Home / Chia Sẻ / Lịch sử và ý nghĩa Tràng chuỗi Mân Côi

Lịch sử và ý nghĩa Tràng chuỗi Mân Côi

 

    Tràng chuỗi Mân côi hẳn là không xa lạ gì với người Công Giáo Việt Nam. Ngay từ thưở lọt lòng, mỗi người tín hữu đã được nghe những lời kinh bên nôi từ người mẹ, của bà nội, bà ngọai. Điều này không phải là ngày xửa ngày xưa, nhưng là hiện tại. Dù ngày nay, nhiều bà mẹ trẻ ít nhiều xao lãng việc lần chuỗi, nhưng những lời kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh không một người mẹ nào không thuộc nằm lòng khi dâng con cho Thiên Chúa, phó thác con mình cho Đức Mẹ, ca ngợi Ba Ngôi Thiên Chúa sau khi con được lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, mẹ đưa con đến trước tòa Đức Mẹ nơi thánh đường. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng hiểu về nguồn gốc kinh Mân côi và tràng chuỗi Mân côi. Nhân Tháng Mân côi, chúng ta tìm hiểu về lời kinh mà theo Lịch sử Giáo hội kể lại, chính Đức Maria đã trao chuỗi Mân Côi cho Thánh ĐaMinh (1170-1221) và cũng qua các tu sĩ Dòng Anh em Thuyết giáo mà tràng chuỗi Mân Côi được giữ gìn và phát triển qua các thế hệ.

    Nguồn gốc căn bản của Chuỗi Mân Côi là từ những lời cầu nguyện của sách Thánh Vịnh trong Kinh Thánh. Cha Frederick M. Jelly thuộc Dòng Đaminh đã viết trong cuốn “Thánh Mẫu Maria trong thuyền thống của Giáo Hội công giáo” rằng: “Ngay từ rất sớm, Giáo Hội đã đón nhận các Thánh Vịnh như là một phần tài sản người Do Thái kế thừa, Thánh Vịnh là lời thổ lộ từ đáy lòng của họ trong các nghi lễ và lời cầu nguyện hàng ngày. Để thực hành cầu nguyện, người ta thay 150 lời Kinh ‘Lạy Cha chúng con’ thay vì bằng 150 Thánh Vịnh như thời Trung Cổ, và chính vì điều này đã phát xuất việc sùng bái Chuỗi Mân Côi. Để giữ cách đếm các kinh đọc, người ta kết vào một sợi dây với những tràng hạt, và điều này dần dần trở thành Tràng Chuỗi Mân Côi”.

    Từ rất sớm, mỗi 150 Kinh Lạy Cha, người ta bắt đầu thêm vào những lời cầu nguyện ngắn về Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nhằm tạo nên sự nối kết giữa đọc kinh và nguyện gẫm về mầu nhiệm của đức tin. Sau đó, họ thay thế những đoạn suy gẫm ngắn gọn, thứ tự về Chúa Giêsu và Mẹ Maria từ việc Truyền Tin cho đến Phục Sinh của Đức Giêsu và sự kiện Đức Mẹ lên trời.

    Theo Cha Jelly, thì trong 15 thế kỷ đầu, các Đan sĩ Dòng Thánh Bruno và anh em Dòng Đaminh đã giúp phổ biến việc sùng bái bằng nối kết 50 Kinh Kính Mừng với 50 câu về Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đây là nguồn gốc của lời Kinh Mân Côi mà chúng ta có ngày nay. Từ chuỗi 50 là tâm điểm của việc suy gẫm nên được gọi là Vườn Hoa Hồng (Rose Garden). Hoa Hồng là biểu tượng của niềm vui, được ưu tiên cho Mẹ Maria, và Chuỗi Mân Côi đã quy vào việc kể lại trong 50 Kinh Kinh Mừng. Những mầu nhiệm này được dựa trên biến cố cuộc sống của Chúa Giêsu đã được viết ra trong sách Kinh Thánh. Bằng cách suy niệm này giúp cho những người không biết chữ cũng có thể hiểu được những câu chuyện trong  Kinh Thánh.

    Năm 1569, Đức Thánh Cha Pio V, công bố Huấn dụ Consueverent Romani Pontifices. Kêu gọi dân Chúa siêng năng lần Chuỗi Mân Côi. Thánh Giáo Hoàng Pio V về mặt hình thức đã xác minh cách cầu nguyện Chuỗi Mân Côi và được phổ biến qua các thế kỷ với 15 mầu nhiệm, Vui, Thương và Mừng mà chúng ta biết như hôm nay. Ngài đã góp phần làm cho việc cầu nguyện này thêm bền vững bằng sự dứt khoát nối kết suy niệm trên cuộc sống của Chúa Giêsu đến cầu nguyện với Chuỗi Mân Côi. Từ đó, nhiều vị Giáo Hoàng đã nhiệt tình chú tâm đến Chuỗi Mân Côi, đáng chú ý nhất là Đức Thánh Cha Leo XIII, Gioan XXIII, và Phaolô VI.

    Ngày 16 tháng 11 năm 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã làm ngạc nhiên thế giới với việc gợi ý tài liệu mới về Chuỗi Mân Côi, Rosarium Virginis Mariae. Đức Thánh Cha Gioan Phalo II đề nghị 5 mầu nhiệm mới là “Năm Sự Sáng” để suy niệm. Ngài nói: “Tôi tin, tôi mang ra sự đầy đủ và sâu sắc Kitô Học của Chuỗi Mân Côi, Năm Sự Sáng phù hợp để thêm vào truyền thống kiểu mẫu”. Năm Sự Sáng được phất xuất từ câu lời Chúa: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9, 5) với nội dung như sau:

    NĂM SỰ SÁNG:

   Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Gio-đan. Ta hãy xin cho được sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.

   Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu tại Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời.

   Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và ơn thống hối. Ta hãy xin cho được ơn cải sửa tâm hồn.

   Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Ta hãy xin cho được luôn lắng nghe Lời Người.

   Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể. Ta hãy xin cho được siêng năng rước Mình Máu Thánh Người.

    Ngày hôm nay, Chuỗi Mân Côi gồm 4 Mầu nhiệm: Vui, Mừng, Thương và Sáng. Mỗi mầu nhiệm gồm 50 kinh, mỗi mầu nhiệm được chỉ định cho những ngày trong tuần. Đó là cách thức để dân Chúa làm ngày Thánh và nhớ lại cuộc sống của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, những hình ảnh khiêm nhường luôn luôn ngự giữa chúng ta khi chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi. Cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi là phương thế dễ dàng cho mọi người tín hữu gặp gỡ Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria: ”Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử”. Năng lần chuỗi Mân côi, chắc chắn chúng ta sẽ được Mẹ cầu thay, nguyện giúp lúc này, suốt cuộc đời và giờ phút lìa đời vậy.

Fx Đỗ Công Minh

 (Tham khảo tài liệu Hội Mân Côi)

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …