Home / Chia Sẻ / LỄ ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG

LỄ ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG

LeDucMethamviengLịch sử cứu độ là lịch sử của những cuộc viếng thăm.  Đó là những cuộc viếng thăm giữa Thiên Chúa và dân Người.  Thật vậy, sau khi hoàn tất công trình tạo dựng, Thiên Chúa không bỏ rơi con người nhưng luôn viếng thăm để ban ơn và có khi để khiển trách, trừng phạt con người.  Khi Adong Evà phạm tội, Ngài viếng thăm để ra hình phạt đồng thời để hứa ban Đấng Cứu Độ (x. St 3,1-24).  Rồi, Ngài viếng thăm dân Ngài qua các ngôn sứ và các vị lãnh đạo dân Do Thái: Ngài viếng thăm và thi ân giáng phúc cho ông Ab-ra-ham và hứa sẽ làm cho dòng dõi ông nên đông đúc như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển (x. St 22,17); Ngài viếng thăm Mô-sê qua bụi gai bốc cháy để truyền lệnh cho ông giải thoát dân Is-ra-el ra khỏi đất Ai-cập (x. Xh 3, 1-12); Ngài ở với ngôn sứ Giê-rê-mi-a để cứu sống và giải thoát (x. Gr 15,20), và Ngài luôn đồng hành với các ngôn sứ để truyền cho họ nói Lời của Ngài cho dân chúng; Cuối cùng, chính Ngài đã viếng thăm nhân loại qua chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

Qua đoạn Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã viếng thăm gia đình ông Gia-ca-ri-a qua trung gian Đức Maria.  Cuộc viếng thăm này có hai chiều kích đặc biệt: chiều kích thứ nhất là chiều kích chia sẻ.  Mẹ Maria mang Chúa đến để chia sẻ với bà chị họ.  Nhờ đó, Thánh Gioan Tẩy Giả được khỏi Tội Nguyên Tổ ngay từ trong lòng Bà Ê-li-sa-bét.  Chính bà Ê-li-sa-bét đã vui mừng thốt lên rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?  Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.  Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 43-45).  Chiều kích thứ hai là chiếu kích phục vụ.  Tin mừng cho biết, Mẹ Maria “ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà” (Lc 1,56).  Khi Mẹ đến thăm thì bà Ê-li-sa-bét thì bà đã cưu mang Gioan được sáu tháng.  Mẹ ở lại đó ba tháng, tức là những tháng cuối cùng trước khi bà Ê-li-sa-bét hạ sinh.  Đây là những ngày tháng khó nhọc vất vả nhất của người phụ nữ mang thai.  Mẹ biết được như vậy, nên Mẹ đã tự nguyện ở lại đó để chăm sóc, phục vụ, giúp đỡ bà chị họ.  Điều đó thể hiện tinh thần thăm viếng mang chiều kích phục vụ của Mẹ.

Về phần Đức Giêsu, sau thời gian sống ẩn dật tại làng quê Na-za-rét, Ngài bắt đầu hành trình truyền giáo là bắt đầu những cuộc viếng thăm: Ngài đi khắp mọi nơi và gặp gỡ mọi người để biến đổi và chữa lành họ; Ngài viếng thăm ông Gia-kêu khi ông đang ngồi trên cây sung; Ngài viếng thăm ông Lê-vi tại bàn thu thuế; Ngài viếng thăm gia đình La-za-rô và cho ông đã chết Bốn ngày được sống lại; Ngài viếng thăm và chữa lành cho mẹ vợ của ông Phê-rô…  Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma qủi kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người (x. Cv 10, 36-38).  Tin mừng còn cho biết: Nhờ Ngài mà kẻ què đi được, kẻ điếc được nghe, kẻ mù được xem thấy, kẻ câm nói được, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo khó được nghe Tin mừng.  Chắc chắn Mẹ Maria cũng đồng hành với Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường truyền giáo để thăm viếng, an ủi tất cả mọi hạng người trong xã hội.  Đặc biệt, Mẹ có mặt tại tiệc cưới Cana để khẩn cầu Đức Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon giúp cho gia chủ trong lúc bế tắc.  Mẹ hiện diện dưới chân Thánh giá để lãnh nhận sứ mạng làm Mẹ loài người.  Sau khi về trời, Mẹ còn thăm viếng loài người bằng những lần hiện ra nơi này nơi khác như ở Lộc Đức, ở Fatima, ở Lavang…  Còn Đức Giêsu, sau khi Phục Sinh, Ngài còn hiện ra nhiều lần nhiều nơi để viếng thăm và cũng cố đức tin cho các Tông đồ và các Kitô hữu đầu tiên.  Có thể nói, những cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, của Đức Giêsu và của Đức Maria là mẫu mực cho các cuộc viếng thăm giữa con người với nhau qua mọi thời đại.  Đó là những cuộc viếng thăm đem lại niềm vui, tình thương và ơn cứu độ.

Các Tông đồ lãnh nhận sứ mạng Đức Giêsu trao phó, tiếp tục ra đi đến với muôn dân.  Sách Công vụ Tông đồ kể lại các sinh hoạt của Giáo hội sơ khai cho chúng ta thấy điều đó.  Các Ngài ra đi khắp mọi nơi để thăm viếng, rao giảng và làm chứng cho Đức Giêsu đã chết và sống lại.  Riêng Thánh Phaolô, sau khi trở lại, Ngài đã thực hiện nhiều cuộc hành trình truyền giáo đến với dân ngoại.  Nhờ đó, nhiều cộng đoàn Kitô hữu được thiết lập.  Từ đó tới nay, Giáo hội không ngừng ra đi để thăm viếng muôn dân: Đó chính là sự “ra đi” của các nhà truyền giáo, các giám mục, linh mục, tu sỹ và giáo dân.  Đặc biệt, từ thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho tới nay, các Đức Giáo Hoàng thường thực hiện những cuộc thăm viếng mang tính quốc tế: Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã có 129 cuộc viếng thăm ngoài thành Rôma.  Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến viếng thăm một ngôi đền Hồi giáo ở Syria; viếng thăm vùng Thánh Địa Giêrusalem…  Các cuộc viếng thăm của Ngài ảnh hưởng đến việc hòa giải các dân tộc và tôn giáo.  Đức Giáo hoàng Benedictô XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục ra đi.  Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường quan tâm đặc biệt đến các vùng ngoại vi.  Ngài đã đến với những người tị nạn tại đảo Lampedusa, trại tù Casal del Marmo…  Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy “ra đi” để đem Tin mừng đến với với những người bần cùng nhất, những người sầu khổ, những người còn trong bóng tối tội lỗi.  Chính vì thế, các cuộc viếng thăm của Ngài không những đem lại sự hòa hợp các dân tộc mà còn đem lại niềm vui và sự an ủi cho những người thấp cổ bé miệng trong xã hội.

Viếng thăm cũng là bổn phận của mỗi người chúng ta hôm nay: Viếng thăm để thực hiện bổn phận truyền giáo; Viếng thăm để thực hiện bổn phận liên đới giữa chúng ta với các mối tương quan như ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn hữu.  Chúng ta hãy bắt chước gương viếng thăm của Thiên Chúa, của Đức Giêsu và Đức Maria.  Hãy có những cuộc viếng thăm tha nhân một cách vô vị lợi.  Hãy viếng thăm tha nhân khi vui cũng như lúc buồn như lời Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).  Hãy viếng thăm tha nhân trong sự thành thật không giả hình, viếng thăm trong tình yêu thương huynh đệ: “Đức ái không được giả hình: Hãy chê ghét điều ác và trìu mến điều lành.  Hãy thương yêu nhau trong tình bác ái huynh đệ.  Hãy nhân nhượng tôn kính nhau” (Rm 12, 9-11); “Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà” (Rm 12, 13).  Đặc biệt, chúng ta hãy siêng năng viếng thăm những người nghèo đói, bệnh tật, cô thế cô thân, những kè tù đày… để đem niềm vui và hạnh phúc đến cho họ.  Vì khi chúng ta thăm viếng họ là chúng ta đang thăm viếng Chúa.  Tin mừng theo Thánh Mathêu, chương 25, Đức Giêsu đã đồng hóa Ngài với những kẻ bé mọn: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”  Ngài nói thêm: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”

Ước mong rằng, ngày lễ Mẹ Thăm Viếng hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta luôn biết ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, đem niềm vui có Chúa và tinh thần phục vụ cho họ như gương mẫu của Đức Maria. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …