Loài Chim Sẻ Chúa Lo Đầy Đủ
Tóc Thế Nhân Ngài Đếm Rõ Ràng
Chim sẻ là loài chim rất phổ biến trên thế giới, cách riêng là với người Việt. Chúng thường sống theo bầy đàn với số lượng lớn và rất thích ở gần con người, vì dễ tìm kiếm thức ăn. Theo sử học, nhà động vật học Passer Domesticus đã phát hiện chim sẻ lần đầu tiên vào năm 1758. Đây là loài chim có thân hình nhỏ bé, có thể là một trong những giống chim nhỏ nhất trong thế giới động vật. Một con trưởng thành có kích thước từ 10-15cm kể cả lông đuôi và nặng khoảng 24-40g, một số con có thể nặng 50g.
Chim sẻ rất gần gũi, thân thiện, chúng có thể làm tổ ngay trên mái nhà. Mùa sinh sản của chim sẻ vào mùa xuân, vì mùa này dồi dào lượng thức ăn, vì chúng ăn tạp, đồng thời nhiệt độ ấm áp để chim con phát triển ổn định và mau chóng. Thiên Chúa đã quan phòng và tiền định mọi sự cho chim sẻ – loài chim rất bình thường, không mấy giá trị đối với con người. Chim sẻ chẳng đáng gì mà còn được Ngài quan tâm như vậy, huống chi con người – thụ tạo giống hình ảnh Ngài.
Là con người, ai cũng có những tâm sự buồn – đủ dạng, đủ kiểu, đủ mức, đủ cỡ. Những nỗi lòng thầm kín không biết tỏ cùng ai, như hoàng hậu Étte đã từng than thở với Thiên Chúa: “Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài.” (Et 4:17L) Chỉ có Thiên Chúa biết, vì Ngài thấu suốt mọi sự. (1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6) Và “đừng sợ chi cả!” (St 15:1; St 21:17-18; St 26:23-24; St 35:16-17; St 43:23; St 46:1-4; St 50:18-21; Xh 14:13; Đnl 31:6; Is 41:10; Is 41:13; Is 43:1; Is 43:13; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13;Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Kh 1:17-18;…) Thiên Chúa cho phép, Ngài muốn vậy và Ngài luôn động viên chúng ta.
Thật vậy, trình thuật Mt 10:26-33 (≈ Lc 12:2-9) là lời động viên của Chúa Giêsu. Ngài khuyến khích chúng ta can đảm nói sự thật và nói công khai. Trong đó có ba cái “đừng” Ngài muốn chúng ta làm.
Thứ nhất là “đừng sợ người ta.” Ngài giải thích: “Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.” Mọi bí mật sẽ được bật mí – bằng cách nào đó, chẳng chóng thì chày. Thẳng thắn thì không gì phải sợ, chỉ những kẻ cong queo mới lén lút vì sợ người khác biết. Không sợ người ta nên mới dám ăn to nói lớn, nói công khai, nói rõ ràng, nói huỵch toẹt. Có sao nói vậy là thượng sách, bởi vì chỉ có sự thật mới có thể giải thoát. (x. Ga 8:32)
Thứ hai là “đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.” Ngài lý giải: “Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” Ngài bảo “đừng sợ” những kẻ không đáng sợ, mà hãy sợ Đấng đáng sợ. Ngài giải thích rõ ràng, dẫn chứng cụ thể, so sánh thú vị. Con chim bé nhỏ có đáng chi mà Ngài còn lo cho nó sống thì Ngài không bao giờ làm ngơ chúng ta, những người được tạo dựng giống hình ảnh Ngài. (x. St 1:26-27) Sợi tóc mong manh còn được Ngài đếm rạch ròi kia mà! Ngài muốn nhắc nhở chúng ta tín thác, vì Thiên Chúa là Đấng quan phòng và tiền định từ đời đời.
Thứ ba là “đừng giấu giếm đức tin.” Ngài nói: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” Ai không sợ thì mới không chối Ngài – tức là tuyên xưng Ngài, ai sợ thì chối ngay. Không hẳn là nói “tôi không tin,” mà qua động thái cũng tỏ rõ sự chối bỏ.
Vì hèn nhát mà chối bỏ Thiên Chúa thì sẽ chết thêm lần thứ hai: “Những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai.” (Kh 21:8) Đó là hồ lửa được mệnh danh là “cái chết thứ hai,” nơi dành cho Tử thần và những người không có tên trong Sổ Trường Sinh. (x. Kh 20:14-15)
Ngôn sứ Giêrêmia bày tỏ nỗi lòng qua trình thuật Gr 20:10-13. Ông bộc bạch: “Con nghe biết bao người vu cáo: ‘Kìa, lão Tứ-Phía-Kinh-Hoàng! Hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!’ Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: ‘Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó’.” Ông bị người ta ghét và gán cho nickname là “Tứ Phía Kinh Hoàng.” Cái lên nghe rất “kêu” và cho thấy rằng người ta ghét ông dữ lắm!
Thế nhưng ông vẫn tin tưởng: “Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.” Cây ngay không sợ chết đứng. Người ta vẫn đặt điều, bịa chuyện để hại người khác. Có những người không ngại “dựng đứng” chuyện gì đó, họ giết người không vũ khí.
Theo nhân tính, khi bị người ta xa lánh thì ai cũng cảm thấy buồn, nhưng phải cố gắng vượt qua tất cả để có thể vẫn mãi là chính mình, và không oán ghét họ. Ông Giêrêmia đã có cảm giác đó, nhưng ông đã chiến thắng và thành tín cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.” Giữ được niềm tin khi mọi người ủng hộ mình là điều không khó, nhưng vẫn giữ được niềm tin mới là điều quan trọng.
Thánh Vịnh gia đã phải thốt lên khi đau khổ: “Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thóa mạ, chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày. Anh em nhà kể con như người dưng nước lã, hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi. Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. Lời kẻ thóa mạ Ngài, này chính con hứng chịu.” (Tv 69:8-10) Độc ác bị hành, hiền lành bị ghét. Đời là thế. Không ai vừa lòng hết mọi người. Chấp nhận thì lòng thanh thản.
Thánh Vịnh gia tâm sự: “Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ.” (Tv 69:14) Đừng lo sợ gì, vì tất cả không ngoài ý Chúa: “Chính Người đánh phạt rồi lại xót thương, đẩy xuống tận âm ty trong lòng đất sâu thẳm, rồi kéo ra khỏi đại họa tiêu vong, chẳng có chi thoát khỏi tay Người.” (Tb 13:2) Thánh Vịnh gia tiếp tục cầu xin: “Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con; xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến.” (Tv 69:17)
Ai cũng là tội nhân nên luôn cần được tha thứ. Cứ kiên tâm cầu nguyện, Chúa vẫn lắng nghe và thấu suốt nỗi lòng của chúng ta, Ngài chưa ra tay vì “giờ Ngài chưa đến.” Sự thật mãi mãi là sự thật, không thể khác hơn, bởi vì Thiên Chúa là chân lý, là nguồn sự thật: “Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm. Ca tụng Chúa đi, hỡi trời cao đất thấp, hỡi biển sâu cùng hải vật muôn vàn!” (Tv 69:33-35)
Có hai hình ảnh tương phản: Ông Ađam và Đức Giêsu – một vị gieo mầm tội, một vị diệt gốc tội. Hai hình ảnh tương phản nhưng vẫn một tổng thể, như đầu mở và đầu khép của vòng tròn. Thật kỳ lạ, Tội Nguyên Tổ được Giáo Hội gọi là “Tội Hồng Phúc” (Felix Culpa – Happy Fault) khi công bố Tin Mừng Phục Sinh (Exultet). Thánh Phaolô giải thích: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môsê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam đã phạm. Ađam là hình ảnh Đấng sẽ tới.” (Rm 5:12-14)
Có sai lầm nên phải có luật. Luật như dây cương cần thiết để kiềm chế ngựa chứng. Tất cả chúng ta đều là những con ngựa bất kham đối với Thiên Chúa, cần phải được đóng hàm thiếc và cột dây cương trên đường đua về đích là Nước Trời. Thánh Phaolô giải thích thêm: “Sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” (Rm 5:15) Vẫn là hai hình ảnh tương phản – một bên sa ngã và phải chết, một bên giải thoát và cứu sinh.
Cuộc sống luôn có những chuỗi giằng co giữa thiện – ác, lành – dữ, yêu – ghét, tội – phúc,… Sự giằng co đó liên tục xảy ra mọi nơi và mọi lúc, phải can đảm và mạnh mẽ mới khả dĩ vượt qua. Kiếp phàm nhân là thế. Đó là nỗi niềm không của riêng ai trên suốt cuộc lữ hành trần gian này. Vô cùng nhiêu khê. Vì thế, tín nhân luôn phải cầu xin ơn Chúa để có thể chiến thắng mọi mưu ma chước quỷ – đặc biệt là chiến thắng chính mình, vì đó là nội gián nguy hiểm nhất. Mọi thứ phải bắt đầu từ chính mình: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Đây là cách chiến thắng ma quỷ của Thánh Gioan Vianney: “Cách thế để chiến thắng ma quỷ khi nó kích gợi các cảm xúc giận ghét những người làm tổn hại chúng ta là hãy lập tức cầu nguyện cho họ biết cải thiện.”
Lạy Thiên Chúa chí thánh, không có Ngài thì chúng con chẳng làm được gì. Xin thêm sức mạnh để chúng con đủ sức chống lại ma quỷ. Chúng con không thể hiểu được Thánh Ý Ngài, nhưng xin Ngài giúp chúng con biết đón nhận mọi sự để vinh danh Ngài và đền tội của chúng con ngay đời này để giảm bớt thời gian thanh tẩy đời sau. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU