Home / Chia Sẻ / LỜI DẶN DÒ CẦN THIẾT

LỜI DẶN DÒ CẦN THIẾT

LoDanDoCanThietChúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai.  Ngài cho các ông sống bên cạnh mình.  Ngài trực tiếp huấn luyện, bằng cách cho các môn đệ được nghe những lời Ngài giảng, được xem những việc Ngài làm.  Sau đó, Ngài sai các môn đệ ra đi thực tập truyền giáo.  Hai động từ “gọi, sai đi” diễn tả rõ rệt ơn gọi của các Tông đồ.  Trước khi các học trò lên đường, Chúa Giêsu căn dặn nhiều điều như là hành trang cần thiết cho sứ vụ tông đồ.  M. Quesnel ví những lời đó như “một loại thủ bản, một cẩm nang cho một nhà truyền giáo hoàn hảo” (“Comment lire un évangile?”, Seuil, trang 103).

  1. Hành trang người tông đồ

  1. Hành trang đi đường:cây gậy, đôi dép, không mang hai áo.  Ý nghĩa ở đây là những kẻ được sai đi phải là những con người thanh thoát, không cồng kềnh nặng nề với của cải vật chất để có thể luôn sẵn sàng lên đường ra đi cho sứ vụ.

Các môn đệ được tham dự vào ba chức năng tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Giêsu.  Cây gậy của vương đế, đôi dép của tiên tri, và tấm áo của tư tế.

  • Cây gậy

Cây gậy trong tay biểu trưng cho sức mạnh của Thiên Chúa thông ban cho người thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.  Ra đi với niềm tin vào năng quyền của Thiên Chúa trao ban: công bố Tin mừng cứu độ của Đức Kitô, chữa lành và thánh hoá nhằm cải thiện đời sống, xua trừ ma quỷ hầu chế ngự và đẩy lui các thế lực sự dữ.

  • Đôi dép

Đôi dép là hình ảnh luôn lên đường.  Truyền giáo là ra đi.  Đi để mang sứ điệp Tin mừng đến với muôn dân.  Sứ vụ sai đi khởi phát từ Chúa Cha “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”

  • Tấm áo

Người ra đi mang áo là mặc lấy tâm tình Chúa Giêsu.  Nhờ đó, các môn đệ làm cho cuộc đời mình trở nên của lễ hiến dâng hợp với hiến lễ Chúa Kitô.

Chúa Giêsu trao cho các ông những quyền năng Ngài có: quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ.  Đó là hành trang quan trọng hàng đầu.  Mọi hành trang khác chỉ là phụ thuộc: một chiếc áo đang mặc, một cây gậy và đôi dép khi đi đường.  Với những hành trang như thế, Chúa Giêsu muốn tỏ cho thấy sự thành công trong hoạt động tông đồ không do tài lực của con người nhưng là do quyền năng Thiên Chúa.

  1. Phương tiện sinh sống: không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc. Hành trình như vậy đặt các người được sai đi trong tư thế tuỳ thuộc. Không vướng víu, không “mọc rễ” bất cứ đâu để nhẹ nhàng ra đi nơi đâu Chúa muốn.

  1. Tương lai bấp bênh.  Chúa Giêsu cũng không giấu diếm họ điều gì. Con đường truyền giáo là con đường đầy chông gai, lắm gian khó. Cũng như Ngài, họ đón nhận sự rủi ro bị từ chối, bị xua đuổi.  Cần phải hy sinh bản thân.  Đó là thân phận kẻ được gọi, được sai đi.  Ra đi mà không gì bảo đảm, ra đi mà không mảy may dính bén.  Sẵn sàng đến mà cũng sẵn sàng đi.  Thành công cũng không thụ hưởng, mà thất bại cũng chẳng đắng cay.  Bởi lẽ như lời Thánh phaolô nòi: Tôi trồng, Apollô tưới, Chúa cho mọc lên.

Người truyền giáo luôn bị cám dỗ định cư, tìm an toàn bảo đảm bản thân, an nghỉ trong những thành công tạm bợ… và không muốn ra đi.  Càng gắn bó, lúc cách xa càng luyến nhớ.  Sâu đậm bao nhiêu, lúc giã biệt sẽ nuối tiếc bấy nhiêu.  Vì vậy, Chúa muốn các môn đệ luôn sẵn sàng ra đi.  Lên đường bao giờ cũng đẹp.  Hạnh phúc chỉ dành cho ai dám lên đường tìm kiếm.

  1. Phương thức hoạt động: “từng hai người một”

Khi sai đi “từng hai người một,” Chúa Giêsu mong các ông hợp tác và liên đới với nhau, khích lệ và bàn hỏi nhau khi gặp khó khăn “Hai người có giá trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy” (Gv 4,9).  Hai người làm việc chung, nâng đỡ nhau biểu lộ tình yêu thương nhau như một dấu chỉ đặc trưng của môn đệ của Chúa (x. Ga 13,35).  Dấu chỉ này là một chứng từ sống động và lôi cuốn người khác.

Trong Công vụ Tông đồ, các nhà truyền giáo thường lên đường với nhau “từng hai người một”: Phêrô đi với Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô với Banabê (Cv 1 3,2); Giuđa và Sila (Cv 15, 22)…  Hoạt động tông đồ luôn là tạo thành nhóm.  Nếp sống huynh đệ là một bài giảng về tình yêu.  Chứng tá Kitô hữu phải nhắm đến một hình thức cộng đoàn trong Giáo Hội.  Cuộc sống yêu thương trong cộng đoàn vừa là dấu hiệu của người môn đệ Chúa Giêsu, vừa là lời rao giảng sống động, hùng hồn nhất về Tin Mừng.

  1. Tinh thần tông đồ là ra đi

Trao “Sứ vụ” cho các môn đệ, Chúa Giêsu không bảo các ông “phải giảng điều gì.”  Ngài chỉ căn dặn các ông những chi tiết “phải sống.”  Đối với Chúa Giêsu, ra đi làm chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chứng tá bằng lời nói.

Suốt mấy năm ra mặt với đời để thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu không ngừng đi rày đây mai đó.  Ngài luôn ngang dọc trên mọi nẻo đường đất nước để truyền giáo.  Từ hội đường này đến hội đường khác (Mt 4,23).  Đôi khi ở ngoài trời, ở ngoài đường.  Trên một sườn núi cũng có (Mt 5,1), bên một bờ hồ hiu quạnh cũng có (Mc 6,30-34).  Có khi “mệt mỏi vì đường sá,” một mình ngồi trên thành giếng nói chuyện với người phụ nữ đến kín nước (Ga 4,6).  Có lúc vì dân chúng chen lấn xung quanh đông đảo quá thì “Ngài mới lên một chiếc thuyền, thuyền của Simon và xin ông ấy chèo ra xa bờ một tí.  Ngài ngồi xuống rồi từ ngoài thuyền nói vào mà giảng dạy dân chúng” (Lc 5,3).  Chúa Giêsu thực hiện một cuộc hành trình liên miên.  Theo ngôn ngữ của Phúc âm Marcô chương 1: Ngài bỏ Nazareth để đến gặp Gioan bên sông Giođan, rồi đến Galilê, dọc theo bờ biển Galilê, và Ngài đi rao giảng trong các hội đường khắp xứ Galilê.  Trong chương 2: ít lâu sau, Ngài lại về Capharnaum… Ngài ngang qua đồng lúa … Cứ đi và đi như vậy mãi.

Chính giữa khung cảnh đường dài trời rộng thênh thang ấy mà lời giảng dạy của Chúa bao giờ cũng khởi hứng từ một hoàn cảnh cuộc sống.  Các hình ảnh cuộc sống đời thường gần gũi tràn ngập trong lời rao giảng.  Cánh huệ mọc ngoài đồng.  Đàn chim sẻ đang bay.  Một đám ruộng lúa chín vàng mở rộng đến chân trời.  Một mẻ cá lớn bên biển hồ.  Những hạt giống người nông phu gieo vương vãi trên đường mòn, giữa bụi gai, trên sỏi đá.  Một đàn cừu người chăn lùa về buổi chiều tối.  Từng tảng đá, từng hạt sạn người ta nhặt từ một đống muối để vất đi.  Từng con còng người đánh cá nhặt ra bỏ lại bên bờ sau một mẻ cá…

Việc thu thập môn đệ, Ngài cũng vừa đi, vừa gọi, vừa nhận…  Như các môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20).  Chúa Giêsu không dừng lại, yên nghỉ, hưởng thụ hay củng cố vị trí người ta dành sẵn cho mình.  Sau một ngày thành công rực rỡ ở Capharnaum chẳng hạn: “Sáng đến, Ngài ra đi vào nơi hoang vắng.  Dân chúng đi tìm Ngài và đến nơi Ngài, họ cố giữ Ngài lại, không để Ngài đi khỏi chỗ họ.  Nhưng Ngài bảo họ: Ta còn phải đem Tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa” (Lc 4,42-43).

Như thế, suốt đời Chúa Giêsu đã không hề có trụ sở, không hề có nhà thờ.  Ngài đi khắp mọi nẻo đường trên thế giới Ngài đang sống.

Chúa Giêsu bị bắt lúc đang cầu nguyện giữa vườn Giệtsêmani hoang vắng.  Bị điệu đến Hanna rồi Caipha.  Từ tòa đạo qua tòa đời.  Hết bị điệu đến dinh Philatô lại bị gửi qua dinh Hêrôđê, rồi bị đưa trả về cho Philatô.  Không đầy một ngày một đêm mà kẻ tử tù đã phải đi không biết bao nhiêu dặm đường trên con đường “công lý” của loài người.

Bị kết án thập hình.  Hai tay dang rộng, bị đóng đinh trên thập giá.  Tảng đá lấp cửa mồ (Mc 14,32 -15,47).  “Lính canh phòng cẩn mật, niêm phong tảng đá lại” (Mt 27,62-66).  Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không dừng chân cả trong cái chết.  Ngày thứ ba Ngài sống lại, vượt cái chết qua sự sống bất diệt.  Sau khi phục sinh, Ngài cũng đi nhiều nơi, đến với với các môn đệ, củng cố lòng tin và sai họ ra đi loan báo Tin mừng.

Hoàn thành sứ mạng, “Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha” (Mc 16,19) và luôn đồng hành cùng Giáo hội “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Chúa Giêsu gọi các môn đệ và “thiết lập Nhóm Mười Hai” để họ ở với Ngài và để Ngài sai đi.  Giáo hội tiếp nối sứ vụ được sai đi, ra đi đến với muôn dân.  Ra đi là dấn thân đi đến gặp gỡ mọi người với tinh thần đơn sơ, từ bỏ và tự do, để loan báo tin vui và mang đến cho họ ơn cứu độ.

Cuộc đời người Kitô hữu cứ phải ra đi không ngơi nghỉ.  Ra khỏi cái cũ và đi tới cái mới.  Ra khỏi cái đang có để đi tới cái chưa có.  Ra khỏi cái mình đang là để đi tới cái mình phải là.  Như thế, hành trình xa xăm nhất lại chính là hành trình của con tim.

Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi.

Nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ra đi từ trời cao xuống đất thấp, mang Tin mừng chiếu soi nhân trần.  Xin sai chúng con ra đi nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế.  Xin Chúa giúp chúng con chỉ biết cậy dựa vào Chúa.  Chỉ mình Chúa là đủ cho chúng con.  Amen!

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …