Chúa Giêsu mặc khải cho Thánh Margaret Maria Alacoque, nữ tu Dòng Thăm Viếng (The Visitation Order), biết điều này: “Ta sẽ điều chỉnh ân sủng của Ta theo tinh thần Luật Dòng của con, và Ta muốn con ưu tiên Luật Dòng hơn mọi thứ khác”.
Thánh Margaret Maria Alacoque (1647-1690) được biết đến là một nữ tu được mặc khải những điều giúp phổ biến lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Không thể bác bỏ nền tảng Kinh Thánh và giáo lý thời Trung Cổ, có thể nói rằng hình thức sùng kính ở Tây phương ngày nay khởi đầu phát triển từ thị kiến của Thánh Margaret Maria Alacoque. Nói cách khác, người nữ tu hèn mọn của thành phố Paray-le-Monial (Pháp) đã giúp làm cho lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa trở nên thành phần văn hóa của Giáo Hội Công giáo, không chỉ sùng kính riêng mà còn phổ biến, đặc biệt là với lễ trọng trong Phụng Vụ.
Có ít nhất 16 nhà thờ trong số rất nhiều nhà thờ Công giáo dâng kính Thánh Tâm Chúa – từ Istanbul tới Paris, Lisbon, Nam Bend, Pondicherry, India – được xếp loại là Vương Cung Thánh Đường (Basilica). Hiếm khi kinh nghiệm thần bí cá nhân được Giáo Hội công nhận là đáng tin. Càng hiếm hơn với các mặc khải tư như vậy được công nhận hầu như toàn cầu. Để hiểu thị kiến của Thánh Margaret Maria Alacoque có ảnh hưởng nhiều như thế nào, chúng ta phải biết hoàn cảnh của thánh nữ hồi thế kỷ XVII ở Pháp, chú ý ba lĩnh vực: sự phát triển của sự khắc khổ, tầm quan trọng của sự thần bí, và sự phát triển của Dòng Thăm Viếng.
Đa số tinh thần Công giáo Pháp chấp nhận sự khổ chế hồi thế kỷ XVII. Sự nổi dậy của phong trào Jansen (*) tại Pháp – như được phác họa bởi nét riêng về giáo lý, văn bản, con người, và tổ chức – đã trở nên “dạng cấp tốc” cho câu truyện này, nhưng không là tất cả câu truyện. Để hiểu hoàn cảnh này, cách định nghĩa lỏng lẻo về thuyết khổ chế là dạng “phong vũ biểu” hữu dụng hơn lời nói, sự tham gia chính thức vào thuyết Jansen về ân sủng. Sự khổ chế mới của Công giáo thời kỳ đầu biểu hiện rõ ràng nhất trong các phương pháp mục vụ đối với bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Các linh mục sống khổ chế thường quen từ chối tha thứ, cho rằng một số hối nhân chưa thể hiện đủ mức sám hối ăn năn. Họ cũng gay gắt với việc rước lễ thường xuyên, cho rằng ít người chuẩn bị xứng đáng. Điều này làm cho những người theo khổ chế thẳng thừng phản đối đa số các tu sĩ Dòng Tên, những người mạnh mẽ thúc đẩy việc xưng tội và rước lễ thường xuyên, và họ cố gắng làm điều đó. Lúc đó, tà thuyết Jansen xuất hiện vào khoảng năm 1640, các cuộc tranh luận trong Giáo Hội Pháp đã sinh ra nhiều chức vụ, và vấn đề chính đi xa hơn về phương diện khổ chế.
Đối với những người phản đối việc khổ chế, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa như viên đạn bắn vào tay. Thánh Margaret Maria Alacoque mô tả Thánh Tâm Chúa Giêsu là “nguồn mạch vô tận có ba nhánh không ngừng tuôn trào”, nhánh thứ nhất là “nhánh thương xót, tuôn chảy xuống các tội nhân”. Chúa Giêsu đã thông ban cho tình yêu dạt dào của bà: “Thánh Tâm Ta đắm đuối trong tình yêu thương dành cho nhân loại, đặc biệt là dành cho con, bên trong Thánh Tâm Ta có những ngọn lửa yêu thương”. Hơn nữa, tình yêu thương xót này được suy niệm qua các bí tích, bao gồm việc rước lễ thường xuyên. Các thị kiến chính của Thánh Margaret Maria Alacoque xảy ra khi bà đang cầu nguyện trước Thánh Thể, và Chúa Giêsu yêu cầu bà “rước lễ thường xuyên như đức vâng lời cho phép”. Công giáo mặc khải cho biết hãy rước lễ vào các ngày Thứ Sáu và ngày Lễ Thánh Tâm, ngay sau Lễ Mình Máu Thánh (Corpus Christi). Không ngẫu nhiên mà Dòng Tên thúc đẩy lòng sùng kính này, bắt đầu với Thánh Claude de la Colombière – vị linh hướng của Thánh Margaret Maria Alacoque.
Để hiểu lý do các cuộc thị kiến này được chấp nhận bởi những người bảo trợ, chúng ta phải đặt vào hoàn cảnh của sự thần bí tại Pháp lúc đó. Như trong mọi thời đại, kinh nghiệm thần bí không bảo đảm tính chính thống hoặc tính thánh thiêng. Nhiều nhà thần bí nổi tiếng đã để lại các tài liệu không rõ ràng, qua các bài viết được Giáo Hội chấp thuận hoặc bị kết án. Những người khác thấy tác phẩm của mình nằm trong số các sách bị cấm và thậm chí còn bị kết án là tà thuyết. Giáo lý tâm linh của Jean-Joseph Surin – một nhà thần bí linh mục Dòng Tên, làm việc trừ tà, coi mình là “vật chứa” cho ma quỷ và bị ám ảnh nhiều năm, bị chứng tâm thần, hoặc bị cả hai – rồi bị đưa vào số sách cấm sau khi ông chết.
Có thể nhà thần bí bị kết án nổi tiếng nhất hồi đó là bà Guyon, người cùng thời với Thánh Margaret Maria Alacoque, và là người chủ trương sống tĩnh lặng. Hai phụ nữ này tương phản với nhau về nhiều điểm, quan trọng nhất là thái độ của họ đối với Ngôi Lời Nhập Thể. Chủ trương sống tĩnh lặng của bà muốn đạt tới Thiên Chúa trực tiếp về tâm linh, không cần hoặc ít cần tới Ngôi Con là Chúa Giêsu Kitô. Bà tuyên bố rằng các thị kiến của bà “không của Thiên Chúa, và hầu như không của Chúa Giêsu”, mà là “thị kiến thấu hiểu”, thị kiến về “thiên thần ánh sáng… thể hiện đối với linh hồn”. Có dịp phê bình về kinh nghiệm thần bí của Thánh Margaret Maria Alacoque, bà Guyon gọi đó là “tình cảm tinh thần” vì quá trần tục, tập trung vào cái gì đó về xác thể như Thánh Tâm Chúa Giêsu. Quan tâm Giáo Hội là lời biện hộ của bà Guyon về “sự dửng dưng” đối với Ơn Cứu Độ.
Theo bà Guyon, tình yêu thuần khiết của Thiên Chúa “bất vụ lợi” về điều tốt lành, thậm chí không muốn sống với Thiên Chúa trong cõi đời đời. Ngược lại, Thánh Margaret Maria Alacoque nhấn mạnh lòng ước muốn hỗ tương về mối quan hệ yêu thương vĩnh hằng giữa Thiên-Chúa-làm-người với mỗi con người. Đức ông Ronald Knox đã từng mô tả sự khổ chế là “điều sai lầm của một số linh hồn thiếu thận trọng”, họ có ý tốt nhưng rốt cuộc lại là “sai lầm”. Trong lúc xung động về tâm linh Công giáo, sai lầm là điều khó tránh khỏi, và Giáo Hội đã tìm thấy nơi Thánh Tâm Chúa những điều mặc khải cần thiết để sửa sai.
Cuối cùng, theo mức độ cá nhân, hoàn cảnh mặc khải lúc đó của Thánh Margaret Maria Alacoque là một nữ tu Dòng Thăm Viếng. Dòng này sống theo tinh thần dịu hiền và nhân hậu của các vị sáng lập, Thánh Francis de Sales và Thánh Jane Frances de Chantal. Không ngẫu nhiên mà hình ảnh trái tim là thành phần của con đường tâm linh. Có lần Thánh Francis de Sales đã mô tả lời cầu nguyện bằng câu “trái tim nói với trái tim”. Nói cách khác, trái tim của linh hồn đối thoại yêu thương với chính Trái Tim của Thiên Chúa. Trong một lúc nhiệt thành không thể kiềm chế (về sau Thánh Francis de Sales đã trách Thánh Jane Frances de Chantal về điều này), Thánh Jane Frances de Chantal đã dùng thanh sắt nóng khắc Thánh Danh Giêsu lên ngực bà. Trong những năm đầu mới lập dòng, Thánh Francis de Sales viết cho Thánh Jane Frances de Chantal: “Dòng nhỏ của chúng ta thực sự là công việc của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Maria. Đấng Cứu Độ đã khai sinh cho chúng ta qua cửa ngõ của Thánh Tâm Chúa”.
Khi đón nhận Thánh Tâm Chúa Giêsu theo cách này, Thánh Francis de Sales và Thánh Jane Frances de Chantal chỉ làm theo truyền thống có trong Kinh Thánh (đặc biệt là Ga 19:34-37), các giáo phụ, và những người thời Trung Cổ. Lòng sùng kính Thánh Tâm khá độc lập của Thánh Margaret Maria Alacoque. Nhưng các thị kiến của bà làm nổi bật truyền thống sùng kính Thánh Tâm Chúa, xác định rằng có sự ủng hộ của Thiên Chúa, và cụ thể hóa bằng các việc thực hành của lòng sùng kính. Mới đầu người ta không dễ chấp nhận các mặc khải, và nhiều tu sĩ Dòng Thăm Viếng cũng tỏ ra “thận trọng” với kinh nghiệm thần bí của bà. Qua thời gian, và với sự hỗ trợ của Thánh Claude de la Colombière, cộng đồng Paray đã vượt qua và lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa, như Thánh Margaret Maria Alacoque đã mô tả, được phát triển qua mạng lưới các tu viện của Dòng Thăm Viếng tại Pháp. Từ đó, lòng sùng kính này phát triển tới các giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân, đặc biệt là nhờ sự bảo trợ của Dòng Tên.
Tóm lại, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu ở dạng này đã phát triển vì được coi là đúng với truyền thống tâm linh Công giáo và vì nó làm nổi bật những gì tốt nhất trong truyền thống. Nó đúng đối với lòng nhiệt thành của những người sống khắc khổ và sống tĩnh lặng, nó đưa ra dạng xác định đối với việc nhập thể, từ lòng sùng kính Thánh Thể tới lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu có nguồn gốc từ các bản văn của Kitô giáo thời sơ khai trong Phúc Âm theo Thánh Gioan. Thời gian đã chứng tỏ đúng để phát triển lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa. Nhưng khi thế giới được chuẩn bị cho Phúc Âm, Ngôi Lời đã chờ đợi sự đồng ý của một phụ nữ trẻ trước khi chấp nhận một trái tim con người. Hầu như các thế kỷ sau đó, Thánh Tâm đã chấp nhận đi vào trái tim một nữ tu vô danh của Dòng Thăm Viếng, trước khi được đón nhận vào trái tim Giáo Hội hoàn vũ.
CHRISTOPHER J. LANE
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CrisisMagazine.com)
Tháng Sáu – 2019
(*) JANSENISM – Thuyết của thần học gia Công giáo Cornelis Jansen (1585–1638), khoảng 1656-1657, dựa trên thuyết tiền định luân lý (moral determinism). Các nguyên tắc thần học của Cornelis Jansen nhấn mạnh sự tiền định, phủ nhận ý chí tự do, cho rằng bản chất con người hư hỏng, không thể tốt lành, còn Chúa Kitô chỉ chết cho những người được chọn chứ không chết cho mọi người. Giáo hội Công giáo kết án thuyết này là lạc giáo. Thuyết này bị những người cải cách trong giới giáo sĩ, tu sĩ và học giả Công giáo Âu châu Tây phương phản đối, và bị kết án là tà thuyết. Bị ảnh hưởng các tác phẩm của thánh Augustinô, nhất là sự tấn công của thánh Augustinô đối với thuyết Pelagianism (phủ nhận tội tổ tông) và thuyết ý chí tự do, Jansen theo thuyết của thánh Augustinô về sự tiền định và sự cần thiết của Ơn Chúa, một lập trường bị Công giáo La Mã coi là gần với thuyết của Calvin, đã cấm lưu hành cuốn The Augustinus của ông năm 1642. Sau khi Jansen chết năm 1638, những người theo ông đã lập cơ sở tại tu viện ở Port-Royal, Pháp. Blaise Pascal, một đệ tử trung thành của Jansen, đã bảo vệ các giáo huấn của họ trong Provincial Letters (1656–1657). Năm 1709, vua Louis XIV ra lệnh bãi bỏ tu viện này. Những người theo Jansen bắt đầu lập Giáo hội Jansen năm 1723 và tồn tại tới cuối thế kỷ 20.