Home / Lá Thư Linh Hướng / Lòng Chúa Thương Xót giúp chúng ta có con tim giống như Chúa

Lòng Chúa Thương Xót giúp chúng ta có con tim giống như Chúa

015Hinh10Hiện tượng chạy đến LCTX

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận sự lớn mạnh của Phong trào Lòng Chúa thương xót (LCTX), phong trào được rất nhiều người tham gia. Đặc biệt tại Việt Nam, mỗi giáo xứ thường có những nhóm ít nhiều, tụ tập nhau hằng ngày để đọc kinh LCTX.

Điều ai cũng thấy là mọi người chúng ta đều cần đến LCTX. Chữ chúng ta ở đây hiểu là mọi thành phần trong Giáo hội, cho dù là giáo sĩ hay giáo dân, cho dù là ĐGH, Giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân mọi người chúng ta đều cần đến LCTX. Đó là một sự thật mà tất cả chúng ta đều biết, đều cố gắng sống sự thật ấy. Tuy vậy hiện nay khi đến với LCTX, chúng ta thấy người ta có thể đi theo nhiều hướng khác nhau.

Nhóm thứ nhất, phổ thông hơn, thường tụ nhau để đọc kinh LCTX. Tự bản chất, nội dung của kinh giúp chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta, cho ơn cứu rỗi của chúng ta và toàn thế giới. Nội dung của kinh giúp chúng ta thoát ra khỏi sự chật hẹp của ích kỷ, nghĩa là thoát ra khỏi việc chỉ lo cho riêng mình, cho bản thân mình. Nội dung kinh rất dễ hiểu, dễ đi vào trong lòng người, nên việc phổ biến kinh này khá nhanh và rộng khắp và đôi khi trong buổi cầu nguyện với Đức Mẹ, chúng ta cũng đọc kinh LCTX kết hợp với lần chuỗi Mân côi. Chúng ta nhờ Đức Mẹ để đến với Chúa, chúng ta thi hành Ý Chúa như Đức Mẹ.

Nhóm tiếp theo là chúng ta chạy đến LCTX để xin chữa bệnh. Nhiều người chạy đến LCTX khi gia đình có người bị bệnh. Có những người chạy đến các phương tiện y tế, các nhà thương, các nơi thờ tự bên Công giáo và các tôn giáo khác, cũng có khi chạy đến bùa ngải, đồng bóng để xin chữa lành… nhưng cũng không khỏi. Cuối cùng họ tìm đến LCTX để xin chữa lành. Người Việt Nam thường hay nói vái tứ phương hy vọng tìm một phương chữa lành. Phương đó là gì, là ai cũng được. 

Chúng ta còn thấy có những người luôn cầu nguyện LCTX nhưng vẫn luôn xin Chúa cho gặp thầy gặp thuốc và nhờ đó được chữa lành sau khi đã tích tìm kiếm các phương tiện y tế, kể cả lá cây để chữa bệnh. Đồng thời chúng ta cũng thấy có những người khi bị bệnh thì không chạy đến các phương tiện y tế nhưng chỉ trông cậy vào LCTX để được chữa lành. Họ xin người nầy người kia, cha này cha kia đặt tay, cầu nguyện để xin Chúa chữa lành.

Thế nhưng cũng có người chạy đến LCTX để xin ơn tha tội. Đôi khi họ đã sống trong tội lỗi, đã làm quá nhiều điều gian ác, gây hại cho người khác, đôi khi họ sống trong nhiều năm mà lương tâm không bình an khi đã phạm một tội mà giờ đây không gì sửa chữa được. Tội và vết tích của tội đè nặng trên người ấy. Đôi khi người ấy rất vui mừng khi chạy đến LCTX và vui vì được đọc kinh hằng ngày và chỉ mong có vậy. Nếu ai có hỏi, những người nầy trả lời là vì cuộc sống phạm nhiều tội lỗi nên đọc kinh để xin Chúa thứ tha. Có người vì sợ tội nên xưng tội thường xuyên vài ba ngày một lần. Tin vào ơn tha thứ của Chúa, những người này chạy liên tục đến tòa giải tội để xin ơn tha thứ.

Cũng có khi chúng ta chạy đến LCTX vì gia đình gặp nhiều trắc trở: vợ chồng con cái không hòa thuận, công việc làm ăn không thuận lợi, muốn việc mua bán nhà cửa được êm xuôi… Nói chung chúng ta chạy đến LCTX để mong Chúa Thương Xót chúng ta, thương xót bằng việc chữa lành phần hồn và phần xác.

Lòng Chúa Thương Xót được diễn tả qua Đức Kitô.

Thực ra không có gì sai lầm khi chúng ta chạy đến Chúa để xin Chúa chữa lành hồn xác. Chính Giáo hội cũng dạy thế. Trong thông điệp Dives in Misericordia (THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG XÓT THƯƠNG), ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II (NGÀY 30 THÁNG 10 NĂM 1980) đã viết:

Tại Nazaret, trước những người đồng hương, Đức Kitô viện dẫn lời tiên tri Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).

Theo Thánh Luca, các câu trên là tuyên ngôn cứu thế đầu tiên của Đức Kitô, nó sẽ được nối tiếp bằng những việc làm và lời nói mà Tin Mừng cho chúng ta biết. Bằng những việc làm và lời nói này, Đức Kitô làm cho Chúa Cha hiện diện giữa loài người. Điều rất ý nghĩa là loài người ở đây trước hết lại là những người nghèo khó, không công ăn việc làm, những người bị tước đoạt tự do, những người đui mù không thấy được vẻ đẹp của vũ trụ, những người đang sống với tâm hồn tan nát, những người đau khổ vì bất công xã hội, và sau cùng là những người tội lỗi. Chính vì đặc biệt đối với những người như thế mà Đấng Cứu thế trở nên một dấu chỉ rất rõ ràng cho sự kiện Thiên Chúa là tình thương, Người trở nên dấu chỉ của Chúa Cha. Trong dấu chỉ hữu hình này, con người ở thời đại chúng ta, cũng như con người thời đó, đều có thể thấy Chúa Cha.

Điều đó có ý nghĩa là, khi những sứ giả được Gioan Tẩy Giả phái đến gặp Chúa Giêsu để hỏi Người: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7, 19).

Đức Giêsu lại viện dẫn chứng từ mà Người đã dùng để bắt đầu công việc giảng dạy của mình ở Nazaret để trả lời họ: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Và sau đó Người kết luận: “Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!”.

Một cách đặc biệt bằng lối sống và những hành động của mình, Chúa Giêsu đã mạc khải tình thương hiện diện như thế trong thế giới chúng ta sống, tình thương tích cực, tình thương được gởi đến cho con người, tình thương đó bao gồm tất cả những gì làm thành nhân tính của con người. Tình thương này càng nổi bật hơn cả khi tiếp xúc với đau khổ, với bất công, với nghèo khó, khi tiếp xúc với tất cả “thân phận con người” trong lịch sử. Cách này hay cách khác, thân phận đó biểu lộ tính chất hữu hạn và mong manh của con người, cả về thể xác lẫn tinh thần. Do đó, theo ngôn ngữ Thánh Kinh, các cách thức và những lãnh vực nào tình thương được biểu lộ, được gọi là “lòng thương xót”.”

Thông điệp cho thấy hình ảnh một Thiên Chúa rất gần với những đau khổ cả hồn lẫn xác của con người và điều đó thực ra không lấy gì lạ khi Ngôi Hai xuống thế làm người thì Người đã đến ở với con người đau khổ, bất hạnh… Vậy thì ngày nay nếu chúng ta chạy đến Lòng Chúa Thương Xót để xin chữa lành hồn xác thì điều đó cũng nằm trong chương trình của Thiên Chúa, nói tóm lại chúng ta đang làm theo Thánh ý Chúa.

Thế nhưng cũng không ít người hiểu lầm về Lòng Chúa Thương Xót, thí dụ có người cho rằng giờ thì khỏe rồi cứ phạm tội thoải mái vì Chúa lúc nào cũng tha thứ. Điều đó đúng không? Chúng ta thử nhìn lại dụ ngôn người con hoang đàng mà Thánh Giáo Hoàng G.P. 2 đã khai triển trong thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Người con ra đi làm tiêu tan gia tài mà người cha dành cho con. Gia tài đó không chỉ là tiền bạc nhưng là ân sủng. Người con cắt đứt sự yêu thương, làm mất ân sủng và sống trong tội lỗi. Và người con làm mất luôn phẩm giá chính mình khi muốn ăn thức ăn của heo mà không được. Khi quyết định trở về nhà cha, anh ta cho thấy không còn quyền làm con, anh nhận thấy rằng anh không còn một quyền nào ngoài cái quyền là người làm thuê trong nhà cha của anh. Thế nhưng chúng ta thấy người cha vẫn đối xử với người con hoang đàng như người con. Người con từ cha ra đi nhưng người cha không bao giờ từ con.

Bi kịch của chúng ta là ở chỗ chính chúng ta rời khỏi nhà Cha, rời khỏi địa vị làm con, rời khỏi việc vâng theo thánh ý Chúa, hay chúng ta bỏ Chúa đi theo thần Tiền của hay tính dục… nhưng lại trách ngược là Thiên Chúa bỏ chúng ta, Thiên Chúa thiên vị yêu thương người nọ người kia hơn chúng ta, Thiên Chúa không thương chúng ta… Bi kịch của chúng ta vẫn là ở chỗ chúng ta không nhận thấy mình không còn xứng là con của Thiên Chúa Cha nữa trong khi người con hoang đàng thì hiểu rõ điều này và trong niềm hối hận thẳm sâu (không đòi được đối xử như một người con) anh được tiếp nhận như một người con. Điều đó có nghĩa là sự trở về với Thiên Chúa Cha làm cho hối nhân trở lại địa vị như trước. Và điều đó cũng đồng nghĩa là khó tưởng tượng khi người con lại tiếp tục bỏ nhà Cha để đi hoang. Thiên Chúa Cha sẳn sàng tha thứ cho tâm hồn thực sự sám hối nhưng vấn đề thống hối lại là vấn đề của chúng ta.

Lòng Chúa Thương Xót luôn mời chúng ta vươn lên

Thế nhưng chúng ta đừng hiểu lầm rằng Lòng Chúa Thương Xót chỉ dừng lại ở chỗ tha thứ, làm chúng ta được sạch tội. Câu chuyện ông Giakêu cho thấy khi Chúa đến nhà người bị coi là tội lỗi thì ông này tự nguyện sám hối, nói mạnh hơn là vui mừng hân hoan để sám hối. Chúng ta thử nghe chính miệng ông nói:  

Lc 19, 8-10: Còn ông Da-kêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. 

Ðức Giêsu nói về ông ta: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. 

Người tội lỗi vui mừng ăn năn hối cải và tự nguyện sửa chữa những vết tích do tội mình đã làm. Tội chúng ta phạm thường để lại vết tích. Tội chửi rủa người khác thường để lại một vết tích nóng nảy trong tâm hồn và chính sự nóng nảy làm gia tăng khả năng chửi rủa người khác trong tương lai. Có nhiều người nói không biết tại sao con hay nóng hay chửi? Đáng lẽ tôi phải xem tôi có tìm cách nào để xóa bỏ vết tích của tội nơi tôi chưa? hay chỉ xưng tội để được tha tội mà thôi. Chúng ta xưng tội ăn cắp ăn trộm nhưng quên để ý đến việc xóa bỏ vết tích của tội nên tiền ăn cắp vẫn còn bị chúng ta cầm giữ. Chúng ta không hiểu hay không muốn hiểu, cho dù đã xưng tội, tiền ấy vẫn bị tội cầm giữ trái phép. 

Thế nên không chỉ tha tội, Lòng Chúa Thương Xót còn mời gọi chúng ta vươn lên. Câu chuyện anh thanh niên có nhiều của cải cho thấy điều đó  

Mt 19, 16-22: Và kìa có một người đến thưa Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”.

Ðức Giêsu đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Ðấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn”. 

Người ấy hỏi: “Ðiều răn nào?” Ðức Giêsu đáp: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. 

Ngươi phải thờ cha kính mẹ, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình”. 

Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa?”. 

Ðức Giêsu đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. 

Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. 

Người thanh niên đã cố gắng không phạm tội nhưng Chúa Giêsu cho thấy người ấy vẫn còn thiếu điều quan trọng là đi theo Chúa. Kết quả là anh quyết định đi theo tiền bạc và đời sống anh không thể vươn cao được. Đời sống người đàn bà ngoại tình cũng thế, không chỉ không phạt, Chúa Giêsu còn mời gọi người ấy ra đi và đừng phạm tội nữa. 

Chúa hãy cho con, con tim của Chúa 

Câu chính yếu mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta vẫn là lời mời gọi “nên hoàn thiện như Cha trên trời” .

Mt 5, 48: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện. 

Hoàn thiện như Thiên Chúa Cha mời gọi chúng ta có con tim, có tình yêu như Thiên Chúa Cha vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều đó cũng có nghĩa là khi chúng ta nhận được những ân huệ từ lòng thương xót của Chúa, chúng ta cũng cần tạ ơn Chúa vì những gì chúng ta đã nhận được. Chúng ta thường hiểu tạ ơn là xin lễ, xin khấn… Thế nhưng đó chưa phải là lời tạ ơn đích thực. 

Tạ ơn đích thực là cả cuộc sống chúng ta nhìn gương của Thánh Phêrô: Khi trở lại ngài đã dấn thân phục vụ nước Chúa. Thánh Phaolô cũng thế, khi trở lại đã thành một người chuyên loan báo Tin mừng. Trong đời sống hằng ngày cũng thế, đôi khi chúng ta gặp một người trở lại âm thầm phục vụ Giáo hội, phục vụ xứ đạo. 

Tóm lại, khi chúng ta nương ẩn vào Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta có con tim mới, con tim của Lòng Chúa Thương Xót và chúng ta sống đời sống mới bằng con tim ấy.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

25-11-2024 9-59-18 PM

Lời Chúa – Thứ Ba Tuần XXXIV Mùa Thường Niên 26/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN