Home / Chia Sẻ / LỜI MỜI GỌI SỐNG NHÂN ĐỨC ANH HÙNG

LỜI MỜI GỌI SỐNG NHÂN ĐỨC ANH HÙNG

LỜI MỜI GỌI SỐNG NHÂN ĐỨC ANH HÙNGNền văn hóa của chúng ta có một cảm giác rất lẫn lộn về đức tính anh hùng, thường ca ngợi những người to lớn nhất, mạnh mẽ nhất, ồn ào nhất hoặc giàu có nhất. Các bộ phim bom tấn và cuộc diễu hành bất tận của những người nổi tiếng và nhân vật thể thao chiếm ưu thế trong sự đại diện chính của các anh hùng. Nhưng đức tính anh hùng thực sự – loại cứu sinh, giữ gìn phẩm giá và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất – là sức mạnh kiên định và vững chắc, dưới sự kiểm soát và hướng tới điều thiện với mục đích rõ ràng cùng với sự khiêm tốn.

Anh hùng không phải là người được sinh ra với sức mạnh vô song và không vị kỷ. Anh hùng không được hình thành trong khoảnh khắc đại hồng thủy. Đức tính anh hùng được phát triển theo thời gian, từ quyết định này đến quyết định khác, từ lúc này tới lúc khác, được hình thành bởi phản ứng có chủ ý, lựa chọn và thói quen phản ứng với cuộc sống.

Anh hùng được nuôi dưỡng bởi vô số hành động – thường không được chú ý. Họ không được tạo ra bởi vết cắn của nhện hoặc trên một hành tinh xa lạ. Họ là những con người bình thường như bạn và tôi, định hướng các quyết định và hành động của họ được củng cố bởi lòng tốt, lòng trắc ẩn, sự chính trực và công bình. Họ là những người sẵn sàng phiêu lưu ra khỏi bến cảng an toàn của những gì thoải mái và dấn thân vào vùng biển hoang dã theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Nói cách khác, hành trình của anh hùng là một đức tính sâu sắc.

Anh hùng là ai? Chỉ là người bình thường giống như bạn và tôi, nhưng người ấy chọn làm điều khác thường.

Có hai loại nhân đức được Giáo hội Công giáo đề xuất: các nhân đức chính yếu và các nhân đức đối thần. Các đức tính chính yếu là các nhân đức đối nhân, còn gọi là các nhân đức luân lý hay tự nhiên; đó là sự công bằng, tiết độ, thận trọng và dũng cảm. Ba nhân đức đối thần còn gọi là các nhân đức tâm linh hoặc hướng về Chúa, như Thánh Phaolô mô tả; đó là đức tin, đức cậy, và đức mến.

Mỗi đức tính đều giữ một vai trò quan trọng trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân, mỗi đức tính mời gọi chúng ta đi sâu hơn vào làn sóng bất ngờ của Thiên Chúa đối với cuộc sống của chúng ta. Bằng cách chọn cách sống đạo đức, bằng cách cố gắng tìm cách phát triển bảy nhân đức trong cuộc sống và tâm hồn mình, chúng ta chọn cách đắm mình trong ý muốn của Thiên Chúa. Trong bài này, chúng ta khám phá bảy đức tính và chứng minh cách chúng trang bị cho tất cả chúng ta để bước đi trên con đường của người anh hùng và cho phép chúng ta dấn thân sâu hơn vào tình yêu sống động của Thiên Chúa.

Khoảng năm 500 trước công nguyên, triết gia Hy Lạp Socrates đã tuyên bố rằng thói quen thực hành bốn đức tính luân lý – công bằng, thận trọng, tiết độ và kiên cường – là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc. Lời dạy của ông mâu thuẫn với niềm tin và cách làm của người Hy Lạp về việc xoa dịu các vị thần linh. Ngược lại, ông lý luận rằng chỉ có thể có một Thiên Chúa thật. Ông tin rằng “không có sự dữ nào có thể xảy ra với một người tốt lành.” Cái ác có thể tấn công một người theo nhiều cách, nhưng nó không bao giờ có thể làm hại tâm hồn của người tốt vì kết quả là người đó sẽ chỉ trưởng thành trong đức hạnh. Mặt khác, người độc ác làm tổn hại linh hồn của chính mình. Socrates giữ vững niềm tin của mình và phải trả cái giá cuối cùng khi ông sẵn sàng chết vì giữ lấy những đức tính này và vì từ chối phủ nhận niềm tin chỉ có một Thiên Chúa. Các cường quốc cai trị, bị kích động bởi chính trị, triết học và niềm tin tôn giáo của ông, đã kết án tử bằng cách bắt ông uống thuốc độc. Ông đã đi trên con đường của đức tính anh hùng.

Sách Khôn Ngoan nói: “Con người mến chuộng đức công bình ư? Thì chính Đức Khôn Ngoan sản sinh các nhân đức: Quả vậy, Đức Khôn Ngoan dạy cho biết sống tiết độ, cẩn trọng, công bình và dũng mãnh. Trên đời này, còn chi hữu ích cho con người hơn các nhân đức ấy?” (Kn 8:7) Socrates tin rằng nếu thực sự hiểu được sống đạo đức là bí quyết hạnh phúc thì người ta sẽ tự nhiên sống đời sống đạo đức hoàn hảo. Nhưng Thánh Phaolô có quan điểm khác về khả năng và sự sẵn sàng làm vậy của nhân loại. Ông biết rằng linh hồn con người bị tổn thương và có xu hướng đối với cái ác. Ông cũng hiểu rằng chúng ta vốn có bản tính sa ngã.

Thánh Phaolô than thở: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7:15) Ông biết rằng ý chí của con người trong việc theo đuổi các nhân đức đã bị suy yếu bởi Nguyên Tội. Bản chất sa ngã của chúng ta chống lại việc theo đuổi đức hạnh của chúng ta. Ông nói tiếp: “Thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống. Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.” (Rm 8:12-14)

Tôi có nhiều thời gian ở bãi biển Cocoa, Florida, và tôi thường được xem các vụ phóng tên lửa. Từ những câu đó trong thư gởi giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô muốn nói rằng chúng ta không thể kéo mình ra khỏi quỹ đạo làm xấu xa dần của tội lỗi nếu không có động cơ tên lửa – nghĩa là sức mạnh của ân sủng. Qua các tác phẩm của Thánh Phaolô, Thiên Chúa ban cho chúng ta con tàu tên lửa mà chúng ta rất cần. Các nhân đức đối thần Tin và Cậy là tên lửa thúc đẩy, còn đức Mến là tên lửa chính.

Thánh Phaolô không phải là nhà tâm linh giả hiệu hay triết gia mềm yếu. Niềm tin đã thôi thúc ông dấn thân vào những vùng đất xa xôi, những môi trường thù địch với sứ mệnh truyền bá Tin Mừng, và giải cứu thế giới chết chóc. Ông giống như một Rocky Balboa ngoài đời thật. [*] Mỗi lần bị đánh gục, ông lại vùng dậy và tiếp tục chiến đấu: “Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi!” (2 Cr 11:24-25)

Tuy nhiên, ông vẫn mạnh dạn nói về đức tin của mình và cho những người xung quanh thấy tình yêu của Đức Kitô. Tôi đã tới trong phòng giam cuối cùng của Thánh Phaolô bên ngoài Rôma, dọc theo đường Appian. Tôi đã nhìn thấy cột đá nơi ông đặt cổ mình trước khi thanh kiếm của đao phủ vung xuống tại nơi đầy uy lực và chết chóc. Dù ở trong tù hay tự do, đói hay tiệc tùng, một mình hay giữa đám đông, ông đều chiến đấu tốt; ông đã hoàn thành cuộc đua. (x. 1 Tm 6:12; 2 Tm 4:7) Thánh Phaolô đã theo con đường của nhân đức anh hùng.

Giống như những chàng cao bồi bất khuất trong những bộ phim viễn tây cưỡi ngựa vào thị trấn để giải cứu, đó là bảy đức tính tuyệt vời thực sự. Đối với mỗi anh hùng, có một điểm xuất phát so với quy tắc tiêu chuẩn. Đó là nơi cuộc phiêu lưu thực sự bắt đầu. Một anh hùng chỉ là một người bình thường, giống như bạn và tôi, nhưng chọn làm điều khác thường. Đức hạnh thách thức chúng ta hy sinh cuộc sống của mình để phục vụ ý muốn hoàn hảo của Thiên Chúa. Rất lâu trước khi các tín nhân được gọi là Kitô hữu, tín ngưỡng của họ được dẫn tới Con Đường. Chính di sản của các tín hữu, những người đã đi trước, thách thức chúng ta dấn thân ra ngoài và bước đi trên con đường của nhân đức anh hùng.

BEAR WOZNICK

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Sáng 09-02-2022

[*] Rocky Balboa là một bộ phim chính kịch về thể thao của Mỹ năm 2006 do Sylvester Stallone viết kịch bản, đạo diễn và có sự tham gia của Sylvester Stallone. Bộ phim có sự tham gia của Stallone trong vai võ sĩ quyền anh kém cỏi Rocky Balboa, là phần tiếp theo của bộ phim Rocky V năm 1990, và là phần thứ sáu trong loạt phim Rocky bắt đầu với Rocky từng đoạt giải Oscar năm 1976. Rocky Balboa là nhân vật hư cấu và là nhân vật chính của bộ phim Rocky, được mô tả là tầng lớp lao động hoặc người Mỹ gốc Ý nghèo đến từ các khu ổ chuột ở Philadelphia, khởi nghiệp là một võ sĩ câu lạc bộ và là “người đòi nợ mướn” của một kẻ cho vay nặng lãi ở địa phương.

Xem thêm

T3sauLeHienlinh

Suy niệm Tin Mừng Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh, của Lm Minh Anh

BẰNG TẤT CẢ TÌNH YÊU “Thiên Chúa là tình yêu!”. “Bi kịch của một cuộc …