Home / Chia Sẻ / LUẬT PHÁP, QUYỀN LỰC và SỰ THẬT

LUẬT PHÁP, QUYỀN LỰC và SỰ THẬT

LuatphapQuyenlucvaSuthatThế giới cổ đại không có biểu hiện quyền lực nào tốt hơn Đế chế Rôma. Người Rôma có những trường học tốt nhất và những giáo viên uyên bác nhất. Quân đội của họ đã đi khắp thế giới vào thời điểm đó, khuất phục mọi kẻ thù. Những kỳ công kỹ thuật của người Rôma – những cây cầu, những tòa nhà, và những thứ tương tự – là nỗi ghen tị của tất cả những ai đang tìm kiếm lời nhắc nhở vĩnh viễn về thành tích. Tất cả những cách diễn đạt này đã minh chứng cho quyền lực Rôma, nhưng có lẽ không có gì tiêu biểu cho nó tốt hơn luật Rôma.

Rất lâu sau khi các trường học Rôma không còn tồn tại, rất lâu sau khi quân đội Rôma ngừng chinh phục kẻ thù, và rất lâu sau khi các tòa nhà của họ trở thành đống đổ nát, quyền lực của Rôma vẫn được cảm nhận thông qua luật pháp. Đó là do người Rôma từ chối sự thất thường khi nói đến việc gỡ rối các yêu sách đang tranh chấp của các bên trong sự xung đột.

Trình thuật Cv 22:25-29 cho biết: Họ vừa nọc ông Phaolô ra để đánh đòn, thì ông nói với viên đại đội trưởng đứng gần đó: “Một công dân Rôma chưa được xét xử, các ông có được phép đánh đòn không?” Nghe vậy, viên đại đội trưởng đi báo cáo cho vị chỉ huy rằng: “Ông định làm gì bây giờ? Đương sự là công dân Rôma!” Vị chỉ huy liền đến gặp ông Phaolô và hỏi: “Ông nói cho tôi biết: ông là công dân Rôma sao?” Ông Phaolô trả lời: “Phải.” Vị chỉ huy nói tiếp: “Tôi đây, tôi phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy.” Ông Phaolô đáp: “Còn tôi, sinh ra đã có quyền ấy rồi.” Lập tức những người sắp tra tấn ông rút lui, còn vị chỉ huy thì phát sợ, vì biết rằng ông Phaolô là công dân Rôma mà mình lại đã còng ông ấy. Vì thế, ông Phaolô không bị đánh đòn.

Trong bốn mươi ngày của Mùa Chay, chúng ta nên nhớ lại bối cảnh này vào những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu, cả mặt tích cực và tiêu cực của hệ thống luật pháp – sự lạm dụng và hạn chế, ngay cả trong những hệ thống tốt nhất, như được tiết lộ qua việc Chúa Giêsu bị đóng đinh và chịu chết. Chúng cũng nhắc nhở chúng ta về những điều vượt xa mọi luật lệ đơn thuần của con người. Chẳng hạn, trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu xuất hiện trước mặt tổng trấn Philatô, hiện thân của luật Rôma, để trả lời cáo buộc rằng Ngài là vua: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18:37) Philatô nói với Ngài: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38)

Khi sự thật không quan trọng, chúng ta có nên ngạc nhiên khi công lý bị chế giễu tương tự? Vì đó chính xác là những gì xảy ra tiếp theo. Philatô tha Baraba, một kẻ nổi loạn, được tự do trong sự đầu hàng hèn nhát trước đám đông. Trong khi đó, Chúa Giêsu bị giao nộp để chịu đóng đinh một cách bất công.

Trò hề công lý trong phiên tòa xét xử Chúa Giêsu sẽ nhường chỗ cho một quan niệm mới về quyền lực, được Thánh Phaolô diễn tả một cách sâu sắc nhất trong một đoạn văn gọi là KENOSIS, trong đó Chúa Giêsu được mô tả là sự tự hủy: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2:6-7)

Tự hủy ngược lại với kiêu ngạo. Chúa Giêsu không kiêu ngạo bất cứ điều gì trong sứ vụ của Ngài trên thế gian. Trong tông thư Salvifici Doloris (1984), Thánh GH Gioan Phaolô II nhận xét rằng Thiên Chúa muốn hành động đặc biệt qua đau khổ. Ngài muốn thể hiện sức mạnh trong sự yếu đuối và sự trống rỗng của Ngài. Đó cũng chính là điều chúng ta cần suy niệm trong Mùa Chay.

Sự đau khổ của Chúa Giêsu làm Ngài suy yếu trầm trọng. Theo một truyền thống nào đó, Chúa Giêsu ngã ba lần trên đường lên Canvê dưới sức nặng của Thập Giá. Bất chấp sự yếu kém đó theo nhân tính, Chúa Giêsu tự trút bỏ mình khi ngã xuống đất. Nền tảng nhân tính của Ngài – và của chúng ta – là sự khiêm tốn. Thánh Phaolô nói: “Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2:8)

Sự khiêm nhường của Chúa Giêsu đưa Ngài đến Thập Giá. Nhưng không phải ai cũng tiếp cận cái chết theo cách đó. Một tên tội phạm bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu trên đồi Canvê không thể hiện gì ngoài sự kiêu ngạo và tự phụ cho đến cùng. Hắn vẫn ngang ngược và nhục mạ Ngài: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23:39) Anh ta thất bại thảm hại trong việc nắm bắt ý nghĩa của sự hy sinh tự hủy. Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23:42) Rồi anh ta xin: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:43) Và Ngài hứa: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23:43)

Chữ “kenosis” có thêm một yếu tố đáng được chúng ta chú ý. Thánh Phaolô giải thích: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2:6-7) Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài được mặc khải là Con Yêu Dấu. Như các công đồng đại kết đầu tiên (Nicê I và Constantinople I) đã nói rõ ràng rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đồng bản thể và chia sẻ sự bình đẳng vốn dĩ trong Chúa Ba Ngôi. Trong sự hoàn hảo của tình yêu, không thể có chỗ cho “sự nắm bắt.”

Tuy nhiên, điều này không ngăn cản những người ở ngoài tình yêu hoàn hảo cố gắng khẳng định sự bình đẳng với Thiên Chúa. Hóa ra kiểu “nắm bắt” này cũng lâu đời như chính con người. Trình thuật St 3:1-7 cho biết: Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?’” Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết’.” Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.

Tình trạng sa ngã của chúng ta có nghĩa là chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể là thần thánh và có thể nói là “truất phế” Đấng là Thiên Chúa. Tội lỗi luôn là sự lựa chọn bi đát mà chúng ta lừa dối chính mình, bằng cách nào đó ngu ngốc nghĩ rằng chúng ta ngang hàng với Đấng đã tạo dựng nên chúng ta. Vâng, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Ngài, (x. St 1:27) nhưng có điều đó không đồng nghĩa với việc là Thiên Chúa. Tội lỗi không đe dọa bản thể của Thiên Chúa. Những gì nó làm là đánh vào bản ngã của chúng ta, không phải với mục đích thuần hóa và kiểm soát chúng mà là thổi phồng chúng, khiến chúng ta từ bỏ sự thật để tìm kiếm quyền lực.

Đức Ông ROBERT J. BATULE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

 

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …