Home / Chia Sẻ / MẶC KỆ

MẶC KỆ

MẶC KỆ“Mặc kệ” là khẩu ngữ phổ biến, nghĩa là tùy ý hoặc không cần để ý đến người nào đó hoặc điều gì đó. Cách nói đó có thể mang nghĩa tích cực hoặc tiêu cực, tùy tình huống và tùy giọng điệu của người nói.

Có thể “mặc kệ” là để cho người khác tự do, không làm phiền họ khi họ đang làm việc gì đó. Có thể “mặc kệ” là không thèm để ý, không thèm can ngăn vì nói họ không chịu nghe, vô ích. Có thể “mặc kệ” là không chú ý ngoại tại để tránh phiền hà, buông bỏ mọi thứ, chấp nhận hiện tại. Và đó là cách tín nhân cần phải làm theo ý Chúa: Vác thập giá hằng ngày, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết, cầm cày đừng ngoái lại phía sau. Mặc kệ tất cả!

Chẳng dễ mà mặc kệ đâu, đừng tưởng bở! Không dễ, nghĩa là khó. Khó, không có nghĩa là không làm được. Khó mà làm được mới hay, tài giỏi, đáng khen. Thiên Chúa chúc lành cho những người biết “mặc kệ” như thế, bởi vì người đó thực sự can đảm, không nao núng vì ai – mặc kẻ nói ra, mặc người nói vào.

Người ta “chết” chỉ vì nghe quảng cáo hay quá, nghe thiên hạ “khéo nổ” quá, hứa hẹn tuyệt vời quá,… Tò mò và tham lam là nhược điểm của dân chúng mà các nhà quảng cáo “đánh” vào. Của đâu mà họ “tặng” cái này hay cái nọ khi mua sản phẩm nào đó? Càng ngày càng tinh vi xảo trá. Mua xe đạp được tặng lít xăng, xăng đó để làm gì? Vớ vẩn và ngớ ngẩn, nói thẳng ra là lừa bịp!

Chẳng bao giờ có chuyện sung rụng vô miệng. Chẳng bao giờ có chuyện thành công mà không khổ luyện. Chẳng bao giờ có hạnh phúc mà thiếu đau khổ. Nhưng hạnh phúc không có nghĩa là mọi thứ của chúng ta đều hoàn hảo, mà là chúng ta phải vượt qua chính mình và chiến thắng các khuyết điểm. Chấp nhận là bước đầu tiên để vượt qua tất cả.

Đối với đời sống tâm linh cũng tương tự, chính mình phải nỗ lực không ngừng. Thật vậy, Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9:23) Không thể vui thì vác, buồn thì thôi, cũng không thể chỉ vác một thời gian, mà phải kiên trì và liên tục vác suốt đời. Quả là gay go và cam go thật!

Còn nữa, chính Chúa Giêsu khuyến cáo: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà NHIỀU NGƯỜI lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ÍT NGƯỜI tìm được lối ấy.” (Mt 7:13-14) Theo lẽ thường, ai cũng thích thoải mái, không muốn ép mình. Rõ ràng là có nhiều người thích “đường rộng,” nhưng đường đó lại dẫn tới diệt vong; ít người thích “đường hẹp,” nhưng đường này lại dẫn tới sự sống vĩnh cửu. Cần phải can đảm và dứt khoát mới có thể hành động.

Thế nào là nhiều hay ít? Thống kê cho thấy thế này: Có 5% được vào Thiên Đàng ngay, có 15% phải vào Luyện Hình một thời gian. Còn 80% nữa đi đâu? Không nói thì ai cũng biết. Vì thế mà phải cố gắng hết sức mình. Lời Đức Mẹ Fatima rất đáng lưu ý: “Nếu loài người biết vĩnh cửu là gì thì họ sẽ làm mọi thứ để thay đổi cuộc đời.”

Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu đề cập Hỏa Ngục hơn 50 lần. Chắc chắn đó là vấn đề nghiêm trọng nên Ngài mới nhắc nhở nhiều đến thế! Thánh nữ Faustina Maria Kowalska (1905-1938) nói về Hỏa Ngục: “Theo lệnh Chúa, tôi đã thăm Hỏa Ngục để có thể nói với các linh hồn về Hỏa Ngục và chứng thực về sự hiện hữu của nó… Tôi chú ý một điều: Đa số các linh hồn ở Hỏa Ngục đều là những người không tin có Hỏa Ngục.” (Nhật Ký, số 741) Như vậy, chắc chắn Hỏa Ngục có THẬT. Thiên Chúa nhân lành, Ngài không muốn ai phải “tù đời” trong đó, mà chỉ tại người ta tự chọn mà thôi!

Khi sinh thời, có lần Thánh GH Gioan Phaolô II đã nói: “Thiên Chúa vô cùng tốt lành và là Cha nhân hậu. Nhưng nhân loại, được mời gọi tự do đáp lại Ngài, có thể chọn cách từ khước tình yêu và sự tha thứ của Ngài, như vậy thì tự tách mình khỏi Ngài mãi mãi và không muốn kết hiệp với Ngài. Vì tình trạng bi thảm này mà giáo lý Công giáo giải thích khi nói về sự kết án đời đời hoặc Hỏa Ngục. Đó không là hình phạt đời đời do Thiên Chúa bắt phải chịu mà là do nhân loại tạo ra lúc sinh thời. Đó là hậu quả của tội lỗi, là tình trạng của những người từ khước lòng thương xót của Chúa, ngay cả trong giây phút cuối đời. Hỏa Ngục cho thấy tình trạng của những người TỰ Ý tách khỏi Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Sống và Nguồn Vui.” (cuộc tiếp kiến chung, 28-7-1999)

Tất cả chúng ta đều xấu xa, chỉ có Thiên Chúa là ĐẤNG THÁNH. (Lv 11:44-45; Lv 19:2; Lv 20:26; Lv 21:8; Tv 89:36; Tv 99:5 & 9; Is 6:3; Br 4:22; Hs 11:9; Am 4:2; 1 Pr 1:16) Nhưng Ngài gọi chúng ta là “những bậc thần thánh” (x. Ga 10:34) vì Ngài muốn chúng ta nên thánh. Trách nhiệm của chúng ta là vâng lệnh truyền của Ngài: “Các ngươi PHẢI NÊN THÁNH và PHẢI THÁNH THIỆN.” (Lv 11:44-45; Lv 19:2; Lv 20:7) Và đó cũng là ơn gọi của mọi người – cách riêng là tín nhân.

Trình thuật 1 V 19:19-21 nói về ơn gọi của ông Êlisa: Ông Êlia gặp ông Êlisa (con ông Saphát, người Abel-Mehula) đang cày ruộng, ông Êlia đi ngang qua và ném tấm áo choàng của mình lên người ông Êlisa. Ông Êlisa liền để bò lại, chạy theo ông Êlia và xin cho về hôn cha mẹ để từ giã, ông Êlia bảo “cứ về.” Ông Êlisa về bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà, rồi đi theo ông Êlia.

Chỉ 3 câu ngắn gọn nhưng vẫn như một bộ phim, cho thấy rõ ông Êlisa được Chúa gọi qua ngôn sứ Êlia. Mỗi người sinh ra cũng có ơn gọi riêng, dù có những dạng không được con người chấp nhận – vì không nhận biết theo ý Chúa mà chỉ xét theo con người. Mỗi người được Thiên Chúa mời gọi bằng cách thức khác nhau, nhưng mọi ơn gọi đều quy về một dạng: ơn gọi nên thánh ngay ở đời này, cụ thể là được nhận biết Thiên Chúa. Đó là điều kỳ diệu nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Sống ơn gọi không thể tự sức mình mà phải cần ơn Chúa, và phải biết cầu xin như Thánh Vịnh gia: “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?” (Tv 16:1-2) Và cầu xin hằng ngày: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.” (Tv 51:17) Đó là vinh dự của mọi Kitô hữu – những người-mang-Đức-Kitô-trong-mình..

Thánh Vịnh gia kết hiệp với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện chân thành: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn. Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.” (Tv 16:5-8) Thật là hạnh phúc! Bất cứ ai cố gắng duy trì ân nghĩa với Thiên Chúa thì được Ngài ban đầy tràn sức sống và nhiều ích lợi khác.

Thánh Vịnh gia cho biết hệ lụy tất yếu nhờ động thái kết hiệp với Thiên Chúa: “Tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!” (Tv 16:9-11) Hồng ân nối tiếp hồng ân, tình yêu Thiên Chúa tuôn tràn không ngơi.

Mọi người đều được Thiên Chúa ban cho sự tự do, ai cũng có thể chấp nhận hay từ chối Ngài. Thật vậy, Thiên Chúa giải thoát chúng ta, trao ban tự do và cho chúng ta được quyền chọn lựa, Ngài không ép buộc bất cứ ai. Thánh Phaolô xác định điều đó và khuyên nhủ: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.” (Gl 5:1)

Thánh Phaolô tiếp tục xác định sự tự do và đề cập thêm về bác ái: “Anh em đã được gọi để HƯỞNG TỰ DO. Có điều là ĐỪNG LỢI DỤNG TỰ DO để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy!” (Gl 5:13-15) Tuy nhiên, tự do cũng có giới hạn – tự do trong khuôn khổ chứ không phải là có tự do rồi thì hành động tùy ý. Được tự do là để sống tốt, để yêu thương, để bác ái, để nhân hậu, để bảo vệ công lý và chân lý theo lý tưởng Đức Giêsu Kitô.

Thật vậy, Thánh Phaolô giải thích: “Tôi xin nói với anh em là hãy SỐNG theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ KHÔNG còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên KÌNH ĐỊCH NHAU, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.” (Gl 5:16-18) Xác thịt thật là nhiêu khê, thật là đáng ghét, vì chúng ta không làm điều mình muốn, cứ lần lữa, hẹn tới hẹn lui, rồi lại làm điều mình ghét. (x. Rm 7:15)

Có khi vì yếu đuối thật, nhưng có khi lại viện cớ là yếu đuối để tự biện hộ. Con người là thế mà vẫn chảnh! Miệng thì nói là yêu mến Chúa, nhưng lại hành động trái ngược. Đôi khi chúng ta chỉ lợi dụng lòng nhân từ của Thiên Chúa, rồi tự nhủ rằng “Ngài chẳng chấp tội” vì Ngài giàu lòng thương xót. Đó chỉ là cái lý cùn của tính xác thịt mà thôi!

Qua trình thuật Lc 9:51-62, Thánh Luca kể về dịp Đức Giêsu lên Giêrusalem, tới một làng miền Samari nhưng không được họ đón tiếp, dù Ngài đã sai mấy sứ giả đi trước để chuẩn bị cho cuộc xuất hiện của Ngài. Thấy thế, ông Giacôbê và ông Gioan cho phép họ khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ dân làng này, nếu Ngài muốn. Chúa Giêsu không chỉ không cho phép mà còn quở mắng họ.

Sau đó, Thầy trò cùng đi sang làng khác. Trên đường, có người thưa với Ngài: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Ngài nói nghiêm túc nhưng rất thẳng thắn: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Gặp một người khác, Ngài nói: “Anh hãy theo tôi!” Nhưng anh ta chần chứ: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Ngài bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Một người khác nữa bày tỏ: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Chúa Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

Có lẽ chúng ta thấy loại người “chỉ mạnh lỗ miệng” nhiều trong cuộc sống thường nhật. Ngôn hành phải song song, không thể nói mà không làm – không làm được mười thì cũng phải làm được vài phần, chứ đừng viện cớ này hoặc lẽ nọ mà… “chuồn êm” ngay. Miệng ai cũng nói mạnh, nhưng khi cần vào cuộc thì ngần ngại, sợ hãi, rút lui. Người ta gọi đó là kiểu “mạnh bạo xó bếp” – tức là phét lác, chỉ “nổ” mà thôi.

Thánh Phaolô cho biết: “Xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa, cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt.” (1 Cr 15:50) Vì thế, phải biết “mặc kệ” mọi vật cản mới có thể chấp nhận chịu thua thiệt, chịu đau khổ vì Đức Giêsu Kitô, và tất nhiên là có lợi cho chính mình.

CP Henry Suso nhắc nhở: “Hãy xét mình và xem Thiên Chúa mong muốn và chờ đợi mình điều gì, còn hãy mặc kệ những sự khác.” Thánh Barsanuphius khuyên: “Đừng tìm cách để nổi trội. Trong bất cứ việc gì, đừng sánh mình với người khác. Hãy mặc kệ thế gian, hãy vác lấy thập giá, hãy vứt bỏ tất cả những gì phàm tục, hãy giũ sạch bụi trần khỏi bàn chân.”

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con nhận thức đúng đắn, đủ can đảm và sức mạnh để vượt qua mọi chướng ngại vật trên đường lữ hành trần gian này, biết làm ngơ những ham muốn trần tục, biết chịu thua thế gian và cố gắng bước theo Đức Kitô đến cùng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …