Home / Chia Sẻ / LẶNG

LẶNG

HThánh Phaolô nói: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9:21). Đó là “bản án muôn thuở” đối với con người, bởi vì con người đã phạm tội. Đó là sự thật và chắc chắn không ai thoát “ngưỡng tử”. Luôn phải tự nhủ: Memento mori – Hãy nhớ mình phải chết”. Khả năng tự biết tĩnh lặng để lắng đọng cõi lòng và để có thể nhận diện chính mình, khi tự biết mình yếu đuối thì có thể chân nhận Thiên Chúa toàn năng. Sống lặng để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa.

Tộc trưởng Aupumut (bộ lạc Mohican) nói: “Vào giây phút ra đi, đừng để trái tim mình ngập tràn nỗi sợ hãi, khóc than và cầu nguyện như thể được ban tặng một cuộc đời nữa để sống khác đi, hãy hát bài ca chào cái chết, và ra đi giống như một người hùng quay trở về cố hương”. Không ai thoát khỏi “lưỡi hái” của tử thần, nhưng đối diện với tử thần phải thực sự can đảm. Nhờ ơn Chúa thì chúng ta sẽ đủ can đảm, vì thế mà hãy bám chặt lấy Đức Mẹ và tha thiết van nài: “Xin cho con được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ, xin cầu bầu cho con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”.

Sinh ký, tử quy – sống gởi, thác về. Sinh là quan trọng, chết còn đáng quan tâm hơn: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Sống sao, chết vậy. Có những “ông to, bà lớn” mà cái chết không hề vĩ đại; nhưng có những con người “bé nhỏ” mà cái chết lại vĩ đại. Đám tang to lớn (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) cũng chỉ là “bức bình phong” dùng để “che mắt thế gian” mà thôi.

Như người ta thường nói: “Sống sao thì chết vậy”. Có nhiều cách chết, chẳng ai giống ai, nhưng “cách chết” muốn đề cập ở đây là chết lành hoặc chết dữ. Không ai muốn chết dữ, ai cũng muốn chết lành. Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta phải thay đổi chính mình để chết lành – tức là nên thánh: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

THAY ĐỔI CÁCH SỐNG

Thay đổi là một quá trình dài, và chắc chắn phải “đau” chứ chẳng “dễ chịu” đâu. Chúa Giêsu cũng khuyến cáo phải “từ bỏ chính mình” mới xứng đáng với Ngài.

Chuyện kể rằng… Có một con khỉ rất muốn trở thành người. Nó biết rằng muốn trở thành người thì phải chặt đứt cái đuôi của mình. Nó chấp nhận điều đó, quyết định dứt khoát chặt đứt một cơ phận của nó. Thế nhưng trước khi hành động, nó bị giằng co về ba điều:

  1. Khi chặt đứt đuôi, mình có bị đau đớn?
  2. Chặt đứt đuôi rồi, mình còn khả năng linh động?
  3. Lâu nay quen có chiếc đuôi, mình đành dứt bỏ sao?

Chỉ vì đắn đo như vậy mà khỉ vẫn không thể hóa thành người được! Và mỗi chúng ta cũng đã hoặc đang bị giằng co như con khỉ kia, chưa dám từ bỏ “cái tôi to đùng” của mình, thế nên chưa hoàn thiện theo Tôn Ý Thầy Giêsu mong muốn. Chúng ta cứ tự giằng co và đắn đo, cứ suy hơn tính thiệt mãi, để rồi quên lãng các chi tiết về sự thật bất biến này: [1] khi thay đổi phải chịu đau đớn, [2] khi thay đổi phải dám mạo hiểm, [3] khi thay đổi phải can đảm dứt khoát.

Khi muốn đạt tới thành công, người ta phải dám vứt bỏ điều gì đó, chấp nhận hy sinh một vài thứ khác. Nếu không thì chúng ta rất khó có thể đạt được điều gì đó tốt đẹp hơn. Khi hành động, điều quan trọng không phải là những thứ ngoại tại, mà là sự quyết tâm. Có chí thì nên. Có thể chúng ta có chí, nhưng có dám hành động hay không lại là chuyện khác.

CHUYỆN BA NGƯỜI BẠN

Có câu chuyện ngụ ngôn kể về một người kia có ba người bạn. Người bạn thứ nhất và thứ hai đều là bạn thân, còn người bạn thứ ba không thân lắm. Vào một ngày kia, bị toà xử án, anh ta liền xin ba người bạn đi theo để biện hộ cho mình. Người bạn thân thứ nhất từ chối ngay lập tức, viện cớ bận việc nên không đi được. Người bạn thân thứ hai bằng lòng đi đến cửa tòa án nhưng cũng xin rút lui, không chịu vào trong toà án để biện hộ cho anh.

Chỉ còn lại người bạn thứ ba. Tuy người bạn này không được anh ta quý mến, nhưng người bạn này lại tỏ ra hết sức quan tâm lo lắng cho anh ta, sẵn sàng vào tham dự phiên toà và làm nhân chứng biện hộ cho anh ta, làm cho anh ta không những được trắng án mà còn được ân thưởng nữa.

Ba người bạn đó là ai? Đó chính là TIỀN BẠC, THÂN NHÂN và THIỆN CỬ (tức là các việc lành, gọi là “Thiện Cử” để dễ nhớ với 3 chữ T).

Người bạn thân thứ nhất trong đời sống của chúng ta là TIỀN BẠC. Khi chúng ta chết, tiền bạc bỏ rơi chúng ta ngay lập tức, rồi nó “ngã” vào tay của người khác, họa may nó chỉ để lại cho chúng ta bộ quần áo và chiếc quan tài mà thôi.

Người bạn thân thứ hai trong đời sống của chúng ta là THÂN NHÂN (ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, hàng xóm,…). Khi chúng ta chết, có thể họ khóc lóc tỏ ra thương tiếc, nhưng rồi họ cũng chỉ tiễn đưa chúng ta đến huyệt mộ, may ra họ còn nhớ đôi chút nhưng cũng chỉ vài năm thôi.

Người bạn thứ ba trong đời sống của chúng ta là THIỆN CỬ. Tuy chúng ta ít thích nhưng các việc lành lại luôn theo sát chúng ta, theo đến tận Toà Phán Xét của Thiên Chúa, biện hộ cho chúng ta và làm cho chúng ta được Thiên Chúa xót thương mà trao ban phần thưởng là Thiên Đàng vĩnh phúc.

NHỮNG LỜI CUỐI CÙNG

Steve Jobs là người đã sáng chế Iphone Apple, chiếc điện thoại gây chấn động cả thế giới. Ông là người Mỹ, sinh ngày 24-2-1955 tại San Francisco, mất ngày 5-10-2011 tại California. Và đây là lời cuối cùng của ông:

Tôi đã đạt đến tột đỉnh của thành công. Trong con mắt người khác, cuộc đời tôi là một biểu tượng của thành công. Tuy vậy PHÍA SAU công việc của tôi có RẤT ÍT NIỀM VUI. Tài sản của tôi cuối cùng cũng bình hoá với tôi. Trong lúc này, trên giường bệnh, tôi hồi tưởng về cuộc đời, về những lời khen ngợi, sự tự cao, niềm tự hào về tài sản, nhưng tôi cảm thấy THẬT VÔ NGHĨA trước tử thần, trước cái chết.

Trong bóng tối, khi nhìn ánh đèn màu xanh và tiếng ồn ào của máy dưỡng khí, tôi cảm nghiệm được những HƠI THỞ của TỬ THẦN rất gần kề. Bây giờ tôi mới hiểu thấu, nếu một lần bạn đã có tiền đủ cho cuộc đời mình, bạn hãy đeo đuổi một mục đích khác KHÔNG LIÊN QUAN ĐẾN TIỀN BẠC, nên tìm một điều gì đó quan trọng hơn. Ví dụ như lịch sử tình yêu nhân loại, nghệ thuật, ước mơ tuổi thơ,… ĐỪNG làm NÔ LỆ cho vật chất, giàu sang, vì nó sẽ biến bạn thành một người yếu ớt như tôi.

Thượng Đế tạo dựng chúng ta để CẢM NGHIỆM được TIN YÊU trong tim, chứ KHÔNG phải những ảo tưởng về tiền tài, danh vọng như tôi đã làm trong suốt cuộc đời, nhưng tôi KHÔNG THỂ đem theo được. Tôi chỉ có thể mang theo được những KỶ NIỆM của YÊU THƯƠNG. Đây mới chính là SỰ GIÀU SANG sẽ có thể đồng hành với bạn, là sức mạnh, là ánh sáng soi cho bạn tiến tới. Tình yêu có thể đi hàng ngàn cây số, và chính vì thế, CUỘC ĐỜI KHÔNG CÓ GIỚI HẠN. Hãy bước đi và tiến đến nơi bạn muốn, cố gắng đạt được những mục đích. Tất cả là ở trong tim và trong lòng bàn tay của bạn!

Chiếc giường nào đắt giá nhất trên đời? Đó là chiếc giường ở bệnh viện, bởi vì nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn. Mất tài sản nhưng có thể tìm lại được, có một cái khi đã mất thì không thể tìm lại được: SỰ SỐNG. Dù đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, cuối cùng rồi tất cả đều phải đối diện khi bức màn sự sống kéo xuống.

Xin bạn hãy nâng niu và nhận thức được giá trị tình yêu gia đình, tình yêu bạn đời và tình yêu bạn hữu, gìn giữ sức khỏe cho bạn và chăm sóc đồng bào của bạn.

Chúng ta nghe những lời trăn trối của Steve Jobs và thấy có vẻ “mới lạ”, nhưng thật ra Chúa Giêsu đã đề cập rồi mà chúng ta không nhớ hoặc không muốn nghe. Trong Tân Ước (Lc 12:13-21), Chúa Giêsu đã từng thẳng thắn cảnh báo chúng ta “đừng thu tích của cải cho mình” sau khi có người nói với Ngài: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Ngài nói ngay: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”. Từ trường hợp cụ thể này, Ngài giáo huấn đám đông về vấn đề vật chất: “Anh chị em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”.

Sau đó, Chúa Giêsu nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’. Rồi ông ta tự nhủ: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’. Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’. Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó”.

Người ta thường “đùa” với cách nói này: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Đùa mà thật, đúng như vậy. Nhưng khi người ta “thấy quan tài” rồi thì có đủ “nước mặn” để đổ ra hay không? Đã và đang có những “tấm gương” để chúng ta “tự soi” xem mặt mũi và tư tưởng của mình như thế nào, nhưng rồi xem chừng người ta chỉ soi cho vui, giống nhưng soi gương hằng ngày để “làm dáng” chút xíu, thế rồi thôi. Ôi dào, “lo bò trắng răng”. Cứ “vô tư” như thế thì rồi cuộc đời mình cũng “trắng” luôn. Tất cả đã muộn rồi!

MỘT TẤM BIA MỘ

Trăm năm là một thế kỷ. Khoảng trăm năm của đời người có vẻ lâu dài mà lại quá ngắn ngủi. Cả cuộc đời và mọi thứ còn lại gì? Một tấm bia mộ, dù đó là cẩm thạch hoặc gỗ thì cũng chỉ có danh tánh và tuổi tác được ghi, có ghi gì thêm cũng như không. Khoe tên người lập mộ để làm gì? Người còn sống mà còn “giành chỗ” với người đã chết ư? Máu tham lam và hình thức vẫn còn!

Cả thế giới đã từng “chấn động” vì một đoạn văn khắc trên một tấm bia mộ, rất nhiều người cảm thấy hối tiếc vì đã không sớm phát hiện ra tấm bia đó!

Tại hầm mộ trong tầng hầm nhà thờ Westminster ở Luân Đôn có một tấm bia mộ nổi tiếng thế giới. Kỳ thực đó chỉ là tấm bia mộ rất bình thường, được làm bằng đá hoa cương thô ráp, hình dáng cũng rất ư bình thường. Xung quanh nó là những tấm bia mộ của các vua Hery III, George II, và hơn hai mươi tấm bia mộ khác của các vị vua nước Anh trước đây, rồi các danh nhân như Newton, Charles Dickens, và nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Vì thế, tấm bia mộ đó trở nên bé nhỏ và không được để ý tới, trên đó không ghi ngày tháng năm sinh và mất, thậm chí một lời giới thiệu về người chủ ngôi mộ này cũng không có.

Mặc dù chỉ là tấm bia mộ vô danh, nhưng nó lại trở thành tấm bia mộ nổi tiếng khắp thế giới. Mỗi khi đến nhà thờ Westminster, người ta có thể không tới các ngôi mộ của các vị vua đã từng có những chiến công hiển hách nhất thế giới, hoặc ngôi mộ của Newton, Charles Dickens và những của người nổi tiếng thế giới khác, nhưng không ai lại không tới chiêm ngưỡng tấm bia mộ vô danh kia. Ai cũng bị tấm bia mộ kia thu hút, khiến họ cảm thấy xúc động mạnh. Xúc động vì cái gì? Họ bị xúc động bởi chính các dòng chữ khắc trên tấm bia mộ đó. Văn bia như sau:

“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ THAY ĐỔI THẾ GIỚI. Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ KHÔNG THỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ THAY ĐỔI ĐẤT NƯỚC của tôi. 

Nhưng điều đó cũng vậy, dường như là KHÔNG THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC. Khi tôi bước vào những năm cuối đời, với cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ THAY ĐỔI GIA ĐÌNH TÔI, những người gần nhất với tôi.

Nhưng than ôi, điều này cũng KHÔNG THỂ. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra điều này: Nếu như tôi bắt đầu THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH trước, lấy mình làm tấm gương thì mới có thể thay đổi gia đình mình, với sự giúp đỡ và động viên của gia đình, tôi mới có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước, và biết đâu đấy, tôi có thể thay đổi thế giới!”

Nhiều nhà lãnh đạo và nhiều người nổi tiếng trên thế giới đều xúc động mạnh khi đọc những dòng chữ trên đây, có người nói đó là “bài học giáo lý cho cuộc sống”, có người nói đó là một “nhân cách hướng nội”.

Trong cuộc sống, chúng ta thấy các mong ước đều “xuôi” theo ý muốn mình, nhưng lại hoàn toàn trái ngược. Thật vậy, người ta có quy trình Tu thân – Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ (3 T và 1 B – Tu, Tề, Trị và Bình). Hãy bắt đầu từ điểm gần nhất mới có thể tiến xa hơn, tức là điểm xuất phát phải từ chính mình. Không “tu thân” thì không thể “tề gia” chứ đừng mong “trị quốc” và “bình thiên hạ”. Rất hợp lý!

Khi còn trẻ, ông Nelson Mandela đã đọc những dòng chữ trên tấm bia mộ kia, bất chợt ông có cảm xúc nghiêm túc và quyết tâm rằng tự mình phải tìm được con đường canh tân Nam Phi, thậm chí còn là “chìa khóa vàng” để thay đổi cả thế giới. Sau khi trở về Nam Phi, ông ấp ủ tham vọng này khi ông còn là một thanh niên da đen ủng hộ chính sách phân biệt chủng tộc. Ông đã thay đổi tư tưởng và cách đối xử của chính mình, rồi ông bắt đầu thay đổi gia đình và bạn bè thân hữu. Sau nhiều thập kỷ, ông đã thay đổi được chính đất nước của ông. Thật tuyệt vời!

Điều tâm niệm: Hãy luôn CÓ TẤM LÒNG LƯƠNG THIỆN và LÀM NHỮNG ĐIỀU ĐÚNG ĐẮN, hoán cải chính mình để trở thành NGƯỜI TỐT. Nếu mỗi người đều biết TỰ HƯỚNG NỘI và THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH cho tốt hơn, chắc chắn THẾ GIỚI SẼ THAY ĐỔI.

ĐÔI BÀN TRẮNG TAY

Trước khi băng hà, Đại Đế Alexander (356-323 trước công nguyên) cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài nói:

  1. Quan tài của ta phải được chính các ngự y giỏi nhất khiêng đi.
  2. Tất cả vàng bạc châu báu của ta phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ta.
  3. Đôi bàn tay của ta phải được để thò ra khỏi quan tài để mọi người nhìn thấy.

Một vị cận thần rất đỗi ngạc nhiên về yêu cầu kỳ lạ như thế nên hỏi ngài tại sao lại muốn như thế. Ngài Alexander ôn tồn giải thích:

  1. Ta muốn chính các vị ngự y giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để mọi người biết rằng, khi phải đối mặt với cái chết thì chính họ, dù là những người tài giỏi nhất, cũng KHÔNG tài nào cứu chữa.
  2. Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để mọi người biết rằng mọi tài sản ta gom góp được ở thế gian này sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này.
  3. Ta muốn bàn tay của ta đong đưa ngoài quan tài để mọi người thấy rằng ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng, và khi rời khỏi thế giới này, ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng mà thôi!

Sự thật luôn có sự phũ phàng kèm theo. Cuộc đời là thế. Và chỉ thế mà thôi. Kho tàng quý giá nhất trên đời này không gì khác hơn là chính TÌNH YÊU THƯƠNG. Thiên Chúa là TÌNH YÊU (1 Ga 4:8 và 16). Thánh Phaolô đã minh định: “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng đức mến là quan trọng nhất” (1 Cr 13:13). Và “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13:10). Chu toàn luật yêu thương là bảo đảm được cứu độ, bởi vì khi phán xét, Thẩm Phán không hỏi gì về nghề nghiệp, chức vụ, giới tính, làm công trình này nọ,… mà Ngài chỉ chất vấn về đức ái mà thôi (x. Mt 25:31-46). Không ai có thể viện cớ bất cứ lý do gì!

Yêu thương là thế nào? Cả chương 13 trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô cho biết rõ ràng: nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Ngoài ra, các danh cao chức trọng cùng hóa VÔ ÍCH mà thôi!

Rồi ai cũng phải hóa thành tro bụi. Kẻ trước, người sau. Nhà khôn ngoan thông thái Salomon đã ý thức thế này: “Phần tôi, tôi cũng chỉ là một con người phải chết, giống như mọi con người. Tôi thuộc dòng dõi của con người đầu tiên đã được nắn ra từ bụi đất” (Kn 7:1). Chúng ta cũng phải tự ý thức như vậy, không phải là để bi lụy, mà là để hoàn thiện chính mình, và hãy biết mơ ước như ông Bi-lơ-am: “Ai đếm được bụi đất của Gia-cóp? Ai điểm được một phần tư của Ít-ra-en? Ước chi tôi được chết cái chết của người công chính, và tôi được mãn phần như họ” (Ds 23:10).

Lạy Chúa, xin dạy cho con biết đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế. Chính tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc, kiếp sống này, Chúa kể bằng không. Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu. Công vất vả ngược xuôi như làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng (Tv 39:5-7). Cúi xin Ngài đại xá và cứu độ con đây, một hạt bụi nhỏ nhoi và bất xứng. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen. 

TRẦM THIÊN THU

Mùa Cầu Hồn – 2017

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN