thâm thúy và thú vị, đồng thời chứng tỏ rằng muối là chất rất cần thiết cho con người trong cuộc sống đời thường. Quả thật, triết lý của muối thực sự kỳ lạ!

Hằng ngày, cuộc sống đời thường cho chúng ta thấy rõ ràng: Muối là loại khoáng chất rất ư bình thường nhưng lại thực sự đa dụng, luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống, bởi vì ai cũng sử dụng muối, không chỉ để chế biến thực phẩm mà còn dùng vào nhiều việc khác, kể cả khử mùi và tẩy trùng. Màu sắc của muối cũng rất đặc biệt: Trắng. Màu trắng nhắc nhở về sự sạch sẽ, trong trắng, tinh tuyền, chân chất, giản dị, đơn sơ,…

Thật kỳ lạ, muối không chỉ được dùng để bảo quản thực phẩm còn có khả năng làm sạch vết thương, tẩy sạch vết bẩn, trị bệnh,… Khi người ta khóc, chất muối trong nước mắt giúp làm sáng mắt. Đó là sự quan phòng tuyệt diệu của Thiên Chúa. Muối rất tốt, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cuộc đời chúng ta không thể sống thiếu muối. Những người nghèo không có cao lương mỹ vị, chỉ cần chút muối cũng có thể “làm trôi” miếng cơm mà không nghẹn nỗi khổ. Ngày xưa, người nghèo phải đi xin nước muối cà để về ăn cơm, nghĩa là chỉ cần chút chất mặn để cố gắng nuốt miếng cơm mà duy trì sự sống. Viện Nghiên Cứu Muối (Salt Institute) cho biết rằng có khoảng 14.000 cách sử dụng muối. Thực sự rất bất ngờ khi biết được thông tin thú vị này.

Chắc chắn luôn cần có “chất mặn” trong cuộc sống, cần cho cả đời sống bình thường và đời sống tinh thần. Ngày xưa, ngôn sứ Isaia đặt vấn đề: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58:6-7) Đó là loại “vị mặn” của Lòng Thương Xót – của Công Lý và Chân Lý. Giả sử không có “vị mặn” này thì xã hội sẽ đảo lộn, rối tung, không còn trật tự gì nữa, và người ta không còn biết động lòng trắc ẩn với bất kỳ ai. Thế thì thật nguy hiểm!

Tuy nhiên, khi nào có loại “vị mặn” đó thì “ánh sáng sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương sẽ mau lành, đức công chính sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau.” (Is 58:8) Đúng là kỳ diệu quá đỗi! Và rồi ngôn sứ Isaia cho biết thêm: “Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!’ Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.” (Is 58:9-10) Chữ YÊU rất đậm nét, vị TÌNH rất mặn mà.

Thánh Vịnh gia xác định theo tinh thần đó: “Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng chiếu rọi kẻ ngay lành: đó là người từ bi nhân hậu và công chính. Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình.” (Tv 112:4-5) Ánh sáng là loại đặc biệt, người ta có thể nhìn thấy nó mà không thể đụng chạm vào nó, hữu hình mà như vô hình. Có một hệ lụy hiển nhiên sẽ xảy ra tiếp theo: “Họ sẽ không bao giờ lay chuyển, thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân. Họ không lo phải nghe tin dữ, hằng an tâm và tin cậy Chúa, luôn vững lòng không sợ hãi chi và rốt cuộc coi khinh lũ địch thù. Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc, đức công chính của họ tồn tại muôn đời, uy thế họ vươn cao rực rỡ.” (Tv 112:6-9) Có ánh sáng thì bóng tối phải lui, nỗi lo sợ cũng không còn nữa.

Có nhiều loại ánh sáng, với các bước sóng khác nhau, nhưng chẳng loại ánh sáng nào “qua mặt” được ánh mặt trời, đặc biệt tuyệt đối là Ánh Sáng Giêsu. Chính Ngài là Sự Sáng của nhân loại, (Ga 1:4) là Ánh Sáng thật, (Ga 1:9; Ga 8:12; Ga 9:5; Ga 12:46) vì thế Ngài cũng muốn chúng ta phải trở nên ánh sáng, mà ánh sáng luôn liên quan sự thật, và chỉ có sự thật mới khả dĩ giải thoát chúng ta. (Ga 8:32)

Cuộc sống có những chuỗi liên đới, dù tốt hay xấu, người đời gọi là may – rủi hoặc nhân quả. Có những điều chúng ta không thể hiểu được, nhưng chắc chắn không ngoài ý Chúa, Đấng quan phòng mọi sự. Người Việt cũng có cách nói tương tự: “Ở hiền gặp lành.” Cái “sự lành” ở đây mang ý nghĩa tâm linh hoặc tinh thần nhiều hơn ý nghĩa đời thường, vì có những người hiền lành, đạo đức, nhưng vẫn gặp nghịch cảnh – điển hình là Thánh Gióp, con người đau khổ tột cùng.

Ai cũng sợ đau khổ – dù chỉ một chút, nhưng đau khổ lại có giá trị cao mà chúng ta không thể hiểu hết. Thánh Rosa Lima (1586-1617) nói: “Thiếu gánh nặng đau khổ thì không thể đạt đến đỉnh cao ơn thánh. Những tặng phẩm ơn thánh gia tăng khi các cuộc giao chiến gia tăng.” Thánh Catherine de Siena (1347-1380) xác định: “Tôi đã quyết chọn đau khổ làm nguồn sức mạnh của tôi. Điều đó chẳng gian truân gì đối với tôi, nhưng đúng hơn là một niềm vui, tôi sẵn lòng vì Đấng Cứu Độ mà chịu đựng tất cả những gì các ngươi gây ra cho tôi, trong thời gian bao lâu tùy uy linh Người muốn.” Chắc hẳn chúng ta chưa đủ “trình độ tâm linh” như vậy, xin Chúa biến đổi!

Cuộc sống luôn là ẩn số. Có những điều nhỏ mà to, bình thường mà khác lạ, hời hợt mà sâu sắc. Thánh Phaolô chia sẻ chân thành: “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.” (1 Cr 2:1) Chắc chắn không gì có thể hơn sự thật, chính Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Sự thật sẽ giải phóng quý vị.” (Ga 8:32) Và cũng vì thế, chúng ta sẽ có thể hóa thành ma quỷ nếu chúng ta KHÔNG đứng về phía sự thật. (x. Ga 8:44) Santa (thánh) với Satan (quỷ) giống nhau về các mẫu tự, nhưng chỉ khác nhau ở vị trí một mẫu tự và ý nghĩa hoàn toàn biến đổi.

Không hề giấu giếm, mà giải thích rõ ràng, Thánh Phaolô cho biết: “Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã KHÔNG MUỐN biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy.” (1 Cr 2:2-3) Đó là thật lòng. Và chắc chắn ai cũng vậy, có những lúc chúng ta cảm thấy ngại nói về Chúa vì sợ người ta nói mình “thế này, thế nọ” mà… bày đặt, ra vẻ “lên lớp” người khác. Nỗi sợ có thể tốt lúc này, nhưng lại không tốt lúc khác. Tuy nhiên, cứ là chính mình, cứ thật thà và thẳng thắn như Thánh Phaolô: “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.” (1 Cr 2:4-5) Rất rõ ràng, chính xác và chí lý. Lời hay chưa hẳn là ý tốt, ý hay có khi không cần lời hoa mỹ – cái thùng rỗng nào cũng kêu to lắm.

Vì thấu suốt mọi sự, Chúa Giêsu biết chúng ta yếu đuối và nhát đảm nên Ngài đã không ngừng động viên chúng ta: “ĐỪNG SỢ!” (St 15:1; St 21:17-18; St 26:23-24; St 35:16-17; St 43:23; St 46:1-4; St 50:18-21; Xh 14:13; Xh 20:20; Đnl 31:6; Is 7:4; Is 8:12; Is 10:24; Is 35:4; Is 37:6; Is 40:9; Is 41:10; Is 41:13-14; Is 43:1; Is 43:5; Is 44:2; Is 44:8; Is 51:7; Is 54:4; Gr 1:17; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Gs 10:25; Xp 3:16; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13; Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Cv 18:9; Kh 1:17-18; và còn nhiều…)

Thiết tưởng cũng nên biết điều này: Mệnh lệnh cách ngắn gọn “đừng sợ” được đề cập 365 lần trong Kinh Thánh, với các sắc thái khác nhau. Như vậy, nếu xét theo khoảng thời gian của loài người, ngày nào Thiên Chúa cũng động viên chúng ta trong suốt năm. Rõ ràng Ngài muốn chúng ta sống mạnh mẽ và can đảm.

Chúa Giêsu nói thêm – nhưng là điều quan trọng, sau khi công bố bản Đệ Nhất Tuyên Ngôn (Bát Phúc, Tám Mối Phúc, Hiến Chương Nước Trời, Bài Giảng Trên Núi.) Ngài xác định: “Chính anh em là MUỐI cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.” (Mt 5:13) Vâng, Ngài luôn thẳng thắn, bởi vì Ngài chính là Sự Thật, (Ga 14:6) và Ngài đến thế gian để làm chứng cho Sự Thật. (Ga 18:37) Gian dối là không thật, tức là ma quỷ. Mà ma quỷ luôn ích kỷ, luôn nói hay về mình, khoác lác chứ không đúng sự thật. Bất cứ người nào không dám nói thật đều là “tay sai” của loài ma quỷ, dù người đó là ai. Trung cộng đã và đang cho nhân loại thấy rõ bản chất ma quỷ của họ.

Trong một dịp khác, chính Chúa Giêsu cũng đã đề cập muối. Ngài phân tích và căn dặn: “Ai nấy sẽ được luyện bằng LỬA như thể ướp bằng MUỐI. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau.” (Mc 9:49-50) Quả thật, muối thực sự nhiều nghĩa, lắm ý.

Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu là sự thật, nên Ngài luôn có cách so sánh rất thực tế và ai cũng có thể hiểu: “Chính anh em là ÁNH SÁNG cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5:14-16)

Muối và ánh sáng đều có đặc tính độc đáo. Muối không chỉ tốt mà còn đa dụng, cần thiết, đặc biệt là muối quên mình tới mức xóa mình: Muối làm cho những thứ khác nên tốt, và không còn ai nhận ra muối như thế nào, chỉ biết món ăn có vị mặn và ngon. Ánh sáng phá tan tăm tối, nhưng rồi không còn ai chú ý đến ánh sáng nữa, chỉ vui hưởng ánh sáng mà thôi. Cả hai đều có tố chất khiêm hạ, quên mình.

Lạy Thiên Chúa vĩnh hằng, xin biến đổi chúng con thành khí cụ hữu dụng của Ngài, cụ thể là trở nên Muối đủ vị mặn và Đèn đủ độ sáng theo ý Ngài. Xin canh chừng để chúng con có thể duy trì “độ mặn” và “độ sáng” cần thiết mà mưu ích cho tha nhân, cho chính mình. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …