Home / Chia Sẻ / LÀM SAO VÂNG LỜI BỀ TRÊN TỘI LỖI?

LÀM SAO VÂNG LỜI BỀ TRÊN TỘI LỖI?

11-5-2024 1-55-52 PMTTTTrong mười hai tông đồ có một Giuđa. Chúa Giêsu biết rõ điều đó!

Sống nhân đức vâng lời trong thời đại chúng ta là một thách thức. Với sự sụp đổ của các thể chế con người – chính phủ, trường đại học, trung tâm văn hóa, và thậm chí và đặc biệt là các chiều kích nhân bản của Giáo hội (ngay cả khi Giáo hội vẫn giữ được nguồn gốc và đặc tính siêu nhiên) – nhiều người trong chúng ta thấy mình đặt vấn đề: “Làm thế nào tôi có thể ngoan ngoãn khi biết mọi chuyện đã tan vỡ?”

Bất cứ ai đã phục vụ theo chức vụ đủ lâu đều thấy mình phải nhận những mệnh lệnh bất công và tàn nhẫn từ các linh mục đang phạm tội. Trong những năm qua, ngày càng có nhiều người đến với tôi để được hướng dẫn cách đối phó trước sự đối xử tệ bạc của các linh mục. Đây là những linh mục ở nhiều giáo phận, vì vậy không ai thắc mắc tôi đang nói về ai. Hầu hết các linh mục không phải là thánh, điều đó có nghĩa là tội lỗi và nhược điểm của họ đều được những người phục vụ gần gũi nhất với họ biết rõ. Giáo dân chắc chắn sẽ rơi vào tầm ngắm cũng như trẻ em kinh nghiệm về tội lỗi và sự yếu đuối của cha mẹ chúng.

Tội của các linh mục cũng đa dạng như tội của chúng ta, và thường bị che giấu, khiến người ta khó tìm ra cách đáp trả và cách vâng lời. Tôi nhớ một chủng sinh đã nói với tôi rằng anh ấy và một linh mục đã rất ngạc nhiên trước sự tôn kính của người dân đối với chức linh mục. Tôi cũng choáng váng không kém vì sự thiếu hiểu biết của ông về việc linh mục cuối cùng là ai đối với dân chúng theo Chúa Kitô và truyền thống 2000 năm. Việc đào tạo chủng viện trong vài thập niên qua đã gây ra thiệt hại khôn lường khi hạ thấp bản chất thiêng liêng và siêu nhiên của chức linh mục để ủng hộ các phương pháp hành chính duy vật, coi các linh mục chẳng khác gì những doanh nhân điều hành một giáo xứ. Đây là hàng giả rẻ tiền, và giáo dân biết điều đó.

Thời đại chúng ta đã tìm cách phá hủy chức linh mục thừa tác để biến nó thành một thứ không phải như vậy – một thứ dễ dàng hơn và ít đòi hỏi hơn – nhưng sự thật vẫn là dù một số người có thích hay không. Các linh mục được ban cho ơn gọi cao hơn và tuân theo Chúa Kitô. Họ là một Chúa Kitô khác, alter Christus, nghĩa là hành động của họ có sức mạnh to lớn. Điều này cũng có nghĩa là khi họ phạm tội chống lại giáo dân, tu sĩ hoặc lẫn nhau dù lớn hay nhỏ, tác động sẽ sâu sắc hơn đáng kể so với bất kỳ mối quan hệ nào khác.

Thật vậy, tội lỗi của các linh mục qua vụ bê bối mà họ gây ra có thể hủy hoại đức tin của các thế hệ mai sau. Tôi đã chứng kiến điều đó. Đây là lý do tại sao chức linh mục đòi hỏi sự quan tâm và khiêm tốn như vậy. Chúa đã ban quyền năng to lớn cho các linh mục. Một quyền năng đến từ Chúa Kitô qua đời sống cầu nguyện sâu sắc và tận hiến cho các bí tích cũng như lòng bác ái con thảo sâu sắc đối với đàn chiên. Giáo dân trông cậy vào người cha thiêng liêng dẫn họ tới những điều trên trời.

Bây giờ, các linh mục là những con người sa ngã. Họ sẽ phạm tội và phạm sai lầm. Chúng ta cần phải tha thứ cho những khuyết điểm của họ. Chúng ta phải nỗ lực tách biệt những người tội lỗi khỏi chức vụ thiêng liêng của họ và không kết hợp cả hai khi hành động tội lỗi phát sinh. Nếu một linh mục không ăn năn hoặc gây tổn hại về mặt tinh thần cho chúng ta, tốt nhất nên chuyển đến giáo xứ khác. Cá nhân tôi đã biết nhiều tình huống mà điều này là cần thiết. Tình hình đã trở nên tàn khốc đến mức không thể tuân phục được.

Trước tất cả những điều này, làm thế nào chúng ta có thể vâng lời các linh mục có thẩm quyền trên chúng ta? Còn trong những tình huống mà chúng ta không đồng ý hoặc khi chúng ta thấy rằng lòng yêu bản thân hay tội lỗi, chứ không phải Chúa Thánh Thần, là động lực của một quyết định thì sao? Câu trả lời thật khó nuốt, nhưng lại đưa chúng ta đến sự thánh thiện. Chúng ta tuân phục và cầu nguyện cho các linh mục hoặc bề trên của chúng ta, miễn là họ không bắt chúng ta phạm tội hoặc phạm những điều lạm dụng nghiêm trọng.

Chúng ta được mời gọi vâng lời một cách siêu nhiên, nghĩa là chúng ta được mời gọi nhìn thấy Chúa Kitô hoạt động nơi bề trên của mình. Điều này không có nghĩa là họ luôn hành động trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, nhưng có nghĩa là Chúa Thánh Thần luôn hoạt động. Nhân đức vâng lời thánh hóa chúng ta theo những cách mà không gì khác có thể làm được. Đầu hàng trong những tình huống như thế này sẽ phá vỡ niềm kiêu hãnh cứng đầu của chúng ta và làm cho lòng khiêm nhường của chúng ta trở nên sâu sắc hơn. Nó cũng đánh thức lòng bác ái sâu sắc hơn trong chúng ta khi chúng ta cầu nguyện cho những bề trên mà chúng ta thấy không sống phù hợp với Chúa Kitô. Chúa tỏ lộ tội lỗi và sự yếu đuối nơi người khác cho chúng ta, không phải để chúng ta thống trị họ, nhưng để chúng ta có thể giúp đỡ họ bằng lời cầu nguyện và việc hy sinh của mình.

Sự vâng lời siêu nhiên là nhìn thấy Đức Kitô hành động trong mọi sự, ngay cả những tình huống mà chúng ta không hiểu được. Trong cuốn “Sự Thân Mật Thiêng Liêng,” tác giả Gabriel Maria Mađalêna viết:

Đây lời hướng dẫn tuyệt vời của Thánh Gioan Thánh Giá: “Đừng bao giờ coi thường bề trên của mình, dù họ là ai, mà ít tôn trọng hơn chính Thiên Chúa.” Nếu chúng ta không có tinh thần siêu nhiên giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa nơi con người bề trên thì sự vâng lời của chúng ta không thể siêu nhiên được. Cần phải có một linh hồn được sinh động chỉ bởi động lực này: Tôi vâng lời vì bề trên của tôi đại diện Thiên Chúa đối với tôi và nói với tôi nhân danh Ngài. Bề trên của tôi là một Chúa Kitô khác đối với tôi: Hic est Christus mens. Đây là Chúa Kitô của tôi.

Chúa Kitô luôn làm việc để thánh hóa chúng ta. Ngài biết điều gì tốt nhất cho linh hồn chúng ta, đôi khi Ngài cho phép bề trên của chúng ta chịu đau khổ để giúp chúng ta lớn lên trong sự khiêm nhường và bác ái. Điều này không hề giảm nhẹ những tội lỗi thực sự của bề trên. Sự vâng lời của chúng ta là phương tiện để những khoảnh khắc này trong cuộc sống của chúng ta được Ngài cứu chuộc qua sự kết hiệp sâu sắc hơn và tuân theo Ngài. Nó dẫn chúng ta đến một tình yêu sâu sắc hơn, nhất là khi chúng ta thấy mình phải yêu thương một bề trên mà có vẻ giống kẻ thù hơn là người lãnh đạo thánh thiện.

Thánh Padre Pio hiểu lời kêu gọi tuân phục này khi ngài chịu đựng sự đàn áp của giáo quyền trong nhiều năm. Ngài biết Chúa Kitô đang dùng các bề trên để thánh hóa ngài và giúp ngài đạt được đỉnh cao thánh thiện. Việc vâng lời theo cách này mở ra những nguồn mạch bác ái và khiêm nhường mà không thể có bằng cách khác.

Trong văn hóa Tây phương, chúng ta thường nhầm lẫn đức vâng lời với việc đồng ý với quyết định của bề trên, thích bề trên hoặc phải tin tưởng bề trên để phục tùng. Đây không phải là sự vâng lời siêu nhiên. Đây thường là niềm tự hào và mong muốn kiểm soát của chúng ta. Chúng ta phát triển về mặt tinh thần với những bước nhảy vọt khi tuân theo những mệnh lệnh mà chúng ta thấy khó chịu hoặc những mệnh lệnh đến từ những người mà chúng ta khó đồng tình, ưa thích hoặc tôn trọng. Đây là lúc Chúa đang cắt tỉa bỏ tính kiêu ngạo và sự kiểm soát của chúng ta trong các tình huống.

Tác giả Gabriel Maria Mađalêna viết tiếp: Vì động lực của lòng tin cậy của con người đối với bề trên là một nền tảng khiếm khuyết cho sự vâng lời của chúng ta, nên chúng ta phải tìm thấy nó dựa trên sự tin tưởng siêu nhiên, trên niềm tin tưởng xuất phát từ việc nhìn nhận quyền thiêng liêng hoạt động qua các bề trên mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Ngay cả khi bề trên của chúng ta kém ngay thẳng hoặc kém đạo đức, chúng ta cũng không có lý do gì để sợ hãi. Đức tin dạy chúng ta rằng Thiên Chúa kiểm soát và cai trị mọi thứ, không ý chí con người nào có thể thoát khỏi quyền thống trị thiêng liêng của Ngài.

Sự vâng lời cuối cùng không phải là việc người nam hay người nữ thực thi thẩm quyền do Chúa ban. Đôi mắt chúng ta phải hướng lên chính Chúa Kitô, Đấng hướng dẫn mọi sự, ngay cả những tình huống dường như bất công và khắc nghiệt. Các kế hoạch của Ngài thường lớn lao hơn kế hoạch của chúng ta rất nhiều, những khó khăn mà chúng ta trải qua trong việc vâng lời sẽ thánh hóa chúng ta và người khác theo những cách mà chúng ta không ngờ tới. Chúng ta phải tin tưởng rằng Chúa Kitô sẽ làm mọi việc hướng tới lợi ích của chúng ta.

Xã hội Tây phương bác bỏ khái niệm về sự vâng lời. Việc thiếu vâng lời này, đặc biệt đối với người Mỹ, có sức tàn phá về tinh thần. Nó có thể dẫn chúng ta xa Chúa Kitô. Chúng ta được mời gọi học vâng lời để được giống Chúa Kitô hơn. Điều này không có nghĩa là chúng ta tuân theo những mệnh lệnh tội lỗi. Chúng ta không bao giờ có thể bị ra lệnh phải phạm tội. Đây là sự lạm dụng sự vâng lời và không bao giờ được tha thứ. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là chúng ta thường được kêu gọi tuân theo những chỉ dẫn mà chúng ta không đồng ý và/hoặc được đưa ra do tội lỗi và sự yếu đuối của người có thẩm quyền. Chúng ta phải ghi nhớ điều này khi một linh mục phạm tội chống lại chúng ta hoặc những người khác mà chúng ta biết.

Nếu điều này vẫn không thuyết phục được chúng ta, chúng ta cần suy niệm về Chúa Kitô trước mặt Philatô, Thượng Hội Đồng Do Thái, Hêrôđê và bị treo trên Thập Giá. Điều đó đủ để làm im lặng sự kiêu ngạo ngoan cố, tội lỗi của chúng ta và nhắc nhở chúng ta rằng Ngài đã quy phục chính mình để tuân theo mệnh lệnh của những kẻ đã tra tấn, đóng đinh và sát hại Ngài một cách dã man. Những lời phản đối của chúng ta nhạt nhòa so với một hành động vâng lời vĩ đại như hành động Con Thiên Chúa chịu chết vì chúng ta trên Thập Giá. Ngài làm vậy vì trong suốt thời gian đó, đôi mắt Ngài luôn ngước lên với sự vâng lời đầy yêu thương đối với Cha Ngài.

CONSTANCE T. HULL

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Xem thêm

St. THOMAS

Suy niệm Tin Mừng KÍNH THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ,Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên – 03/7, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

TRỞ LẠI VỚI CỘNG ĐOÀN “Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong …