Home / Chia Sẻ / LIÊN HỆ VỚI CẢ CHÚA GIÊSU VÀ CHÚA KITÔ

LIÊN HỆ VỚI CẢ CHÚA GIÊSU VÀ CHÚA KITÔ

LIÊN HỆ VỚI CẢ CHÚA GIÊSU VÀ CHÚA KITÔVới tôi, suốt nhiều năm trời, Kitô chỉ đơn thuần như cái họ của Chúa Giêsu, như Jack Smith, Susan Parker, Giêsu Kitô.  Về mặt tri thức thì tôi biết nó không phải thế, nhưng về mặt thực tế, cả trong đời sống đức tin cá nhân và với tư cách thần học gia, tôi xem danh Kitô như thể đơn thuần là cái họ của Chúa Giêsu vậy.  Dù là khi cầu nguyện, viết lách hay giảng dạy, tôi gần như luôn dùng hai danh này cùng nhau, Giêsu Kitô, như thể cả hai có sự đồng nhất tuyệt đối.

Nhưng không phải vậy.  Chúa Giêsu là nhân vị thần thiêng trong Ba Ngôi, người từng sống trên địa cầu với xác thịt khí huyết và giờ đang ở bên Chúa Cha, là một phần trong Ba Ngôi Thiên Chúa.  Nhưng ngài cũng là một cấu thành then chốt trong hiện thực của Chúa Kitô, Chúa Kitô thì hơn cả Chúa Giêsu.

Chúa Kitô là một huyền nhiệm bao gồm cả chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu trên địa cầu, các bí tích, kinh thánh và giáo hội.  Kinh Thánh nói rõ ràng: Chúng ta là Thân thể của Chúa Kitô trên địa cầu.  Chúng ta không đại diện hay thay thế cho Chúa Kitô, không phải là một sự hiện diện thần nhiệm mơ hồ nào đó của Chúa Kitô.  Chúng ta là Thân thể Chúa Kitô, cũng là Phép Thánh Thể và Lời Chúa.

Sự phân biệt này có những liên quan rất lớn đến cả đời sống đức tin cá nhân và cách chúng ta sống đức tin trong giáo hội.  Đơn giản đồng nhất Chúa Giêsu và Chúa Kitô thì sẽ bào mòn cương vị môn đệ của chúng ta, bất kể chúng ta thường hay liên hệ với danh nào nhất (Giêsu hay Kitô).

Xin cho tôi nói về một sai lầm của tôi.  Khi sống đức tin, tôi dễ dàng và thực tế về mặt hiện sinh, liên hệ với Chúa Kitô hơn là Chúa Giêsu.  Nghĩa là tôi có niềm tin và sự gắn bó cả đời với hiện thực của sự phục sinh, với giáo huấn của Chúa Giêsu, với giáo hội, các bí tích và kinh thánh Kitô giáo.  Tôi tin rằng việc tham dự Phép Thánh Thể là điều quan trọng nhất mà tôi làm trong đời, rằng Bài giảng trên núi là quy tắc đạo đức lớn nhất và giáo hội, bất chấp những lỗi phạm của mình, là Thân thể Chúa Kitô trên địa cầu.

Nhưng không như nhiều nhà thần nghiệm và các thánh đầy đức tin mà tôi đã đọc về cuộc đời họ, không như nhiều người bạn và đồng nghiệp theo Phái Phúc âm, tôi vất vả trong việc có ý thức thực sự rằng Chúa Giêsu là một người bạn và người yêu thân thiết.  Tôi chật vật để trở thành người môn đệ yêu dấu trong phúc âm theo thánh Gioan, dựa đầu vào ngực Chúa Giêsu, có sự mật thiết một đối một với Chúa Giêsu đến mức làm cho các thứ khác trở nên tương đối.  Tôi biết Chúa Giêsu là thật và Ngài muốn có sự mật thiết một đối một với mỗi chúng ta, nhưng sự thật là tôi chật vật để thật sự cảm nhận điều đó và để biến nó thành phần trọng tâm trong cương vị môn đệ của mình.  Ngoại trừ những thời khắc ân sủng trong lời cầu nguyện, thì sự gắn bó với Phép Thánh Thể, giáo huấn của Chúa Giêsu và với giáo hội chính là tâm điểm đức tin và cương vị môn đệ của tôi.  Theo thói quen, tôi liên hệ với Chúa Kitô nhiều hơn Chúa Giêsu.

Và cho tôi mạo hiểm thêm vào điều này: Tôi tin rằng điều này cũng đúng với các giáo hội Kitô giáo khác.  Chúng ta có những giáo hội liên hệ với Chúa Kitô hơn và có những giáo hội liên hệ với Chúa Giêsu hơn.  Ví dụ như, giáo hội Công Giáo La Mã là giáo hội rất quy hướng về Chúa Kitô.  Cộng đoàn hội thánh, Phép Thánh Thể, các bí tích và giáo huấn của Chúa Giêsu là những điều then chốt.  Không người Công Giáo La Mã nào có thể nói rằng tôi chỉ cần mối quan hệ riêng với Chúa Giêsu là đủ.  Với người theo Anh Giáo, Tân Giáo và Tin Lành đường lối chính cũng vậy.  Nhưng với các giáo hội thuộc phái Phúc Âm thì lại không hẳn vậy, khi mà ủy lệnh đặc biệt trong Phúc Âm theo thánh Gioan rằng phải có mối quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu dễ dàng trở thành giáo lý trọng tâm của cương vị môn đệ Kitô Hữu.

Nhưng không phải các giáo hội khác nhau theo chiều kích này mà tiệt trừ chiều kích kia.  Ví dụ như, Công Giáo La Mã, Anh Giáo và Tin Lành dòng chính nhấn mạnh về việc cầu nguyện riêng là công cụ để liên hệ với nhân thể của Chúa Giêsu như một người bạn và người yêu thân thiết.  Về chuyện này, Công Giáo La Mã đem lại một truyền thống cầu nguyện kính mến phong phú, đôi khi quá phong phú.  Ngược lại, phái Phúc Âm với trọng tâm rất mạnh về Chúa Giêsu, dùng các buổi phụng vụ lời Chúa và giảng dạy làm cách chính để liên hệ với mầu nhiệm rộng hơn của Chúa Kitô.

Chúng ta có những điều đáng để học hỏi từ cả hai.  Các giáo hội, cũng như các cá nhân, đều phải hướng về cả hai, Chúa Giêsu và Chúa Kitô, nghĩa là chú trọng mối quan hệ riêng với Chúa Giêsu Kitô và tham gia vào mầu nhiệm nhập thể lịch sử của Chúa Kitô, mầu nhiệm mà mỗi chúng ta đều có phần.  Chúng ta phải tập trung vào Chúa Giêsu, nhưng cũng phải tập trung vào Phép Thánh Thể, Lời Chúa và cộng đoàn tín hữu, tất cả đều là Thân thể Chúa Kitô.  Đức tin và cương vị môn đệ của chúng ta phải vừa riêng tư một cách sâu sắc, vừa chung một cách rõ ràng.  Không một Kitô hữu nào có thể nói rằng cương vị môn đệ của mình chỉ hệ tại ở mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu, cũng như không một Kitô hữu nào có thể nói rằng mình không cần Chúa Giêsu, chỉ cần giáo hội và các bí tích.

Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, cả về mặt nhân thể và mầu nhiệm.  Chúng ta gắn bó với một bộ giáo huấn, một loạt bí tích, Phép Thánh Thể và cộng đoàn hữu hình mà chúng ta gọi là giáo hội, cũng như với một người tên là Giêsu là tâm điểm của mầu nhiệm lớn lao này và là người muốn trở nên người bạn và là người yêu của chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN