Home / Chia Sẻ / LỜI HỨA NÊN TRỌN

LỜI HỨA NÊN TRỌN

LoihuanentronThánh Vịnh gia cho biết: “Lời hứa của Ngài được hoàn toàn chứng nghiệm.” (Tv 119:140) Thật vậy, Chúa Giêsu hứa ban Đấng Bảo Trợ đến ở với chúng ta luôn mãi, để chúng ta không bao giờ đơn độc hoặc mồ côi.

Nhưng cuộc sống luôn có những điều kiện cách như hệ lụy tất yếu. Được hay mất, tùy mình. Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (Ga 14:15) Từ hệ lụy đó lại có mối liên kết khác: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Ga 14:16-17)

Chúa Giêsu biết mình sắp phải rời thế gian và xa những người thân thiết, Ngài hứa: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em.” (Ga 14:18) Và Ngài nói rõ: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.” (Ga 14:18-20) Ngài nói “toạc móng heo” mà vẫn không dễ hiểu. Không phải vậy, Ngài muốn đưa chúng ta tới đức ái trọn vẹn, vì nhờ yêu mến mà chúng ta khả dĩ lãnh nhận Chúa Thánh Thần một cách viên mãn để đủ can đảm làm chứng sự thật về Thiên Chúa.

Dẫn chứng về chuỗi yêu mến, Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14:21) Thiên Chúa là tình yêu, trước sau gì cũng là yêu thương. Ngài tỏ mình cho mỗi người mỗi cách, mỗi người được nhận biết theo cách riêng, không ai giống ai, nhưng vẫn là MỘT Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất, vì “chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa” mà thôi. (Ep 4:5)

Thánh Gioan định nghĩa súc tích: “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:8 & 16) Vì thế, ai yêu mến Ngài thì tuân giữ Luật Ngài – Luật Yêu, và chắc chắn rằng yêu Chúa thì phải yêu người. Yêu Chúa không khó bằng yêu người, chỉ cần thực hành “chuỗi yêu” trong 1 Cr 13 thì cũng đủ mệt rồi, vì yêu không thể nói suông mà phải thể hiện bằng hành động, qua từng động thái. Vả lại, tha nhân là huynh đệ của chúng ta và là những người có Thiên Chúa trong lòng. Ai sống yêu mến thì mới được lãnh nhận Thần Khí Sự Thật của Thiên Chúa.

Cựu Ước cho biết rằng, khi Thiên Chúa tuyển chọn Bơxanên, con của Uri, con của Khua, thuộc chi tộc Giuđa, Ngài đã hứa với ông Môsê: “Ta sẽ ban cho nó dồi dào Thần Khí của Thiên Chúa để nó thành người khéo tay, giỏi giang và lành nghề mà làm mọi công việc, để nó nghĩ ra những tác phẩm nghệ thuật làm bằng vàng, bạc hay đồng, mài ngọc đính áo, chạm gỗ và thực hiện mọi công việc.” (Xh 31:3-5) Điều gì Thiên Chúa đã hứa thì chắc chắn không bao giờ sai.

Ước gì mỗi chúng ta cũng được lãnh nhận Thần Khí Chúa để làm vinh danh Chúa bằng chính khả năng riêng mà chúng ta nhận được từ Ngài. Nhưng có điều quan trọng là chúng ta luôn phải “hết dạ tri ân.” (Cl 3:15) Con người sai lầm nên dễ ảo tưởng, thế nên rất cần ơn phân định thần khí để không tin lầm, như Thánh Gioan nhắn nhủ: “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian.” (1 Ga 4:1) Chúa Thánh Thần là Thần Khí Yêu Thương, là Đấng Ngôi Ba nhiệm xuất từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Hãy cầu nguyện liên lỉ với Ngài!

Cụ Nguyễn Công Trứ xác định: “Đã mang tiếng ở trong trời đất – Phải có danh gì với núi sông.” (Đi Thi Tự Vịnh) Có danh nghĩa để hành động, hành động vì chính nghĩa, vì công lý, chứ không để đàn áp hoặc chèn ép người yếu thế hơn mình. Làm người, ai cũng cần một danh nghĩa nào đó, nhưng phải là danh nghĩa chính đáng. Được làm người là một đại hồng ân, Đức và Tài cần để thực hiện điều tốt lành cho tha nhân. Với Đức và Tài, người ta có thể trở thành quân tử hoặc tiểu nhân, tùy vào “vị trí” của chúng: “Đức hơn Tài là quân tử, Tài hơn Đức là tiểu nhân.” (Khổng Tử) Lằn ranh rất mong manh giữa Đức và Tài: “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.” (Nguyễn Du)

Hằng ngày có nhiều loại đức cần phải trau giồi, càng phải trau giồi nhiều hơn đối với người Công giáo. Về đối nhân có rất nhiều nhân đức (chân thành, hòa nhã, bình dị, hòa đồng, nghiêm túc, vui vẻ,…), về đối thần có ba nhân đức: tin, cậy, mến. Đức mến là đức ái – lòng yêu thương, lòng thương xót. Đức mến cần thiết và quan trọng nhất, vì trên Nước Trời không còn đức tin và đức cậy, chỉ còn đức mến. (x. 1 Cr 13:13)

Thật vậy, cuộc đời này không có tình yêu thương thì cũng như cuộc sống không có ánh mặt trời. Vô tri bất mộ. Không biết thì không yêu mến, thậm chí có thể ghét, nhưng khi đã biết thì người ta cảm thấy yêu mến. Nhưng trước khi BIẾT thì phải MUỐN BIẾT và TÌM HIỂU cho thấu đáo chứ không thể hời hợt hoặc nửa vời. Khi biết rõ rồi thì sẽ nảy sinh yêu mến, và có thể say đắm – si tình.

Đạo Chúa mệnh danh là Đạo Yêu Thương. Không yêu thương thì đừng nói là theo Chúa. Thánh Phaolô nói: “Ai không yêu mến Chúa thì là đồ khốn kiếp!” (1 Cr 16:22) Nhưng mến Chúa thì phải yêu người, vì yêu người là thước đo lòng mến Chúa. Đó là hệ lụy tất yếu. Thánh Gioan phân tích: “Nếu ai nói ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4:20)

Cũng có hệ lụy trong vấn đề này, như Thánh Sibyllina Pavia nói: “Ai không yêu mến anh em thì không thể trở thành người anh dũng tử đạo.” Có tình yêu thì người ta có thể làm được mọi sự, bất kể nhỏ hay to, đúng như Thánh Augustinô nhận định: “Cứ yêu thật đi rồi muốn làm gì thì làm.” Chính Thánh Augustinô đã từng nuối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới!” (Tự Thuật, số 10 & 27) Còn Mẹ Thánh Teresa Calcutta xác định: “Bạn không thể thấy Chúa Giêsu trong người nghèo nếu bạn không thấy Ngài trong Thánh Thể.” Chuỗi yêu thương kỳ diệu quá chừng!

Vì yêu Chúa – và yêu Chúa qua tha nhân, người ta có thể làm được mọi thứ. Sách Công Vụ kể: “Ông Philípphê xuống một thành miền Samari và rao giảng Đức Kitô cho dân cư ở đó. Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Philípphê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm.” (Cv 8:5-6) Họ không chỉ “nghe đồn” mà còn “chứng kiến” các dấu lạ do tông đồ Philípphê đã làm. Vì họ đã biết nên họ không thể làm ngơ, không thể không chú ý. Thật vậy, “các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám, nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành. Trong thành, người ta rất vui mừng.” (Cv 8:7-8)

Vào thời đó, các tông đồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa nên cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ để họ nhận được Thánh Thần. Kinh Thánh cho biết: “Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.” (Cv 8:16-17)

Đó là Bí tích Thêm sức, bí tích làm cho chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần viên mãn. Xưa nay chúng ta vẫn quen với cách nói “bảy ơn Chúa Thánh Thần” – gồm các ơn: khôn ngoan, hiểu biết, lo liệu, sức mạnh, thông minh, đạo đức, và kính sợ Chúa. Tuy nhiên, đó là cách nói của Kinh Thánh, vì số 7 là con số kỳ diệu của Kinh Thánh, chứ Chúa Thánh Thần không chỉ “đóng khung” trong 7 ơn đó. Chúng ta thật hạnh phúc vì được biết Thiên Chúa, được yêu mến Ngài, và được lãnh nhận Chúa Thánh Thần: “Bình an cho anh em.” (Lc 24:36; Ga 20:19; Ga 20:20; Ga 20:26)

Rất sung sướng, nên Thánh Vịnh gia đã thốt lên: “Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa, đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời, nào dâng lời ca tụng tôn vinh!” (Tv 66:1-2) Hòa chung niềm vui đó, chúng ta cùng thân thưa với Thiên Chúa: “Vĩ đại thay, sự nghiệp của Ngài! Trước thần lực uy hùng, địch thù khúm núm. Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh. Đến mà xem công trình của Thiên Chúa: hành động của Người đối với phàm nhân thật đáng kinh đáng sợ!” (Tv 66:3-5) Thiên Chúa toàn năng, có Ngài thì người bình thường cũng trở nên phi thường, không có Ngài thì thiên tài cũng chẳng làm gì được, như Chúa Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5)

Là Đấng hằng hữu và toàn năng, Thiên Chúa tạo thành mọi vật, cũng chính Ngài “làm cho biển khơi hóa đất liền và dân Ngài đi bộ qua sông, việc Ngài làm đó khiến ta hoan hỷ. Chúa uy dũng hiển trị muôn đời; đôi mắt Ngài theo dõi chư dân, quân làm phản chớ có hòng nổi dậy!” (Tv 66:6-7) Lịch sử đã và đang chứng minh điều đó, không một thần linh nào có thể làm được các vĩ công như Thiên Chúa của chúng ta. Thật là một hồng ân lớn lao đối với chúng ta khi được biết Ngài, yêu mến Ngài và tôn thờ Ngài, tuyệt vời hơn nữa là Ngài đã yêu thương chúng ta trước (1 Ga 4:19) và yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13:1) – dù chúng ta chỉ là những kẻ bất lương và tội lỗi.

Chỉ là được hiện hữu trên đời này – dù chúng ta có thế nào – cũng đủ để chúng ta phải cảm tạ Ngài suốt cuộc đời. Không chỉ vậy, Chúa Cha còn thương xót kiếp khốn cùng của chúng ta mà bắt Con Một Yêu Dấu phải chết thay chúng ta, dù Người Con van xin nhưng Ngài vẫn “làm ngơ” vì Ngài muốn cứu độ chúng ta. Ơn cứu tử quá lớn! Chính Ngài chọn chúng ta từ trước khi vũ trụ được tạo thành chứ không phải chúng ta chọn Ngài. (Ep 1:4)

Chắc chắn không thần linh hoặc con người nào như Thiên Chúa, vì Ngài luôn hơn cả mức tuyệt vời: “Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa.” (Đnl 32:10) Chính tình yêu thương đó đã được đóng ấn tín bằng “lời thề độc” này: “Kẻ nào động đến các ngươi là động đến con ngươi mắt Ta.” (Dcr 2:12) Quả thật, chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi, và cũng chẳng bao giờ hiểu được, vì Ngài yêu thương chúng ta tới cùng nên Ngài cũng bảo vệ chúng ta tới cùng. Vì thế, chúng ta rất hãnh diện và phải mau mắn chia sẻ niềm vui đó với người khác: “Xin chúc tụng Thiên Chúa đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng, lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình.” (Tv 66:20)

Có kinh nghiệm được chia sẻ vui buồn cuộc sống với Chúa Giêsu, ông Phêrô chân thành nhắn nhủ: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống.” (1 Pr 3:15-16)

Tại sao phải “giữ thẳng” mà không thể du di “làm cong” – dù chỉ một chút? Ông Phêrô lý giải: “Bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác. Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Ngài đã được phục sinh.” (1 Pr 3:17-18) Rất rõ ràng, thẳng thắn. Chính tình yêu mến đó đã được Chúa Thánh Thần tác động. Đó cũng là đặc cách của Thiên Chúa. Vì yêu, mọi lời hứa của Ngài đều được nên trọn.

Lạy Chúa giàu lòng thương xót, xin ban Thần Khí Yêu Thương để chúng con có thể sống trọn đức ái theo Lòng Thương Xót của Ngài, xin ban Thần Khí Chân Lý để chúng con thực hiện mọi lệnh truyền theo công lý của Ngài. Xin tiếp tục đốt lửa yêu mến để chúng con có thể yêu mến Ngài và chỉ yêu mến Ngài như Ngài muốn. Xin giúp chúng con biết đại lượng với mọi người, dù đó là ai, vì ai cũng được tạo dựng theo hình ảnh Ngài, bình đẳng với nhau, đồng hưởng giá Máu Cứu Độ của Con Một Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

  

Xem thêm

23-1-2025 11-25-05 AM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT TUẦN III THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM AN TÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Năm Thánh – Năm Hồng Ân SUY NIỆM CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN – C (Lc …