Home / Chia Sẻ / LỄ ĐÊM

LỄ ĐÊM

Theo truyền thống từ rất lâu đời, lễ Giáng sinh được cử hành vào nửa đêm.  Việc cử hành lễ Giáng sinh vào lúc nửa đêm không nhằm diễn tả ý nghĩa lịch sử cho bằng ý nghĩa thiêng liêng.LeDem

Trong quan niệm thông thường, đêm là thời điểm chuyển giao giữa một ngày cũ và một ngày mới.  Đó là lúc ngày cũ qua đi và nhường chỗ cho một ngày mới bắt đầu.

Đêm cũng là thời điểm hoạt động của những hành vi ám muội, của phường trộm cắp hoặc những người làm điều xấu xa.  Vì vậy, đêm đen là tượng trưng cho tội lỗi hay một lối sống lầm lạc.

Đêm còn là hình bóng của sự chết, vì trong bóng đêm, người ta không nhìn thấy ánh sáng, như sống trong một nấm mồ.

Vì thế, lễ Giáng sinh được cử hành vào nửa đêm mang ý nghĩa thiêng liêng:

Như nửa đêm là thời điểm chuyển giao giữa một ngày cũ vừa kết thúc với một ngày mới vừa khởi đầu, Chúa Giêsu đến khai mở một kỷ nguyên mới.  Cuộc giáng sinh của Người đánh dấu một giai đoạn mới của lịch sử nhân loại và lịch sử cứu độ.  Vì vậy, những gì xảy ra trước Chúa Giáng sinh, chúng ta gọi là trước Công nguyên, và những gì xảy ra sau ngày Chúa Giáng sinh, chúng ta gọi là sau Công nguyên.  Tại một số quốc gia, nhất là Châu Âu và Châu Mỹ, người ta còn nói rõ: sự kiện xảy ra trước Chúa Giêsu hay sau Chúa Giêsu (sinh ra).

Sứ mạng của Chúa Giêsu là loan báo Nước Trời.  Đó là vương quốc của công chính, yêu thương và an bình.  Giáo huấn của Người nhằm đẩy lui ảnh hưởng của tội lỗi, mời gọi con người trở về với Chúa, sống trong sự thánh thiện và trong tình yêu thương đồng loại.

Nếu đêm dài là tượng trưng cho sự chết, thì Chúa Giêsu đến trần gian để giải phóng con người khỏi sự chết.  Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã làm cho người chết sống lại.  Chính Người đã sống lại vinh quang, chiến thắng thần chết, chiến thắng tối tăm.  Đức Giêsu Phục sinh là niềm hy vọng của nhân loại.  Qua đó, Chúa khẳng định với chúng ta, nấm mồ không phải là điểm dừng vĩnh viễn của thân phận người, vì con người được tạo dựng để sống và hưởng tôn nhan Thiên Chúa.

Chúng ta hãy trở về với Lời Chúa của Thánh lễ đêm nay.  Ngôn sứ Isaia (sống ở thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên) đã diễn tả nhân loại đang bước đi trong u tối, đã thấy một ánh sáng bừng lên.  Bóng tối tượng trưng cho sự chết.  Ánh sáng bừng lên đem lại cho con người sự sống, hạnh phúc và niềm vui.  Vị ngôn sứ cũng diễn tả ngày Chúa đến là ngày chiến thắng đối với những ai trung thành và khiêm nhu.  Những kẻ kiêu ngạo sẽ bị diệt trừ.  Trẻ thơ sinh ra sẽ là một vị Cố vấn kỳ diệu và là Hoàng tử bình an.

Ánh sáng đã đến để chiếu soi thế gian.  Ánh sáng ấy khởi đi từ đồng quê Belem, trong một khung cảnh đơn sơ khiêm nhường.  Tác giả Luca đã kể lại việc Chúa Giêsu giáng sinh: Giuse và Maria là Cha và Mẹ của Hài Nhi, vì không tìm được quán trọ, nên phải tạm trú trong một chiếc hang đá giữa đêm đông giá lạnh.  Vị Thiên tử đã sinh ra trong cảnh nghèo nàn, như một thông điệp gửi đến cho nhân loại: Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận trở nên một người nghèo giữa mọi người nghèo, để nâng đỡ và giúp họ bước đi, vượt qua những chông gai của cuộc sống.

Hài Nhi Giêsu sinh ra là niềm vui cho cả nhân loại.  Đó là lời Sứ thần loan báo với các mục đồng tại Belem. “Này đây tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho cả thế giới: Đấng Cứu độ đã sinh ra trong thành của vua Đavít.  Người là Đức Kitô, là Đức Chúa.”  Hôm nay, Giáo Hội cũng loan báo cho cả thế giới tin mừng trọng đại này, đồng thời khẳng định: Thiên Chúa yêu thương con người.  Ngài muốn cho con người được hạnh phúc, bình an và được cứu rỗi.

Chúa Giêsu là Hoàng tử của hòa bình.  Người đến trần gian để mời gọi con người hãy sống trong hòa bình với Thiên Chúa Cha, là Thượng Đế và là Tạo Hóa.  Người cũng thiết lập vương quốc hòa bình và mời gọi mọi người cùng chung tay xây dựng hòa bình dưới thế.  Người chúc phúc cho những ai sống hòa bình và nhiệt thành nối kết bình an thân thiện, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.  Thông điệp mà ngày lễ Giáng sinh muốn gửi đến cho chúng ta, đó chính là thông điệp của hòa bình.  Hòa bình là niềm khát khao của con người mọi thời đại.  Hòa bình là lý tưởng phấn đấu của mỗi chúng ta.  Tuy vậy, hòa bình phải được khởi đi từ tâm hồn và đời sống cá nhân mỗi người.  Trong bài đọc II của Thánh lễ Đêm, thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy can đảm từ bỏ đời sống vô luân và những đam mê trần tục để xứng đáng đón nhận Chúa Giêsu đến trong đời.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm

Lễ Giáng sinh là lời mời gọi mọi người hãy cùng nắm tay nhau xây dựng hòa bình, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, văn hóa.  Cũng như trái tim, hòa bình không mang một sắc màu riêng biệt cho từng quốc gia hay một ý thức hệ chính trị nào, nhưng bao gồm mọi gương mặt, mọi cuộc đời, với mục đích đem lại hạnh phúc cho mọi người.

Hãy sống với trái tim tốt lành để gặp Chúa Giêsu, Hoàng tử hòa bình, để đón nhận những lời khuyên, để sống tha thứ, bao dung, chân thành, quảng đại, trung thực, thân thiện và yêu thương.  Một khi đạt được tâm hồn hòa bình, chúng ta sẽ sống thân thiện với tha nhân và thân thiện với môi trường xã hội. 

Nguyện xin sự bình an từ Hang đá Máng cỏ tuôn chảy đến mọi nẻo đường của cuộc sống, để những mơ ước của chúng ta được thực hiện.  Xin Chúa Giêsu là Vua hoà bình chúc lành cho chúng ta.  Amen.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …