Home / Chia Sẻ / Lửa Yêu

Lửa Yêu

 

Lua-YeuChúa Giêsu nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12:49). Lửa đó chính là LỬA YÊU – cũng là Lửa Mến hoặc Lửa Yêu Mến.

Chúa Giêsu “khát yêu” (Ga 19:28), Ngài yêu thương đến cùng (Ga 13:1), “trái tim Ngài thổn thức, ruột gan Ngài bồi hồi” (Hs 11:8). Chúa Giêsu cũng chỉ vì quá đỗi yêu thương chúng ta, tức là Ngài si tình “tới bến” đến nỗi bị người ta coi là điên rồ, thế nên mới dám chết vì chúng ta: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Thật chí lý với triết lý yêu của đại văn hào Victor Hugo: “Chết cho tình yêu là sống trong tình yêu”.

Chúa Giêsu yêu thương vô điều kiện, yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân (Rm 5:8), yêu đến cùng (ga 13:1), và Ngài rất muốn chúng ta noi gương yêu thương của Ngài: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:29). Đồng thời đó cũng là lệnh truyền: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34; Ga 15:12).

Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8), thế thì chúng ta không thể không yêu thương nhau. Yêu thương để nên giống Chúa và đến với Chúa. Nhưng để đến với Chúa Cha, chúng ta phải qua Chúa Giêsu, vì Ngài đã xác định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Không chỉ vậy, Chúa Giêsu còn nói rõ: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sốngsống dồi dào” (Ga 10:9-10).

Khi nhận biết tình thương của Đức Kitô là tình thương vượt quá sự hiểu biết, chúng ta sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa (Ep 3:19). Sự hiểu biết này không dựa vào trí thông minh, sự giỏi giang, kiến thức rộng của phàm nhân. Có những vị thánh học ít, thậm chí là mù chữ, nhưng các ngài đã hiểu và nhận biết Thiên Chúa, trong số đó có vị đã được Giáo hội tôn phong là tiến sĩ. Đường lối và phong cách của Thiên Chúa mầu nhiệm, đúng như Chúa Giêsu đã thân thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11:25; Lc 10:21).

Chuyện tình yêu là vậy. Chúng ta thấy hai người yêu nhau, chúng ta cho rằng họ thế này hoặc thế nọ, nhưng chúng ta có là họ và yêu như họ đâu mà biết. Thật vậy, chuyện của con tim thì chỉ có con tim mới hiểu, chính lý lẽ cũng không thể hiểu nổi lý lẽ của con tim.

Nói tới tình yêu là “chạm” vào trái tim – nơi xuất phát tình yêu. Tình yêu của Chúa-Giêsu-nhập-thể-làm-người cũng vậy, và nơi xuất phát đó được mệnh danh là Thánh Tâm. Ngài muốn chúng ta tôn sùng Thánh Tâm Ngài không phải có lợi gì cho Ngài mà có lợi cho chính chúng ta, những tội nhân khốn nạn.

Lòng sùng kính Thánh Tâm là sự tôn kính đặc biệt đối với Chúa Giêsu. Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu liên quan Lòng Chúa Thương Xót, vì Thánh Tâm Chúa Giêsu là nơi tuôn chảy Máu và Nước để cứu độ nhân loại.

Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu có từ thế kỷ XI, nhưng mãi đến thế kỷ XVI, việc sùng kính này vẫn chỉ là riêng tư, thường gắn liền với lòng sùng kính Năm Dấu Thánh của Chúa Giêsu. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu đầu tiên được cử hành vào ngày 31-8-1670 tại Rennes, Pháp quốc, nhờ nỗ lực của Thánh Jean Eudes (1602-1680). Từ Rennes, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu lan truyền đi nhiều nơi, nhưng mãi đến khi Thánh nữ Margarette Marie Alacoque thị kiến, lòng sùng kính Thánh Tâm mới lan rộng toàn cầu.

Trong những lần thị kiến, Chúa Giêsu hiện ra với Thánh nữ Margarette Marie Alacoque và mặc khải Thánh Tâm là chủ yếu: Thánh Tâm Chúa Giêsu có ngọn lửa và vòng gai quấn quanh. Lần hiện ra quan trọng xảy ra vào ngày 16-6-1675, trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa, nguồn gốc lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày nay.

Trong lần thị kiến đó, Chúa Giêsu yêu cầu Thánh nữ Margarette Marie Alacoque xin giáo quyền cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào ngày thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa, để đền bù sự vô ơn bạc nghĩa của loài người đối với sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. Thánh Tâm Chúa Giêsu là hiện thân không chỉ là trái tim về thể lý mà còn là tình yêu thương dành cho nhân loại.

Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu khá phổ biến sau khi Thánh nữ Margarette Marie Alacoque qua đời năm 1690, nhưng vì Giáo hội lúc đó còn nghi ngờ giá trị thị kiến đích thực của thánh nữ, nên mãi đến năm 1765, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu mới được cử hành chính thức tại Pháp quốc. Gần 100 năm sau (1856), ĐGH Piô IX mới mở rộng biên độ mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu trên toàn cầu theo đề nghị của Hội đồng Giám mục Pháp.

Theo yêu cầu của Chúa Giêsu, lễ Thánh Tâm được cử hành trọng thể vào ngày Thứ Sáu trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa, hoặc 19 ngày sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Thánh Thể và Thánh Tâm tuy hai mà một, vì đều là Nguồn Tình Yêu vô biên của Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương nhân loại tội lỗi đến cùng đến nỗi chết nhục nhã trên Thập giá.

Theo thời gian, lòng người thay đổi, không còn chú ý tới Thánh Tâm nhiều, Chúa Giêsu lại thay đổi cách khác là mặc khải Lòng Chúa Thương Xót cho Thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938, người Ba Lan). Chúa Giêsu cũng yêu cầu thánh nữ xin giáo quyền thiết lập lễ kính Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhật II Phục Sinh: “Ta muốn một tấm hình được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật sau Đại lễ Phục Sinh, và Ta muốn tấm hình đó được tôn kính công khai để mỗi linh hồn đều biết đến tấm hình đó” (Nhật Ký, số 341). Và rồi đã được Thánh GH Gioan Phaolô II chính thức thiết lập lễ này từ ngày 30-4-2000.

Chúng ta thấy Ý Chúa thật lô-gích tuyệt vời: Tình Yêu Thiên Chúa, Thánh Thể, Thánh Tâm Chúa Giêsu và Lòng Chúa Thương Xót là “bộ tứ”, là bốn-trong-một, là các cách gọi khác nhau nhưng vẫn chỉ là một, vì Thiên Chúa mãi mãi chỉ là MỘT mà thôi.

Thánh Margarette Marie Alacoque (Margaret Mary Alacoque, Margaritta Maria Alacoque) là ai? Bà là người Pháp, sinh ngày 22-7-1647, qua đời ngày 17-10-1690, một nữ tu khiêm nhường của Dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial. Bà được Chúa Giêsu chọn để mặc khải những mong muốn của Thánh Tâm Ngài và giao nhiệm vụ phổ biến cách sống mới đối với lòng sùng kính này. Các mặc khải này nhiều lần lắm, và những lần hiện ra tiếp theo rất đáng chú ý: Ngày lễ Thánh Gioan Tông Đồ, Chúa Giêsu cho phép nữ tu Margarette Marie Alacoque, như Ngài đã cho phép Thánh Gertrude, được tựa đầu vào ngực Ngài, được nghe những nhịp đập yêu thương của Ngài, được biết Ngài muốn bày tỏ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa cho toàn nhân loại và loan truyền lòng nhân lành của Ngài. Ngài bày tỏ cho bà điều này vào ngày 27-12, có thể là năm 1673.

Ngài hiện ra với lòng yêu thương và yêu cầu tôn sùng Tình Yêu Cứu Chuộc: Rước lễ thường xuyên, rước lễ vào ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, và làm Giờ Thánh (có thể là tháng 6 hoặc tháng 7-1674). Đó là lần hiện ra quan trọng xảy ra trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu năm 1675 (có thể vào ngày 16-6), Chúa Giêsu nói: “Hãy ngắm nhìn Thánh Tâm Ta yêu thương nhân loại biết bao… Nhưng thay vì được biết ơn, Ta chỉ nhận được sự vô ơn…”. Ngài yêu cầu bà vận động thành lập lễ kính Thánh Tâm vào Thứ Sáu sau lễ kính Mình Máu Thánh, và nói bà cho LM Colombière biết – lúc đó LM Colombière là bề trên Dòng Tên tại Paray-le-Monial.

Cuối cùng, loan truyền lòng sùng kính này là trách nhiệm của Dòng Thăm Viếng và các linh mục Dòng Tên. Vài ngày sau lần hiện ra quan trọng đó, tháng 6-1675, nữ tu Margarette Marie Alacoque đã nói với LM Colombière, và điều này được nhận biết là tinh thần của Chúa, LM Colombière đã tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, hướng dẫn nữ tu Margarette Marie Alacoque viết lại việc thị kiến, được dùng ở Pháp quốc và Anh quốc. Khi LM Colombière qua đời ngày 15-1-1682, người ta phát hiện bản chép tay mà ngài đã yêu cầu nữ tu Margarette Marie Alacoque viết, cùng với vài nhận xét về lợi ích của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bản giải thích lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được xuất bản tại Lyons (Pháp) năm 1684. Cuốn sách nhỏ này được đọc nhiều, ngay cả ở Paray-le-Monial, dù vẫn có sự lầm lẫn về Thánh Margarette Marie Alacoque, người đã có công truyền bá lòng sùng kính này.

Moulins với Mẹ de Soudeilles, Dijon với Mẹ de Saumaise và nữ tu Joly, Semur với Mẹ Greyfié, và thậm chí ngay tại Paray-le-Monial, đã phản đối nhưng rồi lại hòa nhập. Ngoài các tu sĩ Dòng Thăm Viếng, các linh mục, các tu sĩ, và giáo dân đã tán thành, đặc biệt là một tu sĩ Dòng Phanxicô, một số tu sĩ Dòng Tên, các linh mục Croiset và Gallifet, đã hành động nhiều vì lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Đây là 12 lời hứa của Thánh Tâm Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Margarette Marie Alacoque để khuyến khích mọi người hiểu biết lợi ích của việc thực hành Lòng Sùng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và khuyến khích mọi người thực hành ngay lập tức.

  1. Ta sẽ ban cho họ mọi ân sủng cần thiết trong đời sống.
  2. Ta sẽ ban bình an cho gia đình họ và sẽ tái hợp các gia đình đã ly tan.
  3. Ta sẽ an ủi họ trong mọi lúc khó khăn.
  4. Ta sẽ là nơi họ trú ẩn khi sống và trước khi chết.
  5. Ta sẽ ban Phép Lành Nước Trời trên công việc của họ.
  6. Các tội nhân sẽ tìm được Nguồn Thương Xót vô hạn nơi Thánh Tâm Ta.
  7. Các linh hồn lạnh nhạt sẽ trở nên nhiệt thành.
  8. Các linh hồn nhiệt thành sẽ mau đạt tới sự trọn lành.
  9. Ta sẽ chúc lành cho nơi nào trưng bày và tôn sùng linh ảnh Thánh Tâm Ta, và Ta sẽ ghi dấu tình yêu của Ta vào lòng những người đeo hình Thánh Tâm Ta. Ta cũng sẽ phá hủy mọi sự rối loạn nơi họ.
  10. Các linh mục nhiệt thành tôn sùng Thánh Tâm Ta thì Ta sẽ ban cho họ ơn hoán cải các linh hồn chai cứng nhất.
  11. Những người truyền bá lòng tôn sùng này sẽ được ghi tên trong Thánh Tâm Ta, không bao giờ phai nhòa.
  12. Ta hứa với lòng thương xót vô biên của Thánh Tâm Ta rằng những người rước lễ vào Thứ Sáu Đầu Tháng trong 9 tháng liên tiếp, tình yêu mãnh liệt của Ta sẽ ban cho ơn ăn năn trở lại trong cuối đời: Họ sẽ không chết trong tình trạng thất sủng hoặc không được lãnh nhận các bí tích. Thánh Tâm Ta sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho họ trong giờ sau hết.

Lời Chúa hứa luôn chắc chắn. Hãy tin tưởng và hãy dành 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng để tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, nghĩa là thực hành việc tôn sùng và yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu liên tục và rước lễ trong 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng.

Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý: Dành 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng để tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu liên tục và rước lễ trong 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, rồi thôi, nghĩa là chúng ta đã “khoán” xong. Kiểu đó chỉ là lợi dụng tình yêu của Chúa. Chúa Giêsu muốn người ta tôn sùng Thánh Tâm Ngài trong 9 Thứ Sáu Đầu Tháng là Ngài “nhượng bộ” chúng ta, những người khô khan và cứng lòng, còn những người đã yêu thật lòng thì không hề tính toán, không có điều kiện phải yêu trong khoảng thời gian nào cả, nghĩa là họ vui sướng thực hiện việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu suốt đời.

Chúa Giêsu sinh ra và đến thế gian để “làm chứng cho sự thật” (Ga 18:37). Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Ngài. Đó là điều tất yếu. Đồng thời phải biết “chạnh lòng thương” tha nhân (Mt 9:36), là thể hiện lòng thương xót với tha nhân, nhất là những người hèn mọn, và phải tâm niệm “sống phục vụ chứ không hưởng thụ” (Mt 20:28) như Đức Giêsu Kitô đã làm gương. Được vậy là chúng ta đã có “lửa yêu” của Chúa Giêsu, và chúng ta có trách nhiệm phải làm cho lửa ấy cháy bùng lên theo ước muốn của Đức Kitô vậy.

LỬA rất kỳ diệu. Lửa rất mềm, mềm hơn cả những thứ mềm, nhưng lửa cũng rất mạnh và cứng – mạnh hơn mọi thứ mạnh và cứng hơn mọi thứ cứng. Một đốm lửa nhỏ có thể dập tắt dễ dàng bằng một làn gió nhẹ, nhưng một ngọn lửa lớn thì không dễ dập tắt, gió càng to càng làm lửa bùng cháy thêm. LỬA như một phép lạ, càng được chia sẻ càng nhân lên nhiều, mà lửa đó không hề giảm bớt về cả lượng và phẩm. Thật kỳ diệu biết bao!

Xin Thánh nữ Margarette Marie Alacoque nguyện giúp cầu thay cho mỗi người chúng ta để chúng ta có thể đáp lại lời “khát yêu” của Chúa Giêsu, Vua Tình Yêu.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót và tha thứ chúng con vì “lửa yêu” của chúng con chưa đủ độ nóng, xin cho mỗi chúng con trở nên những Ngọn Lửa Yêu cháy bỏng và nồng nàn để thế gian nhận biết chúng con là môn đệ của Ngài. Xin ban Lửa Thánh Thần biến đổi chúng con nên mới để chúng con hiểu được tình yêu Chúa, chỉ yêu Chúa mà thôi, và luôn can đảm làm nhân chứng của Ngài trên suốt đường lữ hành trần gian. Ngài là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …