Home / Chia Sẻ / Lời Trẻ Ý Già

Lời Trẻ Ý Già

 

JANA DUCKETT

Loi-Tre-Y-GiaĐôi khi trẻ em có nhưng câu hỏi khiến người lớn lúng túng, nhất là về Kinh Thánh và Đức tin Kitô giáo. Lời trẻ nhưng không ngây ngô đâu. Đôi khi những câu hỏi của chúng lại khiến chúng ta thấy thú vị và hiểu rõ vấn đề hơn. Đây là 20 câu hỏi của trẻ em và cách trả lời dành cho phụ huynh.

1. Tại sao Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ?

KINH THÁNH: Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất… Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! (St 1:1-31).

TRẢ LỜI: Thiên Chúa tạo dựng thế giới và mọi vật trong đó vì Ngài thích làm nên mọi vật và Ngài muốn ở với chúng ta. Ngài muốn làm cho chúng ta trở nên các thành viên trong đại gia đình của Ngài. Ngài sáng tạo thế giới để chúng ta sinh sống và tận hưởng. Chúng ta như tấm gương phản chiếu vinh quang của Ngài qua thế giới.

CHA MẸ LƯU Ý: Đây là lúc thuận tiện để nói cho con cái biết rằng kế hoạch của Thiên Chúa có liên quan chúng. Hãy cho chúng biết rằng Thiên Chúa dựng nên chúng với mục đích đặc biệt mà chỉ có chúng mới có thể làm được.

2. Trên tàu của ông Nôe có khủng long không?

KINH THÁNH:  Kìa xem con thú Bơ-hê-mốt, Ta dựng nên nó như đã dựng nên ngươi, nó ăn cỏ như bò. Hãy nhìn nó đi: lưng mạnh mẽ, bụng rắn chắc, đuôi vươn dài tựa cây bá hương, gân đùi quấn chằng chịt, xương cốt tựa ống đồng, tứ chi như thanh sắt. Nó quả là tác phẩm tuyệt vời trong các công trình Thiên Chúa dựng nên; nhưng Đấng Sáng Tạo lại trao gươm cho nó, vì núi non cung cấp cho nó cỏ ăn và mọi dã thú nô đùa ở đó (G 40:15-20).

TRẢ LỜI: Đa số các chuyên gia Kinh Thánh đều cho rằng khủng long đã tuyệt chủng từ trước Đại Hồng Thủy, nghĩa là chúng không có trên tàu ông Nôe. Một lý do khác chúng ta biết về khủng long là vì Kinh Thánh không hề nói tới. Kinh Thánh không là sách khoa học nên chỉ nói về nhân loại và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

CHA MẸ LƯU Ý: Kinh Thánh không nói riêng về khủng long, nhưng nói rõ tổng quát: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1:3). Hãy nhắc nhở con cái rằng Thiên Chúa trung thành và đáng tin cậy ngay cả khi Ngài không giải thích đầy đủ.

3. Tại sao Thiên Chúa tạo dựng con người?

KINH THÁNH: Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ (St 1:26-27).

TRẢ LỜI: Người ta khác loài vật vì Thiên Chúa tạo nên chúng ta giống hình ảnh Ngài (St 1:27). Chúng ta có thể nói chuyện với Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện, có tính sáng tạo và yêu thương người khác. Loài người là một phần trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa nên chúng ta có mối quan hệ mật thiết với Ngài.

4. Thiên Chúa nhìn như thế nào?

KINH THÁNH: Thiên Chúa là thần khí, những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật (Ga 4:24). Ông Mô-sê đi lên cùng với ông A-ha-ron, Na-đáp, A-vi-hu và bảy mươi người trong hàng kỳ mục Ít-ra-en. Họ nhìn thấy Thiên Chúa của Ít-ra-en; dưới chân Người như có nền lát bằng lam ngọc, trong vắt như chính bầu trời (Xh 24:9-10). 

TRẢ LỜI: Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở trong loại ánh sáng không ai có thể tới gần và Ngài là Thần Khí, nghĩa là Ngài không bị giới hạn vào hình thể như chúng ta. Ngài có dạng thể lý qua Đức Kitô và thể hiện cho chúng ta biết cách sống trên thế gian, cách “tỏa sáng” của chúng ta. Kinh Thánh nói Thiên Chúa là “Đấng dựng nên muôn tinh tú” (Gc 1:17), Ngài có thể tạo hình dáng đẹp nhất, Thiên Chúa Cha đầy sự tốt lành mà chúng ta luôn phải học theo: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

5. Thiên Chúa có bạn bè hay chỉ một mình?

KINH THÁNH: Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người (1 Ga 1:3).

TRẢ LỜI: Thiên Chúa muốn cho chúng ta biết và Ngài cũng muốn chúng ta biết Ngài. Thiên Chúa là Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì vậy, Ngài không bao giờ một mình, và nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta không tách khỏi Gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta thuộc Gia đình của Ngài.

CHA MẸ LƯU Ý: Nếu con cái không hiểu về Chúa Ba Ngôi, hãy dùng quả trứng để biểu thị cho chúng biết rằng quả trứng có ba lớp (vỏ, tròng rắng và tròng đỏ) nhưng vẫn chỉ là một quả trứng.

6. Thiên Chúa sống ở đâu?

KINH THÁNH: Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14:23-24).

TRẢ LỜI: Nhà của Thiên Chúa là Trời, nhưng Ngài cũng muốn sống với những ai yêu mến Ngài. Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa sống trong lời ca tụng của dân Ngài, cũng có nghĩa là ở đâu có vài người cầu nguyện nhân danh Ngài thì Ngài hiện diện ở đó (Mt 18:20). Khi chúng ta cho phép sự sống của Thiên Chúa sống trong chúng ta, sự sống đó sẽ vươn xa tới người khác.

7. Thiên Chúa có ngủ hoặc nghỉ ngơi?

KINH THÁNH: Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! (Tv 121:3-4).

TRẢ LỜI: Thiên Chúa không bị giới hạn vào thể lý như chúng ta, do đó Ngài không cần ăn uống hoặc ngủ nghỉ. Khi Kinh Thánh nói Thiên Chúa “nghỉ ngơi”, có ý nói là Ngài ngưng những gì Ngài làm. Chúa Giêsu nói rằng Ngài phải làm việc vì Chúa Cha luôn làm việc.

CHA MẸ LƯU Ý: Có thể đây là thời điểm tốt để nói thật rằng Thiên Chúa không hẳn giống như con người. Các của Ngài không như cách của chúng ta, và tư tưởng của Ngài cũng khác hẳn tư tưởng của chúng ta.

8. Ai tạo nên Thiên Chúa?

KINH THÁNH: Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn. Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành, Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời (Tv 90:1-2).

TRẢ LỜI: Không ai tạo nên Thiên Chúa. Ngài luôn luôn hiện hữu và không lệ thuộc vào bất cứ thứ gì. Chúng ta cần sự hiện hữu của Ngài để sống khỏe và sống mạnh. Thiên Chúa không có khởi đầu, ở giữa hoặc kết thúc. Đó là lý do Ngài nói Ngài là “Đấng Hằng Hữu” (Xh 3:14), cũng là Đấng Hiện Hữu hoặc Đấng Tự Hữu.

9. Tại sao chúng ta thấy Thiên Chúa?

KINH THÁNH: Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi (1 Cr 13:12).

TRẢ LỜI: Chúng ta không thể thấy Thiên Chúa vì Ngài vô hình, nhưng chúng ta có thể nhận ra Ngài qua những việc Ngài làm trong cuộc đời của chúng ta và của người khác. Như trái bóng đầy hơi mà chúng ta có thể nhìn thấy, chúng ta thấy trái bóng càng lúc càng lớn hơn khi chúng ta thổi hơi vào. Thiên Chúa vô hình vì Thiên Chúa là Thần Khí, nhưng chúng ta có thể nhận thấy Ngài qua cách sống của các Kitô hữu khi họ biết yêu thương nhau hơn.

10. Các Kitô hữu có nghe thấy Thiên Chúa nói?

KINH THÁNH: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài (Dt 1:1-2).

TRẢ LỜI: Có. Thiên Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh, qua các vị lãnh đạo tinh thần và Ngài cũng nói trực tiếp trong linh hồn chúng ta. Có một số người trong Kinh Thánh đã nghe được tiếng Chúa, chẳng hạn là cậu bé Samuel (1 Sm 3:10). Thiên Chúa luôn ở với chúng ta và không bao giờ bảo chúng ta làm điều gì ngược với những điều Ngài nói trong Kinh Thánh.

11. Bố ơi, tại sao con cần hai người cha là Thiên Chúa và cả bố nữa?

KINH THÁNH: Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7:11).

TRẢ LỜI: Thiên Chúa là Cha của mọi người, vì Ngài tạo dựng nên chúng ta, bảo vệ chúng ta và là nguồn sống của chúng ta. Ngài ban cho chúng ta có ông bà, cha mẹ và những người chăm sóc chúng ta trên thế gian. Đó là lý do Thiên Chúa bảo con cái phải vâng lời cha mẹ như Cha trên trời – vì ích lợi cho chúng.

12. Đức Giêsu có là Thiên Chúa?

KINH THÁNH: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa (Ga 1:1-2).

TRẢ LỜI: Chúa Giêsu thực sự là Thiên Chúa. Khi đến thế gian và sinh ra làm con Đức Maria, Chúa Giêsu cũng là một con người có thân xác như chúng ta. Vì thế, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Ngài khiêm nhường chọn cách làm con người để Ngài có thể cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi và đem chúng ta về với Thiên Chúa.

13. Thiên Chúa có biết khóc?

KINH THÁNH: Chúa Giêsu khóc (Ga 11:35).

TRẢ LỜI: Là con người, Chúa Giêsu cũng khóc chảy nước mắt khi lo buồn. Ngày nay Thiên Chúa không khóc, nhưng Ngài vẫn cảm thấy buồn khi người ta làm hại nhau, khi họ không vâng lời Ngài và không tin vào Ngài. Chúng ta có thể làm cho Ngài vui bằng cách sống tốt lành, thể hiện tình yêu thương đối với người khác, và nói với người khác về Đức Kitô.

14. Chúa Giêsu đi trên nước thế nào?

KINH THÁNH: Các môn đệ thấy Đức Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền (Ga 6:19).

TRẢ LỜI: Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ và chứng tỏ quyền năng của Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ và là Đấng sáng tạo cao cả. Phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt biển cho thấy rằng Ngài quyền phép vượt qua luật tự nhiên, Ngài có thể đi trên nước khi Ngài muốn.

CHA MẸ LƯU Ý: Thiên Chúa làm cho mặt trời và mặt trăng đứng tại chỗ (Kbc 3:11).

15. Tại sao Thiên Chúa yêu thương loài người?

KINH THÁNH: Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta (Rm 5:8).

TRẢ LỜI: Kinh Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8). Yêu thương là bản chất của Ngài. Thiên Chúa yêu thương chúng ta không vì chúng ta tốt lành và dễ thương, chẳng có ai xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương, nhưng Ngài vẫn yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta không vâng lời Ngài và làm ngơ Ngài.

CHA MẸ LƯU Ý: Có thể đây là lúc nói về sự khác biệt giữa tình yêu có điều kiện và tình yêu vô điều kiện.

16. Nước Trời như thế nào?

KINH THÁNH: Khi tôi xuất thần, người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê (Kh 21:10-11).

TRẢ LỜI: Cách mô tả Thành Thánh cho chúng ta có cái nhìn thấu vào Nước Trời. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng các con đường làm bằng vàng, khảm ngọc quý và đặc biệt nhất là có Chúa Giêsu ở đó. Ngài hứa chuẩn bị chỗ ở cho chúng ta, để Ngài ở đâu thì chúng ta cũng được ở đó (Ga 14:3).

17. Chúa Giêsu ở trong chúng ta như thế nào?

KINH THÁNH: sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Đó là điều bí ẩn: Đức Kitô ở trong lòng chúng ta qua niềm hy vọng của vinh quang (x. 1 Ga 1:3).

TRẢ LỜI: Khi chúng ta nói bằng cả tấm lòng là chúng ta sống và tin. Thiên Chúa thực sự ở trong chúng ta vì chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa hằng sống (2 Cr 6:16; 1 Cr 3:16). Chúa Thánh Thần là Đấng trợ giúp chúng ta có những quyết định đúng đắn làm vui lòng Thiên Chúa.

CHA MẸ LƯU Ý: Hãy hỏi con cái xem chúng có bao giờ cảm thấy gì khi chúng sắp làm điều gì sai trái, điều gì đó khiến chúng thay đổi ý định. Hãy giải thích cho chúng biết rằng Chúa Thánh Thần cho chúng ta cảm giác để giữ chúng ta đi vào đường đúng, muốn vậy thì phải biết lắng nghe, chứ Ngài không ép buộc chúng ta.

18. Tại sao một số người chết khi chưa già?

KINH THÁNH: Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em (Pl 1:21-24).

TRẢ LỜI: Có tội lỗi vào thế gian nên có sự chết, từ khi ông bà nguyên tổ phạm tội. Mọi thứ sống trên thế gian rồi sẽ chết: cây cối, động vật và con người. Sự chết có thể đến qua tai nạn giao thông, bệnh tật, tuổi già hoặc xảy ra bất thình lình. Thiên Chúa kiểm soát từng nhịp thở của chúng ta để chúng ta có thể vui sống, vì chúng ta biết rằng khi chúng ta chết thì chúng ta sẽ được sống đời đời trong sự sống viên mãn của Đức Kitô.

CHA MẸ LƯU Ý: Hãy nói chắc với con cái rằng cái chết không là điều sợ hãi, đó chỉ là như sự kết thúc của mọi câu chuyện hay mà chúng vẫn nghe và thấy thú vị mà thôi. Chết là chấm dứt cuộc đời tạm để được sống đời đời.

19. Trên Thiên Đàng có đồ ăn ngon không?

KINH THÁNH: Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?”. Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông (Lc 24:41-43).

TRẢ LỜI: Kinh Thánh cho biết rằng sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, Ngài đã ăn món cá nướng. Nhưng chắc chắn rằng ở Thiên Đàng không cần ăn uống như trên thế gian nữa.

20. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, vậy tại sao mình phải tới nhà thờ?

KINH THÁNH: Chúa Giêsu nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Thánh Phaolô nói: “Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần” (Dt 10:25).

TRẢ LỜI: Như các gia đình đi đâu cũng đi chung với nhau, chúng ta cũng cần tới nhà thờ. Chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau và gặp gỡ mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi giai cấp, mọi nghề nghiệp,… Đó là phản ánh Đức Kitô trên thế gian. Khi gia đình của Chúa quy tụ bên nhau, có điều đặc biệt xảy ra là Thiên Chúa sẽ ngự ở giữa.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …