Home / Chia Sẻ / LẮNG NGHE SỰ THINH LẶNG TRONG NHỮNG NGÀY GIÃN CÁCH

LẮNG NGHE SỰ THINH LẶNG TRONG NHỮNG NGÀY GIÃN CÁCH

LangnghesuthinhlangThưa thầy, làm sao con chứng nghiệm được rằng con với vạn vật là một?”  Minh Sư đáp: “Bằng cách lắng nghe.”

Và con phải lắng nghe như thế nào?

Con hãy lắng tai để nghe ngóng mỗi lời thì thầm của vũ trụ.  Khi con nghe thấy chính tiếng nói của con thì con hãy thôi nghe.”

Trò chuyện thiêng liêng:

 

Trước khi dịch bệnh, mọi lãnh vực đều đang phát triển, người người mơ về một thế giới tốt đẹp hơn. Ròng rã gần hai năm dịch bệnh, cả thế giới vỡ mộng.  Mọi thứ đảo lộn bởi một con virus cực nhỏ.  Có lẽ lúc này ai cũng có câu trả lời cho riêng mình là: con người có liên hệ cực kỳ mật thiết với nhau.  Nhìn vào đường truyền lây lan theo cấp số nhân từ người sang người, chúng ta nhận thấy con người có tương quan xã hội.  Nói cách khác, chúng ta cần đến nhau để chống lại con virus này.  Một cá nhân, gia đình, một đất nước cũng không thể chống dịch nhanh chóng, nhưng là cả thế giới.

Lúc đang giãn cách xã hội, chúng ta nghe lại câu chuyện trên đây của cha Anthony de Mello.  Đành rằng mỗi người là một cá thể độc lập và vô giá trước mặt Thiên Chúa, nhưng mỗi người không thể sống tách rời với vũ trụ.  Chúng ta cần không khí, cần thức ăn, nước uống và môi trường sống lành mạnh.  Vạn vật vũ trụ từ thuở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đặt trong đó sự hài hòa.  Tiếc là vì lý do nào đó, con người đã, đang làm tổn thương ngôi nhà chung của chúng ta.  Phải chăng đó cũng là lý do nảy sinh con virus Corona khủng khiếp này?  Chúng ta không cần truy tìm nguồn gốc của virus.  Thay vào đó, cùng lắng nghe điều gì đang diễn ra trong môi trường sống hiện nay.

Nhịp sống Sài Gòn (Hà Nội cũng thế) lúc này thay đổi hoàn toàn.  Đường xá vắng người, cửa đóng then cài, phố phường chỉ còn xe cứu thương ngược xuôi.  Bệnh viện mỗi lúc một đông người, khu cách ly cũng tăng, số người F0, F1 cũng lan rộng.  Thử tưởng tượng đứng trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn lúc này, tôi nghe được thứ âm thanh gì?  Ngước lên tượng Đức Mẹ Hòa Bình trước quảng trường, tôi có nghe được lời thì thầm của thành phố phồn vinh ngày nào?  Thử rảo bộ vài con đường phong tỏa, tôi thấy những gì?  Dừng lại bên công viên, còn đâu cảnh người người thể dục, buôn thúng bán bưng, người người xuôi ngược.  Thành phố Sài Gòn đang ngủ, một giấc ngủ trong đói khát, lo lắng và hồi hộp.

Đã có lúc người ta sợ thinh lặng.  Nhất là người trẻ, thinh lặng là chỗ chúng ta phải đối diện với chính mình, với vạn vật và với Thiên Chúa.  Những nhà tâm lý, giáo dục đã cảnh báo về một cuộc sống vội vàng, bạo phát, bạo tàn.  Vì Covid-19, người người phải thu mình vào khung cảnh gia đình.  Thiết tưởng đây là thời gian vàng để mỗi người thử lắng nghe lòng mình.  Chúa đang muốn nói gì với con trong lúc này?  Thử để lòng mình lắng xuống, một mình với Thiên Chúa, với bối cảnh trầm lắng hiện nay, chắc lúc đó: “Con nghe thấy chính tiếng nói của con.”

Theo truyền thống tu đức, lắng nghe thường là hoạt động của con tim, tâm hồn.  Khi đôi tai thanh thản với âm thanh vắng lặng ở bên ngoài, cũng là lúc âm thanh trong tâm hồn lên tiếng.  Đó là chỗ của Chúa Thánh Thần hoạt động.  Ước sao mỗi người quý trọng thời khắc thánh thiêng này với hai lý do:

  1. Về mặt tâm lý, chúng ta được thanh thản, thoải mái với tâm hồn bình an. Không để cho chuyện đời vây bủa.  Tạm gác lại những lo lắng cơm áo gạo tiền, tâm lý tự nhiên cảm thấy khoan khoái, thong dong và nhẹ nhàng.  Từ đó, thể lý cũng được dịp nghỉ ngơi và lấy lại sức.  An nhiên tự tại để tạo trạng thái tâm hồn tĩnh lặng và vô ưu; đóng bớt những thông tin gây hoang mang, buồn phiền, buông bỏ trước những lắng lo về tương lai.  Dĩ nhiên mình phải lo khi kinh tế đang xuống, gia đình bị khó khăn, nhưng bạn lo sầu thì chưa chắc giải quyết được gì hoặc cũng không làm cho người thân hết bệnh…  Ngược lại bạn cần bình tâm để thanh thản và tu dưỡng tâm thân, thư thái thay vì ám ảnh trước những cảnh rắc rối quanh mình.

  1. Về mặt thiêng liêng, chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa trong cầu nguyện. Nếu ngày thường không có nhiều giờ để tâm đến Chúa, thì ở nhà lúc này lại là cơ hội để nối kết lại với Chúa.  Có khi không cần nói với ai về ước mong gặp gỡ Chúa, nhưng sau khi thinh lặng với Chúa, bạn sẽ tương quan với người khác bằng rất nhiều tình yêu.  Lúc này, ngôi nhà của bạn sẽ có Chúa đồng hành, sẽ được nguồn an ủi thiêng liêng mà chỉ có Thiên Chúa ban tặng. (1) Xác định bậc thang giá trị trong đời / quay lại với những điều cốt yếu. (2) Khám phá ra những điều thú vị trong người khác, bản thân (hoạt động nghệ thuật, dành giờ cho những sở thích lành mạnh), cuộc sống… mà trước giờ mình bận rộn quá nên quên lãng hoặc chưa làm được.

Với hai hoa trái của thinh lặng trên đây, bạn và gia đình sẽ vượt qua lần giãn cách này với nhiều bình an.  Xin đừng sợ thinh lặng, vì trong gia đình, có lúc chuyện trò, vui chơi, ăn uống nghỉ ngơi, thì cũng cần khoảng lặng trong ngày sống.  Thinh lặng không phải là ngủ li bì, nhưng là tỉnh thức trong tĩnh lặng với mình và với Chúa.  Thiên Chúa của chúng ta “không bao giờ ngủ,” bởi “Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!” (Tv 121,4).  Nhờ đó cuộc sống mới quân bình, như lời Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta chia sẻ: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện, hoa trái của cầu nguyện là niềm tin, hoa trái của niềm tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ, hoa trái của phục vụ là bình an.”  Chúng ta cần bình an và sức khỏe lúc này.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Nguồn: dongten.net

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …