Home / Chia Sẻ / LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG TRONG LỜI NÓI VÀ XÉT ĐOÁN (P.3)

LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG TRONG LỜI NÓI VÀ XÉT ĐOÁN (P.3)

II. LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG QUA LỜI NÓI

1. Điều cốt yếu của đạo là mến Chúa yêu người.

Tôi có đạo, và tôi hân hạnh xưng mình có đạo. Nếu ai hỏi tôi về đạo, tôi thưa: Điều cốt yếu của đạo tôi là tin thờ Thiên Chúa. Khi trước tôi tưởng thế là đủ. Nhưng bây giờ xét kỹ lại, tôi thấy không đủ. Bởi vì đạo của tôi buộc không những phải tin thờ Chúa, mà còn phải thương yêu người khác.

Tôi ngỡ yêu người chỉ là điều phụ. Nhưng đọc lại Kinh Thánh, tôi thấy yêu người cũng là điều chính. Một luật sĩ đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Trong các điều răn, điều răn nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là điều răn thứ nhất: ngươi phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều trước: là hãy yêu thương anh em như chính mình vậy”(Mc 12,28-31). Nếu điều răn thứ hai cũng giống điều răn thứ nhất, thì tất nhiên yêu người cũng quan trọng như mến Chúa, cũng phải giữ cẩn thận như mến Chúa.

Như thế, căn bản đạo có thể tóm tắt vào hai việc mến Chúa yêu người. Thực ra, đó chỉ là hai mặt của một tình yêu. Cả hai chỉ là một. Bỏ một tức là bỏ hai. Đủ cả hai mới thành đạo. Vì thế, kẻ vô thần không mến Chúa, thì gọi là vô đạo. Người Công Giáo không yêu người cũng là một thứ vô đạo [1]

2. Giới răn mới.
2.1. Mến Chúa yêu người trong Cựu Ước.

Trong Cựu Ước, điều luật yêu mến Thiên Chúa được ghi lại trong sách Nhị Luật: “Hỡi Israel ! Hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất. Ấy vậy, ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Các lời hôm nay Ta truyền cho ngươi, ngươi hãy ghi tạc trong lòng. Hãy ân cần dạy dỗ các điều đó cho con cái ngươi. Hãy rao truyền các điều đó khi ở nhà cũng như khi đi đường, khi nằm ngủ cũng như khi thức dậy. Hãy buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu” (Đnl 6,4-9).

Giới răn yêu người được tìm thấy trong sách Lêvi: “Ngươi chớ oán thù, chớ nuôi thù oán cùng kẻ lân bang nhục mạ mình. Hãy yêu thương người lân cận như chính mình ngươi vì Ta là Chúa” (Lv 19, 18).
2.2. Mến Chúa yêu người trong Tân Ước.

Còn trong Tân Ước, Đức Giêsu dạy :”Ngươi phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Đó là điều răn thứ nhất và quan trọng nhất. Còn điều răn thứ hai cũng giống như vậy: ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mt 22, 37-39).

2.3. Điểm khác biệt giữa giới luật yêu thương của Đức Giêsu và người Do Thái thời bấy giờ.

Khi nghiên cứu đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thường cắt nghĩa từ ngữ “người lân cận” theo quan điểm Kitô giáo. “Người lân cận là người ở gần bên chúng ta”. Có Nghĩa là tất cả những người chúng ta gặp trên đường đời. Nhưng vào thời Chúa Giêsu, từ ngữ “người lân cận” chẳng có nghĩa như thế. Chính vì vậy Chúa Giêsu đã phải giải thích bằng một dụ ngôn khi Ngài trả lời cho nhà thông luật.[2]

“Người kia đi từ Giêrusalem đến Giêricô dọc đường bị sa vào ổ cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh nhừ tử, rồi bỏ mặc người nửa sống nửa chết mà đi. Tình cờ một thầy cả nọ cũng xuống theo con đường ấy, thấy người kia, ông liền tránh một bên và đi qua. Cũng vậy, một thầy Lêvi đến nơi, thấy thế cũng tránh một bên và đi qua. Song một người Samari đi đường thấy vậy, liền động lòng thương người ấy. Ông liền lấy dầu và rượu xoa rịt vết thương, lại đặt lên ngựa mình, đem về nhà quán mà săn sóc. Hôm sau, ông trao cho chủ quán hai quan tiền và dặn rằng “Xin săn sóc người này, có tốn kém hơn thì lúc về tôi sẽ trả thêm”. Trong ba người đó, ông nghĩ ai là kẻ lân cận với kẻ bị cướp ? Luật sĩ thưa : Chính kẻ đã thương giúp nạn nhân. Chúa Giêsu phán : Ông hãy về bắt chước như thế” (Lc 10,29-37).

Để giúp hiểu rõ từ ngữ “người lân cận”, Đức Giêsu phải trưng dẫn trường hợp của người Samaritanô. Dân Samaritanô có quê quán ở miền đất Babylon và họ đến định cư trong dân Israel. Họ đã hấp thụ đạo Do Thái ở một mức độ nào đó, song dân Samaritanô không bị đồng hóa với giòng giống Hy Bá, ngay cả trong lãnh vực tôn giáo. Thực thế, họ không bao giờ chấp nhận hoàn toàn tôn giáo của người Hy Bá cũng như truyền thống và giống nòi của họ.

Họ đã xây một đền thờ trên núi Garizim. Họ đã thờ phượng Thiên Chúa ở đó không bằng hình ảnh, và họ không thừa nhận đền thờ Giêrusalem. Ngoài ra, họ đã thiết lập một hàng tư tế riêng đối lập với hàng tư tế ở Giêrusalem.

Những sự tương đồng và đối lập giữa hai tôn giáo, cộng với sự gần gũi va chạm, đã tạo ra lòng thù ghét giữa người Samaritanô và người Do Thái. Chúng ta nhớ lại câu chuyện người đàn bà Samaritanô. Khi Chúa Giêsu hỏi chị ta, thì chị ta ngạc nhiên đáp: “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi nước uống cùng tôi là người đàn bà Samaritanô sao?” Và thánh Gioan giải thích thêm: “Thật ra, dân Do Thái chẳng hề giao thiệp với dân Samaritanô”(Jn 4,9).

Như vậy, từ ngữ “người lân cận” được nói trong Cựu Ước dường như chỉ áp dụng cho một chủng tộc riêng biệt hay một nhóm có tinh thần đặc biệt [3] hay nói cụ thể ra, từ ngữ “người lân cận” ở đây có nghĩa là những người thuộc chi tộc Israel [4]

3. Những điểm Đức Giêsu muốn qua dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu.
3.1. Chuyện ngày xưa.
Càng suy càng thấy đau xót.
Vị thầy cả chuyên giảng luật Chúa. Nhưng luật căn bản của Chúa là luật bác ái thì ngài lại không giữ.
Thầy Lêvi thuộc hạng người thế giá, lại chuyên lo việc đạo, nhưng điều răn chính của đạo là yêu thương thì họ lại không thực hành.
Còn người Samaritanô mà người Do Thái kể là kẻ ngoại, không nên đi lại tiếp xúc, thì lại thực sự yêu người.

Ông thực sự yêu người, bởi vì ông đã thực sự cho đi. Yêu thương là cho đi. Ông đã cho đi thời giờ, tiền của, công lao khó nhọc của ông, bàn tay săn sóc của ông, những lo lắng của ông đối với nạn nhân chứng tỏ ông đã cho đi rộng rãi tấm lòng yêu thương chân thành của ông. Ông đã cho đi nhiều, nên ông đã yêu thương nhiều.

Còn hai vị kia có cho gì đâu để đáng gọi là yêu thương ![5]
3.2. Chuyện hôm nay.

Cứ mỗi lần nghĩ tới dụ ngôn Chúa nói về gương yêu người, tôi lại buồn.

Có một cái gì như mỉa mai làm tôi hổ thẹn. Có một cái gì cay đắng làm tôi bứt rứt.
Tôi tưởng rằng, khi đưa ra gương yêu người, Chúa sẽ bảo: Hãy bắt chước thầy cả này, người giáo hữu kia. Nhưng Chúa lại bảo : Hãy bắt chước gương người ngoại đạo !
Không những thế, Chúa còn đem ra đối chiếu ba thái độ : một của thầy cả, một của người quý chức trong đạo và một người ngoại giáo. So sánh lại càng thấy rõ hai vị cao cấp trong tôn giáo kia thua kém xa người ngoại đạo.
Tất nhiên, dụ ngôn nhắc lại đạo cũ. Các người trong chuyện đều đã qua rồi.
Nhưng tôi tự hỏi : Nếu hôm nay Chúa đến đất nước này, hay đến miền này để giảng lại dụ ngôn bác ái, Chúa sẽ đem ai ra làm gương ? Biết đâu Chúa sẽ nói y nguyên dụ ngôn trên với những danh từ mới.
Nghĩ tới đây, tôi buồn kinh khủng.

Tôi buồn vì thấy nhiều khi chúng tôi giống hệt mấy người lãnh đạo tôn giáo xưa. Họ đi đâu cũng treo luật Chúa trước ngực, nhưng trong lòng thì độc ác. Cũng thế, đi đâu chúng tôi cũng mang danh hiệu của đoàn thể bác ái này, tổ chức đạo đức kia, mở miệng ra là khuyên yêu thương bác ái, nhưng lòng chúng tôi chứa đầy ganh ghét, hành động vẫn ác nghiệt, lời nói xấu như mũi tên độc bắn lén trong đêm. Đôi khi chúng tôi có làm được ít việc bác ái, nhưng bao lần làm để trình diễn hơn là thực sự bác ái.

Tôi buồn vì thấy nhiều khi chúng tôi hành động giống hệt những người Do Thái xưa. Họ không dám vào phủ đường của Philatô, nại lý do là nhà Philatô là nhà ngoại đạo, kẻ có đạo vào đó sẽ mắc dơ (Gn 18-28). Nhưng chính lúc đó, họ không ngại cáo gian và xin lên án giết một người cực thánh là Chúa Giêsu. Cũng thế, nhiều khi chúng tôi cặn kẽ với một vài hình thức đạo đức bề ngoài, nhưng lại coi thường các tội tày trời lỗi đức thương yêu, như cứng cỏi với người nghèo nàn, khinh dể kẻ yếu đuối, tàn nhẫn với người đau khổ, nói xấu bỏ vạ…

Tôi lo sợ chúng tôi cũng bị Chúa mắng trách như ký lục và biệt phái xưa :

“Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi ngốn cả nhà cửa các bà góa mà còn làm bộ cầu nguyện lâu dài.

“Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi đi nộp thuế thập phân về bạc hà, rau ngò, rau húng, nhưng lại bỏ lơ những điều quan trọng hơn hết của lề luật là lòng chính trực, lòng nhân nghĩa, lòng thành tín. Các ngươi gạn lọc con muỗi nhưng lại nuốt trôi con lạc đà !

“Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi rửa sạch chén đĩa, nhưng trong lòng thì đầy tham ô vô độ”[6]
Tôi có vào số những người đó không ?
Tôi biết rằng : Đạo tôi là yêu thương và yêu thương là biết cho đi.
Tôi cũng biết rằng : lịch sử đạo tôi không thiếu những gương yêu thương.
Nhưng nơi khác có, mà có thể ở đây không có. Trước có, mà có thể hôm nay không có.
Nếu thực sự hôm nay và ở đây không có, thì không gì đau xót bằng.

Là thành phần của đoàn thể, của họ đạo, của địa phận, của Giáo Hội, tôi có trách nhiệm về sự thiếu sót đó [7]

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

 


[1] GM.GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, p.55-56

[2] Pascal M.Foresi, Reaching for more (Con đường thăng tiến), p. 41

[3] Pascal M.Foresi, Reaching for more (Con đường thăng tiến), p. 43

[4] Sđd, p. 41

[5] GM. GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, p.60-61

[6] GM. GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, p.61-62

[7] Sđd, p.63

 

Xem thêm

TÂN TÒNG YÊU MẾN ĐỨC MẸ

TÂN TÒNG YÊU MẾN ĐỨC MẸ

Một trong các văn sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 20 viết về Đức …