Home / Chia Sẻ / LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG TRONG LỜI NÓI VÀ XÉT ĐOÁN (P.1)

LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG TRONG LỜI NÓI VÀ XÉT ĐOÁN (P.1)

 

 

I. LỜI NÓI TRONG CUỘC SỐNG
1. Lời nói
1.1. Chỉ có một cái miệng.
Chúng ta được sinh ra với đôi mắt nằm phía trước để luôn nhìn sự việc đang diễn ra thay vì cứ ngoái nhìn lại những điều đã qua.
Chúng ta được sinh ra với đôi tai – một bên trái và một bên phải – để có thể nghe cả hai phía, để nghe đủ những lời ca tụng cũng như những lời phê bình, để phân biệt đúng – sai.
Chúng ta được sinh ra với một bộ óc nằm dưới hộp sọ, cho dù có nghèo đi chăng nữa chúng ta vẫn luôn giàu có vì chẳng ai có thể lấy cắp được, bộ óc sản sinh ra nhiều suy nghĩ và ý tưởng độc đáo.
Chúng ta được sinh ra với đôi vai nối liền đôi tay để gánh vác những nhiệm vụ, trọng trách. Hơn nữa, một để giúp đỡ bản thân, một để giúp người khác. Chúng ta được sinh ra với một đôi chân dài và lớn để đi nhiều nơi, để mắt được quan sát, để não được mở rộng.
Nhưng chúng ta chỉ được sinh ra với một cái miệng, vì miệng là vũ khí sắc bén. Nó có thể làm tổn thương, làm đau lòng hay giết chết kẻ khác. Hãy ghi nhớ câu nói:
Nói ít, nhìn xem và lắng nghe nhiều. [1]
1.2. Phụ nữ hay nói
Có người nói phụ nữ sinh ra dường như là để nói! Quả thật, nghiên cứu cho biết mỗi ngày phụ nữ nói từ năm đến bảy ngàn từ mới thoả, và nghiên cứu còn cho biết số từ của một cô bé 3 tuổi, sẽ gấp đôi của một bé trai cùng tuổi; và bé gái dùng đến năm bậc ngữ điệu thay vì chỉ có ba như bé trai. Dù sống cảnh sống nào đi nữa, đã mang kiếp phụ nữ, xu hướng này rất khó tránh khỏi? Còn nam giới thì sao? Nhiều người xác nhận rằng phái nam cũng nói không kém gì phụ nữ mấy.Với những người lập gia đình cũng như người xuất gia. Lời nói lắm khi được dùng như những vũ khí lợi hại; có thể là do vô thức, nhưng cũng không ít khi chúng ta dùng chúng với ý thức sâu xa; những mũi tên nhọn được bắn với tầm nhắm cẩn thận. Một cô học viên của tôi đã nhiều năm lấn cấn về vấn đề ly dị hay không; lý do cũng vì không thể chịu nổi những lời mỉa mai, hạ giá của chồng. Vì thế, Nguyễn Trãi đã mô tả cái đáng sợ trong đời người, đó là sự sắc nhọn của miệng lưỡi và lòng người.
Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn,

Lòng người quanh nửa nước non quanh

Sống dưới một mái nhà, nhiều năm tháng bên nhau, có khi vài chục, hay bốn, năm chục năm liền; phải chăng vì quá gần nhau, làm cho chúng ta nghĩ rằng mình biết nhau quá.[2]
biết rồi, nói mãi, khổ lắm!” Chúng ta có cảm tưởng là mình thuộc lòng nhau, nên dần dà đã mất đi độ nhạy cảm, mất đi sự tôn trọng, bớt đi sự thận trọng, từ đó có thể trở nên bừa bãi trong cách ăn nói, làm xúc phạm, tổn thương nhau, gây nên buồn đau, xa cách… Dường như trong đời sống gia đình, cũng như đời sống tập thể, ngôn từ có thể là vũ khí dễ dùng và dễ bị lạm dụng chăng?
Có khi nào chúng ta nghĩ cách làm sao cho những lời của chúng ta trao nhau có thể đem lại sự khai thông, làm cho nét mặt người thân hay anh chị em thêm rạng rỡ, ánh mắt thêm niềm tin, và con tim thêm an bình?
Một số trong chúng ta có lẽ đã được trải nghiệm những sự ấm áp đó. Tuy thế, lắm lúc chúng ta đem lại cho những anh chị em đang chung sống, hay những người mình dạy dỗ, gặp gỡ trong công việc thường ngày những lời khuyên quá rẻ tiền, có nghĩa là như máy móc mà thiếu vắng sự đồng cảm, hay đi vào chiều sâu của lòng người, vào cõi lòng anh chị em mình đang đối diện. Lắm lúc chúng ta nói những lời chỉ trên môi mép như là một loại xã giao, vuốt đuôi, không thật lòng, và thiết nghĩ, nếu lòng mình không thật, thà đừng nói thì hơn! [3]
2. Những lời nói tích cực.
2.1. Những lời nói thật
Chân thực! một giá trị cao quý trong mọi lãnh vực cuộc sống. Ai cũng tìm kiếm, nhưng không chắc mình sẽ nhận được, hay thực hành được; dù vậy, cái thật luôn được tôn vinh và tìm kiếm trên nhiều mặt khác nhau:
– Kinh tế – người ta luôn chuộng đồ thật, dù đắt mấy cũng kiếm tìm cho được. Tuy là của vô tri, nhưng đồ vật thật cần luôn được trân trọng và giữ gìn, tìm kiếm; không ai dại gì mua hay gìn giữ đồ dổm, mà chỉ vì bị lừa lọc mà thôi!
– Tình cảm – ai cũng quý yêu tấm chân tình. Dù tình yêu, tình bạn hay tình làng nghĩa xóm, tình đồng nghiệp hay đồng chí… nếu không thật lòng, làm sao có được những cuộc gặp gỡ sâu xa, những trao đổi cởi mở. Nếu không có chân tình, các mối tương quan chẳng khác gì các hình nộm bên nhau, vô cảm, trống rỗng và xa lạ!
– Ngôn từ – Lời thật quý hơn châu báu, lời thật xây dựng và đem lại sự sống, làm tái sinh; lời thật là lời thiện. Lời thật tạo sự tin tưởng, tạo đồng cảm và đưa đến sự gặp gỡ sâu xa của hai tâm hồn… Lời thật khó nghe, nhưng đem lại sự bình an cho tâm hồn, đặt chúng ta trong đường ngay nẻo chính, giải thoát chúng ta khỏi những sai lầm, hư danh.
– Chúng ta không thể sống xa bất cứ điều gì cho thật, dù lời nói hoặc trong bất cứ lãnh vực nào; vì Chúa chúng ta là Đấng “Chân – Thiện – Mỹ”. Chỉ trong sự thật chúng ta mới được tự do.
Sự thật sẽ giải thoát các con” (Ga 8,32). Phải, không gì quý hơn sự thật, bất cứ điều gì thật đều đáng giá, một tình yêu thật, một tình bạn chân chính, một lời nói thật lòng… Một điều đơn giản nhưng khó sống!
Ở đây chúng ta nhấn mạnh đến lời thật. Giáo Hội, gia đình, và nhất là Lời Chúa luôn dạy chúng ta, ăn ở thật thà, làm ngay nói thẳng:
Có thì nói có, không thì nói không”.
Những lời dạy sống theo sự thật, thoạt nghe dễ dàng, nhưng rất đòi hỏi, sống cho được quả là một kỳ công. Trái lại, lời giả dối tác hại cho người, mà cũng tác hại cho bản thân mình.[4]
2.2. Những lời nói xây dựng.
Có những món quà trong đời quý giá hơn vàng bạc, châu báu, đó là những lời làm ấm lòng, lời tăng sinh lực, lời xua tan bóng tối mấy mù. Những lời được trao tặng đúng lúc người khác đang cần, những lời đó có ý nghĩa, giá trị và tối cần cho đời người biết bao!
Trong cuộc sống, người ta trao nhau những món quà để tỏ tình thân, lòng quý mến nhau. Nhưng có món quà vô giá mà tiền của không mua, không đổi được, và chỉ những người thân thiết, thật tình với nhau mới dám trao nhau, đó là những lời khuyên hay những lời chia sẻ tâm tình.
Người giàu tặng của, người thân tặng lời
(Tục ngữ Việt Nam)
Chuyện kể rằng Lão Tử đã nói với Khổng Tử lúc tiễn nhau rằng: “Tôi nghe nói: “Người giàu sang lấy tiền bạc để tiễn nhau, người nhân đức dùng lời nói để tiễn nhau.” Tôi không thể làm người giàu sang, nhưng trộm lấy tiếng là người nhân đức, xin có lời này để tiễn ông: “Kẻ thông minh sâu sắc thì gần cái chết, vì họkhen chê người ta một cách đúng đắn. Kẻ giỏi, đầu óc sâu rộng làm nguy đến thân mình vì họ nêu lên cái xấu của người khác …”
Không phải ai cũng nhận được những lời chân thành và hữu ích từ người khác; vì thế lời hay, lời lành là món quà quý hiếm đối với những ai đang thật sự cần. Nhưng đồng thời với những người không sáng suốt và mà lại có quyền, thì những kẻ nói thẳng rất dễ lụy đến thân. Lão Tử, người quá hiểu biết chuyện đời đã nói lên điều này vì ông kinh nghiệm: Đời là thế đấy!
Câu nói nổi tiếng của Somerset Maugham: “Phải thận trọng lời nói. Người ta có đủ thời gian để lựa lời, nhưng không có cơ hội để rút lại. Lời nói là vũ khí rất nguy hiểm mà người ta có thể vận dụng, hãy dùng nó với sự thận trọng”. [5]
2.3. Những lời nói khích lệ
2.3.1. Tấm ảnh gia đình giúp chàng thanh niên không cộc cằn.
“Trong thời kỳ khai phá Mỹ Châu, có năm thanh niên Hoa Kỳ tới vùng Ohio tìm vàng. Đây là một vùng hoang vu nguy hiểm không thể lường trước được… Sau một thời gian sống nơi rừng thiêng nước độc, phải đương đầu với nhiều khó khăn thử thách; khi trở về, bốn người trong bọn họ đã đổi tính nết, mất cả phong độ, trở thành những chàng trai cộc cằn dữ tợn. Chỉ duy có một người còn giữ nguyên được phong độ dễ thương hiền hoà như trước. Người ta hỏi anh cho biết lý do nào đã giúp anh tránh khỏi những lỗi lầm như những người kia, họ đã được anh trả lời như sau:
“Vì một tấm ảnh kỷ niệm dễ thương, tôi đã mang theo trong tâm khảm tôi, xin các bạn đừng hiểu lầm là tấm ảnh người bạn gái, nhưng là tấm ảnh của gia đình tôi. Buổi sáng, trước khi lên đường, cha mẹ và các anh chị em tôi đã ngồi vào bàn, ăn bữa sáng chung với nhau. Mọi người đều tỏ ra quí mến yêu thương tôi cách đặc biệt, ai cũng thấy nghẹn ngào để ý đến tôi, lo cho tôi đủ thứ, vì tôi là người thứ nhất rời xa gia đình… Cha tôi nhắn nhủ đôi lời, rồi cả nhà đều quỳ gối trước tượng Chúa cầu nguyện cho tôi, xin ơn trên che chở gìn giữ tôi. Chính tấm ảnh kỷ niệm, những lời khuyên bảo đó đã theo tôi trong suốt chuyến đi đầy khó khăn này và đã nâng đỡ tôi những khi tôi gần như tuyệt vọng.” [6]
Lời khuyến khích sẽ xua đi những khó khăn phiền muộn và lo âu. Lời cảm thông sẽ làm cho con người xích lại gần nhau, hàn gắn lại những con tim tan vỡ. Lời yêu thương sẽ kiến tạo một thế giới hoà bình. Nhưng đau đớn thay, tình người hay bác ái thường dễ bị đổ vỡ bởi những lời tiêu cực. Có lẽ nhiều tội lỗi chúng ta thường xuyên phạm đến đời sống bác ái, là qua lời nói… Những lời đã làm tổn thương tha nhân. Để tránh những điều hại hay làm đau lòng nhau, những người khôn ngoan luôn dạy chúng ta càng nói ít càng tốt, thánh Giacôbê đã dạy:
Ai trong anh em không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo.” (Gc 3,2).
Thật ra, dù muốn dù không cuộc sống chúng ta luôn cần phải dùng đến lời nói. Trao đổi, học hỏi, chia sẻ với nhau là điều tốt, tuy nhiên, phải biết lúc nào mình nên nói và lúc nào cần phải giữ thinh lặng. Biết thích ứng trong mọi hoàn cảnh mới là người khôn ngoan thật sự.
“Thông minh là biết cách nói hợp lý, nghe chăm chú, trả lời dí dỏm, và ngừng nói khi cần”. (Pasteur) [7]
2.3.2. Malcolm Dalkoff, một đứa trẻ nhút nhát đã trở thành tự tin.
Cậu có rất ít bạn và luôn phải lủi thủi một mình. Một lần, cô giáo đọc cho cả lớp một đoạn truyện ngắn đề cập đến loài vật là bạn thân của con người; sau đó phân công mỗi học sinh tự viết đoạn kết cho câu chuyện. Dalkoff thích lắm, ngay chiều hôm ấy cậu đã hoàn thành bài viết của mình. Nhưng mãi cậu mới có đủ tự tin đem nộp truyện của mình cho cô giáo vào buổi học tuần sau đó.
Những gì cậu viết cũng như điểm số mà cô giáo đã cho không hề quan trọng. Đối với cậu bé, điều quan trọng nhất mà cũng là điều cậu nhớ nhất lại chính là bốn chữ cô giáo phê : “Em viết hay lắm!” Chỉ bốn chữ cũng đủ để thay đổi toàn bộ cuộc đời cậu bé. Trước khi nhận được bốn chữ đó, cậu chưa bao giờ có khái niệm về bản thân hay những điều mình đã làm. Nhưng sau buổi học hôm ấy, cậu đã chạy thật nhanh về nhà, ngồi vào bàn và đã viết ngay một câu chuyện ngắn, về tất cả những gì cậu đã từng mơ tới, và không bao giờ dám nghĩ là mình có thể biến những giấc mơ đó thành hiện thực.
Cậu viết ngày càng nhiều hơn, và cứ được một chuyện, cậu mang ngay tới cho cô giáo của mình nhận xét, “Cô ấy đúng là một cô giáo tuyệt vời!”.
Nhiều năm trôi qua, cậu bé Malcolm tự ti ngày nào, đã trở về thăm trường cũ và cô giáo ngày xưa của mình. Điều cậu cám ơn cô không phải vì cô đã trở thành một người bạn của cậu mà vì bốn chữ đầu tiên cô đã từng phê: “Em viết hay lắm!”. Những chữ ấy đã thay đổi cả một cuộc đời. [8]
2.3.3. Joe, từ chỗ mặc cảm đã thành công trong sự nghiệp.
Cũng trong hướng tích cực này. Một lời khen đúng lúc thật kỳ diệu làm sao! Câu chuyện sau đây sẽ chứng minh cách cụ thể, vì chính tác giả là người đã thừa hưởng, đã cảm nghiệm được món quà quý giá này, và ghi lại để chia sẻ cùng chúng ta.
“Cách đây 40 năm, tôi còn nhớ như in khi gia đình tôi chuyển từ vùng núi cao bang Chicago tới một khu phố nghèo ở New York để kiếm sống. New York tráng lệ và sôi động, cuộc sống tráng lệ và sôi động, tất cả những gì được chứng kiến ở đây khiến một đứa trẻ 9 tuổi như tôi cảm thấy sợ hãi. Ba tôi đã cố gắng xin cho tôi vào học ở một trường học nhỏ cách nhà không xa.
Những ngày tháng đầu tiên ở trường mới, tôi hoàn toàn cô độc. Tất cả học sinh đều xa lánh thay vì giúp đỡ tôi hoà nhập. Thậm chí khi tôi chủ động làm quen, chúng bỏ đi, chẳng thèm nhếch mép sau khi đã ném về phía tôi những cái nhìn chế giễu, miệt thị. Vài đứa lớn hơn còn tụ tập lại để bắt nạt tôi. Tôi lờ mờ hiểu ra rằng ở đây chẳng ai ưa một đứa trẻ da đen con nhà nghèo, gầy gò và quê mùa như tôi cả. Suốt ba tháng, tâm lý sợ hãi và bị bỏ rơi khiến tôi gần như đứng bét lớp, mặc dù chương trình học đối với tôi chẳng khó khăn gì.
Thế nhưng, sau kỳ nghỉ mùa đông mọi sự đã khác khi thầy Sean tới. Thầy được phân công chủ nhiệm lớp tôi thay cho thầy Paul bị nằm viện. Thầy rất nghiêm khắc nhưng không nặng lời với bất cứ ai. Dần dần lớp học trở nên có trật tự hơn, và những rắc rối của tôi cũng giảm đi nhiều. Có một điều tôi cảm thấy được an ủi, đó là thầy Sean cũng là người da đen.
Một ngày mà tôi chẳng thể nào quên, khi thầy Sean công bố kết quả thi giữa kỳ. Thầy nhìn khắp cả lớp, từng người một, và khi tới tôi, thầy dừng lại thật lâu làm tôi cảm thấy run sợ. Nhưng rồi thầy vui vẻ nói: “Bài thi này các em làm rất tốt, nhưng luôn có một người làm tốt nhất. Thầy hoan nghênh tất cả các em”. Khỏi phải nói lúc đó tôi vui như thế nào, vì tất cả các lần thầy Paul đọc điểm thi tôi đều bị than phiền.
Cuối buổi học, thầy bảo tôi ở lại, tôi sợ, rụt rè đến bên thầy, ấp úng:
Thưa thầy…”
“Ồ, Joe, hôm nay em là người làm bài tốt nhất, tuyệt lắm!” Tôi oà khóc, cái điều mà tôi chưa từng làm từ khi tới đây. Thầy Sean ôm tôi vào lòng:
“Đừng sợ, cố gắng lên, có thầy luôn ở bên em!”
Những lời của thầy Sean đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Lúc nào trong tôi cũng có hình ảnh của thầy đang cổ vũ cho tôi. Và tôi trở về làm học sinh xuất sắc lớp vào cuối năm học đó, như khi tôi còn ở Chicago.
Năm sau, thầy Sean lại ra đi khi thầy Paul khoẻ lại. Nhưng lúc nào tôi cũng thấy như có thầy ở bên, và năm đó, cũng như những năm về sau, tôi luôn là người đứng đầu lớp. Mãi sau này, khi tôi vào đại học, khi tôi bảo vệ luận án tiến sĩ, và ngay bây giờ khi tôi đang đứng giảng bài trước hàng trăm sinh viên của một trường đại học danh tiếng, không khi nào tôi quên được hình bóng thầy.
Hôm qua, tôi mừng đến phát khóc khi biết được địa chỉ của thầy sau 40 năm xa cách. Tôi đã lái xe một mạch 300 cây số tới thăm người thầy mà tôi kính yêu nhất đời. Gặp lại thầy, tôi bật khóc, những kỷ niệm ngày đó bỗng sống lại như mới.
Ồ, Joe- thầy nói hệt như ngày trước- em vẫn yếu đuối như ngày nào”. Tôi lặng người khi nghe thầy kể:
Hôm đó bài của em chỉ được điểm B, nhưng em đã cố gắng, nhìn vào em, thầy thấy lại mình nhiều năm trước. Khi đó, một lời động viên của cô giáo đã giúp thầy vượt qua tất cả. Thầy đã tin rằng em cũng vậy, đó là lý do mà thầy đã gọi em ở lại hôm ấy. Và thầy không lầm”.[9]
2.3.4. Ma lực của lời động viên.
Có lẽ món quà quý hoá ảnh hưởng đến cả đời người, giúp bước tiến, can đảm bắt đầu lại hay kiên trì với một ước mơ, một việc có giá trị, hoặc yên tâm bắt tay vào một dự tính… chính là những lời động viên khích lệ đó. Với những lời này chúng ta như tiếp sức cho những người mệt mỏi, mở lối cho người đang phân vân và dọi đèn cho ai đang lần mò trong bóng tối! Cuộc đời một con người có thể chuyển hướng hay thành tựu chính là nhờ cái “lực đẩy” này. [10]
Phải, lời động viên, thừa nhận và khích lệ… một món quà không đòi hỏi gì nhiều. Ai cũng có thể:
● Cho mà không sợ mất mát.

● Nhận mà không sợ quá tải,

● Dùng mà không sợ bị lạm phát

● Trao mà không sợ bị từ chối !

● Thích hợp cho mọi người, mọi lứa tuổi.

● Có thể trao càng nhiều người, nhiều lần, trong nhiều tình huống khác nhau càng tốt.

Tuân Tử, người hay chú ý đến lãnh vực ngôn từ, đã từng nói rằng:
“ Được người nói lời thiện như được vàng ngọc châu báu,
Gặp người nói lời thiện thì hay hơn văn chương thơ phú,
Nghe lời nói thiện thì vui hơn chuông trống đàn ca”. [11]

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM


[1] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.19

[2] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.81

[3] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.82

[4] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.161

[5] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.197

[6] (Tầm Xuân sưu tầm).Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.39

[7] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.40

[8] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.42

[9] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.43-45

[10] Sđd., p.76

[11]Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.78

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN