Home / Chia Sẻ / LÝ DO PHẢI ĐI LỄ

LÝ DO PHẢI ĐI LỄ

LÝ DO PHẢI ĐI LỄDù bạn 8 tuổi hay 80 tuổi, có lẽ vào một thời điểm nào đó trong đời, bạn đã phải vật lộn với câu hỏi: “Tại sao phải đi lễ?”

Đôi khi bạn có thể cảm thấy không muốn đi lễ. Bạn có thể không thích âm nhạc hoặc bài giảng trong giáo xứ. Bạn có thể nghĩ Thánh Lễ nhàm chán. Bạn có thể cảm thấy như thể giáo xứ không chào đón bạn. Bạn có thể cố gắng tự thuyết phục rằng bạn có thể cầu nguyện tốt ở ngoài trời hoặc trong sự thoải mái tại nhà mình.

Mặc dù bạn biết rằng tham dự Thánh Lễ là điều tốt, nhưng bạn có thể tự khuyên mình không nên đi lễ bằng cách tập trung vào những điều tiêu cực. Lúc đầu, bạn có thể cảm thấy hơi tội lỗi, nhưng cuối cùng, bạn có thể biện minh cho quyết định của mình bằng cách tự thuyết phục rằng bạn quá bận, quá mệt mỏi, quá buồn chán hoặc quá thất vọng. Khi điều đó xảy ra, bạn đã bỏ lỡ món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể.

Nếu bạn không muốn tham dự Thánh Lễ, đây là 10 lý do chính đáng để bạn đi lễ:

  1. THIÊN CHÚA YÊU CẦU CHÚNG TA THÁNH HÓA MỘT NGÀY. Ngài yêu cầu chúng ta dành một ngày để tập trung lại về thể lý, tinh thần và tâm linh. Chúng ta đang sống trong một thế giới trần tục, đi lễ giúp chúng ta nhìn mọi thứ từ một viễn cảnh khác. Chúng ta bắt đầu nhận thấy trong sâu thẳm con người mình rằng Chúa đang nắm quyền. Chúng ta có thể buông bỏ chương trình của riêng mình vì chúng ta biết rằng Chúa sẽ truyền cảm hứng, hướng dẫn và củng cố chúng ta cho tuần tới.
  2. CHÚA GIÊSU BAN CHO CHÚNG TA MÓN QUÀ CHÍNH NGÀI. Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta đang làm những gì Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải làm. Đó là mệnh lệnh yêu thương và được Thiên Chúa yêu thương. Chúa Giêsu hiến mình cho chúng ta trong Lời Chúa mà chúng ta nghe và trong sự Hiện Diện Thật của Ngài, được ban cho chúng ta qua Thánh Thể khi hiệp lễ.
  3. CHÚNG TA CẦN TRỞ THÀNH MỘT PHẦN CỦA CỘNG ĐỒNG. Khi cùng nhau tham dự Thánh Lễ để cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta đáp ứng nhu cầu sâu sắc bên trong mình là được hiệp thông với người khác. Các giáo dân khác – dù chúng ta không biết tất cả – đều hỗ trợ, xác định và động viên chúng ta về nỗ lực sống sứ điệp Tin Mừng. Họ giúp chúng ta thấy rằng chúng ta không đơn độc, rằng tất cả chúng ta đều là một phần của Nhiệm Thể Đức Kitô.
  4. THIÊN CHÚA CÓ MỘT THÔNG ĐIỆP ĐẶC BIỆT DÀNH CHO CHÚNG TA. Khi lắng nghe các bài đọc, bài giảng và lời cầu nguyện trong Thánh Lễ, Thiên Chúa nói với chúng ta một cách đặc biệt. Chúng ta nên kết thúc mỗi Thánh Lễ với ít nhất một cảm hứng sẽ tác động đến cuộc sống của chúng ta một cách nào đó. Chúng ta chỉ cần chú ý và cởi mở với những gì Thiên Chúa đang muốn nói với chúng ta.
  5. CHÚNG TA CẦN NÓI CHUYỆN VỚI CHÚA. Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta thưa chuyện với Chúa qua tiếng hát, qua những câu đáp và lời cầu nguyện chung cũng như lời cầu nguyện riêng từ sâu thẳm trái tim. Trong Thánh Lễ, chúng ta có cơ hội cầu xin Chúa những gì chúng ta cần, hứa với Ngài rằng chúng ta sẽ làm những gì Ngài muốn chúng ta làm, và tạ ơn Ngài vì nhiều hồng ân Ngài đã ban cho chúng ta.
  6. MỌI NGƯỜI CẦN LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHÚNG TA. Chúng ta có thể cầu nguyện cho người khác bất cứ lúc nào, nhưng khi cầu nguyện cho người khác trong Thánh Lễ, chúng ta cầu nguyện một cách đặc biệt. Sẽ không có vấn đề gì nếu những người khác xa cách chúng ta bởi khoảng cách hoặc bởi cái chết. Thánh Lễ quy kết chúng ta lại với nhau trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, và chúng ta trở thành sự hiệp thông của các thánh. Đó là một phần chiều kích vũ trụ của Thánh Lễ kết hợp trời và đất bằng cách vượt qua thời gian và không gian.
  7. CHÚNG TA CẦN ĐỨNG LÊN VÌ NHỮNG GÌ CHÚNG TA TIN. Trở thành môn đệ của Chúa Giêsu là giao thoa văn hóa. Trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta có cơ hội đứng lên và tuyên bố những điều chúng ta tin một cách công khai. Chúng ta thừa nhận rằng chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Giêsu, tin vào Chúa Thánh Thần, tin vào Giáo hội Công giáo, tin vào sự hiệp thông của các thánh, tin vào sự tha tội và tin vào sự sống sau khi chết. Đó là lời tuyên bố mạnh mẽ về lòng trung thành và là cơ hội để chúng ta tái cam kết.
  8. CHÚNG TA CẦN THỪA NHẬN MÌNH SAI LẦM. Trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta có cơ hội ôn lại tuần vừa qua. Chúng ta thừa nhận mình đã phạm tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót – việc đã làm và chưa làm. Chúng ta tìm kiếm sự tha thứ và tin chắc rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Trước khi rước lễ, chúng ta thừa nhận mình không xứng đáng và cầu xin Thiên Chúa chữa lành chúng ta. Đi lễ giúp chúng ta củng cố quyết tâm sống đạo đức.
  9. CHÚNG TA CẦN NGHI THỨC TRONG CUỘC SỐNG. Thánh Lễ là một nghi thức, có nghĩa là qua việc lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện, các động tác và việc thánh hóa bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được đào tạo, kỷ luật và an ủi. Sự “giống nhau” của Thánh Lễ đưa chúng ta đi theo hành trình tâm linh – ngay cả khi chúng ta “cảm thấy” không muốn cầu nguyện. Sự “giống nhau” của nghi lễ cho phép chúng ta được biến đổi ở mức độ tâm hồn – ngay cả khi chúng ta không biết điều gì đang xảy ra.
  10. CHÚNG TA CẦN TRẢI NGHIỆM ĐIỀU GÌ ĐÓ LỚN LAO HƠN CHÍNH MÌNH. Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta chia sẻ sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Khi dâng cuộc sống bình thường của mình cho Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, chúng ta bước vào kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa dành cho thế giới. Chúng ta được Thánh Thể củng cố và được sai đi vào thế giới để đem sứ điệp Tin Mừng đến cho mọi người. Thánh Lễ đem lại ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống của chúng ta, cho chúng ta cảm giác về số phận và đem lại sự bình an mà thế giới không thể đem lại. Thánh Lễ giúp chúng ta phát triển cảm giác kỳ diệu và ngạc nhiên, giúp chúng ta thấy rằng có điều gì đó lớn lao hơn chính chúng ta.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thay đổi thái độ về việc đi lễ? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bắt đầu nghĩ Thánh Lễ là thời gian trong ngày mà bạn có thể kết nối với Chúa và với người khác một cách đặc biệt? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tập trung vào những điều bạn thích ở giáo xứ mình thay vì những điều bạn không thích? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ưu tiên cho Thánh Lễ?

Tác động của những thái độ tích cực đó có thể khiến bạn ngạc nhiên đấy!

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ OurSundayVisitor.com)

Xem thêm

TÌNH YÊU VƯỢT QUÁ CÁI CHẾT

TÌNH YÊU VƯỢT QUÁ CÁI CHẾT

  Gilbert K. Chesterton từng nói, Kitô giáo là nền dân chủ duy nhất mà …