Home / Chia Sẻ / Lòng Chúa Thương Xót và Nhân Phẩm

Lòng Chúa Thương Xót và Nhân Phẩm

LCTX & NhanPhamAi cũng là tội nhân, nghĩa là “không có ai nhân lành, chỉ trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10:18; Lc 18:18). Tội nhân là người có tội, không chỉ phạm một lần mà phạm nhiều lần, nhiều kiểu, nhiều mức độ. Vì là tội nhân nên ai cũng cần Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: “Nếu Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3). Chắc chắn không ai được cứu độ, nhưng thật diễm phúc cho chúng ta, bởi vì Ngài “vẫn rộng lòng tha thứ” (Tv 130:4).

Vì thế, Ngài cũng bắt buộc chúng ta phải “có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36). Có lòng nhân từ là biết tha thứ, biết tha thứ là biết chạnh lòng trắc ẩn, chạnh lòng trắc ẩn là biết thương xót. Và có thể nói rằng “biết thương xót người khác là phục hồi nhân vị và nhân phẩm cho người khác”.

Ý NGHĨA NHÂN PHẨM

TGM Vincent Nichols, TGP Westminster, nói với các thành viên của Hội Thomas More tại Lincoln’s Inn (London), và kêu gọi sự hiểu biết hơn về nhân phẩm vì những điều tốt trong xã hội.

TGM Nichols nói: “Rất quan trọng vì khái niệm về nhân phẩm giữ vai trò chính trong các cuộc hội nghị quốc tế và trong cách hiểu về đời sống luân lý. Trong xã hội đa nguyên, chúng ta phát triển và bám sát cách hiểu về một khái niệm chính yếu như thế để làm sao có thể ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển con người có chất lượng về luân lý và xã hội”.

TGM Nichols nhận xét rằng ý tưởng về nhân phẩm có lịch sử lâu dài, từ Cicero, Augustine và Aquinas. Điều đó được Trường Salamanca của Dòng Đa Minh phát triển thêm ở Tây Ban Nha thời thuộc địa của Hoa Kỳ. Sau đó, trong khoảng cuối thế kỷ đó, nó trở thành chủ đề của các tông thư của Giáo hội Công giáo.

Ngài nói thêm rằng nhân phẩm cũng có tầm quan trọng cả bên ngoài Giáo hội. Bản “Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hiệp quốc”, điều khoản 1, cho biết: “Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và nhân quyền. Các quyền đó được trao bằng lý lẽ và lương tâm, và nên thể hiện với nhau trong tinh thần huynh đệ”.

Ngài cũng nói rằng điều khoản 1 trong Luật Cơ Bản của Đức quốc, được soạn thảo năm 1948, nói rằng “nhân phẩm là bất khả xâm phạm”. TGM Nichols nhận xét: “Tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm là nhiệm vụ của mọi quốc gia. Ngày nay, cách dùng phổ biến về nhân phẩm cả trong luật pháp và đạo đức đều thiếu đề cao, nhất là trong các lĩnh vực luật pháp và y đức, sự đồng tâm nhất trí cơ bản về nhân phẩm nghĩa là là gì và đòi hỏi gì càng ngày càng trở thành vấn đề”.

Ngài nói tới giáo sư Steven Pinker, tác giả bài “Sự Ngớ ngẩn của Nhân phẩm” (the stupidity of dignity) viết năm 2008. TGM Nichols cũng nói đến cuộc tranh luận về vấn đề an tử (euthanasia, làm chết êm ái) và về những gì có ý nghĩa đối với cuộc sống và chết với nhân phẩm.

Ngài duy trì cách hiểu của Công giáo về nhân phẩm có thể hỗ trợ trong việc tranh luận này. Nhân phẩm đã có trong sách Sáng Thế và “chúng ta hiểu rằng mọi thụ tạo đều có phẩm giá của mình, nhưng nhân phẩm là cái gì đó đặc biệt bởi vì con người được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa”.

TGM Nichols cho biết thêm: “Nó có một chiều sâu mới với phản ánh của Kitô giáo về sự nhập thể, sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô, Đấng đã mặc khải vẻ huy hoàng viên mãn của nhân phẩm, và qua sự phục sinh của Ngài, chúng ta có có đường tới sự viên mãn của sự sống với Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi”.

Ngài nói thêm rằng nhân phẩm cũng có thể được hiểu bằng lý lẽ, điều mà ĐGH Bênêđictô XVI đã nói tới trong diễn văn đọc tại Đại sảnh Westminster khi ngài nói về cách mà tôn giáo và lý luận cần thiết lẫn nhau.

TGM Nichols nói: “Người ta không cần là người có niềm tin tôn giáo để xác định từ sự phản ánh về kinh nghiệm như một thực tế về thế giới mà người khác là vấn đề và yêu cầu đối với chúng ta, ‘nhân phẩm’ là tư tưởng hay nhất tóm lược của sự thật hoàn vũ về yêu cầu này, bằng chính áp lực luân lý của nó. Nhân phẩm CÓ THỂ LÀ và PHẢI LÀ tiếng kêu hiệu quả về việc BẢO VỆ NHÂN PHẨM cơ bản”.

NHÂN PHẨM và TÔN GIÁO

Nhân phẩm là sự cân nhắc chính của Công giáo và Tin Lành. Giáo lý Công giáo khẳng định rằng “nhân phẩm có gốc rễ từ khi người đó được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa”. Giáo hội Công giáo nói: “Mọi người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa đều có nhân phẩm. Quyền thể hiện tự do thuộc về mọi người vì điều đó không thể tách rời khỏi nhân phẩm của người đó với tư cách là con người”. Quan điểm của Giáo hội Công giáo về nhân phẩm phát xuất từ con người và ý muốn tự do, giống như quan điểm của triết gia Kant, với sự nhận thức sâu xa rằng “ý muốn tự do xuất phát từ việc tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa”.

Nhân quyền cũng là sự cân nhắc chính của Do Thái giáo. Tài liệu Talmud (các văn bản cổ về luật truyền thống Do Thái) cảnh báo việc từ thiện chung để tránh xúc phạm nhân phẩm của người nhận. Triết gia Maimonides, người Do Thái thời Trung cổ, đã soạn thảo điều lệ Halakha cảnh báo các thẩm phán để duy trì lòng tự trọng của mọi người: “Đừng để nhân phẩm bị coi nhẹ trong mắt người khác; vì lòng tôn trọng con người thay thế mệnh lệnh tiêu cực của giáo sĩ Do Thái”.

Quan điểm của Hồi giáo về nhân phẩm cũng được Mohammad-Ali Taskhiri, bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin Hồi giáo tại Iran, đặt ra năm 1994. Theo Taskhiri, nhân phẩm là tình trạng bình đẳng của mọi người, nhưng điều đó chỉ có thể trở nên hiện thực nhờ sống đời sống tôn giáo làm vui lòng Thiên Chúa. Điều này được giữ với Bản tuyên ngôn Nhân quyền trong Hồi giáo của Cairo năm 1990, cho biết: “Niềm tin đích thực là bảo đảm về việc làm tăng nhân phẩm cơ bản trên con đường hoàn thiện con người”.

Sự xứng đáng về bản chất vốn dĩ có ở mỗi con người. Từ viễn cảnh Công giáo (cùng với viễn cảnh khác của Kitô giáo), nhân phẩm bắt nguồn từ khái niệm “Imago Dei” (Hình ảnh Thiên Chúa – thuật ngữ thần học chỉ dùng cho con người) về Ơn Cứu Độ của Đức Kitô và định mệnh tối hậu của việc kết hiệp với Thiên Chúa. Do đó, nhân phẩm vượt qua mọi trật tự xã hội như nền tảng về các quyền và không được xã hội trao tặng, cũng không thể bị xã hội xâm phạm. Theo cách này, nhân phẩm là khái niệm nền tảng về nhân quyền. Khi cung cấp nền tảng về nhiều yêu cầu quy chuẩn, một hàm ý quy chuẩn trực tiếp của nhân phẩm là mọi người nên được nhận biết là một thành viên vốn dĩ đáng giá của cộng đồng loài người và là cách diễn tả duy nhất về sự sống, với bản chất tâm linh và thể lý. Theo luân lý Công giáo, vì có chiều kích xã hội và cộng đồng đối với nhân phẩm, mọi người phải được hiểu, không chỉ trong thuật ngữ theo chủ nghĩa cá nhân mà còn vốn dĩ được nối kết với những người khác trong xã hội. Vì truyền thống nhấn mạnh bản chất tổng thể của cơ thể và tinh thần, con người có tầm quan trọng hơn và giá trị hơn trong khái niệm nhị nguyên phổ biến về con người, và cần thiết có quy luật về việc tôn trọng con người.

Hàm ý quy chuẩn của khái niệm này về nhân phẩm ảnh hưởng nhiều tư tưởng luân lý của Công giáo vì điều đó gắn liền với nhiều vấn đề sống của con người, kể cả y đức. Chẳng hạn, quy luật là nền tảng để hiểu về công lý phân bổ của truyền thống, những điều tốt chung, quyền sống và quyền về y tế. Các viễn cảnh khác, cả về tôn giáo và phần đời, có thể hiểu nhân phẩm theo nghĩa tương tự với sự xứng đáng hoặc giá trị vốn dĩ và các hàm ý khác, nhưng có thể ấn định các nguồn khác về nhân phẩm.

NHÂN PHẨM và TỰ DO

     1. Mục đích của Luật Cơ Bản (Basic Law) là bảo vệ nhân phẩm và sự tự do, để thiết lập các giá trị của quốc gia Israel là một nước Do Thái dân chủ.

     2. Cấm xâm phạm đời sống, thân thể hoặc nhân phẩm của bất kỳ ai.

     3. Cấm xâm phạm tài sản của bất kỳ ai.

     4. Mọi người đều có quyền bảo vệ sự sống, thân thể và nhân phẩm của mình.

     5. Cấm tước đoạt hoặc hạn chế tự do của người khác bằng cách bắt bớ, bỏ tù, dẫn độ hoặc cách khác.

     6. (a) Mọi người dân đều được tự do rời khỏi Israel.

         (b) Mọi người dân Israel đều có quyền từ nước khác vào Israel.

     7. (a) Mọi người đều có quyền riêng tư.

         (b) Cấm xâm phạm chỗ ở riêng tư của người khác khi họ không đồng ý.

         (c) Cấm khám xét chỗ ở riêng tư hoặc thân thể của người khác.

         (d) Cấm xâm phạm sự riêng tư của cuộc nói chuyện, hoặc những điều riêng tư của người khác viết ra.

     8. Cấm xâm phạm quyền theo Luật Cơ Bản này, trừ phi luật phù hợp các giá trị của quốc gia Israel, được ban hành vì mục đích riêng, và không quá mức yêu cầu.

     9. Cấm hạn chế quyền theo Luật Cơ Bản này do những người khác giữ để phục vụ quốc phòng Israel, cảnh sát Israel, nhà tù và các tổ chức an ninh của quốc gia Israel, hoặc những quyền như thế sẽ không phải theo các điều kiện, ngoại trừ vì luật, hoặc theo quy luật được ban hành vì luật, và không quá mức yêu cầu vì bản chất và tính chất của dịch vụ.

     10. Luật Cơ Bản không ảnh hưởng tính hiệu lực của bất cứ luật nào trước khi bắt đầu áp dụng Luật Cơ Bản.

     11. Chính quyền các cấp phải tôn trọng các quyền theo Luật Cơ Bản.

     12. Luật Cơ Bản này không được thay đổi, trì hoãn hoặc bắt theo các điều kiện bằng các quy luật khẩn cấp; tuy nhiên, khi có điều khẩn cấp, vì tuyên bố theo khoản 9 trong Luật pháp và Quy định của chính quyền (5708-1948), các quy luật khẩn cấp có thể được ban hành để từ khước hoặc hạn chế các quyền theo Luật Cơ Bản này, cho phép từ chối hoặc hạn chế sẽ vì mục đích riêng và vì thời điểm, nhưng không quá mức yêu cầu.

Ngày nay, chúng ta thấy cả đời sống giống như các phản ứng hóa học, không có cách sống nào vốn dĩ mang tính xã hội hơn những thứ khác. Theo quan điểm này, lý do duy nhất mà con người sẽ được coi là giá trị hơn, vì con người có mức độ thông minh hơn và có lương tâm hơn các động vật khác, đặc biệt là con người có Linh Hồn, chứ không chỉ có Sinh Hồn như động vật, hoặc có Giác Hồn như thực vật. Con người là động vật cao cấp nhất trong các loài thụ tạo trên thế gian này.

Chẳng hạn, đa số chúng ta không có vấn đề gì khi giết một sinh vật bé nhỏ như con muỗi hoặc con dế, nhưng chúng ta sẽ bị phản đối khi giết một sinh vật lớn hơn và thông minh hơn như một con chó hoặc con voi. Mức thông minh tăng thì giá trị cũng tăng.

Về sự xứng đáng của cuộc sống, người lớn ở bên phải, các bào thai ở bên trái. Người chưa sinh ở đâu đó như con tôm và con sâu theo cách nói về giá trị, vì chúng không thể phô bày nét thông minh nào. Như vậy, có vẻ bất công khi yêu cầu phụ nữ đảo ngược đời sống xuống vì sinh vật có tất cả giá trị của loài giáp xác.

Phải mất nhiều thời gian mới có thể hiểu được điều này về đời sống con người được phát hiện nhờ sự giả dối, chỉ thoáng nhìn các ngụ ý mà thấy ớn lạnh với khái niệm này.

Chẳng hạn, khi nghe một người nói rằng giết một trẻ sơ sinh thì đạo đức hơn là giết một con heo, vì heo thông minh hơn và biết môi trường xung quanh (sic!). Thật đáng phỉ báng về sự ngu xuẩn của một khái niệm tồi tệ như vậy. Thực sự họ chỉ muốn tự biện hộ mà thôi!

Giáo huấn của Giáo hội Công giáo về nhân phẩm: Mỗi con người đều có một nhân vịmột nhân vị chỉ hiện hữu bằng nhân đức của một con người, bất kể vóc dáng to hay nhỏ, mức độ thông minh, mức độ lương tâm, hoặc bất kỳ đặc điểm nào khác – như một nối kết với sự thật đã được “viết” lên chính trái tim của con người đó.

NHÂN PHẨM và TÙ NHÂN

Những người bị xúc phạm nhân phẩm minh nhiên nhất là các tù nhân, đặ biệt là các tù nhân bị kết án oan sai. Tù nhân là người bị bắt giam trong nhà tù hoặc bị quản thúc tại gia gọi là “tù treo”. Tuy nhiên, tù nhân cũng có các dạng khác nhau.

Tù nhân vì tệ nạn hoặc phạm pháp gọi là “phạm nhân”. Tù nhân vì chính trị gọi là “chính trị phạm”. Đó là người bị kỷ luật về chính kiến, hoặc có hành vi bị chính quyền coi là đe dọa hay thách thức quyền lực của chính quyền, vi phạm an ninh xã hội hoặc quốc gia. Đây cũng có thể là trường hợp một người bị giam giữ nhưng không qua xét xử công khai theo đúng thủ tục pháp lý. Một tù nhân chính trị cũng có thể là tù nhân lương tâm bị tước quyền tại ngoại để điều tra và quyền được tha theo lời hứa. Trong nhiều vụ án, tòa án đưa ra các chứng cứ ngụy tạo để che giấu tính chất chính trị của vụ án để tránh bị quốc tế và quốc gia đó lên án là vi phạm nhân quyền và đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Tù nhân chiến tranh còn gọi là “tù binh”. Trong lịch sử loài người, tùy thuộc vào tính khí của những người thắng trận, các chiến binh của bên thua có thể bị giết chết để trừ hậu họa hoặc bị bắt làm nô lệ để phục vụ cho các lợi ích kinh tế và xã hội của bên thắng. Tuy nhiên, ít có sự phân biệt là chiến binh hay dân thường. Mặc dù phụ nữ và trẻ em có nhiều cơ hội được đối xử “tử tế” hơn, nhưng rồi họ cũng chỉ bị lợi dụng, bị cưỡng hiếp hoặc bị bắt làm nô lệ mà thôi.

Tù nhân lương tâm – Anh ngữ là “prisoner of conscience”. Họ là người bị cầm tù vì vấn đề lương tâm. Ngày 28-5-1961, bài báo “Các Tù Nhân Bị Lãng Quên” đã khởi đầu chiến dịch đấu tranh cho nhân quyền thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế. Đó là lần đầu tiên thuật ngữ “tù nhân lương tâm” được định nghĩa. Thuật ngữ này có thể nói đến bất cứ ai bị cầm tù vì lý do chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo, niềm tin, hoặc lối sống,… miễn là họ đã không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực. Thuật ngữ này cũng chỉ những người bị cầm tù hoặc bị bách hại vì biểu lộ niềm tin tôn giáo theo lương tâm của họ cách nào đó, nhưng không bạo động.

Dù là tù nhân, bị tước quyền công dân, nhưng họ vẫn có nhân vị và nhân phẩm, kể cả nhân quyền. Vì nhân quyền là “quyền của con người”. Chế độ độc tài thì nhà tù “nặng tay”, chế độ dân chủ thì nhà tù “nương tay”. Phạm pháp thì phải chịu bị xử phạt, đó là điều hợp lý, và cũng là để răn đe và ngăn ngừa, nhưng không được vượt quá giới hạn hoặc áp dụng các khung hình dã man.

NHÂN PHẨM và LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Thiên Chúa là Đấng chí minh, chí công và chí thiện, luôn mạnh mẽ bảo vệ công lý, nhưng vẫn luôn giàu lòng xót thương: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12:20-21). Chúng ta chỉ là những tội nhân khốn nạn, đáng lãnh khung hình phạt đời đời, nhưng Ngài không nỡ làm như thế. Vậy tại sao chúng ta lại nỡ lòng đối xử tệ với nhau?

Thiên Chúa ghét tội nhưng không ghét người có tội, Ngài sẵn sàng bỏ 99 con chiên béo tốt để tìm cho được chỉ một con chiên xấu xa, lạc bầy (Mt 18:12-14; Lc 15:4-7). Chúa Giêsu xác định: “Trên trời, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15:7). Khi phạm tội, chúng ta đánh mất nhân phẩm và nhân vị, Thiên Chúa muốn phục hồi nhân phẩm cho mỗi chúng ta nên Ngài sẵn sàng tha thứ, nếu chúng ta biết thành tâm sám hối. Ngài tha thứ chúng ta tức là Ngài trao ban Lòng Thương Xót của Ngài cho chúng ta.

Trong Kinh Thánh Tân Ước có ba dụ ngôn điển hình về Lòng Chúa Thương Xót: [1] Con chiên bị mất (Lc 15:4-7; Mt 18:12-14), [2] Đồng bạc bị mất (Lc 15:8-10), và [3] Người cha nhân hậu (Lc 15:11-32).

Nổi bật nhất và chi tiết nhất là dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”, trước đây quen gọi là dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng”. Có thể chúng ta cảm thấy “nổi nóng” về tính cách của người cha, cho rằng như vậy là nhu nhược, để thằng con “trời đánh” ỷ lại khốn kiếp đó leo lên đầu, lên cổ, thế mà vẫn tha thứ và phục hồi quyền làm con. Nhưng tình phụ tử là thế, tình yêu thương là thế, lòng thương xót là thế. Đứa con khốn kiếp đó là ai? Là mỗi người trong chúng ta chứ chẳng ai xa lạ! Vâng, chúng ta không thể nào hiểu nổi Lòng Chúa Thương Xót, nhưng Lòng Chúa Thương Xót là điều có thật – thật hơn cả sự thật.

Đúng vậy, Thiên Chúa yêu thương tội nhân chúng ta quá đỗi. Kinh Thánh cho biết: Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa” (Đnl 32:10). Và vô cùng kỳ diệu, “con ngươi mắt Chúa” lại chính là chúng ta: “Kẻ nào động đến các ngươi là động đến con ngươi mắt Ta” (Dcr 2:12). Thực sự đó là điều bất ngờ, ngỡ như điều không tưởng, nhưng lại thực sự là sự thật.

Người được hưởng nhờ Lòng Chúa Thương Xót đầu tiên là tướng cướp khét tiếng Dismas. Anh ta chẳng biết Ông Giêsu là ai, chỉ nghe nói sơ sơ thôi, nhưng anh ta đã tâm phục khẩu phục, và rồi chỉ xin một lời đơn giản: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42). Thế là Chúa Giêsu liền nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Chắc chắn tướng cướp Dismas cầu xin thật lòng chứ không “cầu may”, vì thế Chúa Giêsu mới ô-kê, chứ nếu biết anh ta “cầu may” theo dạng “hên-xui”, chắc chắn Chúa Giêsu chẳng cấp visa cho anh ta vô Nước Trời đâu. Điều đó nhắc chúng ta về sự thành khẩn khi cầu nguyện, chứ đừng “đọc” bằng môi miệng – người Việt gọi kiểu giả hình này là… “lẻo mép”!

Thiên Chúa chẳng vui sướng gì khi chúng ta phạm tội, Ngài rất muốn trừng phạt theo công lý nghiêm minh, nhưng vì Lòng Thương Xót vô hạn mà Ngài không nỡ ra tay: “Cây lau bị giập, không đành bẻ gẫy; tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Is 42:3).

Thiên Chúa vô hạn, vĩnh hằng, nhưng mọi sự đều hữu hạn: “Mọi sự đều có thời, có lúc” (Gv 3:1 và 17). Thật vậy, Kinh Thánh cho biết chi tiết: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà” (Gv 3:1-8).

Vì mọi sự đều có thời và có lúc như vậy, mau qua lắm, chúng ta phải mau mắn sắm hối cho kịp trong thời gian Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi chúng ta quay về với Ngài. Nước đến chân, không ai nhảy kịp. Mọi nơi và mọi lúc, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, hãy chân thành ăn năn và cầu xin ơn tha thứ: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13).

TRẦM THIÊN THU

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN