Home / Chia Sẻ / LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT và ƠN GỌI KITÔ HỮU

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT và ƠN GỌI KITÔ HỮU

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT và ƠN GỌI KITÔ HỮUThánh Tôma đã từng rực lửa và đầy nhiệt huyết theo Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu nói về việc trở lại lãnh thổ Giuđa thù địch để làm cho Ladarô sống lại, các môn đệ khác đã cố gắng can ngăn Ngài: “Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” Nhưng Tôma đã nói lời can đảm: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11:1-16)

Vài ngày sau, chúng ta thấy một Tôma khác sau khi sống lại. Tất cả các môn đệ khác đang làm chứng cho ông về Chúa Kitô Phục Sinh mà họ đã thấy trước đó. Lúc này, Tôma đang lung lay đức tin và điều tốt nhất mà ông có thể tập hợp được là một hành động đức tin có điều kiện: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20:25)

Đó là bài học cho mỗi người chúng ta. Vì bản chất sa ngã, cho dù những quyết tâm tốt của chúng ta có kiên định đến đâu hoặc đã trung thành trong quá khứ, không có gì bảo đảm chúng ta luôn trung thành với Chúa Giêsu. Chúng ta dễ dàng ảnh hưởng cảm xúc, sợ hãi, tự vệ, lười biếng, kiêu ngạo, dư luận, v.v… Vì vậy, chúng ta luôn cần được nâng lên nhiều lần sau khi vấp ngã.

Đây là tất cả những gì về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa luôn cúi xuống bên chúng ta để làm cho chúng ta hiệp thông sâu xa hơn với Ngài và tham dự nhiều hơn vào lòng trung thành của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô Phục Sinh sẽ không để một môn đệ nào của Ngài nghi ngờ mà sẽ trở lại với các môn đệ lần thứ hai chỉ để đưa Tôma ra khỏi sự nghi ngờ và khơi dậy nơi ông một niềm tin vững chắc vào thần tính của Chúa Kitô: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28) Đối với Tôma, tin vào Chúa Giêsu Kitô không còn là điều kiện đối với ông nữa.

Chúa Giêsu nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20:21) Ngài dạy rằng chúng ta được mời gọi chia sẻ sự sống rất mật thiết của Thiên Chúa Ba Ngôi và trung thành với Chúa Cha như Ngài đã trung thành. Là tín nhân, chúng ta có được lời kêu gọi cao cả biết bao! Ơn gọi cao cả này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta cảm nghiệm và đáp lại Lòng Thương Xót của Thiên Chúa một cách thích đáng qua quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20:22-23)

Chúng ta hãy suy niệm ngắn gọn về cách mà Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chạm đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống chúng ta và cách chúng ta đáp lại Lòng Thương Xót đó để chúng ta có thể trung thành trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT TRONG QUÁ KHỨ

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa tha thứ mọi tội của chúng ta. Không có tội nào, dù nghiêm trọng hay thường xuyên đến đâu, mà Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không thể hoàn toàn tha thứ và phục hồi chúng ta trong tình bạn hữu với Thiên Chúa.

Chúng ta đáp lại Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong quá khứ bằng sự trung thực của chúng ta trước mặt Thiên Chúa lúc này. Chúng ta đừng cố giả vờ rằng chúng ta không có tội. Và chúng ta nhất định không cố lừa dối mình rằng những lựa chọn tội lỗi của chúng ta không xấu xa chút nào. Làm sao chúng ta có thể chăm chú nhìn vào các vết thương của Chúa Kitô Phục Sinh và từ chối tiết lộ những vết thương của chúng ta một cách thành thật với Ngài?

Chúng ta cũng đáp lại Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong quá khứ qua tâm tình tri ân và cảm tạ sâu xa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta không lạm dụng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa hoặc coi đó là điều hiển nhiên. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa bằng cách chống lại tội lỗi và trau dồi các nhân đức. Chúng ta không biết ơn Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nếu chúng ta không cố gắng tránh những dịp phạm tội.

Chúng ta đáp lại bằng cách tự tha thứ cho những thất bại của mình và bằng cách mở rộng sự tha thứ đó cho người khác. Thật ngạc nhiên là nhiều người trong chúng ta vẫn tự kết án mình vì những tội lỗi trong quá khứ trong khi tuyên bố rằng Chúa Giêsu đã chết vì tội chúng ta. Chúng ta không nhận ra mình đang làm công việc của ma quỷ và giúp nó dễ dàng hơn khi chúng ta lên án chính mình.

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT TRONG HIỆN TẠI

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong hiện tại cung cấp cho chúng ta tất cả những ân sủng mà chúng ta cần để trung thành với Thiên Chúa và sứ mệnh của Ngài dành cho chúng ta. Thiên Chúa biết rõ chúng ta và những gì chúng ta cần vào bất cứ lúc nào để trung thành và kết hiệp với Ngài, và Ngài tuôn đổ ân sủng vào những trái tim sẵn sàng đón nhận.

Chúng ta đáp lại Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong giây phút hiện tại bằng lời cầu nguyện sốt sắng xin mọi ân sủng mà chúng ta cần. Đó là thời điểm để chúng ta “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” (Dt 4:16)

Chúng ta đáp lại Lòng Thương Xót của Thiên Chúa bằng cách thực sự đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu chứ không phải tin vào các thụ tạo. Sự tin vào chính mình luôn cản trở chúng ta cảm nghiệm tác động trọn vẹn của ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Lòng Thương Xót của Ngài.

Cuối cùng, chúng ta đáp lại Lòng Thương Xót hiện tại của Thiên Chúa bằng cách phấn đấu sống thực sự thánh thiện. Chúng ta giữ trước mắt mình lời mời gọi nên thánh, và chúng ta thực hiện những nỗ lực phù hợp và liên tục trong khi đặt tất cả niềm tin vào ân sủng và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT TRONG TƯƠNG LAI

Lòng Chúa Thương Xót cũng ban cho chúng ta niềm hy vọng sống động về tương lai. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không ngừng đưa chúng ta đến sự hiệp thông với Thiên Chúa và trung thành với ý Ngài, vẫn tiếp tục và đạt tới tột đỉnh trong việc đưa chúng ta đến sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và các thánh.

Chúng ta đáp lại Lòng Chúa Thương Xót bằng cách sống trong niềm hy vọng hân hoan: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Ngài đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết.” (1 Pr 1:3-5)

Chúng ta cũng không bỏ cuộc hay nản lòng khi làm điều tốt mà Thiên Chúa đã truyền cảm hứng cho chúng ta. Những thử thách và đau khổ trên trần thế không làm mất đi niềm vui của chúng ta vì chúng ta luôn luôn “vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.” (1 Pr 1:8-9) Hy vọng của chúng ta về sự cứu độ vĩnh cửu không thể bị lu mờ nếu đặt nền tảng trên Lòng Thương Xót vô hạn của Thiên Chúa chứ không đặt trên công trạng của chúng ta.

Chúng ta hãy tự nhắc nhở mình về ơn gọi cao cả của chúng ta là hiệp thông với Thiên Chúa và trung thành như Chúa Kitô. Có rất nhiều điều bên trong và bên ngoài chúng ta có thể khiến chúng ta mất niềm tin vào sự kêu gọi này và chấp nhận một điều gì đó ít hơn. Mặc dù chúng ta có xu hướng thất bại và liên tục cần được nâng lên, nhưng trong thời gian xem lại mình, chúng ta phải rõ ràng rằng tiêu chuẩn về ơn gọi của Thiên Chúa không bao giờ thay đổi.

Tin vui là Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Ngài luôn cúi xuống bên chúng ta để đưa chúng ta vào sự hiệp thông trung thành đó. Ngài bắt đầu nâng đỡ chúng ta khi Ngài nhập thể và tiếp tục điều đó khi Ngài ở trên Thập Giá và được mai táng trong mồ. Tư thế này của Lòng Chúa Thương Xót từ hạ xuống đến nâng cao vẫn hiện diện và được thực hiện trong mọi bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải.

Nếu chúng ta cảm nghiệm và đáp lại một cách thích đáng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy hy vọng ngay bây giờ để trung thành với Ngài và sống trọn vẹn với Ngài trên Thiên Đàng.

NNAMDI MONEME, OMV

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

▷ Tình Khúc LTX – https://youtu.be/5bbFsNrs2Wg

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …