IV. ĐỨC CAN ĐẢM |
1. Khái niệm về đức Can Đảm. |
1.1. Định nghĩa. |
Theo nguyên tự, can là gan, đảm là mật. Người Á Đông xưa quan niệm rằng: gan to mật lớn là dấu người mạnh mẽ, nhiều nghị lực. Người Âu Châu lại cho rằng trái tim (coeur, courage) là nguồn gốc của sức mạnh. |
Can đảm là nhân đức làm cho linh hồn được mạnh mẽ để làm những việc khó khăn, không sợ hãi cũng không táo bạo. |
Đức Can Đảm phải giữ mực trung dung giữa sự sợ hãi và sự táo bạo. Nó khử trừ cảm xúc sợ sệt, kẻo kiệt lực không dám tiến lên. Nhưng cũng tiết chế cảm xúc táo bạo, kẻo sinh ra liều lĩnh mà thất bại. |
1.2. Hành vi. |
Can đảm có hai hành vi chính yếu: làm việc khó và chịu sự khó. |
1.2.1. Làm việc khó : Muốn thành công ở đời cũng như trong đường nhân đức, phải quyết định đảm đương việc khó, và kiên chí thực hành, gặp trở lực nào cũng gắng sức vượt qua, không chịu bỏ dở công việc. |
Lòng ta đã quyết thì đành
Đã đẵn thì vác cả cành lẫn cây. |
1.2.2. Chịu sự khó : theo thánh Tôma: “chịu sự khó, khó hơn làm việc khó”. Mà ở đời, biết bao sự khó xác hồn, ta phải chịu. Người ta nói: “tiến thoái lưỡng nan”, nhưng thoái thường khó hơn là tiến. Tiến là lúc ta có lực, thoái là lúc ta kém thế. Tiến là lúc ta còn trớn, thoái là lúc ta đã nản. Tiến lâu hay mau là tuỳ ở ta, thoái lâu mau là tuỳ ở địch. Vì thế, ta kết luận: “lửa thử vàng, gian nan thử đức. Có gió cả mới rõ cây cứng mềm”. |
1.3. Phân loại. |
Có bốn đức liên hệ với Can Đảm. Hai đức giúp ta làm việc khó, đó là Khoát Đạt và Quảng Đại; hai đức giúp ta chịu sự khó, đó là Nhẫn Nhục và Kiên Nhẫn. |
2.Thực hành đức can đảm. |
2.1. Bậc khởi sinh : Khởi sinh hãy mạnh mẽ chống trả tính lo sợ, là tính thường ngăn trở chu toàn bổn phận, như sợ khó nhọc hiểm nghèo, sợ phê bình đàm tiếu, sợ mất lòng bạn hữu thân nhân. Hãy bảo mình: Chỉ có một điều đáng sợ là tội, mọi sự khó sẽ qua, ân sủng và phúc trường sinh còn mãi; mặc cho miệng đời mai mỉa, thà mất lòng người ta mà được lòng Chúa, hơn mất lòng Chúa mà được lòng người ta. |
2.2.Bậc tiến sinh : Tiến sinh hãy năng suy gẫm gương can đảm Chúa Giêsu đã làm, để di dưỡng tâm hồn và cố gắng thực hành như vậy. Ngay từ phút đầu tiên Ngài đã tình nguyện lãnh cuộc đời đau khổ, đau khổ như chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Ngài đã chiến đấu mạnh mẽ với kẻ thù của Thiên Chúa, mặc dù biết mình sẽ bị hại. Nhất là trong kỳ Tử Nạn, Ngài đã tỏ ra vô cùng anh dũng. Ngài đã nhìn thẳng và đi thẳng đến sự chết, bình tĩnh khi bị bắt cũng như khi bị hành hạ sỉ nhục. Ngài đã quảng đại chữa lỗi và xin tha cho các lý hình. Gương mẫu xán lạn ấy đã hấp dẫn các thánh trên đường gian nan và tử đạo. |
2.3. Bậc đạt sinh : Đạt sinh hãy vun trồng các ơn huệ Thánh Thần. Nhất là ơn Hùng Dũng, để biết làm và chịu mọi sự vì mến Chúa. |
Tin ở sức mạnh của Chúa, cậy vào ơn phù giúp của Ngài và mến yêu sự tuyệt hảo của Ngài, đó là bí quyết đã tạo nên những người đại đảm. |
Đức Can Đảm và các đức liên hệ : |
1. Đức Khoát Đạt. |
1.1. Khoát Đạt là có chí lớn, muốn làm những điều vĩ đại, cho vinh danh Chúa và sinh ích cho đồng loại. |
Khoát Đạt không phải là ham hố. Ham hố có tính cách ích kỷ, nghĩa là tìm tiền tài danh vọng cho mình. Khoát Đạt có tính cách vị tha, nghĩa là mưu ích cho người khác. |
1.2. Người khoát đạt phải có tâm hồn cao thượng, lý tưởng lớn lao, chí khí dũng mãnh, mới trông thực hiện được hoài bão. |
Khoát đạt bằng tư tưởng, tâm tình chưa đủ, phải khoát đạt bằng hành động và sự nghiệp nữa. Trong mỗi địa hạt, quân sự, chính trị, kinh tế, tôn giáo đều có những người xuất chúng, vì những hành động cao cả họ đã làm. |
1.3. Đối nghịch với tính khoát đạt là tính nhút nhát. Nhút nhát là quá sợ thất bại, không dám hành động gì cả. Thực là uổng phí cuộc đời! Thà hành động mà sai lỗi một hai khi, còn hơn ngồi khoanh tay mà không lỗi. |
Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên. Của đời muôn sự của chung, Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi[1]. |
2. Đức Quảng Đại. |
2.1. Đức Quảng Đại là tay sai của đức Khoát Đạt. Nếu khoát đạt là muốn làm việc lớn, thì quảng đại là sẵn sàng tiêu những món tiền lớn để thực hiện các việc lớn ấy, hầu làm vinh danh Chúa, hoặc mưu ích cho đồng loại. |
Người giàu hãy rộng rãi giúp vào công cuộc của Chúa. Biết bao tổ chức Công Giáo phải tê liệt vì thiếu tiền tài? Nhưng không phải giàu mới quảng đại. Bà goá Phúc Âm, chỉ bỏ hai đồng vào quỹ Đền Thờ, mà đã được Chúa Giêsu ca ngợi. |
Thánh Vinh Sơn Phaolô, thánh Giuse Cốt-tô-lanh-gô, với hai bàn tay trắng đã quảng đại hơn ai hết. Xem ra như Chúa ép lòng người ta phải đem tiền của đến cho những tâm hồn quảng đại, để họ thực hiện những công cuộc vĩ đại của Ngài. |
2.2. Quảng đại cũng là lòng rộn rãi tha thứ, không chấp lỗi người ta, lại sẵn sàng làm ơn, khi có thể, cho đối thủ của mình. Đức này biết bao lần đã đổi thù thành bạn, và có sức bắt người đời thán phục. Đó là cách Đức Giáo Hoàng Piô VII đối với Nã Phá Luân, thánh nữ Maria Goretti đối với chàng trai đâm chết mình. |
3. Đức Nhẫn Nhục. |
3.1. Đức nhẫn nhục giúp ta chịu đau khổ vì yêu mến Chúa : Nhẫn Nhục là nhân đức làm cho ta biết kết hiệp cùng Chúa Giêsu mà bình thản chịu đau khổ xác hồn, vì lòng mến Chúa. |
Đời là biển khổ, là sủng nước mắt, hữu thân hữu khổ là lẽ tất nhiên, không sao khỏi được. Bất nhẫn, than trách, ngã lòng, nguyền rủa đều là vô ích. Chỉ còn một cách là chịu đựng thế nào cho hữu ích, êm đềm. Đó là công dụng của đức Nhẫn Nhục. Việc càng lớn, sự khó càng nhiều, nên muốn làm việc lớn, phải sẵn sàng chịu khó. |
Căn bản đức Nhẫn Nhục của Kitô giáo là thuận theo ý Chúa trong các thập giá Ngài gửi đến, theo gương Chúa Giêsu còn lưu lại sáng ngời. |
3.2. Thực hành đức Nhẫn Nhục theo ba bậc đường nhân đức. |
3.2.1.Bậc khởi sinh : Khởi sinh hãy lấy đức Tin mà lãnh nhận các đau khổ như bơi Chúa gửi đến, trấn áp cảm xúc tự nhiên, không phàn nàn, không bất nhẫn, vì hy vọng phần thưởng trên trời Chúa đã dành cho. Đồng thời, biến đau khổ thành phương dược thanh tẩy tâm hồn, đền bù tội lỗi và trừ khử tính mê. |
3.2.2. Bậc tiến sinh : Tiến sinh hãy hăng hái và cương quyết đi thẳng vào đường thánh giá Chúa đã đi, năng suy gẫm về gương nhịn nhục của Ngài, nhất là trong thời kỳ Tử Nạn, và gắng sức noi theo, vì biết rằng: “Có đồng nhục mới đồng vinh với Ngài” (Rm 8,17). “Phúc cho kẻ khóc lóc, kẻ bị bách hại vì công lý” (Mt 5,5-10). |
3.2.3.Bậc đạt sinh : Đạt sinh hãy ước ao và yêu mến đau khổ, vì nó làm vinh danh Chúa và thánh hoá các linh hồn. Bậc này hợp cho tu sĩ linh mục và tông đồ. Tuy nhiên, không nên theo cơn sốt sắng nhất thời, mà xin Chúa gửi đau khổ, thử thách đến, kẻo hợm mình đã vậy, lại có khi nguy hiểm nữa. Nếu thấy ý định đó thúc bách lâu ngày, hãy trình bày với cha linh hướng. |
4. Đức Kiên Nhẫn. |
4.1. Đức Kiên Nhẫn giúp ta chiến đấu tới cùng : kiên nhẫn là cố gắng chiến đấu và chịu đựng cho đến cùng không bỏ dở công việc vì mỏi mệt, nản lòng hay nhu nhược. |
Thời gian là yếu tố cần thiết cho sự thành công. Người xưa đã nói: nước chảy đá mòn, kiến tha lâu cũng đầy tổ. |
Ở đời chẳng việc gì khó.
Người lập chí phải nên kiên. |
Chẳng có nhân đức nào vững, khi chưa được luyện lọc qua lò lửa của thời gian. Thời gian xây dựng cũng nhiều. Thời gian phá hoại cũng lắm. Theo tính tự nhiên loài người, cố gắng một ngày thì dễ, cố gắng hết năm này tháng khác thì khó. Cung giương mãi cũng chùng, người gắng mãi thấy mỏi mệt, mỏi mệt thì sinh chán nản, chán nản thì sinh ươn hèn, ươn hèn thì bỏ việc. |
4.2. Đức Kiên Nhẫn giúp ta bền vững đến cùng : Muốn kiên nhẫn, phải năng cầu xin ơn ấy với Chúa và Đức Mẹ. Chỉ có Chúa giúp ta được bền đỗ đến cùng. |
Đồng thời, ta cũng phải tâm niệm: sự khó mau qua, thiên đàng còn mãi, và ta sẽ được đời đời nghỉ ngơi hoan lạc, bù lại những gian lao phiền muộn ở đời. Rồi ta lại hăng hái tiếp tục công việc dầu thấy ít thành quả cũng không sờn. Chúa không đòi sự thành công, mà đòi sức cố gắng. |
Tuy nhiên, Kiên Nhẫn không loại trừ sự nghỉ ngơi chính đáng, phải biết nương nhẹ con ngựa của mình mới trông đi xa được.[2] |
(Còn tiếp)
Lm Châu Diên