Home / Chia Sẻ / LỆNH TRUY NÃ ĐẶC BIỆT

LỆNH TRUY NÃ ĐẶC BIỆT

Wanted 1Truy nã là biện pháp mạnh áp dụng cho những kẻ phạm pháp nghiêm trọng mà bỏ trốn, không thành tâm sám hối, không đầu thú. Dạng truy nã đặc biệt là dạng mạnh mẽ đối với kẻ phạm tội nguy hiểm, có thể truy nã toàn quốc hoặc quốc tế. Có những lệnh truy nã với giải thưởng cao dành cho người phát hiện kẻ bị truy nã.

Mỗi lãnh thổ, mỗi quốc gia, mỗi vùng,… đều có luật pháp riêng. Trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam, luật tố tụng hình sự cũng như các văn bản liên quan không có thuật ngữ “truy nã địa phương” hoặc “truy nã toàn quốc”, bởi bất kỳ ai, ở địa phương nào cũng có quyền bắt người truy nã, vì vậy hiệu lực về lãnh thổ của lệnh truy nã được ngầm hiểu là toàn quốc. Việc truy nã quốc tế cũng không có quy định cụ thể, bởi tính khả thi của việc thực thi luật pháp Việt Nam ngoài phạm vi lãnh thổ.

Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt, giữ tội phạm. Theo điều 82 của Bộ luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam về việc bắt giữ người đang có quyết định truy nã: “Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến các cơ quan thẩm quyền ở nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Thông thường, công dân Việt Nam phạm tội tại Việt Nam sẽ áp dụng phạm vi truy nã trên toàn quốc, trong trường hợp có căn cứ hoặc bị nghi ngờ có dấu hiệu bỏ trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, cơ quan điều tra cùng với các cơ quan có thẩm quyền, phối kết hợp với Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) hoặc các quốc gia mà Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp để thực hiện việc bắt và dẫn độ người phạm tội về nước để xét xử.

Với những tên tội phạm “khét tiếng”, tầm cỡ quốc gia hoặc quốc tế, việc truy nã là điều cần thiết và cấp bách, vì họ có thể nguy hiểm cho cộng đồng nhân loại. Đó là điều tất nhiên, ai cũng đồng tình, chắc chắn chẳng ai phản đối. Tuy nhiên, trong lịch sử nhân loại, từ cổ chí kim, từ Á sang Âu, có một người bị truy nã ráo riết, bị coi là tội phạm đặc biệt, dù con người này không chỉ vô tội mà còn rất nhân lành: Đức Giêsu Kitô.

Trình thuật Ga 11:45-54 (tương đương Mt 26:1-5; Mc 14:1-2; Lc 22:1-2) cho biết rằng các thủ lãnh Do Thái đã quyết định tìm mọi cách bắt giết Đức Giêsu cho bằng được.

Trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria – em gái của cô Mácta và chị của cậu Ladarô, họ được chứng kiến việc Đức Giêsu làm và có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm. Đúng là tâm địa xấu, thóc mách vì ghen tức. Thấy người khác giỏi hơn thì tìm cách trù dập, thấy người khác tốt lành hơn thì gièm pha,… Ngày nay, loại người này vẫn thấy nhan nhản ở khắp nơi, từ cộng đồng xã hội tới cộng đồng tôn giáo.

Sau khi nghe lũ “bà tám” rỉ tai như vậy, các thượng tế và các người Pharisêu liền triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta” (Ga 11:47-48). Rõ ràng ghen tức, nhỏ mọn, hèn hạ. Tại sao người ta tin Ông Ấy? Tại sao mình không được người khác tin? Tại sao không tự xét mình để chấn chỉnh mà lại ngậm máu phun người?

Ngay lúc đó, một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11:49b-50). Khốn nạn thật! Ra cái vẻ nhân đức, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tâm, nhân hậu, nhân từ,…! Đủ thứ “nhân” mà không hề đức độ, chỉ như “nhân” của loại hạt hoặc chiếc bánh mà thôi!

Ông ta không tự mình nói ra điều đó, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi mà còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giêsu. Do đó, Đức Giêsu không đi lại công khai giữa người Do Thái nữa. Ngài đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Épraim, rồi ở lại đó với các môn đệ.

Như vậy, Lệnh Truy Nã đã được chính thức công bố, yết thị khắp nơi!

WantedTrên một bức tường cao ốc tại thành phố Francisco, tiểu bang California (Hoa Kỳ), có dán một thông báo khổ lớn với cáo trạng như sau:

Công lực có bổn phận truy nã thủ phạm trọng tội Giêsu Nagiaret, bí danh Messia, tức là Kitô. Theo chứng minh nhân dân, phạm nhân mang quốc tịch Do Thái, sinh tại Bêlem, thuộc chi tộc Giuđa, hậu duệ Đavit. Mẹ y là Maria, không đề tên cha, chỉ có bố nuôi là Giuse, quê Nagiaret, miền Galilê. Nghề nghiệp thợ mộc, lao động đủ sống, độc thân.

Tội trạng: sau vụ phép rửa sám hối của ông Gioan Tẩy Giả, tên Giêsu bỏ xưởng mộc, ngưng sản xuất, đi lang thang, coi như vô gia cư, vô nghề nghiệp. Y tự ý kết nạp một số thanh niên đủ các giai cấp trong xã hội: dân chài lưới, bọn thu thuế, nông dân mộc mạc, rồi kéo nhau đi rao truyền một thứ Nước Trời nào đó sắp tới, làm náo động dân chúng nhiều nơi, làm cho nhân dân bỏ công việc làm ăn. Đó là tội gây rối trật tự trị an!

Một chút khôi hài nhưng cũng là sự thật đáng để chúng ta xem lại chính mình, đặc biệt là trong Mùa Chay!

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ lại một lần nọ, Đức Giêsu đã khiển trách nặng với ba “cái khốn” dành cho các người Pharisêu và các nhà thông luật: “Khốn cho các người, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, dù một ngón tay cũng không động vào. Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản” (Lc 11:46, 47 và 52).

Khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận ra mặt, và vặn hỏi Ngài về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Ngài nói điều gì sai chăng (Lc 11:53-54). Thật kinh khủng quá, nghe mà rợn cả người! Họ là ai? Là người có chức quyền, có địa vị, cả xã hội và tôn giáo.

Một lần khác, sau khi nghe những dụ ngôn Chúa Giêsu kể, các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Ngài ám chỉ họ. Thế là họ tìm cách bắt Ngài, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Ngài là một ngôn sứ (Mt 21:45-46). Dịp may chưa đến với họ. Và họ tiếp tục ngấm ngầm toan tính mưu mô thâm hiểm.

Còn nữa, sau khi nghe Chúa Giêsu nói dụ ngôn tiệc cưới (Mt 22:1-14; Lc 14:15-24), nhóm Pharisêu nhận thấy Ngài cũng nói về chính họ nên họ đã toa rập với nhau tìm cách bắt giết Ngài. Họ đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy về việc nộp thuế cho Xêda, nhưng Đức Giêsu biết họ có ác ý, giả hình, bảo họ: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22:21). Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Ngài lại đó mà đi, nhưng trong lòng ấm ức lắm.

Điều gì đến cũng sẽ đến, chỉ hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, các thượng tế và kinh sư tìm cách dùng mưu bắt Đức Giêsu và giết đi (Mc 14:1). Tệ hơn là chính Giuđa Ítcariốt, một người trong Nhóm Mười Hai, “đi đêm” với các thượng tế để nộp Ngài cho họ. Nghe vậy, họ rất mừng và hứa cho tiền. Gã Giuđa liền tìm cách nộp Ngài sao cho tiện (Mc 14:11). Ném đá nhưng muốn giấu tay, thọc gậy bánh xe hoặc giật dây, nhưng đó là lỗi của cái gậy hoặc sợi dây, chứ “tôi vô can”, nếu cần thì rửa tay như tổng trấn Philatô (Mt 27:24). Vô tư!

Chúa Giêsu đã bị chê là lộng ngôn, khùng điên, ba trợn, thậm chí tên cướp khét tiếng Baraba còn được coi là “tốt lành” hơn Chúa Giêsu, thế nên hắn đã được hưởng ân xá đặc biệt là được tha bổng vô điều kiện (Mt 27:11-26; Mc 15:2-15; Lc 23:13-25; Ga 18:28-40).

Muốn so sánh thì phải có ít nhất hai cái. Nếu không có cái so sánh thì lấy gì phân biệt? Thật vậy, có cái xấu mới khả dĩ nhận ra cái đẹp, có cái ác mới khả dĩ nhận biết cái thiện. Tất cả chúng ta đều là người xấu (x. Lc 11:13), đã từng xấu xa bằng cách này hay cách nọ, và chúng ta cũng đã từng suy nghĩ hoặc nói ra như Kinh Thánh đề cập: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo” (Kn 2:12). Nhận biết mình xấu thì mới biết thương người xấu, nhờ đó mà nhận thấy chí lý khi Chúa Giêsu dạy PHẢI yêu thương kẻ thù (Mt 5:43-48; Lc 6:27-35). Động từ “phải” nói lên sự bắt buộc, nhưng rất thấm thía! Thánh Ý Chúa mầu nhiệm, “mọi lời Thiên Chúa phán đều được chứng nghiệm” (Cn 30:5).

Khi Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem, khoảnh khắc vinh quang quá vắn vỏi, ngay sau đó là khoảng đau khổ dài dằng dặc. Cuộc đời chúng ta cũng không thể không như vậy, niềm vui quá ít và nhỏ nhoi, nhưng nổi sầu khổ quá nhều và quá lớn. Nếu ví cuộc đời là chiều dài 1 m thì khoảng vui chỉ dài 1 dm, mà khoảng buồn dài tới 9 dm.

Có lẽ ít người lưu ý câu Kinh Thánh này: “Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa” (Hc 11:14). Điều này giúp chúng ta nhận biết sự mầu nhiệm của Thánh Ý Chúa, chúng ta không bao giờ hiểu hết. Chúng ta đừng bao giờ “truy nã” nhau, và hãy ghi nhớ điều này suốt đời: “Hãy hết lòng tin tưởng vào Đức Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con. Hãy nhận biết Người trong mọi đường đi nước bước, Người sẽ san bằng đường nẻo con đi” (Cn 3:5-6).

Trong Tuần Thánh, chúng ta quyết tâm cố gắng đồng hành với Đức Kitô suốt Đường Thánh Giá, hãy nhìn sâu vào mắt Ngài và nghe di ngôn mà Ngài căn dặn lần cuối: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28).

Lạy Đấng Cứu Thế, xin thương xót chúng con! Lạy Chúa-Giêsu-đau-khổ, xin tha tội cho chúng con, xin biến đổi chúng con, và chúng con xin tín thác vào Ngài. Xin giúp chúng con can đảm cùng chịu đau khổ với Ngài, cùng chết với Ngài, để chúng con cũng được cùng phục sinh với Ngài – Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến thiên thu vạn đại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …