Home / Chia Sẻ / LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG TRONG LỜI NÓI VÀ XÉT ĐOÁN (P.5)

LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG TRONG LỜI NÓI VÀ XÉT ĐOÁN (P.5)

 

III. LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG QUA VIỆC XÉT ĐOÁN
1. Lỗi giới răn yêu thương qua xét đoán.
1.1. Những ảnh hưởng trên việc xét đoán
1.1.1. Thành kiến.
Chính sự yêu- ghét, hay nói cách khác sự chủ quan đã sản sinh ra những đứa con ruột, một trong những đứa con đó là : thành kiến.
Câu chuyện sau đây chứng minh điều chúng ta đang đề cập:
“Có một người rất giàu, ở nước Tống bên Trung Quốc. Ông xây bức tường thật cao chung quanh nhà để đề phòng kẻ gian xâm nhập.
Một hôm, mưa to gió lớn làm một cây bên đường ngã đổ làm tường thành nhà ông sụp đi một khoảng. Người con thấy thế nói:
Xây tường thành ngay đi, nếu không trộm cướp sẽ vào.
Người láng giềng thấy tường đổ cũng sang nhìn và bảo:
Này bác, không xây tường lại e có trộm vào.
Tường chưa kịp sửa chữa lại, ngay đêm đó nhà ông phú hộ có trộm tới thăm. Sáng ra, khi biết nhà bị mất trộn, ông khen người con là khôn ngoan, thấy xa biết trước mọi sự, và nghi ngờ ông láng giềng gian xảo, lợi dụng thời cơ xâm nhập gia cư, lấy trộm đồ đạc của ông.

Ai là thủ phạm? Khó biết! Nhưng không thể bỏ qua yếu tố: có khi chính người con là thủ phạm chăng?”

Thói thường của người đời là thế!
Yêu ai yêu cả đường đi,

Ghét ai, ghét cả tông ti họ hàng.”

Nếu bạn thấy ai đó làm việc gì mà bạn có ý kiến như là người đó làm việc tốt, hoặc xấu, thế là bạn bèn có ý kiến cố định về người đó, để rồi mươi ngày hay cả năm sau, khi bạn gặp lại họ, bạn vẫn còn giữ cái ý kiến của bạn về họ.
Nhưng mà trong khoảng thời gian đó, có thể là họ đã thay đổi rồi.
Cho nên, điều rất quan trọng là đừng bao giờ nói: “Hắn là thế đó”, mà nói: “Hắn đã như thế vào tháng Hai”, bởi vì tới cuối năm thì hắn đã đổi khác hoàn toàn mất rồi.
Nếu bạn nói về ai đó: “Tôi biết người này”, có thể là bạn sẽ sai hoàn toàn, bởi vì bạn chỉ biết về hắn vào khoảng thời gian nào đó, hoặc bởi một sự kiện xảy ra vào một thời điểm nào đó, ngoài ra, bạn chẳng biết gì về hắn cả.[1]
Cho nên điều quan trọng là mỗi khi gặp người nào, bạn hãy tiếp xúc với họ bằng một tâm hồn hoàn toàn trong sáng, không với những thành kiến, không với những định kiến và không với những quan điểm của riêng mình” (Krishnamurti).
Thành kiến làm lệch sự thật, thường nghiêng về xu hướng tiêu cực, vì thế, có thể đẩy chúng ta vào lỗi phạm về đức ái. [2]
1.1.2. Yêu nên tốt, ghét nên xấu
Chúng ta có thể bị tình cảm và định kiến chi phối, nên thường đánh giá con người và sự việc một cách chủ quan, thiên lệch; có thể “vo tròn, bóp mép” mọi điều cho vừa, cho khớp với ý nghĩ và tình cảm của mình.
Chuyện ngày xưa, bên Trung Hoa có một ông quan rất được nhà vua sủng ái. Ngày kia, thiên hạ đem dâng cho nhà vua một món sơn hào hải vị. Thấy vậy, ông quan này bèn xơi trước một bát. Nhà vua nghe biết liền khen:
Rõ thật là bậc trung thần, ăn trước để xem trong món sơn hào hải vị ấy có thuốc độc hại trẫm hay không.
Thời gian sau, ông quan này bị thất sủng. Ngày kia, thiên hạ cũng đem dâng cho nhà vua một món sơn hào hải vị. Thấy vậy, ông quan này cũng xơi trước một bát. Khi nghe biết, nhà vua bèn đùng đùng nổi giận và quát mắng:
Rõ thật là đồ khinh quân phản phúc, dám xơi trước, chẳng còn kính nể gì trẫm nữa. Không những phải tội chết, mà còn phải tru di tam tộc.
Nói thế rồi, nhà vua bèn truyền lệnh:
Lính đâu? Chém đầu.
Đúng là: “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Làm sao biết được lòng người mà ứng xử đây? Làm sao ở cho vừa lòng người?
Những lời nhận định của chúng ta về người khác thường bị lăng kính YÊU- GHÉT làm lệch lạc. Vì thế, khi nghe điều gì, chúng ta cần tìm hiểu mối quan hệ của người nói, với đối tượng họ nói, và những gì họ nói với sự “tỉnh thức” mà một số người khôn ngoan, những triết gia, các danh nhân cũng như các nhà tâm lý… sẽ soi sáng cho chúng ta hiểu rõ hơn qua những nhận định khá rõ nét sau đây:
Một người có giá trị hay đạo đức thật sự, không cần phải chen lấn với người khác, mà nằm ở chỗ làm cho người khác “lớn lên”. Giúp cho người khác nổi bật, đèn cùng sáng, chuông cùng vang, chứ không phải dập tắt đèn người khác. [3]
1.1.3. Phóng chiếu
Theo tâm lý chiều sâu, những gì chúng ta suy diễn, nói xấu, phao tin… là những hành vi phóng chiếu, được chi phối bởi vô thức, bởi một động lực ngầm, ẩn núp bên dưới, có khi rất sâu khó nhận ra. Ngay cả đương sự cũng mờ tối về những động lực chi phối này. Tuy vậy, theo tâm lý chung thì thường tình;
Những gì mình sợ, mình ghét và ngại thấy nơi mình nhất, thì mình phóng ra nơi người khác”. (A. De Mello)
Thật vậy, ai cũng hiểu rằng: lòng nghĩ sao thì nhìn thấy vậy! Sau đây là câu chuyện chứng tỏ điều này:
Một người đàn bà trở về nhà vào ban đêm, chung quanh nhà thật tối; bà ta đang bước vào, thình lình thấy một con rắn khủng khiếp vắt ngang ngay qua cửa. Trong cơn hốt hoảng, bà vội chạy ngay tới nhà kho tìm được một cái xẻng; rồi bà ta dùng hết sức mình đâm trúng được con rắn đứt ra thành nhiều khúc. Tạm gạt xác nó ra một bên, bà vào nhà ngủ, nhưng không sao ngủ được vì cơn hốt hoảng vẫn còn. Hình ảnh con rắn cứ bò tới bò lui trong đầu bà… và còn thấy nó nhào tới, bà hốt hoảng ngồi phắt dậy! Hôm sau thức giấc, bơ phờ mệt mỏi vì thiếu ngủ, bà vội đi chôn con rắn cho khuất mắt.
Trời ơi, đó chỉ là ống nước tưới vườn, mà người làm vườn chưa kịp cuộn lại thôi!
Một sự kiện đau lòng khác nói lên sự phóng chiếu những gì tiềm ẩn bên trong!
Giết con cưng. Một ông bố đi làm về khuya, cô con gái cưng muốn giỡn, hù doạ bố cho vui. Cô vào ngồi trong tủ áo, đợi bố về sẽ làm ngáo ộp. Ông bố vừa bước vào phòng, thì thấy có tiếng động và tiếng thở khò khè đáng sợ, ông nghĩ ngay: Chắc là không ổn rồi, thời buổi này cướp giật nhan nhãn, thế là ông lùi và tìm súng thủ thế, đợi đến lúc “tên cướp” vừa thò đầu ra là ông bắn liền cho mấy phát. Bật đèn lên nhận diện “thủ phạm” thì ông hét lên và té xỉu. Ôi con tôi!!!
Điều gì đã ám ảnh hai người này?
– Tại sao bà kia lại nhìn thấy con rắn, mà không nghĩ ra cái gì khác như: cái sào, cái gậy hay khúc củi chẳng hạn?
– Tại sao ông kia lại nghĩ là trộm? Và quyết giết cho được thay vì có hành động nào khác?
Phải, nỗi bất an, lo sợ, sâu kín bên trong có thể làm cho mỗi người thấy hay nghĩ đến, hoặc nói ra cái điều mình đang có trong đầu. Phóng chiếu là thế! ”.[4]
1.1.4. Suy bụng ta ra bụng người
Anselm Grun, Đan viện phụ và tiến sĩ thần học người Đức đã nhiều năm đồng hành thiêng liêng và chữa trị tâm lý. Trong cuốn “Chinh phục sự tự do nội tâm” đã nêu lên lập luận của Ephithete về sự xét đoán như sau:
“Tâm lý học hiện đại cho rằng những ý tưởng của chúng ta trên sự vật, quy định sự hiểu biết của chúng ta. Chúng ta không nhìn thấy thực tại một cách khách quan, nhưng qua những cặp kính đặc biệt. Thường một cách vô ý thức, chúng ta phóng chiếu những chờ mong hoặc những nỗi sợ hãi của mình nơi các sự vật. Chính như thế đó mà chúng ta nhìn những người chung quanh qua cặp kính phóng chiếu ấy. Chúng ta phóng ra trên họ những khuyết điểm của mình và suy diễn sai lệch cách hành động của họ
Câu chuyện khá khôi hài của Watzlawik về cái rìu cho chúng ta hiểu thêm về sự phóng chiếu này.
“Một người không tìm thấy cái rìu của mình. Ông bắt đầu nghi ngờ người hàng xóm đã đánh cắp, và cứ thế trong nhiều ngày, ông nhìn người ấy với cặp mắt ngờ vực. Lòng nghi ngờ người hàng xóm cứ lớn dần, và ông nhìn thấy mỗi cử chỉ, hành động của người kia xác minh cho sự nghi ngờ đó. Cuối cùng ông chạy sang nhà người hàng xóm, đấm cửa và hét lớn:
“Thôi được, mày cứ giữ lại cái rìu đáng nguyền rủa của mày đi!”
Câu chuyện rất tiêu biểu và đáng buồn khác của sự nghi ngờ, thành kiến, rỉ tai… được thể hiện trong vở kịch“Othello” của nhà đại văn hào Shakespeare.
“Othello rất tha thiết yêu thương vợ mình là Desdemona. Và một hôm, hoàng tử Iago đã bịa đặt và nói nhỏ vào tai Othello rằng: “vợ anh không chung thuỷ” lòng tin của chàng bị lung lay. Thành kiến đã sẵn, thêm lời rỉ tai tàn nhẫn đã gieo vào lòng Othello sự nghi ngờ lòng trong sáng của vợ. Chỉ một dấu hiệu nhỏ như chiếc khăn tay rơi ngoài vườn cũng làm cho chàng nghi ngờ và tin vào lời rỉ tai hơn nữa. Chàng đã trở nên mù quáng, mất hết sự sáng suốt. Trong cơn nghi ngờ tột độ, Othello đã siết cổ người vợ vô tội đáng thương của mình. [5]
1.2. Xét đoán xấu đến từ những nguyên nhân xấu.
1.2.1.Nguyên nhân xấu thứ nhất là lòng xấu.
Về điểm này Đức Cha Fulton Sheen đã đưa ra một nhận xét táo bạo. Ngài nói : “Người nào hay đoán xét xấu cho người khác tội gì thường là dấu chính người đoán xét có khuynh hướng ngầm nghiêng ngả rất mạnh về tội đó”. Nhận xét tâm lý này làm tôi sợ quá. Thì ra khi tôi nghĩ cho một điều xấu nào thì chắc chắn người đó đã có điều xấu ấy, nhưng hầu chắc chính tôi lại có tính ham điều xấu ấy. Sự tôi xét đoán đã vô tình tố cáo tôi. Mà thực thế, tư tưởng con người thường là sắc thái của khuynh hướng con người [6]
1.2.2.Nguyên nhân xấu thứ hai là thiếu lòng mến Chúa.
Lòng người đạo đức thánh thiện thường đơn sơ và bao dung. Họ chỉ biết mình và biết Chúa. họ không dám nghĩ xấu cho ai. Hơn nữa họ còn cắt nghĩa lành cho kẻ khác. Trong Phúc Âm, hạng người hay xét đoán và hay kết án người khác không phải là ai khác ngoài Pharisiêu, mà Pharisiêu ai cũng biết là họ thế nào[7]
1.2.3.Nguyên nhân xấu thứ ba là tính kiêu ngạo.
Xét đoán ai tức là đặt mình lên trên họ. Mà có ai đặt tôi lên chức đó đâu. Chính mình tôi đặt tôi lên. Và đâu có phải vì lý do bác ái. Thường chỉ vì kiêu ngạo muốn coi mình hơn kẻ khác[8]
1.3. Nguyên nhân xấu đưa đến những hậu quả xấu.
1.3.1.Hậu quả xấu thứ nhất là tôi dễ sai lầm.
Mỗi người là một vũ trụ huyền bí. Ngay chính mình tôi mà tôi cũng chẳng rõ. người khác cũng khó hiểu được tôi. Thế thì tại sao tôi lại tưởng tôi phán đoán đúng được người khác. Đến như tòa án với tất cả những phương pháp khoa học mà vẫn có thể lầm, phương chi tôi. Tốt xấu con người tùy thuộc rất nhiều yếu tố. Thẩm định được chính xác là một điều quá khó. Phần vì trí khôn tôi nhỏ hẹp. phần vì tôi dễ bị ảnh hưởng của thiên kiến, tính xấu, tình cảm, dư luận chi phối. Nên xét đoán người khác là một mạo hiểm [9]
1.3.2. Hậu quả xấu thứ hai là làm tổn thương sự bình an của tâm hồn tôi và tâm hồn kẻ khác.
Thực thế, khi tôi nghĩ xấu cho ai thì tất nhiên tôi cho họ là không tốt. Ý nghĩ đó sẽ gây trong tôi một tình cảm bất kính và bớt tín nhiệm đối với họ. Có thể tôi sẽ dễ khinh họ, coi rẻ họ, dè dặt với họ. Có một cái gì làm tôi xa họ. Thế rồi khi gặp họ hoặc là tôi sẽ có thái độ bất kính đối với họ đúng như lòng tôi bên trong vốn nghĩ, hoặc là tôi sẽ cố gắng tạo một thái độ giả dối bôi bác bề ngoài. Cả hai cách đó đều làm tôi mất mát và cũng làm đau lòng cho kẻ bị tôi xét đoán[10]
1.3.3. Kết quả xấu thứ ba là làm cho tôi không biết rõ sự thực về tôi.
Muốn biết rõ về mình thì phải vô tư, thận trọng và khiêm tốn. Nếu tôi quen xét đoán càn cho người khác thì đâu tôi có những đức tính đó. Không lo xét mình, mà cứ lo xét người khác, đó là một đặc điểm của Pharisiêu[11]
1.3.4. Kết quả xấu thứ bốn là tôi sẽ bị Chúa xét xử nghiêm nhặt.
Có lần Chúa đã nói rõ là những gì tôi làm cho người khác, thì Chúa kể như là làm cho chính Chúa. Như thế khi tôi xét xấu cho người khác, thì tôi lỗ chắc chắn rồi. Trái lại, nếu tôi không xét đoán ai thì tôi sẽ được lời to lớn. Chúa hứa chắc chắn : “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán”. Chúa đã hứa thì Chúa sẽ giữ lời hứa. Tôi biết tôi nhiều tội quá. Nhưng Chúa đã cho tôi một lối thoát. Tôi sẽ lợi dụng lối thoát đó[12]
2. Đức Giêsu với việc xét đoán.
2.1. Đức Giêsu với cái hôn của Mađalêna và Giuđa.
Phúc âm chỉ nói tới hai lần Chúa được hôn. Một lần do Giuđa, một lần do Mađalêna.
Giuđa là tông đồ. Ông đi tìm Chúa, khi gặp, ông bước tới ôm Ngài, và hôn mặt (Lc 22,47). Cái hôn của ông có vẻ vừa hợp tình vừa hợp lý. Người ngoài dù lạ dù quen, dù nam hay nữ, không ai đã chê trách cái hôn đó.
Còn Mađalêna thuở còn là một cô gái bị dư luận cho là không đàng hoàng. Cô đi tìm Chúa. Khi gặp, cô quỳ xuống, khóc ướt chân Chúa. Cô lấy tóc lau, và “không ngừng hôn chân Ngài” (Lc 7,45). Nhưng cái hôn của cô có vẻ không được thích hợp. Chả thế mà ông Simon đã lẩm bẩm này nọ trong bụng và đâm nghi ngờ Chúa (Lc 7,39).
Ngay trong thời buổi tự do này, nếu câu chuyện đó xảy ra bất cứ nơi nào trên trái đất, nhất là ở nước tôi, thì chắc chắn người ta sẽ không để cô yên và chính Chúa cũng sẽ bị kết án tơi bời.
Người ta thì thế. Còn Chúa thì sao ?
Chúa đã trách cái hôn của Giuđa và đã bênh những cái hôn của Mađalêna.
Chúa thấy rõ tâm tư thầm kín của từng người. Giuđa hôn Chúa, nhưng để nộp Người. Còn Mađalêna hôn Chúa, để xin ơn làm lại cuộc đời.
Cái hôn của Giuđa chỉ tốt ở bề ngoài vì hợp phong tục, đúng luật xã giao và tình nghĩa. Nhưng ý hướng bên trong thì quá xấu.
Cái hôn của Mađalêna thì bề ngoài không được thích hợp vì những lý do dễ hiểu, nhưng bên trong đầy những ý hướng tốt đẹp.
Giá trị bên trong mới đáng kể.
Chuyện cái hôn trên đây dạy tôi phải biết dè dặt.
Nếu tôi thấy một người có hành động và thái độ xem ra không thích hợp với thói quen xã hội và tôn giáo, thì tôi đừng vội nghi ngờ họ. Họ không được xã hội đồng ý, nhưng trước mặt Chúa, chưa chắc họ đã thua ai. Rất có thể họ đã đẹp lòng Chúa hơn tôi. Chúa đã chẳng bênh Mađalêna và trách ông Simon là gì. Kẻ khinh người khác là tội lỗi đã bị Chúa đặt dưới kẻ chính họ đã khinh [13]
2.2. Đức Giêsu với những người tội lỗi.
2.2.1. Đức Giêsu luôn bênh đỡ những người tội lỗi.
– Một hôm, đám đông điệu một người đàn bà ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu và tố cáo rằng : Chị này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Cứ theo luật thì chị này phải ném đá chết. Còn Thầy nghĩ sao ?
Chúa Giêsu bình tĩnh trả lời : “Ai trong các ngươi vô tội, thì yêu cầu ném hòn đá thứ nhất đi”. Rồi Chúa cúi xuống, lấy ngón tay viết chữ trên nền nhà, không nhìn, không nói với ai. Lúc ngẩng đầu lên, thì chỉ còn chị phụ nữ đứng đó. Chúa bảo : “Không ai kết án chị sao ? Vậy tôi cũng chẳng kết án chị. Chị về bình an và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,1-11).
Nếu tôi đứng đó, có lẽ tôi cũng sẽ hùa theo đám đông, tỏ bộ khinh bỉ và nói những lời chê bai đối với người đàn bà tội lỗi ấy.
Nhưng đấng thánh thiện vô cùng lại không khinh chê, ghét bỏ và lên án chị. Trái lại, thái độ của Chúa còn có tính cách bênh đỡ rõ rệt
– Trên núi Sọ, tôi thấy tội dân Do Thái rõ rành rành. thế mà Chúa Giêsu còn tìm cách bênh đỡ và cắt nghĩa lành cho họ. Ngài đã cầu nguyện : “Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,24)
Nhìn thái độ Chúa, tôi thấy tất cả những thái độ hung hăng hay lên án kẻ khác thường không phản ảnh tinh thần của Chúa. Trái lại, người nào càng thánh, càng trong sạch thì lại càng giàu tình thương yêu đối với kẻ yếu đuối lầm lạc[14]
2.2.2. Đức Giêsu luôn tiếp đón những người tội lỗi.
– Ông Giakêu là nhân viên thuế vụ có tiếng tham nhũng. Dân chúng thường tránh xa bọn đó, nhưng Chúa đã đến thăm gia đình ông. Mà ông có mời đâu ! (Lc 19,1-10).
– Matthêu cũng là người thu thuế bị nhiều điều tiếng. Chúa đến dùng bữa tại nhà ông. Có nhiều người thu thuế khác và xấu nết cùng ngồi đồng bàn với Chúa (Mt 9,9-13).-
– Rồi tại bờ giếng Giacóp, một người đàn bà đang kéo nước lên, bà đã có năm đời chồng và người đang chung sống với bà lại không phải là chồng bà. Chúa Giêsu bước đến và chính Người bắt chuyện trước (Ga 4,7-26). [15] (Còn tiếp)

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

 


[1] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.109

[2] Sđd., p.107-110

[3] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.116-117

[4] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.111-113

[5] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.114

[6] GM. GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, p.70

[7] Sđd., p.71

[8] GM. GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, p.71.

[9] Sđd, p.71.

[10] GM. GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, p.72.

[11] Sđd., p.72.

[12]Sđd., p.72.

[13] GM. GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, p.137-139.

[14] GM. GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, p.66-67.

[15] GM. GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, p.67-68.

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN