Home / Chia Sẻ / MẠN BÀN CHUYỆN CÁC THÁNH NAM NỮ “Ở DƯỚI ĐẤT”

MẠN BÀN CHUYỆN CÁC THÁNH NAM NỮ “Ở DƯỚI ĐẤT”

Hằng năm Hội Thánh dành ngày đầu tháng 11 để long trọng tôn vinh, kính nhớ toàn thể các thánh trên trời gọi là ngày Lễ các Thánh Nam Nữ. Chữ thánh theo nguyên nghĩa, là tách riêng ra để dành cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa. Các thánh là những người đã được hạnh phúc hưởng kiến thánh nhan Thiên Chúa cách trọn vẹn và vĩnh viễn. Dĩ nhiên số người trong hàng các thánh kể từ buổi đầu của lịch sử nhân loại đến nay thì chắc chắn rất đông mà tác giả sách Khải huyền mô tả bằng con số biểu tượng 144.000 người, tức là ngàn lần bình phương con số 12 chi tộc Israel hay 12 Tông đồ của dân mới. Tuy nhiên trong số đó, Kitô hữu buộc phải tin là thánh, những vị đã được Hội Thánh tuyên phong qua dòng lịch sử.

Qua những bài Thánh Kinh được trích đọc trong ngày lễ các Thánh Nam Nữ, chúng ta nhận ra chân dung của các Ngài qua một vài nét chính. Ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa gìn giữ cách đặc biệt, các thánh vốn cũng là những tội nhân như chúng ta. Tuy nhiên nhờ đã biết “giặt và tẩy chiếc áo linh hồn trong Máu Con Chiên” bằng việc đặt niềm tin cậy vào tình yêu và quyền năng của Đấng cứu độ, các ngài được nên thanh sạch và nên thánh ( Bài đọc 1 và 2 x.Kh 7,2-4;9-14 ; 1Ga 3,1-3). Niềm tin cậy ấy được cụ thể hóa bằng việc tiếp bước theo chân Đấng Cứu Thế trên con đường Bát Phúc mà bài Tin mừng giới thiệu (x.Mt 5,1-12a).

Chủ đích của ngày Lễ các Thánh Nam nữ trước tiên là cảm tạ, tôn vinh tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, thứ đến là nhìn nhận công hạnh và gương sáng của những người đã thuộc trọn về Thiên Chúa. Đoàn tín hữu lữ thứ được mời gọi sống “mầu nhiệm các thánh thông công”. Bằng sự tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Chúa và quyền năng vô biên của Người, nhờ lời cầu bàu của các bậc tiền nhân hiển thánh và qua tấm gương nhân đức của các ngài, đoàn tín hữu lữ thứ vững tâm bước đi trên con đường nên thánh là thuộc trọn về Thiên Chúa.

Dù rằng trọng tâm của thánh Lễ ngày 01-11 là hướng cái nhìn chúng ta về các vị thánh nam nữ trên trời, nhưng điều này cũng không cấm chúng ta hướng cái nhìn xuống “các thánh ở dưới đất”. Đọc Thánh Kinh, đặc biệt là thư các Tông đồ, chúng ta biết rằng hạn từ các thánh được dùng chỉ các tín hữu Kitô, những người đang còn tại thế (x.Col 1,2; Rm 1,7; 8,27; 15,25; Cor 7,14…). Hướng lên các thánh nam nữ trên trời dĩ nhiên là một việc làm chính đáng và phải đạo. Việc làm này đã sinh ích lợi cho đoàn tín hữu tại thế rất nhiều mà lịch sử đã minh chứng. Tuy nhiên, phận người chúng ta thật khó từ bỏ “tình yêu quy ngã”. Đến với các thánh để chiêm ngưỡng đức hạnh các ngài hầu noi gương các ngài mà nên thánh thì vẫn có, nhưng đến với các ngài để xin phù trợ, để khấn xin điều may lành nào đó thì hình như rất nhiều. Chúng ta dễ nhận ra sự thật này nơi các đền đài, nơi các linh địa. Đến với Mẹ Maria, đến với các thánh để học hỏi, noi gương thì ít, nhưng để xin ơn thì nhiều. Dù rằng việc xin ơn là chính đáng và tốt đẹp, nhưng việc noi gương các ngài để sống thánh thì có lẽ tốt đẹp và chính đáng hơn.

Với viễn ảnh này, xin được hướng cái nhìn xuống các thánh dưới đất. Họ là những ai? Một câu hỏi thật khó trả lời vì kiếp người đầy dẫy lỗi lầm, thiếu sót, nhất là khi các thiếu sót, lầm lỗi ấy đang mang tính thời sự. Hội thánh biết rõ điều này nên chỉ cho mở hồ sơ phong thánh cho những ai đã qua đời sau một thời gian nào đó. Xin được căn cứ vào thứ tự hàng các thánh mà Hội Thánh xếp loại trong Phụng vụ để nhìn đến hàng các thánh dưới đất, dĩ nhiên là chưa được tuyên phong.

Các thánh Tông Đồ: Đây là những vị được Chúa Giêsu chọn gọi và sai đi, làm cho muôn dân thành môn đệ của Người (x.Mt 28,19), cụ thể là nhóm Mười Hai ( trừ ông Giuđa Iscariô, nhưng có thánh Matthia thay thế ), và sau này có thêm một vài vị như Phaolô, Barnaba… “Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy, đó là các con yêu thương nhau” (x.Ga 13,35). Ra đi và làm cho muôn dân thành môn đệ cũng có nghĩa là ra đi và làm cho muôn dân biết sống yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thuơng chúng ta. Theo giáo lý thì người ta có thể mở rộng hàng các thánh này bằng những đấng kế vị các ngài đó là các giám mục. Nếu xét các thánh dưới đất với tiêu chí tông đồ theo nghĩa này thì con số không quá hàng chục ngàn. Tuy nhiên nếu hiểu các tông đồ là những người được Chúa Giêsu sai đi như ngày xưa Người nói với vị luật sĩ : ông hãy đi và làm như người Samaritanô nhân hậu ( x. Lc 10,37 ), thì con số người ra đi và sống tình huynh đệ, tương thân tương ái với tha nhân, với người bất hạnh, cùng khổ thì quả là rất nhiều. Ta có thể gọi họ là các thánh ra đi và làm người Samaritanô. Hướng đến các vị thánh chưa được tuyên phong này hẳn chúng ta không chỉ cảm tạ Chúa, thán phục họ mà còn được thúc bách hiến thân phục vụ đồng loại cách vô cầu.

Các Thánh Tử Đạo: Đây là những vị đã đổ máu đào ra để làm chứng cho đức tin, cho tin mừng cứu độ. Con số hàng các thánh này tuy nhiều nhưng vẫn chẳng bao nhiêu nếu xét số vị đã được Hội Thánh tuyên phong. Số thánh Tử đạo Việt Nam đứng hàng thứ hai trên thế giới, thế mà con số chỉ là 118 vị. Lại nhìn xuống các thánh dưới đất. Dĩ nhiên sẽ không tìm ra người đã chết, nhưng chúng ta đã và đang thấy rất nhiều “vị thánh sống vì đạo”. Đó là những người đang can đảm làm chứng cho công lý, làm chứng cho sự thật cho dù phải gặp nhiều bắt bớ, hy sinh. Đó là những người tự nguyện đứng về phía người nghèo, người bất hạnh, người bị bỏ rơi, bị áp bức bóc lột…Chắc hẳn dù chưa được tuyên phong nhưng những vị này đang thuộc về Thiên Chúa cách nào đó vì đang bước theo chân Chúa Giêsu trên một trong những con đường của Bát phúc.

Các thánh Tiến Sĩ: Đây là những vị thánh “đã có những tác phẩm hay những bài giảng xuất sắc để hướng dẫn các tín hữu trong mọi thời đại của lịch sử Hội Thánh” (Tự Điển Công Giáo Phô Thông – J.A.Hardon ). Con số thánh Tiến sĩ thì quả là ít. Gần đây Hội Thánh mới nâng thêm thánh Têrêxa Hài Đồng vào hàng thánh Tiến sĩ. Lần nữa chúng ta nhìn xuống các vị thánh dưới đất, đó là biết bao nhiêu tâm hồn bé mọn mà Chúa Giêsu đã từng khẳng định là đã mở rộng tâm hồn đón nhận mạc khải của Cha trên trời (x.Lc 10,21; Mt 11,25-26). Đó là những con người bình dân, tuy ít kiến thức nhưng tâm hồn trong sáng với một lương tri nhạy bén với điều tốt, điều xấu, điều lành, điều dữ. Ta có thể gọi họ là những vị thánh dưới đất thuộc “hàng bé mọn của Tin mừng”.

Các Thánh Hiển Tu: Chúng ta hẳn biết đây là những vị thánh đã nên trọn lành trong đời tận hiến tu trì. Thầm đếm con số người vẹn đường tu thì xem ra tỉ lệ rất ít. Lớp đi tu, vào chủng viện của chúng tôi, ngay từ đầu ngót nghét cả trăm bạn, thế mà chịu chức linh mục chưa tới con số mười. Thế mà đó là một trong hai lớp có người chịu chức linh mục nhiều nhất của lịch sử chủng viện. Có lớp lúc nhập tu cả trăm mà khi chịu chức linh mục chỉ vẻn vẹn có một vị. Tạm gọi những vị đã chịu chức linh mục hay đã khấn trọn đời trong các hội dòng là vẹn đường tu, nhưng trong số đó thử hỏi được bao nhiêu là thuộc về Chúa cách đúng nghĩa hay gọi là thánh? Xin nhìn đến các vị thánh “tu ra” vốn từng được ví là hội viên dòng “Bonaventura”. Số các vị này ở giữa đời quả là không ít. Gần đây đã khởi sắc những cuộc hội họp về nguồn của những vị “tu ra” đó đây. Quả là một tín hiệu đáng mừng. Ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt, chúng ta cần chân nhận rằng các vị “tu ra” dù phải lăn lộn với trường đời nhiễu nhương, nhưng lòng luôn thao thức với vận mệnh của Hội Thánh, đặc biệt luôn nỗ lực tìm cách làm cho Hội Thánh ngày cành thêm tinh tuyền, thánh thiện và xinh đẹp, cho dù nhiều lúc phải mang lấy búa rìu của đấng này, vị kia, cho rằng chống giáo sĩ, phá Hội Thánh… “Một ngày trong Nhà Chúa bằng ngàn ngày ở trần gian” . Tuy khập khiễng hay khiên cưỡng khi dùng câu ngạn ngữ này, nhưng nó cũng cho ta thấy “hạt giống thời sống trong nhà Chúa” vẫn đang âm thầm mọc lên, đơm hoa, sinh trái giữa dòng đời nơi cuộc sống “những vị “thánh tu ra”.

Các Thánh Đồng Trinh: đây là những tâm hồn hiến mình cho Chúa và tha nhân trong đời trinh khiết, tiết dục hoàn toàn. Ngày nay, người ta đề cao đức khiết tịnh và khẳng định rằng tất yếu phải có nhân đức này để đức đồng trinh thành chính hiệu. Xin chân thành cảm phục những tâm hồn trinh trong và đầy lòng yêu mến này. Quả thật đây là ân ban từ trời cho những người được kêu gọi, một ân ban mà phận người chúng ta nhiều khi khó luận suy rạch ròi, như Chúa Kitô đã phán “lại có những người tự ý không kết hôn. Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19,12). Tuy nhiên cũng xin nhìn đến những vị thánh dưới đất trong đời hôn nhân – gia đình. Đức Bênêđictô XVI trong Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” đã nói rằng xem ra sự tự hiến cách vô cầu trong tình yêu nam nữ là một dấu chỉ biểu hiện tình yêu Thiên Chúa cách rõ nét nhất (số 2). Quả thật, người ta dễ nhận ra một tình yêu đón nhận và trao hiến (eros và agape) cách vô vị lợi, không tính toán nơi đời sống hôn nhân – gia đình. Mặc dù nhiều cơn bão thế gian đang càn quét đời sống hôn nhân – gia đình, nhưng vẫn có đó và còn đó rất nhiều người vợ, người chồng luôn tín trung trong tình yêu, trong lời đã hứa, một sự tín trung làm nổi rõ sự công chính của Thiên Chúa (x.Rm 3,21-26). Dù chưa được tuyên phong nhưng những người ấy quả thật là những “vị thánh sống đời hôn nhân-gia đình.”

Khi mạn bàn về các thánh dưới đất, rất có thể bị cho là lệch lạc. Nếu xét về trọng tâm của thánh lễ kính các Thánh nam nữ trên trời ngày 01-11 theo nghĩa chặt thì chắc chắn lạc đề. Thế nhưng nếu trở về nguồn với hai từ các thánh và suy xét hạn từ “thánh” theo nghĩa Thánh kinh thì không lệch chút nào. Sống mầu nhiệm Hội Thánh Thông công, chúng ta phải ngước nhìn lên các thánh nam nữ trên trời để tạ ơn, ca tụng Thiên Chúa, để cầu xin các thánh phù trợ và để noi gương các thánh mà về trời, nhưng chúng ta cũng không thể quên hiệp thông với các linh hồn nơi luyện hình và nhất là hiệp thông với “các thánh đang còn lữ thứ”. Hơn nữa khi huớng cái nhìn xuống các thánh ở dưới đất, bên cạnh tâm tình ca ngợi, tạ ơn Chúa, thì sự trân trọng, cảm phục của chúng ta dành cho các vị ấy hình như ít vụ lợi hơn và dĩ nhiên cũng thúc bách chúng ta ngày một hướng thiện hơn, ngày một thuộc về Thiên Chúa hơn.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN