Home / Chia Sẻ / LỄ TẠ ƠN

LỄ TẠ ƠN

Ở Việt nam, thời Nhà Nguyễn, triều đình Huế, trong suốt 79 năm độc lập (1807- 1885), đàn Nam Giao luôn là nơi tổ chức nghi thức Tế Nam Giao đều đặn vào mùa Xuân hàng năm để tạ ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa đem lại cơm no áo ấm cho toàn dân. Đó là lễ tạ ơn của Việt Nam. Từ năm 1886 đến 1890, không tổ chức lễ tế Nam Giao. Bắt đầu từ năm 1891, cứ ba năm, vua nhà Nguyễn mới tế lễ Trời Đất ở đàn tế Nam Giao một lần.Lễ tế Nam Giao cuối cùng của triều Nguyễn là vào ngày 23 tháng 3 năm 1945. Tuy chỉ đặt hy vọng vào một thế lực thần thiêng là Trời Đất, nhưng dân tộc Việt Nam cũng có tâm tình biết ơn và tạ ơn. Trước sự bất lực của con người, người dân Việt cũng đã cầu xin: Lạy trời mưa xuống – Lấy nước tôi uống – Lấy ruộng tôi cày – Lấy đầy bát cơm – Lấy rơm đun bếp.

Và trong quan hệ giữa người với người, người Việt cũng có những nét văn hóa biểu lộ tâm tình biết ơn người qua tục ngữ ca dao: “Uống nước nhớ nguồn.  Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.  Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.”

LeTaOnTrên đất nước Hoa Kỳ, hằng năm vào ngày thứ năm tuần thứ tư của tháng 11, cả nước tưng bừng mừng lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), một ngày quốc lễ. Sau đây là đôi nét về nguồn gốc ngày lễ ấy:

Giống như tàu Noe ngày xưa, vào ngày 6 tháng 9 năm 1620, có 102 người gồm thủy thủ, đàn ông, đàn bà và trẻ con bước lên tàu Mayflower rời Anh Quốc vượt đại dương để đi tìm một vùng đất mới. Họ là “những người hành hương” (Pilgrims) ra đi vì nỗi khát vọng tìm một vùng đất mới cho tự do tôn giáo. Họ đi khắp nơi, và cuối cùng đã cặp bến Plymouth Rock, Massachusetts vào ngày 11 tháng 12 năm 1620.

Mùa đông đầu tiên, thời tiết khắc nghiệt, thực phẩm thiếu thốn và bệnh dịch hoành hành đã cướp đi 46 sinh mạng. Những người sống sót nhờ ăn thịt gà tây hoang và bắp ngô do người dân Da Đỏ cung cấp. Thổ Dân rất thân thiện và tận tình giúp đỡ trong cuộc sống mới bằng cách dạy cho họ trồng tỉa, săn bắn theo phong tục địa phương.

Được sự hướng dẫn của một người Da Đỏ tên là Squanto, vào mùa Xuân và mùa Hè năm 1621, bắp lên tươi tốt hứa hẹn một vụ mùa no nê.Mùa màng đã gặt hái xong, thực phẩm dư thừa cho cả mùa Đông. Họ quyết định tổ chức một ngày “Hội Ngày Mùa” (Harvest Festival) để tạ ơn Thượng Đế  đã cho họ sống sót qua mùa đông đầu tiên trên xứ lạ. Đó là ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Hoa Kỳ vào đầu tháng 11 năm 1621.

Thực phẩm chính trong ngày lễ Tạ Ơn này gồm: bắp, bí đỏ, chim, vịt, ngỗng và gà tây. Khách mời là Thổ Dân. Tộc trưởng Massasoif đã dẫn 90 dũng sĩ đến dự và còn mang biếu thống đốc của nhóm người Hành Hương lúc bấy giờ là Bradford năm con nai. Họ ăn uống vui chơi suốt tuần.

Lịch sử ngày lễ Tạ Ơn của người Mỹ cũng có nhiều thăng trầm nổi trôi theo vận nước. Các tiểu bang thuộc địa đầu tiên không thống nhất được ý kiến chung về ngày lễ Tạ Ơn. Khi cuộc chiến giữa các di dân Mỹ và đế quốc Anh xảy ra, và George Washington thoát khỏi cuộc bao vây ở Valley Forge, ông đã tuyên bố ngày lễ Tạ Ơn quốc gia vào ngày 26 tháng 11 năm 1789.

Mãi đến năm 1863, Tổng thống Abraham Lincoln thấy chiến tranh đã đến hồi kết thúc, nên chỉ định lấy ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 làm ngày lễ Tạ Ơn cho toàn quốc. Nhưng chẳng may ông bị ám sát. Andrew Johnson lên làm tổng thống lại duy trì truyền thống cũ, nhưng đổi lại ngày thứ năm tuần lễ thứ tư của tháng 11 làm ngày lễ Tạ Ơn. Rồi trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến 1941, Tổng thống Franklin Roosevelt đã chỉ định lấy ngày thứ năm của tuần lễ thứ ba của tháng 11 làm ngày lễ Tạ Ơn. Nhưng lần này ông Roosevelt bị các thương gia và các đảng viên đảng Cộng hòa chống đối dữ dội, cho rằng tổng thống đã đi ngược lại truyền thống cũ. Hai năm sau, tổng thống Roosevelt rút lại quyết định cũ và quyết định lấy ngày thứ năm tuần thứ tư của tháng 11 làm ngày lễ Tạ Ơn cho toàn quốc mãi cho đến ngày hôm nay.

Lễ Tạ Ơn mang một ý nghĩa sâu xa. Con người có thể khác nhau về tôn giáo, chúng tộc, màu da nhưng đều có tâm tình biết ơn và tạ ơn. Đối với người Kitô giáo nói riêng và đối với nhân loại nói chung, tạ ơn Thiên Chúa là một tâm tình thái độ phải có đối với Đấng Sáng Tạo vũ trụ đã hằng thi ân cho con người.

Nhân dịp mừng lễ Tạ Ơn, chúng ta có dịp để xét lại tâm tình, thái độ biết ơn tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn đời và tạ ơn người.

Trước hết đối với Thiên Chúa,thánh Luca có thuật lại một câu chuyện như sau: “Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có 10 người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đàng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dười chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17:11-19).

Chín người được ơn chữa khỏi nhưng chỉ có một người trở lại tạ ơn Thiên Chúa. Lòng biết ơn, tạ ơn coi bộ ít ỏi! Thực tế cuộc sống của chúng ta cũng nói lên thực trạng đó. Ngày xưa dân Israen được Thiên Chúa dìu đắt, nâng đỡ bao bọc để đi về miền đất hứa, thế nhưng họ vẫn không thật lòng biết tạ ơn Thiên Chúa, ngược lại còn phản lại những gì Ngài đã làm cho họ.

Phải tạ ơn Thiên Chúa, vì trong cuộc sống, chúng ta đón nhận không biết bao ân huệ của Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại không nhận ra hay không muốn nhận ra những ân huệ ấy khi chúng ta tự xem những thành quả của công việc mình làm là do tài sức của mình. Có khi chúng ta nghĩ những gì Thiên Chúa làm cho con người là việc Ngài phải làm. Như thế là vô ơn!

Phải biết ơn người, biết ơn đời, vì trong cuộc sống của chúng ta hôm nay là kết quả của bao nhiêu người đã hy sinh, đóng góp làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta chịu ơn biết bao nhiêu người từ tổ tiên ông bà cha mẹ, bạn bè, người thân, những nhà khoa học, văn nghệ sĩ…đến những người vô danh đã tô đẹp cho cuộc sống hôm nay.

Lễ Tạ Ơn đối với chúng ta, những người Việt tị nạn trên đất nước Hoa Kỳ, là dịp để chúng ta nhìn lại cuộc hành trình gian khổ để đi tìm tự do, để tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta có được cuộc sống hôm nay, để tạ ơn đất nước Mỹ và người Mỹ đã cưu mang chúng ta.

Mừng lễ Tạ Ơn mà chỉ nghĩ đến du lịch, tiệc tùng, đi mua sắm, xem football mà không sốt sắng tham dự Thánh lễ Tạ Ơn để tạ ơn Trời, tạ ơn người, tạ ơn đời là một thiếu sót rất lớn vậy!

Lm Trịnh Ngọc Danh

 

**************************************

Có những lúc trong đời ta quên lãng

Những phước lành mà Chúa đã ban cho

Mãi bon chen, mãi vất vả âu lo

Chuyện cơm áo, chuyện hơn thua cuộc sống

 

Ta chưa hiểu, tạ ơn là hy vọng

Là giục lòng, là tiếng nói đức tin

Là lời ca, rung động cõi tâm linh

Là tiếng hát, là vần thơ chúc tụng

 

Thơ Đa-vit, tạ ơn trong biến động,

Giữa muôn ngàn thử thách đang bủa vây

Vẫn hoan ca, cảm tạ Chúa đêm ngày 

Lòng tin quyết, đem thành công đắc thắng

 

Chúa Giê-su, trong đêm dự tiệc thánh

Ngài dâng lời cảm tạ biết ơn Cha

Bánh vỡ ra, như thịt máu chan hoà

Thành mô thức, hiến dâng ơn cứu rỗi

 

Chúa cảm tạ, khi tang gia bối rối

Khi lệ buồn, Chúa khóc với Ma-ry

La-za-rô, sống lại, đã bước đi

Ban hy vọng, nguồn vui mừng khôn tả

 

Trong Đức tin, chúng ta cần cảm tạ

Về ơn lành, cứu rỗi Chúa đã ban

Về tình yêu, về chăm sóc, bảo toàn

Về an ủi, về bao che, dẫn dắt

 

Hãy tạ ơn, khi bình minh chim hót

Hãy tạ ơn, khi lá rụng hoàng hôn

Hãy tạ ơn, khi biển nổi sóng cồn

Khi hoa nở, trời thanh trong gió mát

 

Hãy cảm tạ, cùng trăng sao trời đất

Hát reo mừng, chúc tụng Đấng đại năng

Hãy hân hoan, ca ngợi Chúa vĩnh hằng

Được tôn thánh, hiển vinh ngàn muôn thuở.

 

Thanh Hữu

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …