Tham nhũng là một dạng tham ô, hối lộ, biển thủ. Tại sao có tình trạng tham nhũng? Bởi vì người ta tiêu xài lãng phí. Tại sao lãng phí? Bởi vì háo danh, hám lợi, tham quyền, cố vị,…
Ngày xưa người ta nói: “Miệng quan có gang có thép”. Ngày nay người ta nói: “Miệng quan không chỉ có gang có thép, mà còn có cả nhà đẹp xe sang”. Thời xưa “tham thì thâm”, thời nay “tham thì thích”.
Tiền nhân dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Ngày nay, những “tai to, mặt lớn” làm sai rồi đổ lỗi cho dân, “vô tư” rút kinh nghiệm, rồi thản nhiên biện hộ là “đúng quy trình”, đặc biệt là phát biểu câu nào cũng không lọt tai, lộ rõ năng quá yếu kém!
LÃNG PHÍ
Hệ lụy tất yếu của tệ nạn tham nhũng là do lãng phí, nhưng lãng phí là gì? Có thể nói ngắn gọn: Lãng phí là dùng cái gì đó (đặc biệt là tiền bạc) vào các hoạt động vô ích, gây thất thoát ngân sách, gây tổn hại công quỹ. Tn, không chỉ có lãng phí tiền bạc mà có đa dạng lãng phí. Chẳng hạn:
– LÃNG PHÍ SỨC KHỎE: Đó là khi người ta có lối sống không lành mạnh, thiếu cân bằng – ăn uống vô độ, thức khuya, lười vận động,…
– LÃNG PHÍ HOẠT ĐỘNG: Đó là lãng phí “vô hình”, ẩn náu trong các hoạt động thường nhật của mỗi cá nhân do xử lý công việc không hợp lý, làm việc gì đó mà có những động tác thừa hoặc những động tác thiếu.
– LÃNG PHÍ DI ĐỘNG: Đó là cách sắp xếp không hợp lý, dẫn đến việc vận chuyển hoặc di chuyển không thực sự cần thiết.
– LÃNG PHÍ THỜI GIAN: Đó là khi người ta phải chờ đợi hay trì hoãn một cách vô ích, chẳng hạn các dự án “treo”, ăn không ngồi rồi, không biết làm gì hoặc lười biếng lao động.
– LÃNG PHÍ SẢN XUẤT: Đó là tình trạng làm ra vật gì đó mà không tính toán tình trạng có tiêu thụ được hay không, gây tốn kém ngân sách mà vô ích.
– LÃNG PHÍ SẢN PHẨM: Đó là khi người ta mua các vật dụng mà không xài, sử dụng đồ đạc bừa bãi mà không bảo quản,…
– LÃNG PHÍ LÃNH ĐẠO: Đó là cách dùng người không đúng chức năng, không đúng trình độ, hoặc dùng người thiếu năng lực, nể nang vì “vai vế”, chỉ vì “thân quen” mà đề cử, không chiêu hiền đãi sĩ, trù dập nhân tài,… do đó dẫn đến lãng phí tài năng, lãng phí chất xám.
Lãng phí kiểu nào cũng là lãng phí công sức và tiền bạc. Lãng phí là động thái không biết “liệu cơm gắp mắm” hoặc do ảo tưởng mà “bóc ngắn, cắn dài”, và chắc chắn đó là phong cách… chảnh. Thời nay không thiếu những loại lãng phí như vậy!
Cuộc sống đầy những ví dụ. Chẳng hạn: Tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, người ta đã có lần được dịp xôn xao về một “siêu đám cưới” với tổng chi phí là 50 tỷ đồng. Đám cưới này có nhiều “siêu xe” tham gia rước dâu nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, có số khách lên tới 10.000 người, và mỗi bàn tiệc giá 6 triệu đồng.
Chú rể là “thiếu gia” Nguyễn Huy Hoàng (sn 1987), con trai nữ đại gia buôn bán xuyên quốc gia Nguyễn Thị Liễu. Chú rể rước dâu bằng chiếc Ferrari California màu đỏ trị giá khoảng 210.000 USD (hơn 4 tỷ đồng). Ngoài ra còn có 97 chiếc “siêu xe” khác như Mercedes S500, Mercedes GLK, Mercedes C250 CGI, Porsche Cayenne, Ferrari, Rolls Royce Phantom, Benley, Audi A5 Sportback, Lexus, BMW,… Hành trình rước dâu từ Hà Nội về thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn), thu hút sự chú ý của nhiều người, khiến quốc lộ 8A bị ách tắc nhiều đoạn.
Không chỉ vậy, họ còn “mời” các ca sĩ và MC chuyên nghiệp về cho nổi đình nổi đám. Chi phí cho “món” văn nghệ lên tới trên 200.000 USD, chi phí cho khoản rượu bia là hơn 3 tỷ. “Đặc biệt” nhất là đôi uyên ương đeo đồ trang sức tổng cộng tới 60 lượng vàng. Mẹ chú rể “hãnh diện” nói rằng “toàn bộ số tiền mừng dành làm từ thiện” (sic!). Có thật là làm từ thiện hay chỉ “nổ” để có tiếng vang?
Cô dâu là Lê Thu Loan (sn 1992), con thứ hai trong gia đình đại gia ở phố Phó Đức Chính, Q. Ba Đình, Hà Nội. Gia đình cô dâu là đối tác làm ăn của mẹ chú rể. Cả cô dâu và chú rể năm đó đang du học tại Singapore. Gia đình đã tậu một căn nhà trên phố Nguyễn Du (Hà Nội) trị giá vài chục tỷ đồng để “tặng” cho đôi trẻ.
Cách lãng phí này liên quan nhiều loại lãng phí khác. Cách lãng phí nào cũng là do ích kỷ và kiêu kỳ! Việt ngữ có từ “trọc phú”, Anh ngữ gọi là “money-bags”, nghĩa là “người giàu ngông” – theo kiểu hoang phí và xa xỉ. Xã hội còn rất nhiều người nghèo khổ, rất cần những người hảo tâm thế mà vẫn có những người lãng phí thì thật… “lạ lùng” quá. Không cho người nghèo những gì họ cần, đó cũng là một dạng ăn cắp, bóc lột, và bất nhân!
Những người làm ăn chân chính mà trở nên giàu có, họ vẫn tiết kiệm và chi tiêu rất hợp lý, không thích “chơi nổi”, ngại xuất hiện, không muốn “bị” chú ý. Xã hội luôn có hai thái cực, thường thì không quá cách xa nhau, không đến nỗi “người trên trời” và “kẻ dưới đất”, nhưng thực tế cho thấy khác hẳn. Khoảng cách giàu – nghèo tưởng chừng thăm thẳm và xa lắc xa lơ, người ta nhìn nhau bằng các tia ánh mắt sắc bén như dao mổ!
Một vùng quê mà lại có đại gia “vung tiền” hơn cả Công tử Bạc Liêu, lãng phí quá mức, trong khi còn biết bao người “lần không ra” vài chục ngàn đồng để sống lay lắt cho qua ngày đoạn tháng. Sự phân cách đó quá lớn! Lãng phí cũng đồng nghĩa với thiếu công bằng xã hội. Thiếu công bằng xã hội thì không thể có tự do, không có tự do thì làm sao có hòa bình đích thực? Công lý và hòa bình luôn có mối quan hệ mật thiết hầu như bất khả phân ly!
Trình thuật Lc 15:11-32 kể dụ ngôn về người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng. Đứa con này vì ích kỷ mà hư hỏng, phung phí không chỉ tiền bạc mà còn phung phí cả chính cuộc đời mình. Đó là cách lãng phí nguy hiểm, không chỉ đối với bản thân mà còn đối với cả gia đình, xã hội, đất nước và Giáo hội.
Thánh Giacôbê đặt vấn đề: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết nhau; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để LÃNG PHÍ trong việc hưởng lạc” (Gc 4:1-3).
Dù lãng phí thứ gì, cả vật chất và tinh thần, đều là ích kỷ. Không phải do mình làm ra nên không biết tiết kiệm, sẵn sàng lãng phí. Còn Thánh Phaolô nói thẳng: “Ai KHÔNG chịu làm thì cũng ĐỪNG ăn!” (2 Tx 3:10).
THAM NHŨNG
Theo TI (Transparency International – Tổ chức Minh bạch Quốc tế), tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, gây khó khăn, nhũng nhiễu và lấy của cải của nhân dân. Tương tự, tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Tham nhũng và tham ô là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế – xã hội lỏng lẻo, yếu kém, tạo ra nhiều “khe hở” cho các động thái tiêu cực, tệ nạn tham nhũng và các tệ nạn khác có điều kiện phát triển, từ đó mà một phần quyền lực chính trị bị biến thành quyền lực kinh tế.
Tham nhũng và tham ô là “ăn cướp công khai” và luôn “đúng quy trình”, làm chậm sự phát triển kinh tế – xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước, đến một mức độ nhất định thì tình trạng đó gây mất ổn định cả chính trị, kinh tế, và xã hội.
Trong cuốn “Tools to Support Transparency in Local Governance” (Công cụ Hỗ trợ cho Tính minh bạch trong Công tác Cai trị ở Địa phương), các tác giả xác định quy luật hoạt động của sự tham nhũng trong thực tế công quyền theo công thức: Corruption = Monopoly + Discretion – Accountability. Tạm dịch thế này: Tham nhũng = Độc quyền + Bưng bít Thông tin – Trách nhiệm Giải trình.
Theo đó, người ta có thể dễ dàng nhận dạng tham nhũng qua các biểu hiện của nó: thừa sự độc quyền, thừa tình trạng bưng bít thông tin, thiếu trách nhiệm giải trình.
- Stephan đưa ra một công thức khác khả dĩ nhận dạng tình trạng tham nhũng: Corruption = Monopoly + Discretion – Transparency – Morality. Tạm dịch thế này: Tham nhũng = Độc quyền + Bưng bít Thông tin – Tính minh bạch – Đạo đức Luân lý.
Theo nguyên tắc đó, tệ nạn tham nhũng dựa trên 4 yếu tố cụ thể:
– Độc quyền: Đó là một hệ thống (thường là chính quyền) sở hữu phần lớn hoặc toàn bộ tài sản, và chi phối thị trường mà không thông qua quy luật thị trường.
– Bưng bít thông tin: Đó là tình trạng nắm quyền chi phối thông tin, thậm chí định hướng và lừa dối dư luận.
– Tính minh bạch: Đó là sự thẳng thắn, rạch ròi trong chính sách hành chính, các chi phí công và minh bạch trong việc đấu thầu dự án công.
– Đạo đức luân lý: Đó là năng lực đạo đức luân lý của người tham gia hệ thống, năng lực này giúp nhận biết điều gì đúng – sai, đồng thời có khả năng làm điều đúng và tránh điều sai.
Người ta đưa ra công thức chống tham nhũng thế này:
Công cụ chống tham nhũng = Minh bạch khiếu nại của dân chúng + Minh bạch ngân sách, tài chính + Minh bạch mua sắm.
Công cụ nhận dạng tham nhũng cho thấy bản chất của tình trạng tham nhũng, mà con người là yếu tố quan trọng khi tham gia. Nhiều quốc gia họp tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) về chống tham nhũng đều thống nhất cho rằng sự minh bạch là biện pháp chống tham nhũng hữu hiệu nhất.
Ngày 13-10-2005, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã lập danh sách các chính trị gia tham nhũng nhất trong những thập niên 1990. Đứng đầu “danh sách đen” là cựu Tổng thống Mobutu Sese Seko (Cộng hoà Dân chủ Congo) biển thủ 5-8 tỷ USD, tiếp theo là cựu Tổng thống Shuharto (Indonesia) có tài sản gần bằng một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia, tiếp đến là cựu Tổng thống Ferdinand Marcos (Philippines) biển thủ 100 tỷ USD (theo báo cáo của Ủy ban Trong sạch Phủ Tổng Thống Philippines), cựu Tổng thống Alberto Fujimori (Peru) biển thủ hàng trăm triệu USD. Và còn nữa, còn nữa…
Hiến chương LHQ về tham nhũng có hiệu lực từ tháng 12-2005, tạo ra một khuôn khổ pháp lý quốc tế trong việc chống tham nhũng, thu hồi lại những khoản tiền bị tham nhũng, thúc đẩy ngân hàng và các tổ chức tài chính có những hành động chống rửa tiền, cho phép các quốc gia thanh tra các công ty nước ngoài và cá nhân có dính líu tới tham nhũng tại đất nước mình.
Loại bỏ tham nhũng, ngăn chặn tham ô và thực hiện cải cách việc nhận tiền tài trợ là những điều quan trọng để các khoản tài trợ hiệu quả hơn, và để mục tiêu phát triển kinh tế của thế giới được thành công. Ông David Nussbaum, giám đốc điều hành TI, nói: “Tham nhũng và tham ô không là thảm hoạ tự nhiên, mà là những khoản ăn cắp cơ hội được tính toán từ những kẻ tham lam. Các nhà lãnh đạo phải cải thiện cách làm việc sao cho thông thoáng và đáng tin cậy hơn, thay vì chỉ hứa suông”. Tham nhũng càng ngày càng tinh vi hơn nhiều. Ma quỷ luôn khôn ngoan hơn con cái sự sáng, đúng như Chúa Giêsu đã xác định!
Hàng năm, ngày Quốc tế Phòng chống Tham nhũng là ngày 09 tháng 12. Phong trào vẫn chỉ là phong trào, chiến dịch cứ hô hào mạnh mẽ rồi đâu lại vào đấy, tình trạng này thấy rất rõ ở Việt Nam. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã “mỉa mai” nói rằng “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” nhưng chỉ “để gió cuốn đi” mà thôi! Than ôi, lẽ nào lại như vậy ư?
Muốn tránh tham nhũng, tự bản thân người đó phải thực sự can đảm và dứt khoát, can đảm để có thể chịu thua người khác, và phải dứt khoát để giữ lương tâm trong sạch. Thánh Giacôbê phân định: “Yêu thế gian là ghét Thiên Chúa. Ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa” (Gc 4:4).
Thánh Phaolô đề cập 3 điều cần lưu ý:[1] TÂM HỒN trong sạch,[2] LƯƠNG TÂM ngay thẳng, và [3] ĐỨC TIN không giả hình (1 Tm 1:5). Được như vậy thì người ta sẽ sống thanh thản.
Trong thực tế đời thường, có một tấm gương sáng là ông Mark Rutte, thủ tướng Hà Lan. Hàng ngày ông đạp xe đạp đi làm, kể cả khi tới gặp TT Obama khi còn đương nhiệm. Ông Mark không dùng xe công và không có bảo vệ, nhưng ông vẫn an tâm và thanh thản, bởi vì ông sống trong sạch, minh bạch với nhân dân và với chính mình. Mặc dù không hề được tiền hô hậu ủng, nhưng ông Mark vẫn thực sự vĩ đại và được rất nhiều người kính phục.