Home / Chia Sẻ / LỖI HẸN MÙA XUÂN

LỖI HẸN MÙA XUÂN

+ LỖI HẸN MÙA XUÂN 1Cuộc đời có nhiều cái hẹn, đủ loại hẹn, đủ mức hẹn. Có người đúng hẹn, có người lỗi hẹn (lỡ hẹn), dù khách quan hay chủ quan. Tất nhiên ai cũng muốn đúng hẹn, và lỗi hẹn thì ai cũng cảm thấy buồn, nhưng có lẽ cái buồn mênh mang và khó tả nhất là “lỗi hẹn mùa Xuân”.

Từ khoảng nửa thế kỷ qua, có lẽ ai cũng quen với ca khúc “Xuân Này Con Không Về” (thập niên 1960) của NS Trịnh Lâm Ngân (bộ ba: Trần TRỊNH, LÂM Đệ và Nhật NGÂN). Đó là lời của chiến sĩ phải tác chiến nơi chiến trường xa để bảo vệ tổ quốc để nhân dân được an tâm ăn Tết. Đó là lời xin lỗi được nhắn với người mẹ già nơi hậu phương vì con trai đành “lỗi hẹn mùa Xuân” với mẹ hiền. Lực bất tòng tâm!

Thiết tưởng câu nói “Xuân này con không về” vẫn phổ biến, hợp cảnh, hợp lý và hợp tình, vì có thể áp dụng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là những người đành “lỗi hẹn mùa Xuân” với cha mẹ (và thân nhân) trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền. Họ là ai?

Họ là những người phải tha phương cầu thực, chung quy chỉ vì Cái Nghèo mà người ta phải đành lỗi hẹn mùa Xuân. Số kiếp lận đận thì cứ lụi đụi mãi, chẳng “ngóc đầu” lên được, thế nên cũng đâu dám “mở mắt” to mà nhìn đời hoặc ngắm Xuân, thậm chí cũng chẳng dám “liếc” nữa. Người ta gọi như thế là nghèo gia truyền, nghèo di sản, nghèo truyền kiếp!

Buổi sáng, tôi thường “ngồi đồng” tại một quán ở Bình Thạnh, vừa uống cà-phê vừa lướt web và có thể viết lách đôi chút. Có một ông già “xương xảu” cũng hay uống cà-phê tại chiếc bàn cách tôi không xa. Vài lần ông gật đầu cười khi thấy tôi nhìn ông, rồi ông chủ động lân la sang nói chuyện. Thế là thành quen. Ông đã 80 tuổi, cơ thể gầy gò nhưng vẫn khỏe mạnh, cứng cáp và nhanh nhẹn. Ngạc nhiên là ông vẫn kiếm sống bằng nghề đạp ba gác chở đồ cho người ta, có khi đạp giao hàng tới tận Thủ Đức hoặc qua ngã tư Bình Phước. Chứng tỏ sức khỏe ông còn tốt lắm.

Mỗi sáng trò chuyện với nhau vài câu về xã hội, văn hóa, chuyện đời,… Ông vui vẻ, xởi lởi, và có hiểu biết. Có hôm ông vạch chân cho tôi thấy vết xước rồi ông nói: “Tụi trẻ bây giờ quá đáng, nó chạy xe thế nào mà tông vào phía sau xe ba gác của tui, làm hư xe và rách chân tui nè. Thế mà nó bỏ chạy luôn. Tui chỉ biết lắc đầu ngao ngán!”. Ông uống nhanh ly cà-phê đá hoặc chai nước giải khát rồi ông lại đi giao hàng. Mỗi lần đi, ông đều cười và nói: “Tui đi trước nghe chú”.

Một sáng gần Tết, tôi hỏi ông sao mấy hôm rày không thấy ông. Ông bảo: “Ở nhà thuê, không có chổ để xe, nên tui phải lại đằng kia gởi xe”. Nói đến Tết, ông khôi hài: “Người ta tết chứ mình chỉ có chết thôi”. Rồi ông cười vang, xem chừng vẫn có vẻ “vô tư” và sảng khoái lắm. Câu nói của ông có “chất” khôi hài nhưng vẫn đau đáu lắm. Ông là một trong những người vẫn đành “lỗi hẹn mùa Xuân”. Gần hết đời người rồi mà ông vẫn chưa thể “đúng hẹn” được. Buồn lắm chứ!

Một buổi sáng khác, có anh chàng trung niên mời tôi mua vé số. Anh có vẻ trầm tư, dáng buồn hiện rõ. Tôi không có “máu đỏ đen” nên lắc đầu. Anh đứng lặng, không mời mua. Tôi mua giúp anh 2 “vé số phận”. Tôi hỏi và anh ngậm ngùi cho biết rằng vợ con anh ở quê tận Sóc Trăng, anh một mình lên Saigon kiếm sống. Tết này anh không dám về với vợ con vì vé xe mắc quá, anh ráng cầm lòng mà ở lại, để sau Tết về vậy. Như thế, anh lại là đành trở thành người “lỗi hẹn mùa Xuân” này. Biết sao được!

Tôi gặp và trò chuyện với một số thanh niên nam nữ từ các miền quê xa lên Saigon làm công nhân, làm ô-sin (*) hoặc lao động phổ thông. Họ than là không dám về vì tốn kém quá. Mà đây không phải lần đầu họ “lỗi hẹn mùa Xuân” với cha mẹ, có người đã mấy năm rồi không được đoàn tụ với gia đình trong ngày Xuân. Có người muốn mua quà hoặc gởi chút tiền về quê mà cũng không thể thực hiện ước mơ nhỏ bé đó. Tôi hỏi họ cảm thấy thế nào khi Tết đến gần hoặc có thấy buồn gì không, họ vừa “cười trừ” vừa nói: “Buồn riết cũng quen rồi”. Ôi, cái chữ “quen” nghe rất… quen, rất dễ thương nhưng lại đáng thương lắm thôi!

Đã đành họ buồn vì nhớ cha mẹ, nhớ quê hương, nhưng cha mẹ họ cũng giảm niềm vui Xuân trong mấy ngày Tết vì vắng bóng đứa con yêu dấu. Rất có thể có những giọt nước mắt thương nhớ âm thầm của cả cha mẹ lẫn con cái trong đêm Xuân, nhất là giây phút giao thừa. Với những người tha phương cầu thực và ở nhà trọ, họ chỉ “ăn Tết” giản dị là “góp gạo nấu cơm chung” rồi cùng nhau ăn một bữa đạm bạc vào ngày mùng Một để gọi mừng Xuân, ăn tết. Có khác chút là có “mùi” Tết qua vài miếng mứt, mấy cục kẹo, miếng dưa hấu,… Tuy khó tả nỗi niềm u uẩn ngày Tết, nhưng chắc hẳn tình Xuân nơi họ rất đậm đà!

Rồi còn có những sinh viên nghèo xa nhà, các em phải đi làm thêm để có tiền tự trang trải hằng ngày, bớt gánh nặng cho cha mẹ. Tết đến, họ không thể về với gia đình, có em thì không đủ tiền để về quê, có em thì thương cha mẹ nên ráng “hy sinh” Tết mà làm thêm mấy ngày Tết để dự trù cho sinh hoạt trong thời gian học sau Tết. Và như vậy, các em cũng đành “lỗi hẹn mùa Xuân” mà thôi. Tội nghiệp các em, đang tuổi vui mà không được vui!

Và còn biết bao hoàn cảnh đáng thương khác vẫn thấy hằng ngày. Họ như bị “triệt buộc”, vẫn đành “lỗi hẹn mùa Xuân” hết năm này qua năm khác, nỗi buồn cứ chồng chất mãi và như hóa xơ cứng, lòng họ cũng như “ngây ngô” tựa sỏi đá!

Đó là chuyện “lỗi hẹn mùa Xuân” trong đời thường. Về tâm linh, chúng ta cũng có những cuộc “lỗi hẹn” với Thiên Chúa và với tha nhân!

+ LỖI HẸN MÙA XUÂN 2Thật vậy, chúng ta đã và đang lỗi hẹn với Thiên Chúa quá nhiều lần. Chúng ta cũng “lỗi hẹn” với tha nhân nhiều lần nhưng chúng ta vô tình hoặc cố ý không biết, có thể chúng ta “quên” rằng lỗi hẹn với tha nhân cũng chính là lỗi hẹn với Thiên Chúa.

Chính Chúa Giêsu bảo: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:46-47). Còn Thánh Gioan đặt vấn đề: “Nếu ai nói ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20).

Yêu thương có nhiều cách và nhiều mức độ. Yêu thương là thương xót. Cả về tinh thần lẫn vật chất, tức là yêu bằng cả con tim và đôi tay. Rõ nét nhất là thể hiện lòng yêu thương “cụ thể” đối với người nghèo – những người không có mùa Xuân, không mơ thấy mùa Xuân, không dám mơ về Xuân,… những người đành “lỗi hẹn mùa Xuân”. Có lẽ chúng ta vẫn may mắn hơn họ, vậy mà chúng ta có bao giờ thành tâm cầu nguyện cho họ chưa?

Chúa Giêsu xác định: “Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12:8). Thế nhưng chúng ta vẫn lỗi hẹn với tha nhân nhiều lắm, thường gọi là “lỗi đức ái”. Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13:8). Rất rõ ràng, rất chí lý!

Thánh Giacôbê nói rõ: “Phải kính trọng người nghèo” (Gc 2:1-9). Đúng vậy, vì Chúa Giêsu luôn quan tâm người nghèo và luôn chạnh lòng thương xót họ. Điều đó đã được chứng minh qua suốt cuộc đời Ngài khi còn làm người trên trần gian, và Kinh Thánh cũng đã ghi lại.

Thế nhưng chúng ta xem chừng vẫn chẳng thấm vào đâu, nghe tai này rồi lọt qua tai kia, thấy đó rồi quên đó, thậm chí còn ảo tưởng nữa. Cũng như sự kiện 18 người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, người ta tưởng các nạn nhân là các tội nhân bị trừng phạt, nhưng Chúa Giêsu nói thẳng: “Nếu quý vị không sám hối thì sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13:1).

Không khéo thì chúng ta cũng bị Chúa Giêsu cảnh cáo như Ngài cảnh báo những thành đã chứng kiến các phép lạ mà không sám hối: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!” (Mt 11:21-24; Lc 10:13-15). Nếu chúng ta “lỡ hẹn” thì thật là khốn nạn đời đời!

Thiên Chúa luôn rất rạch ròi và thẳng thắn. Khi nhớ đến những người phải “lỗi hẹn mùa Xuân”, chúng ta cùng suy nghĩ lời Chúa đã mặc khải cho Thánh Gioan: “Vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:16). Nhờ “xét mình” đầu năm mà chúng ta có thể kịp chấn chỉnh các động thái, cách sống và nếp nghĩ của mình, để nhờ đó mà không còn lỗi hẹn với Thiên Chúa và tha nhân.

Tết đến, Xuân về, chúng ta cùng xin lỗi Chúa:

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con (Tv 51:3-6 và 14).

TRẦM THIÊN THU

(*) Oshin (おしん) là một bộ phim truyền hình nhiều tập của Nhật. Bộ phim kể về cuộc đời của Shin sinh vào cuối thời kỳ Meiji (Minh Trị) cho đến đầu thập niên 1980. Shin luôn trung thành làm việc cho chủ nhà, được gọi là “Oshin” để thể hiện sự tôn kính.

+ Thưởng thức XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ: https://www.youtube.com/watch?v=U6ZRaVvhuJ8

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN