Home / Chia Sẻ / LỊCH SỬ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

LỊCH SỬ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

tải xuốngSứ điệp Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) mà Nữ tu Faustina Kowalska đã nhận từ Chúa Giêsu không chỉ hướng dẫn Chị phát triển cá nhân về đức tin mà còn phát triển điều thiện về con người. Chúa Giêsu muốn có tấm hình vẽ y như Nt Faustina đã thấy, và linh ảnh này được tôn kính lần đầu tiên tại nguyện đường nhà dòng của Nt Faustina, rồi lan truyền khắp thế giới. Chúa Giêsu không chỉ yêu cầu Nt Faustina mà yêu cầu cả những người khác: “Hãy khuyến khích các linh hồn lần chuỗi LTX mà Ta trao cho con”.

Mặc khải về Lễ LTX cũng ứng nghiệm: “Lễ LTX từ sâu thẳm nhân từ của Ta. Ta muốn lễ này được cử hành trọng thể vào Chúa Nhật II Phục Sinh. Nhân loại sẽ không có hòa bình nếu không đến với mạch nguồn thương xót của Ta”.

Các yêu cầu đó được Chúa Giêsu cho Nt Faustina biết trong những năm 1931 và 1938, có thể coi đó là bắt đầu Sứ Điệp LCTX và Lòng Sùng Kính LCTX theo cách thức mới.

Lm Michael Sopocko, vị linh hướng của Nt Faustina, Lm  Joseph Andrasz (SJ – Dòng Tên), và những người khác – trong số đó có Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm (MIC – The Marians of the Immaculate Conception), đã làm cho sứ điệp này bắt đầu lan truyền đi khắp thế giới.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng sứ điệp LTX được mặc khải cho Nt Faustina và thời đại chúng ta không là mặc khải mới lạ. Đó là lời nhắc mạnh mẽ về Thiên Chúa là ai và đã có ngay từ đầu. Sự thật mà Thiên Chúa, với bản chất là yêu thương và thương xót, trao cho chúng ta qua niềm tin Do Thái giáo – Kitô giáo (Judeo-Christian faith) và chính mặc khải của Thiên Chúa. Tấm màn bí ẩn che giấu Thiên Chúa đã được chính Ngài vén lên.

Qua lòng nhân lành và tình yêu thương, Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính Ngài cho chúng ta, các thụ tạo của Ngài, và cho chúng ta biết kế hoạch đời đời về sự cứu độ. Ngài đã thực hiện điều này một phần qua các Giáo Phụ thời Cựu Ước, Môsê và các Tiên Tri, rồi được thực hiện trọn vạn qua Người Con của Ngài, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Qua Đức Giêsu Kitô, Đấng do quyền năng Chúa Thánh Thần đã hóa thành nhục thể nơi cung lòng Trinh Nữ Maria, Thiên Chúa vô hình đã trở thành hữu hình.

  1. CHÚA GIÊSU MẶC KHẢI CHÚA CHA THƯƠNG XÓT

Cựu Ước thường xuyên nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nhưng chính Chúa Giêsu, qua lời nói và hành động, đã mặc khải cho chúng ta theo cách khác thường, Thiên Chúa là Cha yêu thương, giàu lòng thương xót và vô cùng nhân hậu. Qua tình yêu thương xót, Chúa Giêsu quan tâm người nghèo, người bị áp bức, người đau yếu và người tội lỗi, đặc biệt là Ngài tự nguyện chịu đau khổ vì tội lỗi của chúng ta, thay cho chúng ta, để chúng ta được giải thoát khỏi án tử và sự hủy diệt. Ngài thể hiện lòng đại lượng vô bờ bến về tình yêu thương và LTX đối với nhân loại. Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Con Người, đồng bản thể với Chúa Cha, đã mặc khải Tình Yêu Thương và LTX của Thiên Chúa.

Sứ điệp yêu thương và LTX đặc biệt được thể hiện qua Phúc Âm. Qua Đức Giêsu Kitô, Tân Ước mặc khải rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta là vô hạn, tín thành, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa và tình yêu của Ngài khi chúng ta tín thác vào Ngài và tìm kiếm LTX của Ngài. Thánh Ý Thiên Chúa là cứu độ chúng ta. Ngài làm tất cả vì chúng ta, nhưng vì Ngài cho chúng ta quyền tự do, Ngài mời gọi chúng ta chọn Ngài và thông phần sự sống thần tính của Ngài. Chúng ta trở nên những người thông phần vào sự sống thần tính của Ngài khi chúng ta tin vào sự thật mặc khải về Ngài và tín thác vào Ngài, khi chúng ta yêu mến Ngài và sống teo lời Ngài, khi chúng ta tôn kính Ngài và tìm kiếm Vương Quốc của Ngài, khi chúng ta tiếp nhận Ngài qua bí tích Thánh Thể và tránh xa tội lỗi, khi chúng ta quan tâm và tha thứ lẫn nhau.

  1. KẾT HIỆP VỚI ĐỨC MẸ

Năm 1941, ba năm sau khi Nt Faustina qua đời, việc sùng kính LCTX được Lm Giuse Jarzebowski (MIC) đưa từ Ba Lan sang Hoa Kỳ. Lúc đầu, Lm Jarzebowski đã nghi ngờ về ân sủng lớn lao được nhận bởi những người tín thác vào LCTX. Nhưng mùa xuân năm 1940, linh mục này hứa rằng nếu có thể phổ biến cho các tu sĩ Dòng Vô Nhiễm ở Hoa Kỳ, ngài sẽ dành phần đời còn lại để truyền bá sứ điệp và lòng sùng kính LCTX. Lm Michael Sopocko đã trao cho Lm Jarzebowski các tài liệu về LCTX mà ngài đã chuẩn bị. Với các tài liệu này và có vẻ có những chướng ngại khó vượt qua, Lm Jarzebowski bắt đầu lên đường.

Sau cuộc hành trình từ Ba Lan tới Lithuania, rồi từ Nga và Siberia tới Vladivostok, rồi tới Nhật, Lm Jarzebowski đã đặt chân lên đất Mỹ sau một năm. Trung thành với lời hứa, ngài bắt đầu phân phát thông tin về sứ điệp và lòng sùng kính LCTX nhờ sự giúp đỡ của các nữ tu Felician ở Michigan và Connecticut. Sau vài năm hoạt động, năm 1944 Lm Walter Pelczynski đã lập cơ sở “Tông Đồ LCTX” trên Đồi Eden ở Stockbridge, MA, nay là Đền Thánh Quốc Gia LCTX và Trung Tâm Đức Mẹ Cứu Giúp, một nhà xuất bản tôn giáo trở thành trung tâm quốc tế về sứ điệp và lòng sùng kính LCTX. Năm 1953, có khoảng 25 triệu bản văn về LCTX đã được phân phối khắp thế giới.

  1. BẮT ĐẦU LỆNH CẤM

Năm 1958 và 1959, lời tiên báo của Nt Faustina về sự cấm cách các hoạt động liên quan LCTX (NK, số 378) bắt đầu ứng nghiệm. Tòa Thánh nhận được các bản dịch sai lầm và khó hiểu của cuốn Nhật Ký Thánh Faustina, nên không thể phê chuẩn vì điều kiện chính trị lúc đó, và đã cấm phổ biến các sứ điệp và lòng sùng kính LCTX theo sách viết của Thánh Faustina.

Trong thời gian bị cấm, các tu sĩ Dòng Vô Nhiễm vẫn tiếp tục phổ biến việc sùng kính LCTX, nhưng vì vâng lời Tòa Thánh, họ đặt sứ điệp và lòng sùng kính LCTX dựa vào Kinh Thánh, Phụng Vụ, giáo huấn của Giáo Hội, và mặc khải của Đức Mẹ tại Fatima.

  1. BÃI BỎ LỆNH CẤM

Năm 1978, lệnh cấm được bãi bỏ hoàn toàn, nhờ sự can thiệp của ĐHY Karol Wojtyla, TGM Krakow. Qua nỗ lực của ngài, một quá trình xử lý thông tin liên quan cuộc đời và nhân đức của Nt Faustina được bắt đầu. Ngày 15-4-1978, Bộ Giáo lý và Đức tin đã xem lại nhiều tài liệu có từ năm 1959, và lệnh cấm được bãi bỏ. Sáu tháng sau, ĐHY Karol Wojtyla trở thành ĐGH Gioan Phaolô II.

Được giáo hoàng quan tâm và đề nghị, ĐGM Joseph F. Maguire, GP Springfield, MA, đã cố gắng làm cho LCTX được nhiều người biết đến, và Dòng Vô Nhiễm xin giải thích về thông báo năm 1978. Ngày 12-7-1979, họ nhận được hồi đáp của Bộ trưởng Bộ Giáo lý và Đức tin, nói rằng “nhân danh Thánh Bộ, không còn ngăn trở nào đối với việc chính thức truyền bá LCTX theo đề nghị của Nt Faustina”.

Năm 1979, được phép của giám mục giáo phận, Dòng Vô Nhiễm tiếp tục truyền bá LCTX theo mặc khải mà Nt Faustina nhận được. Giáo dân, linh mục và giám mục trên khắp thế giới vui mừng đón nhận, và lòng sùng kính LCTX phát triển mau chóng ngoài sức tưởng tượng.

  1. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II

Một trong các lý do về điều này là có sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha. Năm 1981, ngài công bố Tông Thư “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót”. Trong đó, ngài nói về Đức Kitô là “sự nhập thể của lòng thương xót – nguồn vô tận của lòng thương xót” (số 8). Ngài nhấn mạnh rằng “chương trình cứu độ của Đức Kitô, chương trình của lòng thương xót” phải trở thành “chương trình của Dân Chúa, chương trình của Giáo Hội” (số 8).

Qua tông thư này, ngài nhấn mạnh rằng Giáo Hội – đặc biệt là trong thời đại chúng ta – có “quyền lợi và nhiệm vụ tuyên xưng LCTX, giới thiệu LCTX, làm cho LCTX hiện hữu trong cuộc sống của mọi người, và van xin LTX của Thiên Chúa cho cả thế giới” (x. Tông Thư “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót”, 12-15.)

Sau một năm ban hành tông thư này, ĐGH Gioan Phaolô đến Đền Thánh LCTX ở Collevalenza, Ý. Đó là chuyến hành hương đầu tiên của ngài ra ngoài thành Rôma. Hôm đó, ngài nhấn mạnh rằng việc truyền bá LCTX là “sứ vụ đặc biệt” của ngài.

  1. TÔN PHONG CHÂN PHƯỚC

Ngày 18-4-1993, ĐGH Gioan Phaolô II tuyên chân phước cho Nt Faustina tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma. Đó là Chúa Nhật II Phục Sinh – ngày lễ tôn kính Lòng Chúa Thương Xót theo ý muốn của Đấng Cứu Độ Thương Xót đã mặc khải cho Thánh Faustina. Chính ĐGH Gioan Phaolô II đã tuyên chân phước cho Chị, và cũng là người đã khởi xướng quá trình thu thập thông tin trong án phong thánh cho Chị từ năm 1965, khi ngài còn là TGM của Krakow (Ba Lan). Sự kiện góp phần vào việc tuyên chân phước cho Chị là phép lạ chữa lành Maureen Digan. Lm Seraphim Michalenko vừa là nhân chứng về phép lạ vừa là phụ tá cáo thỉnh viên trong án phong thánh cho Chị.

Trong bài giảng, ĐGH Gioan Phaolô II nói: “Xin kính chào Nt Faustina. Bắt đầu từ hôm nay, Giáo Hội tôn xưng Chị là Chân Phước. Hỡi CP Faustina, cuộc đời Chị kỳ diệu biết bao! Chị là người con nghèo hèn và giản dị của Mazovia, của người dân Ba Lan, được Đức Kitô chọn để nhắc mọi người nhớ tới mầu nhiệm vĩ đại của LCTX. Chị mang điều bí ẩn này trong lòng Chị, rời bỏ thế giới này sau cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy đau khổ của Chị. Tuy nhiên, điều bí ẩn này đã trở thành lời tiên tri đối với thế giới”.

Thánh Faustina cho biết: “Tôi cảm thấy sứ vụ của tôi sẽ không kết thúc khi tôi chết, nhưng sẽ khởi đầu” (NK số 281). Điều đó đã trở thành hiện thực! Sứ vụ của Chị tiếp tục và đang đơm hoa kết trái kỳ lạ. Thực sự kỳ lạ về cách sùng kính của Chị dành cho Chúa Giêsu thương xót lan truyền trong thế giới của chúng ta và chiếm được tâm hồn của nhiều người! Đây là dấu chỉ chắc chắn của thời đại chúng ta – thế kỷ 20. Sự cân bằng của thế kỷ này đang kết thúc, thêm vào các tiến bộ thường trổi vượt hơn kỷ nguyên trước, thể hiện sự thao thức không ngừng và lo sợ về tương lai. Nếu không có LCTX, thế giới có thể tìm được nơi trú ẩn và ánh sáng hy vọng hay không? Những người có đức tin hiểu rõ điều đó.

  1. TÔN PHONG HIỂN THÁNH

Ngày 30-4-2000, ĐGH Gioan Phaolô II tuyên thánh cho Thánh nữ Faustina, sau khi công nhận phép lạ thứ hai là phép lạ chữa lành Lm Ronald Pytel, qua sự cầu bầu của CP Faustina. Hôm đó, ĐGH Gioan Phaolô II công bố rằng Chúa Nhật II Phục Sinh là Chúa Nhật kính LCTX trong Giáo Hội hoàn vũ.

Trong bài giảng, ngài nói: “Hôm nay, tôi rất vui mừng giới thiệu cuộc đời chứng nhân của Nt Faustina Kowalska cho toàn thể Giáo Hội như tặng phẩm của Thiên Chúa dành cho thời đại chúng ta. Nhờ sự quan phòng của Chúa, cuộc đời ái nữ khiêm nhường của đất Ba Lan này hoàn toàn nối kết với lịch sử của thế kỷ 20, thế kỷ mà chúng ta vừa đi qua”.

Thật vậy, giữa Thế Chiến I và Thế Chiến II, Đức Kitô đã tín giao sứ điệp LTX cho Chị. Những người là nhân chứng và người tham dự vào các sự kiện của những năm đó cùng với những nỗi đau khổ kinh khiếp đã xảy ra cho hằng triệu người. Những người còn nhớ những điều đó thì biết rõ sứ điệp LCTX cần thiết như thế nào.

Chúa Giêsu nói với Nt Faustina: “Nhân loại sẽ không có hòa bình nếu không tín thác vào Lòng Thương Xót của Ta” (NK, số 300). Qua công việc của nữ tu người Ba Lan này, sứ điệp đó liên quan mãi mãi với thế kỷ 20, sứ điệp cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai và là cầu nới với thiên niên kỷ thứ ba. Đó không là sứ điệp mới nhưng có thể coi là tặng phẩm đặc biệt về sự soi sáng giúp chúng ta làm sống lại Tin Mừng Lễ Phục Sinh mạnh mẽ hơn, trao tặng nó như tia sáng cho mọi người trong thời đại chúng ta.

Những năm tới sẽ đem lại cho chúng ta điều gì? Chúng ta không thể biết, nhưng ánh sáng của LCTX sẽ soi đường cho chúng ta bước đi trong thiên niên kỷ thứ ba, đó cách Chúa Giêsu muốn trở lại thế giới này qua uy tín của Thánh Faustina.

Vào dịp kỷ niệm 70 năm mặc khải linh ảnh LCTX và 60 năm Dòng Vô Nhiễm truyền bá sứ điệp LCTX, ĐGH Gioan Phaolô II gởi một tông thư đặc biệt chúc lành và mời gọi làm tông đồ LCTX theo sự hướng dẫn của Đức Mẹ. Ngày nay, qua gợi hứng của Thánh GH Gioan Phaolô II, trách nhiệm của mỗi chúng ta là truyền bá sứ điệp LCTX.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheDivineMercy.org)

Đêm 20-6-2019

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …