“Tâm hồn con hỉ hoan vì Chúa”;
“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng!”.
Có lẽ trăm năm mới có một người bị huỷ hoại bởi lời khen ngợi quá mức; nhưng chắc chắn, mỗi phút một lần, lại có người chết trong lòng vì thiếu nó! Chúa thì sao? Ngài đâu cần ai khen ngợi! Henry Newman nói, “Ai chưa từng cảm nghiệm quyền năng và tình yêu Thiên Chúa, hẳn người ấy chưa bao giờ nhận ra tình trạng yếu đuối và nhu cầu của bản thân mình”. Nhưng ai đã nếm trải tình yêu Ngài, thì ‘linh hồn ngợi khen, thần trí hớn hở’ là điều đương nhiên nơi họ!
Kính thưa Anh Chị em,
‘Linh hồn ngợi khen, thần trí hớn hở’ cũng là chủ đề của Lời Chúa hôm nay. Thánh ca Samuel và Magnificat có chung một niềm vui nhưng lại trào tràn từ đáy lòng thăm thẳm của hai người mẹ: một của Cựu Ước, một của Tân Ước. Đặc biệt, những lời khiêm tốn của Maria, vốn thừa nhận những điều tuyệt vời Chúa đã làm cho Mẹ khiến Mẹ bộc lộ niềm biết ơn một cách sâu sắc. Và thật thú vị, chuyển động kép ‘linh hồn ngợi khen, thần trí hớn hở’ lại tiết lộ thật nhiều điều!
Trước hết, “Tâm hồn con hỉ hoan vì Chúa” là thánh ca chúc tụng tạ ơn mà Anna dâng lên Ngài trước sự ra đời của Samuel, con bà. Đó là một bài thơ cổ, hoàn toàn phù hợp với bối cảnh. Về ngôn ngữ và tình huống, nó có nhiều điểm tương đồng với Magnificat; tuy nhiên, giai điệu của Magnificat mang tính cá nhân hơn. Vì thế, Anna và Samuel được coi là nguyên mẫu của Elisabeth và Gioan; nhưng cũng là nguyên mẫu của Maria và Giêsu, dẫu theo một cách khác.
Thứ đến, ‘linh hồn ngợi khen, thần trí hớn hở’ tiết lộ hành động của Mẹ Maria cùng lúc với hành động của Thiên Chúa. “Linh hồn” Mẹ bao hàm tất cả những khả năng con người của Mẹ, từ tâm trí, ý chí, tình cảm và ước muốn của Mẹ; đó là tất cả những gì làm nên con người Mẹ. Và với những khả năng phàm trần đó, Mẹ cao rao sự vĩ đại của Chúa. Nói cách khác, bằng tâm trí, Mẹ cảm nhận kế hoạch của Chúa đang hành động trên Mẹ; bằng ý chí, Mẹ thừa nhận và công bố sự vĩ đại của Ngài, và Mẹ làm như vậy với tất cả tâm tình, cảm xúc và ý ngay lành. Tắt một lời, toàn bộ con người của Maria đã tiêu hao bởi sự vĩ đại của Chúa, Đấng dựng nên Mẹ.
‘Linh hồn ngợi khen, thần trí hớn hở’ cũng cho thấy, trong “thần trí” của mình, Mẹ tràn đầy hân hoan vì vinh quang Chúa, Đấng ban cho Mẹ niềm vui. Khi công bố sự vĩ đại của Ngài, Chúa Thánh Thần đã ngập tràn linh hồn Mẹ và ‘đơm trái’ Giêsu, tác phẩm của chính Ngài, Thánh Thần. Đúng thế, Giêsu chính là hoa trái và là quà tặng Mẹ đã đón nhận một cách trọn vẹn. Vì thế, tự thâm tâm và trí năng Mẹ, ‘linh hồn ngợi khen, thần trí hớn hở’ là một hậu kết tất yếu.
Anh Chị em,
“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng!”. Vậy Mẹ Maria khuyên chúng ta điều gì? Trước hết, Mẹ cất lên, “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa!”. Có lẽ chúng ta đã quen nghe những lời này, nên không còn lưu tâm đến ý nghĩa của chúng. “Ngợi khen” nghĩa đen là “làm lớn”, phóng to. Maria “làm lớn Thiên Chúa”; Mẹ không làm lớn những khó khăn mà lúc đó, Mẹ không thiếu, mà là Chúa! Khác với chúng ta, chúng ta thường phóng to những khó khăn, và để mình chìm đắm trong chúng, và rồi, lịm ngất trong sợ hãi! Maria thì không, Mẹ đặt Chúa là sự cao cả đầu tiên của cuộc sống mình. Để từ đó, Magnificat ra đời; từ đó, niềm vui sản sinh: không phải từ việc không có những vấn đề, sớm hay muộn, nhưng niềm vui phát sinh từ sự hiện diện của Chúa, Đấng bang trợ Mẹ, Đấng ở cùng Mẹ. Bởi Thiên Chúa vĩ đại nên điều ắt xảy ra nơi Mẹ là ‘linh hồn ngợi khen, thần trí hớn hở!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ gì cuộc sống con cũng là một cuộc sống ‘linh hồn ngợi khen, thần trí hớn hở’ như Mẹ! Để được vậy, cho con biết không sợ hãi khi phải mở lòng ra với Thánh Thần!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế