Home / Chia Sẻ / LINH DƯỢC THÁNH THỂ

LINH DƯỢC THÁNH THỂ

 

LINH DƯỢC THÁNH THỂBí tích Thánh Thể là phương thuốc của Thiên Chúa đối với tính ích kỷ của chúng ta ngày nay. Thánh Phaolô nói: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” (1 Cr 11:26) Có hai điều rõ ràng về Chúa Giêsu từ việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều trong lời trình thuật Phúc Âm theo Thánh Luca. (Lc 9:10-17 ≈ Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Ga 6:1-13)

Thứ nhất, Chúa Giêsu THỰC SỰ ĐẠI LƯỢNG. Ngài chủ động tiết lộ và giới thiệu người ta vào Thiên Đàng: “Ngài nói với họ về Nước Thiên Chúa.” Sau đó, Ngài thực hiện bước đầu tiên là chữa lành tất cả những người bệnh: “Ngài chữa lành những ai cần được chữa.” Cuối cùng, Ngài không giải tán đám đông nhưng cho ăn và làm hài lòng họ: “Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê.” Có tới năm ngàn đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ em.

Thứ hai, Chúa Giêsu KHÔNG LÃNG PHÍ. Sau khi hào phóng cung cấp cho họ bánh và cá, Ngài bảo các môn đệ thu những miếng vụn còn thừa, và “thu lại được mười hai thúng.” Thánh Gioan giải thích lý do tại sao Chúa Giêsu lại thu lấy những miếng vụn: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” (Ga 6:12) Chúa Giêsu không muốn bất cứ điều gì Ngài đã ban cho chúng ta mà bị mất đi, nhưng phải được sử dụng tốt vì mục đích Ngài đã ban cho chúng ta.

Phép lạ về bánh hóa nhiều tiên báo về Thánh Thể, đỉnh cao về lòng quảng đại của Chúa Kitô đối với chúng ta. Chính trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta món quà hoàn toàn là chính Ngài trong tình trạng nhập thể của Ngài – Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính. Chỉ trong Bí tích Thánh Thể, Ngài mới hiện diện trở lại trong các dấu chỉ bí tích, sự hy sinh của Ngài trên đồi Canvê với tất cả quyền năng ban sự sống. Cũng chính trong Bí tích Thánh Thể, Ngài ban cho chúng ta tất cả những ân sủng mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta. Không có sự quảng đại nào của Chúa Giêsu đối với chúng ta ngày nay hơn Thánh Thể.

Chúa Giêsu cho thấy tầm cao của lòng quảng đại của Ngài đối với chúng ta bằng cách trao ban chính Ngài cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể vào thời điểm đau đớn nhất của cuộc đời Ngài: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.’ Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: ‘Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.’ Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” (x. 1 Cr 11:23-26) Không gì có thể ngăn cản Ngài đại lượng với chúng ta, từ việc ban chính Ngài cho chúng ta, kể cả sự đau khổ và cái chết sắp xảy ra với Ngài.

Ngài cũng không muốn chúng ta lãng phí bất cứ ân sủng nào mà Ngài ban cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Ngài muốn chúng ta sử dụng các ân sủng này để minh chứng tình yêu quảng đại của Ngài dành cho chúng ta đến cuối đời: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” Khi ban chính mình Ngài trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi chúng ta phải quảng đại tận dụng các ân sủng này trong mọi sự vì lợi ích của Ngài cho đến phút cuối cùng, cũng như Ngài đã quảng đại trong mọi sự vì lợi ích của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi và được ân sủng trong bí tích này: “Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người.” (1 Pr 2:21)

Dù chúng ta làm bất cứ việc gì – cầu nguyện, phục vụ người khác, làm bổn phận hằng ngày, yêu thương và tha thứ người khác, nói sự thật, ăn năn tội mình, chiến đấu với cám dỗ, chống lại cái ác trong mình và thế gian, chịu đau khổ và đau đớn,… – chúng ta phải làm điều đó với tinh thần thực sự quảng đại và vì Đức Kitô. Mọi ân sủng từ Bí tích Thánh Thể đều được ban cho chúng ta vì mục đích riêng do Thiên Chúa ấn định, đó là sống cho Đức Kitô và truyền bá Vương Quốc Ánh Sáng của Ngài trong thế giới gian ác này. Chúng ta có thể tiếp cận với ân sủng này để sống quảng đại chỉ vì “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái.” (Cl 1:13) Chúng ta lãng phí ân sủng của Ngài khi chúng ta không sử dụng ân sủng như Ngài mong muốn.

Một ví dụ rõ ràng về việc lãng phí ân sủng của Thiên Chúa ngày nay là sự chấp nhận, cổ võ và cử hành các hoạt động đồng tính ngày càng gia tăng, ngay cả trong Giáo Hội. Chúng tôi có các cuộc diễu hành đồng tính với tên gọi “Gay Pride – Hãnh Diện Đồng Tính” hồi tháng Sáu, trong khi tháng Sáu theo truyền thống là tháng dành cho tình yêu quảng đại và hy sinh của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Người ta lôi kéo các buổi biểu diễn nữ hoàng trong trường học, phơi bày tâm trí ngây thơ của trẻ em trước tình dục biến dạng. Nhiều bậc cha mẹ thiếu sự nhạy cảm cơ bản về đạo đức để bảo vệ tâm trí và trái tim của con cái khỏi sự đồi bại tình dục này. Nhiều giáo sĩ đồi trụy lại cổ vũ lối sống này hoặc giữ im lặng. Im lặng là đồng lõa!

Tại sao bây giờ chúng ta đã quen với việc ca tụng sự xấu xa của hành vi đồng tính? Tại sao bây giờ chúng ta gọi cái ác là cái thiện? Làm sao chúng ta có thể tự hào về điều gì đó mà chúng ta biết là trái với sự mặc khải của Thiên Chúa và bản chất của con người? Tại sao lại có sự im lặng đáng sợ trong Giáo Hội hoặc thậm chí là ngầm chấp thuận?

Lý do thứ nhất là chúng ta cũng bị cuốn hút vào thói ích kỷ không thể kiềm chế của thời đại này. Sự ích kỷ được thể hiện bằng sự tập trung hoàn toàn vào những gì chúng ta có thể đạt được cho mình. Trọng tâm của nó là bây giờ cảm thấy tốt bằng mọi giá, ngay cả khi lương tâm bị xúc phạm. Chúng ta tìm kiếm giấy phép để làm việc riêng bất chấp yêu cầu của Chúa hoặc những gì người khác thực sự cần. Chúng ta không dám nói sự thật vì sợ làm mất lòng người khác, khiến họ phẫn nộ hoặc bị gọi tên.

Lý do thứ hai và quan trọng nhất, đó là chúng ta đã quên mất sức mạnh của ân sủng bí tích đối với tính dục của con người. Tính dục của Kitô hữu đòi hỏi sự rộng lượng lớn lao từ phía chúng ta bởi vì đó là tham dự vào tình yêu đại lượng, vị tha và hiến mạng của chính Đức Kitô vì lợi ích của chúng ta: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.” (Ep 5:25) Nhờ sự kết hiệp thân thể của chúng ta với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng có thể tự do và vì Ngài mà hoàn toàn hiến thân cho người khác.

Bằng cách hiệp nhất với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cảm nghiệm và tham dự vào tình yêu quảng đại của Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta nhận ra rằng không có giới hạn nào đối với lòng thương xót của Ngài đối với các linh hồn, đặc biệt là những linh hồn phải chịu đựng xu hướng đồng tính về bản chất. Chúng ta kinh nghiệm sức mạnh của Máu Châu Báu Ngài rửa sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi và mang lại cho chúng ta sự tự do nội tại và niềm hy vọng mới.

Sự kết hợp của chúng ta với chính máu thịt của Ngài trong Bí tích Thánh Thể sẽ củng cố chúng ta về sự trung thành trong những cuộc chiến đấu phía trước. Sự hiệp thông của chúng ta với Ngài cho phép chúng ta thông phần vào sự can đảm và sự kiên trì của chính Ngài để chúng ta không bao giờ bỏ cuộc trong cuộc chiến đấu với xu hướng tội lỗi. Với Bí tích Thánh Thể là phương thuốc được Thiên Chúa ban tặng và thuốc giải độc cho sự ích kỷ, cuối cùng chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng nếu chúng ta không để cho ân huệ của Thiên Chúa trở nên vô hiệu. (2 Cr 6:1)

Hỡi anh chị em thân mến của tôi trong Đức Kitô, chỉ những linh hồn thực sự quảng đại vì Đức Kitô trong mọi sự mới được vào Vương Quốc Ánh Sáng của Ngài. Vào Ngày Phán Xét, chúng ta sẽ đứng trước mặt Ngài và kể về tất cả các ân sủng của mỗi bí tích mà chúng ta đã nhận được nhờ sự rộng lượng của Ngài đối với chúng ta. Tại sao chúng ta phải giải trình cho mỗi ân sủng? Vì Chúa Giêsu luôn quảng đại nhưng không lãng phí.

Khi chúng ta tiếp nhận Ngài, chúng ta hãy nhớ lời Ngài đã nói với chúng ta: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.” (Lc 12:48) Trong Bí tích Thánh Thể, tín nhân Công giáo chúng ta là những người được đặc ân lãnh nhận hồng ân kỳ diệu là chính Chúa Kitô ngay ở thế gian này. Chúng ta còn được mong đợi nhiều hơn nữa. Chúng ta không thể chỉ hòa vào đám đông với những người khác, cũng không thể để cho vương quốc bóng tối ích kỷ lấn át chúng ta, bởi vì chúng ta đã lãnh nhận ân sủng Thánh Thể của Vương Quốc Ánh Sáng.

Chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, Đấng “đầy ân sủng” (Lc 1:28) và cũng quảng đại sử dụng ân sủng để làm chứng về Đức Kitô, dù điều đó có nghĩa là đứng dưới chân thập giá trên đồi Canvê. Xin Mẹ giúp chúng ta sử dụng rộng rãi mọi ân sủng của Bí tích Thánh Thể trong mọi sự vì Chúa Kitô mà không lãng phí ân sủng. Nếu chúng ta làm như vậy mọi ngày suốt đời, một ngày nào đó chúng ta sẽ nên một với Ngài trong Vương Quốc Ánh Sáng vinh quang của Ngài.

NNAMDI MONEME, OMV

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Xem thêm

ST. STEPHEN

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ KÍNH THÁNH TÊPHANÔ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI, 26/12, CỦA LM MINH ANH

LỰC HẤP DẪN “Họ nhất tề xông vào ông, lôi ông ra ngoài thành mà …