Ngắm Bức Tranh Lớn
Sẵn lòng lắng nghe Thiên Chúa và chú ý vào Người trong cầu nguyện có nghĩa là chúng ta cảm nghiệm hơn sự bình an và niềm vui, không chỉ trong khi chúng ta đang cầu nguyện, nhưng đặc biệt khi những lời cầu nguyện của chúng ta liên kết cách sâu sắc hơn với phần còn lại của cuộc sống chúng ta.
Việc xét mình cách thường xuyên giúp chúng ta ngày càng nhận thức hơn về nhu cầu thống hối tội lỗi của mình – những tội lỗi mà chúng ta thậm chí có thể không chú ý trước khi chúng ta ngước nhìn lên Chúa Giêsu Kitô như mẫu gương và mục đích của chúng ta – và hoa trái của việc thực hành này cũng sẽ mang lại bình an và niềm vui cho chúng ta.
Tuy nhiên, việc gia tăng sự bình an và niềm vui và thậm chí, chúng ta dám nói điều đó, sự thánh thiện không có nghĩa là chúng ta sống trên mây, không phải chịu ảnh hưởng bởi sự đau đớn, thất bại và thất vọng. Chúng ta cần tỉnh táo để nghe Thiên Chúa nói, không chỉ trong những sự cao cả của sự bình an tôn giáo và sự thành công bên ngoài, nhưng còn trong cả những cuộc chiến đấu và các vấn đề của cuộc sống.
Câu chuyện về Giuse (x. St 37,39-50), một trong những tường thuật dài nhất trong Cựu ước, cho thấy cách Thiên Chúa đã dùng con người này để cứu toàn thể gia đình của ông – tuy điều này xảy ra chỉ qua một chuỗi những biến cố đau khổ. Trước hết, Giuse rõ ràng được Thiên Chúa và cha cậu là Giacóp yêu thương, ưu ái. Những quần áo đặc biệt từ cha cậu cùng với những giấc mơ đặc biệt từ Thiên Chúa, những giấc mơ cho biết rằng Giuse một ngày kia sẽ cai trị trên các anh cậu. Thay vì chấp nhận những giấc mơ này như ý của Thiên Chúa, các anh lại bán Giuse làm nô lệ, một bước nhỏ trong kế hoạch ban đầu để giết ông. Là một nô lệ ở Ai Cập, Giuse hoàn toàn tiến xa trong gia đình của Potipha – dường như rất tốt. Vợ của Potipha cố dụ dỗ Giuse nhưng thất bại vì ông là người quá nhân đức, không nỡ phạm tội chống lại chủ mình. Nhân đức này đã được báo đáp bởi những lời cáo buộc hiếp dâm của người đàn bà này, sau đó Giusu bị bỏ tù. Trong khi ở tù, Giuse đã giải thích cách chính xác những giấc mơ của hai viên chức hoàng gia, người nướng bánh chính và hầu rượu của Pharaô. Một thời điểm đáng kể sau đó, người hầu rượu của hoàng gia đã giới thiệu Giuse với Pharaô, vua bị phiền toái ghê gớm bởi hai giấc mơ của chính mình. Lời giải thích của Giuse về bảy năm mùa màng bội thu được theo sau bởi bảy năm đói kém nghiêm trọng đã xảy ra đúng như thế, do vậy ông được chỉ định làm Đại Tể Tướng Ai Cập, vị trí thứ hai chỉ sau Pharaô. Trong suốt bảy năm đói kém, các anh của Giuse đến với ông để tìm kiếm lương thực, họ cúi lạy ông như trong những giấc mơ thời thơ ấu của ông. Họ không nhận ra ông, nhưng cuối cùng ông đã tiết lộ chính mình, được hòa giải và gặp lại cha mình, là Giacóp.
Không có gì trong những điều này đã xảy ra nếu các anh em Giuse không bán ông làm nô lệ. Sẽ không có việc Giuse lên nắm quyền nếu ông đã không bị cáo buộc cách sai trái về tội hiếp dâm và bị bỏ tù cùng với các viên chức hoàng gia. Nếu không bị bỏ tù, Giuse sẽ không ở vào vị trí phân phát lương thực trong bảy năm đói kém và cứu chính gia đình ông cũng như những người Ai Cập. Giuse cuối cùng đã nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa, như ông công bố với các anh em của mình trong Sách Sáng Thế chương 45,5-8.
“Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em. Thật vậy, đây là năm thứ hai có nạn đói trong xứ, và sẽ còn năm năm nữa không cày không gặt. Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em, để giữ cho anh em một số người sống sót trong xứ, và để cứu sống anh em, nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại. Vậy không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa. Người đã đặt tôi làm cha của Pharaô, làm chúa tất cả triều đình, và làm tể tướng trên khắp cõi Aicập” (St 45,5-8).
Một Kế Hoạch Lớn Hơn
Thật tốt khi chúng ta đọc toàn bộ câu chuyện trong Sách Sáng Thế bởi vì nó được viết rất hay. Các bản văn thực sự chỉ ra những chi tiết quan trọng và tuyệt vời mà bản tóm tắt của chúng tôi nhất thiết bỏ qua. Mỗi chúng ta có thể lắng nghe câu chuyện của Giuse và học cách nhận ra Thiên Chúa đang hành động qua những hoàn cảnh khó khăn và những giai đoạn trong cuộc sống của chúng ta, hãy biết rằng một kế hoạch lớn hơn nhiều có thể đang mở ra – lớn hơn chúng ta có thể tưởng tượng ngay giây phút này.
Cầu nguyện trong những hoàn cảnh khó khăn không phải lúc nào cũng cất đi sự đau đớn hay giải quyết tình huống. Chẳng hạn, cầu nguyện không có nghĩa là bạn hoặc những người thân yêu của bạn sẽ không bao giờ mắc bệnh.
Tôi chưa bao giờ thấy ích lợi khi hỏi “Tại sao là tôi? Tại sao điều này đã xảy ra với tôi?” Nó đặc biệt vô ích khi câu hỏi là một cách khoa trương để nói với Chúa: “Ngài không bao giờ nên để cho con phải đau khổ. Lạy Chúa, có chuyện gì xảy ra với Ngài vậy?” Nếu tôi hỏi tại sao một vấn đề xảy ra cho tôi, thật tốt hơn để hỏi điều đó trong cách cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì trong tình huống này? Sứ mạng Chúa dành cho con bây giờ là gì? Có người nào đó, có lẽ là một bác sĩ, một y tá hoặc một bệnh nhân, người mà Chúa muốn con nói chuyện với? Phải chăng Chúa muốn dùng hoàn cảnh này để giúp con giới thiệu ai đó khác cho Chúa? Ý của Chúa trong tình huống này là gì?”
Đối với những người cầu nguyện, dường như là một thất bại của đức tin khi họ trải nghiệm sự đau đớn, những vấn đề và sự đau khổ trong cuộc sống, bởi vì họ mong đợi Thiên Chúa ngăn cản những vấn đề như thế cho những người mà Người yêu thương. Tuy nhiên, Chúa cho phép những điều như thế xảy ra cho những kẻ Người yêu thương, từ Người Con của mình là Đức Giêsu Kitô đến kẻ tội lỗi nhất trong chúng ta. Nhưng khi chúng ta nhận ra những điều tốt đẹp đã được thực hiện trong những tình huống khó khăn này, chúng ta sẽ tốt hơn để lắng nghe Thiên Chúa khi ở giữa những hoàn cảnh ấy.
Đây là bài viết đã được trích ra từ cuốn sách có tên là Làm Cách Nào để Lắng Nghe khi Thiên Chúa Nói, tác giả là Cha Mitch Pacwa (The Word Among Us Press, 2011), có thể truy cập tại www.wau.org/books.
Mitch Pacwa
chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Nguồn: WAU