Home / Chia Sẻ / LUYỆN TẬP NHÂN ĐỨC (P.5)

LUYỆN TẬP NHÂN ĐỨC (P.5)

 

V. ĐỨC TIẾT ĐỘ
Tiết độ ăn uống đã nói ở trên, tại đây ta sẽ bàn về tiết độ sắc dục, tức là đức Thanh Khiết và mấy đức liên hệ là Khiêm Nhượng, Hiền Lành, Thanh Bần.
1. Đức Thanh Khiết.
Thanh Khiết là nhân đức kiềm chế tính sắc dục, kẻo làm điều gì trái phép.
Lạc thú sắc dục chỉ có mục đích giúp việc truyền sinh, bảo tồn nhân loại, nên chỉ bậc vợ chồng mới được sử dụng, ngoài ra là tuyệt cấm, dầu là tư tưởng, ngôn từ hay hành động.
Thanh Khiết là nhân đức thiên thần, nhưng cũng là nhân đức giòn mỏng, rất dễ tan vỡ, là nhân đức khắc khổ, rất khó giữ, cần phải liên tục chiến đấu với thứ đam mê hung hãn nhất của con người.
Có hai thứ Thanh Khiết:
1.1.Thanh Khiết hôn nhân.
Có người lầm tưởng Thanh Khiết là nhân đức riêng của bậc tu trì, bậc hôn nhân không phải giữ. Nếu vậy thì giới răn thứ Sáu và thứ Chín làm sao? Đành rằng thanh khiết hôn nhân không cao quý bằng thanh khiết tu trì, nhưng không phải không đòi hỏi nhiều hy sinh to tát, có khi anh hùng nữa.
1.1.1. Nguyên tắc: Theo thánh Phaolô, hôn nhân Công Giáo là hình bóng chỉ mầu nhiệm phối hiệp giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội. Ngài dạy: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu mến bạn mình như Chúa Giêsu đã yêu mến Giáo Hội, đến hiến cả thân hầu thánh hoá Giáo Hội” (Ep 22,33). Vì thế, đôi bạn phải thương yêu, tôn trọng và thánh hoá lẫn nhau.
Muốn vậy, đôi bạn phải giữ sự tín nghĩa phu thê đối với nhau và chu toàn nghĩa vụ vợ chồng.
1.1.2. Tín nghĩa phu thê: Tình ái phu thê là thứ tình ái độc chiếm, không chia sẻ được, ngày nào chia sẻ với người đệ tam, thì nó tan rã vì mất đặc tính rồi. Vì thế đôi bạn phải tuyệt đối trung thành với nhau trong tình yêu, từ tư tưởng đến hành vi, không có gì gian lận. Chỉ khi nào mình tín nghĩa mới có quyền buộc người khác tín nghĩa.
Muốn tín nghĩa, hãy giúp nhau sốt sắng giữ đạo. Đạo là thứ bùa thiêng ấp ủ hai trái tim trong tình yêu bền bỉ. Người đàn ông khô đạo là một con thú phũ phàng. Người đàn bà khô đạo là một cây lau phất phơ trước gió. Phải biết chiều ý nhau, làm sao cho long phụng hoà minh, lại biết chịu đựng nhau:
Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê.

1.1.3. Nghĩa vụ phu thê: Đôi bạn phải nhớ hôn nhân là bậc cao trọng, đã được thánh hoá bởi một Bí Tích, mục đích đệ nhất là sinh sản và dạy dỗ con cái được phúc trường sinh. Mục đích đệ nhị là giúp đỡ nhau xác hồn. Chẳng những phải tránh những gì ngăn trở việc truyền sinh, lại phải giữ tiết độ trong những điều hợp pháp, và có can đảm kiêng cữ khi cần. Giữ đức Thanh Khiết lúc này không phải là dễ, nếu đôi bạn không có lòng đạo đức và quen cầm hãm tính dục. Nhưng nhờ lời cầu nguyện và phép Bí Tích, người giáo hữu trông cậy giữ trọn được đức Thanh Khiết hôn nhân.
1.2.Thanh khiết độc thân.
Ngoài bậc hôn nhân, mọi người đều phải giữ mình hoàn toàn thanh khiết; hoặc giữ một thời gian như người chưa kết bạn, người goá bụa; hoặc giữ trọn đời như linh mục, tu sĩ hoặc giáo hữu tại gia đã khấn giữ. Sự cao quý của đức này đã được nói ở trên (Q.I, P4, C.2, D(1; Q.II, P.1, C.4, M.2, Đ.2).
Phương tiện chính yếu giữ gìn đức thanh khiết độc thân :
1.2.1. Khiêm Nhường.
Khiêm Nhường là lính canh Thanh Khiết cho khỏi nhiều nguy hiểm, vì kẻ khiêm nhường:
– Không cậy sức mình, song cậy vào ơn Chúa. Nhiều người đã đắm chìm trong bùn nhơ, bởi cậy mình kiêu ngạo. Đó là hình phạt Chúa thường dùng để hạ nó xuống. Dầu đã cao niên, đã thánh thiện, ta cũng chớ hững hờ, song phải luôn đề phòng run sợ. Hãy bắt chước thánh Philiphê Nêri thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin đừng tin Philiphê, kẻo nó phản Chúa đó”.Trái lại, phải hoàn toàn cậy trông vào ơn Chúa. Không bao giờ Ngài để ta phải cám dỗ quá sức, vì sẽ ban ơn đủ cho ta. Ơn đó có khi Ngài ban ngay, có khi Ngài giãn ra, để ta càng cầu xin tha thiết. Vậy không nên quá lo sợ, kẻo thất đảm mà ngã thua chăng.
– Tránh dịp hiểm nghèo.
a. Dịp hiểm nghèo đệ nhất cho kẻ muốn giữ mình thanh tịnh là sự thân thiết cùng người khác giới. Những cuộc gặp gỡ vô ích, phải bỏ đi. Những cuộc gặp gỡ cần thiết, hãy đề phòng cẩn thận, từ thị giác đến ngôn từ, cử chỉ. Câu chuyện phải thưa, thưa vắn tắt, nghiêm trang. Thánh Giêrônimô khuyên môn đệ: “Chớ ngồi một mình với người phụ nữ nơi khuất tịch không có ai chứng kiến”. Về vấn đề này, không bao giờ ta thận trọng cho đủ được, vì ta có cả nhân đức và thanh danh bảo tồn.
b. Những trẻ nhỏ, điệu bộ tươi xinh, tính tình kiều mị, ta thường ưa nhìn ngắm vuốt ve, hôn ẵm, mà sinh lòng quyến luyến, dao động dục tình. Đó là dấu hiệu phải đình chỉ. Ta yêu mến trẻ nhỏ, nhưng đừng quên kính trọng chúng, vì chúng là đền thờ Chúa ngự, và thiên thần bổn mạng của chúng hằng xem thấy mặt Đức Chúa Cha ở trên trời (Mt 18,10).
c. Phải tránh thói trau dạng chuốt hình, tính cách yểu điệu, con mắt đưa duyên, lời nói đặm tình, đã nguy hiểm cho mình, lại cũng nguy hiểm cho người nữa. Các thứ sách báo, tranh ảnh, tuồng kịch mất nết cũng phải thẳng tay gạt bỏ.d. Thành thực với cha linh hướng. Người khiêm nhượng thành thực bộc lộ hết tâm hồn với cha linh hướng, như cuốn sách mở trước mắt ngài, từ chước cám dỗ đến sự yếu đuối, chẳng giấu giếm sự gì, để ngài kịp thời ban chỉ thị cần thiết. Ma quỷ là tên đại bợm, khi toan đánh cắp linh hồn nào, thì dặn phải giữ bí mật. Sự thành thực với cha linh hướng sẽ phá tan mưu chước nó.
1.2.2.Khổ Chế.
– Khổ chế đã được nói dài ở trên (P.I, C.3), ở đây chỉ nhắc lại mấy điều có lợi cho đức Thanh tịnh. Nọc dâm ô tràn vào linh hồn qua mọi cửa, nên phải khổ chế toàn thân, ngoại quan, nội quan và trái tim cho nhiệm nhặt.
– Toàn thân: phải giữ nết na trong cách ở, điều độ trong việc ăn uống nghĩ ngơi. Trong thời kỳ bị cám dỗ, nhất là mùa xuân nên ăn những đồ mát và nhẹ, để giảm bớt sự lăng loàn của tính dục.
– Ngoại quan: về thị giác, hãy cẩn trọng giữ lời thánh Gióp: “Tôi đã giao ước với mắt không tưởng người trinh nữ” (G 31,1). Lưỡi và tai phải tránh chuyện xấu xa, vì nó phá thuần phong mỹ tục, tránh lời hai ý, bông đùa, thô tục. Xúc giác càng phải thận trọng hơn nữa; sáng vừa thức dậy, tối trước khi đi ngủ, hãy giơ cao hai tay lên trước mặt mà dâng cho Chúa, xin Ngài gìn giữ khỏi bùn nhớp núi Vu Sơn.
– Nội quan: trí nhớ và tưởng tượng là hai mối mai quỷ quyệt, nên phải hãm dẹp, đừng để cho chúng bày vẽ hoặc nhớ lại những điều dơ bẩn, song phải thay vào bằng những hình ảnh đạo đức, tốt đẹp; chớ để chúng mơ mộng lông bông.
– Trái tim: là cơ quan của tình yêu. Người ở bậc thanh tịnh đã tự ý từ bỏ lạc thú gia đình, nhưng trái tim tự nhiên còn khuynh hướng về đó. Vậy phải canh phòng cẩn mật, đừng để cho trái tim quyến luyến một tạo vật nào, dầu thánh thiện đến đâu cũng thế. Thánh Phanxicô Salê dặn: “Thường khi ta tưởng mình yêu người nọ, người kia vì Chúa, mà thực ra, ta yêu họ vì mình, nghĩa là vì sự yên ủi họ mang đến cho ta”. Khi vừa thấy bóng tơ mành, phải cắt đứt cho sớm, chớ dại ngồi mà gỡ rối, kẻo nguy! Đừng tưởng người đạo đức, không hề gì. Thánh Augustin quả quyết: “Càng thánh thiện, càng quyện nhiều”.
1.2.3. Chăm chỉ làm việc.
– Muốn bảo tồn thanh khiết, phải chăm chỉ làm việc.Người bận việc có một tên quỷ cám dỗ, thì người ở nhưng có đến trăm tên. Nhàn cư vi bất thiện. Để giải khuây, kẻ lười sẽ mắc nhiều nết xấu, trong đó phải kể tính mê dâm lên hàng đầu. Trái lại, người chăm chỉ bận bịu luôn luôn, còn giờ đâu để nghĩ xằng, làm bậy. Với mục đích giúp thiếu nhi giữ mình trong sạch, từ tư tưởng đến lời nói, việc làm, phong trào Hướng Đạo có luật buộc đoàn viên phải luôn luôn vui vẻ và hoạt động. Muốn ham chuộng làm việc, phải có một chương trình hành động cho từng giai đoạn cuộc sống, không nên để gặp cái gì làm cái nấy.
1.2.4. Yêu mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
– Nếu sự chăm chỉ làm việc gìn giữ trí khôn khỏi những tư tưởng xấu xa, thì lòng yêu mến Thiên Chúa gìn giữ trái tim khỏi những tình yêu bất chính.Trái tim con người cốt để yêu, không tình yêu nọ thì tình yêu kia, không thể trống rỗng được. Chức linh mục, bậc tu trì không dập tắt ngọn lửa thiêng ấy, nhưng nâng nó lên bậc siêu phàm. Một khi đã say mến Chúa thì không thiết gì tạo vật. Chính Chúa cũng ra tay bảo vệ những trái tim đã tận hiến, dường như cách ghen tương, không muốn để nhân vật nào đụng tới. Tình yêu ấy, ta múc được trong sự suy gẫm Phúc Âm, rước lễ sốt sắng và viếng chầu Thánh Thể thiết tình.Đồng thời, ta cũng vun trồng lòng sùng kính Đức Mẹ Đồng Trinh Vô Nhiễm, là nguồn trong sạch, là sức mạnh kẻ đồng trinh. Chính Mẹ, sẽ giúp ta thắng chước cám dỗ, để giữ lấy bông huệ lòng toàn vẹn. Mà chẳng may có gió dập mưa vùi, thì Mẹ sẽ sửa sang vun quén lại cho.
2. Đức Khiêm Nhường.
Khiêm Nhường có thể coi là thuộc đức Công Bình, vì nó khiến ta xử với mình như mình đáng. Nhưng người ta thường kể nó thuộc về đức Tiết Độ, vì nó điều hoà tính tự trọng của ta.
2.1. Khái niệm về đức khiêm Nhường.
Theo nguyên tự, Khiêm là nhún, Nhượng là nhường, nghĩa là nhún mình xuống để nhường người lên.
Theo thánh Bêna, Khiêm Nhường là nhân đức làm cho người ta biết mình rõ mà tự khinh.
2.1.1. Căn bản
Căn bản đức Khiêm Nhường là sự thực và công bình.
– Sự thực cho ta biết mình cho đúng. Thánh Tôma dạy: “Phải xét nơi ta cái gì là của Chúa, cái gì là của ta. Cái gì khuyết điểm là của ta, cái gì tốt lành là của Chúa”.
– Công bình là lẽ buộc ta phải nhìn nhận các sự lành nơi ta là của Chúa ban, vì thế phải trả mọi vinh quang danh vọng cho Ngài. Đành rằng nơi ta cũng có nhiều điều hay điều tốt, như tài năng tự nhiên, ơn phước siêu nhiên, đức Khiêm Nhường không cấm ta nhìn nhận, nhưng phải trả nó về cho Thiên Chúa, như bức vẽ đẹp là công trình của họa sĩ, đâu có phải của bút của sơn? Đàng khác, ta là không thì đừng muốn ai biết tới, chỉ muốn người ta coi khinh mình như không. Hơn nữa, ta là tội lỗi thì đáng lãnh mọi sự khinh khi sỉ nhục, còn phàn nàn gì nữa!
2.1.2. Cao quý.
Khiêm Nhường cao quý, vì là chìa khoá mở kho tàng ân sủng và nền tảng các nhân đức khác.
– Chìa khoá ân sủng: Thánh Kinh rằng: “Chúa chống đối kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5). Ngài làm như thế, vì kẻ kiêu căng cướp danh vọng của Ngài; còn người khiêm nhường trả hết vinh quang cho Chúa. Hẳn ta còn nhớ dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18,10).
– Nền tảng nhân đức: Thực ra, toà nhà nhân đức Kitô giáo phải xây trên tảng đá Đức Tin. Nhưng tảng đá Đức Tin phải có nền móng khiêm nhường mới hạ xuống và đứng vững được. Khi nói Khiêm Nhường là nền tảng các nhân đức, ta phải hiểu nó làm cho các nhân đức được đứng vững vàng chắc chắn. Thánh Augustin hỏi: “Con muốn lên cao? Hãy hạ mình xuống. Con muốn xây lầu thấu trời? Hãy lo đào móng khiêm nhường trước đã”.
2.2.Thực hành đức Khiêm Nhường.
Bậc khởi sinh : Khởi sinh hãy cố gắng diệt tính kiêu ngạo, như đã nói ở trên (P.I, C.4, Đ.1).
Bậc tiến sinh : Tiến sinh hãy lo hấp thụ tâm tình khiêm nhường của Chúa Giêsu, và đưa ra thực hành trong đời sống. Dưới đây xin giải rộng về điều ấy.
2.2.1.Gương Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô viết: “Anh em hãy mặc lấy tâm tình Chúa Kitô. Tuy Ngài là Thiên Chúa mà đã hạ mình ra như không” Pl 2,5-7). Nghiền gẫm Phúc Âm, ta sẽ thấy Chúa hạ mình làm sao. Sinh trong khó nghèo, trót ba mươi năm vâng lời thánh Giuse và Đức Mẹ, làm nghề thợ mộc độ thân. Ba năm giảng đạo ngược xuôi, chọn người điền giã làm môn đệ, thuyết giáo cách bình dân, đến phụng sự người ta, không để được người ta phụng sự, hoàn toàn tuỳ thuộc Thiên Chúa, không tìm danh vọng cho mình, chỉ lo hiển danh Cha. Nhất là ba ngày Tử Nạn, Ngài càng hạ mình hơn nữa, nên như sâu bọ, đâu phải là người: nhân loại khinh khi, toàn dân che bỏ, bị kết án cực hình như một tên đại gian ác. Ngày nay, trong nhà tạm Ngài còn tiếp tục ẩn mình. Xưa trên thánh giá giấu thần tính, nay trong nhà tạm giấu cả nhân tính nữa. Đã vậy, còn chịu biết bao sỉ nhục nhuốc nha, chẳng những do người ngoài, mà lại còn cho con trong nhà mới là cực chứ ! Tấm gương xán lạn ấy chẳng đủ thúc giục ta tập mình khiêm nhường sao?
2.2.2.Áp dụng vào đời sống: Đối với Chúa, với người và với mình
– Đối với Chúa, đức Khiêm Nhường được biểu dương bằng tinh thần thờ phượng và biết ơn.

  a. Thờ phượng là thành tâm nhìn nhận mình là nhỏ nhoi, tội lỗi, và sung sướng xưng ra Chúa là cao sang, thánh thiện tuyệt vời. Bởi đó nảy ra tâm tình thần phục, ngợi khen, mến yêu và hiếu thảo; và tự đáy lòng phát ra lời chúc tụng: Chỉ có Chúa là Thánh. Chỉ có Chúa là Chủ. Chỉ có Chúa là Tối cao!

  b. Biết ơn là chân thành nhìn nhận Chúa là căn nguyên mọi thiện hảo nơi ta cũng như nơi vạn vật. Thay vì tự hào, ta phải quy hết mọi thiện hảo và vinh quang về Chúa để tạ ơn Ngài.

– Đối với người ta, phải nhìn nhận tài năng, nhân đức người khác, mà thán phục vui mừng, chứ không đem lòng ghen tị, vì biết đó là ơn của Chúa ban.Trái lại, khi thấy người ta sai lỗi, thì đừng tức bực, hãy cầu nguyện cho họ sửa mình, lại gắng che chữa cho người ta hết sức, trừ khi mình có nghĩa vụ phải chỉnh huấn thì không kể. Nếu không có ơn Chúa giúp, ta cũng có thể sa ngã nặng nề hơn.
– Đối với bản thân. Đành rằng ta được nhìn nhận cái tốt của mình, để cảm tạ Chúa; nhưng ta cũng phải nhìn nhận cái xấu để giữ đức khiêm nhường trong trí, trong lòng và bề ngoài nữa.
a. Khiêm nhường trong trí: đừng phóng đại tài năng, đức tính của mình, hãy khách quan nhìn nhận đúng sự thật; hãy dùng nó để hiển danh Chúa, sinh ích cho đồng loại, chứ không phải để chuốc hư vinh cho bản thân. Hãy trừ khử tính cố chấp, biết nhìn nhận điều phải của người, điều sai của mình và sẵn sàng hy sinh ý mình, nhất là đối với bề trên.
b. Khiêm nhường trong lòng: không cầu vinh sang an thường thủ phận, chuộng đời sống ẩn dật hơn chức vụ cao sang; giấu kín những điều có thể làm cho ta được tôn trọng; ước ao ngồi chỗ chót trong xã hội cũng như trong tâm trí loài người; không muốn ai biết và nhớ đến mình nữa.
c. Khiêm nhượng bề ngoài: có bên trong tất lộ ra bên ngoài cũng không phải không ảnh hưởng đến bên trong. Vậy phải cố gắng thực hành khiêm nhượng bề ngoài: ở nhà thanh đạm, mặc áo đơn sơ; diện mạo, thái độ, cử chỉ khiêm nhu, không gò gẵng; cư xử nhã nhặn, lịch sự và tôn kính mọi người; không nói về mình khi không cần thiết, nhường cho người khác nói điều họ ưu. Nói điều dở của mình cũng thường là kiêu ngạo trá hình. Mà nói điều hay của mình tức là khoe khoang rồi vậy.
3. Đức Hiền Lành.

Chúa Giêsu đã liên kết đức Hiền Lành với đức Khiêm Nhường vì không khiêm nhường thì hiền lành sao được? Ở đây, ta sẽ bàn về khái niệm và thực hành đức Hiền Lành.

3.1. Khái niệm về đức Hiền Lành.
3.1.1.Yếu tố
Hiền Lành là nhân đức phức tạp, gồm nhiều yếu tố:
– Sự tự chủ: nhờ đó ta đề phòng và tiết chế những cảm xúc nóng giận: như thế Hiền Lành có liên quan đến Tiết Độ.
-Sự chịu đựng: nhịn nhục nết xấu người ta và như thế Hiền Lành thuộc Can Đảm.
– Tha thứ và hảo tâm: tha thứ sự sỉ nhục người ta làm cho mình, đồng thời cư xử tử tế với mọi người, kể cả thù địch. Như thế Hiền Lành là một thể thức bác ái. Xem thế, Hiền Lành không phải là một nhân đức, song là một liên hoàn nhân đức vậy.
3.1.2. Định nghĩa.
Hiền Lành là nhân đức phòng ngừa tiết chế nộ khí, chịu đựng nết xấu tha nhân và tử tế với mọi người.
Hiền Lành không phải là sự ỉu dịu bề ngoài, che đậy một tâm hồn di hận hàm oán. Hiền Lành là nhân đức nội tâm, nằm trong ý chí và giác cảm, để giữ lấy an tĩnh hoà bình; nhưng cũng được biểu lộ ra ngoài bằng những ngôn từ, cử chỉ, thái độ nhã nhặn dễ thương.
3.1.3. Cao quý.
– Hiền Lành là một Hạnh Phước Phúc Âm: “Phúc thay kẻ hiền lành, vì sẽ chiếm được Đất Chúa” (Mt 5,4). Tiếng Đất Chúa hiểu về Thiên Đàng, mà cũng hiểu được về nhân tâm, vì chỉ có kẻ hiền lành mới được lòng người ta.
– Hiền Lành là nguồn bình an với Chúa, với người và với mình.
a.Bình an với Chúa: Kẻ hiền lành biết bình tĩnh lãnh nhận mọi rủi ro thử thách, vì tin rằng: “Tất cả đều giúp ích cho người có lòng mến Chúa” (Rm 8,28).
b. Bình an với người: Đức Hiền Lành giúp ta đề phòng và tiết chế những cảm xúc nóng giận, chịu đựng nết xấu tha nhân, cư xử tử tế với mọi người, nên giữ được hoà khí với luôn.
c. Bình an với mình: Khi trót sai lỗi hoặc thất bại, người hiền lành không bất nhẫn, nhưng bình tĩnh trách mình và cũng thương mình, rồi quyết chí sửa lại cách êm đềm.
3.2. Thực hành đức Hiền Lành.
Khởi sinh hãy cố gắng diệt rừ tính nóng giận (P.I, C.4, Đ.1).
Tiến sinh hãy gắng hấp thụ đức Hiền Lành của Chúa Giêsu mà tái diễn trong đời sống.
3.2.1.Gương Chúa.
Chúa Kitô đã hạ cố đặt mình làm gương mẫu hiền lành cho ta: “Hãy học cùng Cha, vì Cha hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29). Ngài đã giảng Phúc Âm cách hiền hoà, không chua cay nóng nảy, không bẻ gãy cây sậy giập, không dập tắt ngọn đèn tàn, không nạt nộ, luôn vui vẻ, mà mời gọi mọi người đau khổ đến nghỉ ngơi nơi mình.
Ngài nín nhịn các tông đồ quê kệch, kiêu căng và dốt nát. Ngài nương nhẹ các đấng, không dạy hết mọi điều một trật, song tuỳ sức mà tỏ ra dần dần. Ngài tha thứ tội lỗi người ta cách dễ dàng, ngay cả với những kẻ hành quyết Ngài cũng thế.
3.2.2.Áp dụng.
Đừng lớn tiếng, không cãi cọ, tránh lời cộc cằn, cứng cỏi, mỉa mai. Không báo thù, đừng đập phá, đừng nói năng khi tức giận. Trái lại, hãy hoà nhã, vui vẻ, lịch sự với mọi người, dầu khi họ làm phiền ta cũng thế; nhân từ với trẻ nhỏ, bần nhân, tội nhân. Khi phải quở mắng, cũng nhớ thêm lời xoa dịu. Hãy giúp đỡ người ta cách thiết tình niềm nở.
Một câu nhịn chín câu lành.
Sau hết hãy sẵn sàng đón nhận sỉ nhục như Chúa đã khuyên, là khi bị vả má nọ thì chìa má kia cho người ta nữa.
4. Đức Thanh Bần.
4.1. Khái niệm.
Thanh Bần là nhân đức giải thoát ta khỏi lòng dính bén của cải, khiến ta vui lòng chịu thiếu thốn vì lòng mến Chúa.
Người Việt thường cho nghèo là khổ: Vạn sự bất như bần. Người Âu cao hơn, khi nói: Nghèo không phải là xấu. Còn Chúa Giêsu nâng sự nghèo lên hàng nhân đức và hạnh phúc: “Phước thay kẻ có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của người ấy” (Mt 5,13).
Của cải là phương tiện cần thiết Chúa ban để bảo tồn nòi giống. Nhưng thường người ta dính bén của đời mà nhạt lòng làm tôi Chúa. Vì thế, Chúa phán: “Các con không thể làm tôi hai chủ, là tiền tài và Thiên Chúa được” (Mt 6,24).
Thanh Bần không có nghĩa là dứt bỏ hẳn mọi của cải; điều ấy, bao lâu ta còn sống, không thể thực hiện được. Dầu bậc khổ tu, tuy không có của riêng, nhưng vẫn có của chung. Đức Thanh Bần nhắm tiết chế lòng yêu chuộng của đời thế nào cho hợp lẽ phải và đức Tin, hầu linh hồn được thong dong mà yêu mến Chúa. Thanh Bần, trước hết, tại trong lòng. Có người giàu mà thanh bần cũng như có người nghèo mà tham của. Đức này còn giúp ta biết nhịn nhục, chịu đựng những thiếu thốn vật chất, mà ở bậc nào ta cũng thường gặp. Như vậy, Thanh Bần thuộc về đức Tiết Độ và Can Đảm.
4.2. Cao quý.
Đối với bậc tu sĩ, Thanh Bần là một điều kiện Chúa đòi gắt gao: “Nếu con muốn nên hoàn thiện, hãy về bán hết của cải, mà cho người nghèo khó” (Mt 19,21). Ai chẳng từ bỏ mọi sự mình có, thì chẳng đáng làm môn đệ Ta” (Lc 14,33). Vì thế, các tu sĩ đều buộc khấn đức Thanh Bần.
Nhưng đó không phải là đức dành riêng cho tu sĩ. Bất kỳ ai, dù là giáo sĩ, hay giáo dân, muốn theo sát Chúa Giêsu, đều phải có tinh thần và đời sống thanh bần. Nào Ngài đã chẳng phán: “Con cáo có hang, con chồn có tổ, Con Người không có nơi gối đầu” (Mt 8,20). Biết bao vua thánh, ngồi trên nhung lụa bạc vàng, mà vẫn giữ đức thanh bần trọn vẹn.
4.3.Thực hành.
Hãy suy gẫm và hấp thụ gương thanh bần Chúa Giêsu, rồi đưa ra thực hành trong đời sống. Căn nhà thanh đạm, đồ đạc đơn sơ, cơm ăn vừa đủ, áo mặc bình thường; loại bỏ những gì dư thừa xa phí. Chẳng những khi thiếu tiện nghi, mà cả khi thiếu vật thiết dụng, cũng nhẫn nhục bình tâm. Đức Mẹ có hiện ra phán cùng một nữ tu sĩ: “Này con, nếu con có đủ các sự cần thiết, thì không phải khó nghèo nữa. Vì khó nghèo thực sự thiếu cả những điều thiết dụng”. Sau hết, hãy coi tiền tài như phẩn thổ, được không vui, mất không buồn, dầu cho mất cả một lúc như thánh Gióp xưa, cũng đủ tinh thần chịu đựng.
Thời nay, hình như đức Thanh Bần đã giảm sức hấp dẫn trước trào lưu vật chất dâng cao, ta càng phải cố gắng làm chứng nhân về mối phúc thật Thanh Bần của Chúa.
5. Ba nhân đức khấn dòng.
Bậc Tu sĩ cấu tạo bởi ba lời khấn: Thanh Bần, Thanh Khiết, Phục Tùng. Ba lời khấn ấy nhằm khử trừ, hoặc ít ra giảm bớt những chướng ngại trên đường hoàn thiện. Ba lời khấn ấy đều thuộc đức Tiết Độ, nhằm mục đích tiết dục. Tiết dục là sách vỡ lòng của đường tu. Người ta ưa chuộng gì nếu không là tiền tài, lạc thú và tự do? Ba lời khấn ấy là ba con dao sát tế ba lễ vật nói trên, để dâng lên Thiên Chúa.
Có xét từng lời khấn, tất sẽ rõ.
5.1.Thanh Bần.
Với lời khấn thanh bần, người tu sĩ từ bỏ mọi của cải. Người tu sĩ không từ bỏ hẳn quyền tư hữu, nhưng từ bỏ quyền sử dụng, nghĩa là không được tiêu dùng khi không có phép bề trên, đó là trường hợp khấn đơn.
Lời khấn ấy giúp người tu sĩ thắng một trong các chướng ngại lớn nhất trên đường trọn lành, đó là lòng ham mê của cải, và những nỗi lo âu mà của cải thường đưa đến cho người ta. Đàng khác, lời khấn còn kèm theo nhiều hy sinh khổ cực, giúp tu sĩ tập đức Thanh Bần: như mất tự do định đoạt, tiêu dùng; chịu thiếu thốn thứ này vật khác trong đời sống tập thể; phải hạ mình chạy đến bề trên mỗi khi cần dùng.
5.2.Thanh khiết.
Với lời khấn Thanh Khiết, người tu sĩ lướt thắng tính đam mê sắc dục, và thoát ly mọi nỗi lo nghĩ về đời sống gia đình. Thánh Phaolô viết: “Ai không cưới vợ thì chăm lo việc Chúa; ai đã cưới vợ thì chăm lo việc đời, tìm cách thỏa lòng vợ và bị phân tâm ” (1 Cr 7,32-33). Nhưng lời khấn không giết chết tính dục mà chỉ ban ơn chiến đấu. Muốn giữ mình trinh khiết trọn đời cần phải tỉnh thức và cầu nguyện, nghĩa là cầm hãm ngũ quan bề ngoài, canh giữ tâm tư bề trong, thức khuya dậy sớm, làm việc chuyên cần, ăn uống tiết độ, yêu mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
5.3.Phục tùng.
Lời khấn này còn đi xa hơn hai lần khấn trước. Tiền tài và tình ái tuy quý mà không quý bằng tự do. Người tu sĩ buộc mình vâng theo mọi mệnh lệnh của bề trên trong những điều liên quan đến lời khấn và tu luật.
Mặc dù lời khấn này ít khi buộc ra tội trọng, nhưng vẫn là lời khấn nặng nhất cho bản tính con người: ai chả yêu chuộng ý mình hơn hết? Muốn phục tùng phải khiêm nhường, nhẫn nhục, hiền lành, phải hãm lòng tự ái, dẹp tính tự cao, phải lấy tinh thần đức Tin mà nhìn nhận Thiên Chúa nơi thượng cấp, để ép mình theo ý các ngài, dầu cho trái ý mình đến đâu đi nữa.
Tóm lại, người tu sĩ trung thành với ơn thiên triệu của mình, chẳng những giữ được ba nhân đức đã khấn, mà còn thực hiện được nhiều nhân đức khác nữa.
Đến đây, tạm chấm dứt các nhân đức luân lý, mục đích là làm cho xác phục hồn, hồn phục Chúa, hầu đi đến chỗ kết hiệp với Chúa, như sẽ bàn tại chương sau về các nhân đức đối thần.[1]
LM Châu Diên

[1] Linh mục Châu Diên, Tu Đức Học, p.333-349, viết theo quyển Théologie ascétique et mystique của cha Tanquerey

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN