Home / Chia Sẻ / LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG TRONG LỜI NÓI VÀ XÉT ĐOÁN (P.6)

LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG TRONG LỜI NÓI VÀ XÉT ĐOÁN (P.6)

 

3. Phương thuốc chữa trị
3.1. Những nguyên nhân đưa đến sự đoán xét liều
Muốn sửa chữa thói xét đoán liều ấy phải tìm nguyên do của chúng:

1) Có những tâm hồn sẵn bản tính gay gắt, chua cay khó chịu, họ biến thành chua cay gay gắt tất cả cái gì đến với họ, như lời tiên tri nói: “ Họ biến lời phê phán thành mật đắng, khi đoán xét đồng loại bao giờ cũng hà khắc và thẳng nhặt” (Amos 6,13). Những người này cần một vị lương y thiêng liêng lành nghề ra tay cứu vớt, vì tính gay gắt kia là do bản tính nên khó trị; vẫn biết tự nó không phải là tội, ít ra chỉ là khiếm khuyết, tuy vậy nó rất tai hại vì đem đặt vào ngự trị trong hồn cái thói xét đoán dông dài và nói hành.

2) Có kẻ đoán xét dông dài, không vì khó tính, song vì kiêu ngạo, họ tự nghĩ: càng hạ giá kẻ khác, họ càng nâng cao danh giá họ lên. Đầu óc kiêu căng và tự phụ ấy chỉ biết khen mình và cao tiếng ca ngợi mình đến nỗi nhìn mọi sự khác bằng nửa con mắt hệt như ông Pha-ri-siêu hợm mình kia trong Phúc Âm: “Tôi không phải như kẻ khác đâu!”.

3) Đôi người khác không đến nỗi kiêu ngạo rõ rệt như thế, mà chỉ có khoái trá đôi chút khi thấy sự xấu kẻ khác, để thưởng thức về mình và cho người khác nhè nhẹ thưởng thức cái tốt mà họ tự cho là mình có. Cái tự đắc này rất kín đáo và khó nhận thấy, đến nỗi ai không tinh mắt không khám phá ra được, và ngay chính đương sự là nạn nhân càng không nhìn nhận được nó dù ta chỉ cho họ thấy.

4) Còn kẻ khác, muốn tự bào chữa, tha thứ và làm dịu đi những cắn rứt của lương tâm, đâm đoán xét dễ dàng kẻ khác là xấu nết ngay trong điều mà chính họ phạm, hay điều xấu to lớn nào khác. Họ tưởng con số đông các phạm nhân sẽ làm cho tội họ bớt đáng trách.

5) Nhiều kẻ sẵn sàng đoán xét liều chỉ vì thích đàm đạo, thích triết lý dông dài trên phong hoá và tâm tính người đời như thao trường để luyện trí. Nếu chẳng may họ nói trúng, ôi thôi, họ càng say sưa bạo dạn khó mà ai gạt đi được.

6) Có kẻ xét đoán vì tư dục: họ xét là tốt cái họ thích, là xấu cái họ ghét, trừ ra đôi trường hợp kỳ lạ, nhưng có thật, vì quá yêu thích mà xét đoán sai lạc về cái họ yêu. Đó là hậu quả kỳ dị thật, song bắt nguồn từ một tình yêu vẩn đục, khiếm khuyết, lộn xộn và bệnh hoạn, đó là lòng ghen tương. Đối với tính xấu này ai cũng biết, một cái nhìn, một nụ cười cỏn con vô tội cũng bị kết án là bội tín, ngoại tình.

Cuối cùng, tính hay sợ, tính tham vọng và các yếu đuối khác của tâm trí cũng góp phần không nhỏ vào việc phát sinh nghi ngờ và đoán xét dông dài.[1]

3.2. Cách chữa trị việc xét đoán liều

Đức bác ái là linh dược chữa mọi sự dữ, cách riêng cái tật xấu đoán xét liều này. Trước mắt kẻ bị chứng vàng da, mọi vật đều hoá màu vàng. Người ta đồn rằng: chữa bệnh này phải cho con bệnh mang chất thổ hoàng liêndưới chân. Tội đoán xét dông dài là bệnh vàng da thiêng liêng làm cho người mắc bệnh thấy gì cũng xấu. Nếu họ muốn lành phải đắp thuốc, không ở trên mắt, hay ở trí khôn, song ở trong tâm tình là chân của linh hồn. Nếu tâm tình con dịu hiền, phê phán của con cũng hiền từ. Nếu tâm tình con đầy bác ái, phán đoán của con cũng vậy.

Tôi nêu ra ba tích rất đáng phục, Isaac đã nói rằng: Rêbecca là em họ. Abimêlếch thấy ông vuốt ve mơn trớn nàng cách âu yếm, liền chợt nghĩ: nàng là vợ của ông. Một con mắt độc ác có lẽ đã nghĩ ngay: nàng là gái chơi, còn nếu là em họ, thì lại là kẻ loạn luân. Nhưng Abimêlếch đã có một tư tưởng bác ái trước sự kiện trên. Hỡi con, ta phải luôn cư xử theo gương ấy: xét đoán tốt cho người khác chừng nào hay chừng ấy. Nếu một hành động có một trăm khía cạnh, phải nhìn khía cạnh tốt nhất.

Đức Mẹ có mang, Thánh Giuse thấy rõ ràng. Song mặt khác, người biết Đức Mẹ rất thánh, rất trong sạch như Thiên Thần, không bao giờ người lại có thể nghĩ rằng: Đức Mẹ đã thụ thai ngoài con đường bổn phận. Thành ra người đã để cho Thiên Chúa xét xử lấy, còn người thì định âm thầm rút lui. Dù tất cả vẻ bên ngoài đều như thúc đẩy người nghĩ trái về Đức Trinh Nữ, người vẫn không muốn đoán xét Đức Trinh Nữ như thế. Tại sao? Vì người là công chính, như Thánh Thần Thiên Chúa nói.

Người công chính, khi không thể bào chữa cho việc làm cũng như chủ ý của kẻ mà mình biết là người liêm chính, thì không hề đoán xét, song gạt ý nghĩ ấy đi, và để Thiên Chúa xét xử. Còn Chúa Cứu Thế, khi bị đóng đinh, dù không thể bào chữa cái tội của kẻ làm khốn Ngài, ít ra Ngài giảm bớt ác tính của nó đi lấy cớ là “chúng không biết”.

Khi ta không thể bênh chữa cho tội, ít ra hãy làm nó thành đáng thương, tìm cho nó một duyên cớ nghe được, chẳng hạn: vì không biết hay vì yếu đuối.[2]

3.3. Không được xét đoán khi không có quyền và không nắm vững đầy đủ yếu tố

Như vậy không bao giờ được đoán xét người ta ư? Không bao giờ! Mình Thiên Chúa mới là Đấng xét xử kẻ tội lỗi thôi. Đã hẳn, Ngài nhờ tiếng nói của các vị thẩm phán để cho ta nghe phán quyết của Ngài, họ chỉ là dụng cụ, là phương tiện trung gian, là phát ngôn viên, họ chỉ tuyên bố điều họ đã học được nơi Ngài, rồi truyền ra. Nếu họ làm khác, nghe theo tình dục của họ, lúc ấy chính họ xét xử, và do đó, họ cũng bị xét xử. Vì cấm người thế gian không được xét xử ai với tư cách họ là người thế gian thôi!

Nhìn và biết một điều gì, chưa gọi là đoán xét. Vì muốn đoán xét, như Thánh Kinh nói, đòi phải có một khó khăn, khúc mắc to hay nhỏ, thật hay như là thật, cần phải phanh phui ra. Cho nên Thánh Kinh nói: “ Ai không tin đã bị xét xử rồi” (Gioan 3, 18), vì không còn ngờ vực gì về sự họ sẽ bị trầm luân. Nhưng, ngờ vực về người ta có mắc tội không? Không, vì không cấm ngờ vực, nhưng cấm xét đoán. Tuy vậy, không được phép ngờ vực hay nghi ngờ trừ phi có những lý do, những chứng cớ xác đáng hết sức ép ta phải ngờ vực. Bằng không các ngờ vực, nghi hoặc sẽ thành liều lĩnh. Nếu có con mắt người xấu bụng nào thấy Giacóp hôn Rakhen gần bên giếng hoặc thấy Rêbécca nhận vòng và hoa tai từ tay Êliêdêu là khách lạ trong vùng, chắc họ đã nghĩ xấu về hai trường hợp ngay lành trong sạch đó, đã hẳn là vô cớ, vô bằng. Vì, khi một hành động tự nó dửng dưng vô can mà ta rút ra một kết luận xấu, đó là một đoán xét dông dài vậy, trừ phi nhiều hoàn cảnh khác nhau ép ta lý luận như thế. Cũng là xét đoán dông dài khi ta kết luận từ một hành vi để khiển trách con người. Nhưng, về điều này tôi sẽ nói sau đây rõ hơn.

Sau cùng, những ai chăm lo đến lương tâm mình thường chẳng mắc vào việc xét đoán dông dài, như ong thấy sương mù hay mây đen liền lui vào tổ để làm mật: các cảm nghĩ của linh hồn đạo đức không hướng đến các vấn đề mờ tối hay những hành động uẩn khúc của đồng loại, trái lại, để tránh gặp chúng, các cảm nghĩ kia như tụ tập vào trong lòng để sinh ra các quyết định tốt mà sửa chữa chính mình.

Thích xét về đời kẻ khác, đó là dấu một linh hồn vô dụng. Tôi không cố ý nói đến những ai có trách nhiệm trên kẻ khác, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, vì họ phải đem trí xem xét và coi sóc lương tâm kẻ khác. Họ hãy làm bổn phận với tất cả tình thương, xong việc, họ đừng quan tâm đến đó nữa, song chỉ còn lo cho mình.[3]

4. Những điều kiện để xét đoán.

Một triết gia xưa đã nói : “Người với người như lang với sói”. Tư tưởng đó còn được diễn tả tệ hại hơn nơi một triết gia hiện đại : “Địa ngục chính là những kẻ khác”.

Theo tính tự nhiên, có lúc tôi cũng muốn chủ trương như thế. Đúng thế, kẻ khác chỉ là loài chó sói rình rập cắn xé tôi, họ chỉ là địa ngục làm khổ tôi.

Nhưng nghĩ lại, tôi thấy nghĩ như vậy là quá đáng. Tôi không chối rằng thực sự bao người đã vô tình hay hữu ý làm khổ tôi. Nhưng không vì thế tôi được quyền xét đoán và kết án họ.

Các sách thần học luân lý dạy tôi rằng chỉ trong những trường hợp hội đủ ba điều kiện sau đây mới được xét đoán :

– Khi có quyền xét đoán.
– Khi biết rành mạch việc phải xét đoán.
– Khi hoàn toàn sạch mọi thiên kiến [4]

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

 


[1] Thánh Phanxicô Salêdiô, Sống thánh giữa đời, p.227

[2] Thánh Phanxicô Salêdiô, Sống thánh giữa đời, p.230

[3] Thánh Phanxicô Salêdiô, Sống thánh giữa đời, p.230-231

[4] GM. GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, p.69-70.

 

Xem thêm

25-11-2024 9-59-18 PM

Lời Chúa – Thứ Ba Tuần XXXIV Mùa Thường Niên 26/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN