Home / Chia Sẻ / Làm sao kéo “chồng” đi tĩnh tâm?

Làm sao kéo “chồng” đi tĩnh tâm?

Cả hai vợ chồng cùng đi tĩnh tâm? Ý tưởng này hấp dẫn các bà hơn là các ông. Năm lời khuyên để các ông “chịu đi”.

Ý tưởng đã có trong đầu bạn từ nhiều năm nay, nhưng mọi sự vẫn dậm chân tại chỗ: chồng bạn dứt khoát từ chối việc cả hai cùng đi tĩnh tâm, còn bạn thì bạn thiết tha mong muốn. Anh không muốn, anh không thích, anh không có thì giờ. Bạn đưa ra đủ lập luận, nhưng không có lập luận nào đứng vững, đừng mơ đến chuyện thảo luận! Ngắn gọn, như cú tát vào mặt: “Em muốn đi thì đi một mình!”, thế là thua!

Số liệu

Đa phần (2 phần 3) các ông đi khóa Alpha cho Vợ chồng đều do các bà kéo đi.

Dù vậy, họ biết, một khóa tĩnh tâm, một khóa thăng tiến, một chuyến đi hành hương chung sẽ rất tốt cho vợ chồng.

Lập gia đình từ 21 năm nay, bà Marguerite khổ vì “không thăng tiến về mặt thiêng liêng” với chồng. Sau nhiều cố gắng, bà thủ phận. “Tôi chờ một phép lạ. Tôi có thể nói với một cô bạn, thuyết phục họ đi tĩnh tâm, đi hành hương nhưng không thể nào nói những chuyện này với chồng tôi. Một chuyện chắc chắn, đề tài này trở thành cấm kỵ và hàng năm, tôi đi tĩnh tâm một mình.”

Chồng của bà Delphine thì giữ một khoảng cách với đức tin: “Anh hợp tác tối thiểu. Anh đi lễ chúa nhật chung với gia đình, nhưng tôi biết, nếu tôi không đi thì anh không đi, bà buồn bã nói. Tôi nghĩ, một khóa tĩnh tâm trong đan viện có thể giúp anh trở lại”.

Một trường hợp khác: người chồng quá bận bịu công việc, ông không có thì giờ cho gia đình.

Bà Béatrice đối diện với một tình trạng khó khăn: “Chúng tôi lập gia đình đã năm năm, chồng tôi làm việc rất nhiều. Tôi cảm thấy con đường của chúng tôi trở nên song song, chúng tôi sẽ mất nhau. Tôi thuyết phục anh đi một khóa tĩnh tâm ở Cộng đồng Emmanuel. Đó là cái phao cuối cùng của vợ chồng chúng tôi.”

Các bà bám vào tôn giáo hơn? Không nhất thiết. Nhưng phải công nhận, thường các bà có sáng kiến tổ chức các “sinh hoạt thiêng liêng” cho gia đình.

Bà Véronique, người phụ trách tổ chức Alpha cho Vợ chồng từ bốn năm nay ở Paris ghi nhận: “Đa phần, (2 trên 3) các ông thú nhận họ bị vợ kéo đến đây”.

Bà Anne 45 tuổi, mẹ của 4 đứa con, sau nhiều năm thuyết phục, cuối cùng bà đưa được cả nhà đi tĩnh tâm ở một đan viện: “Khi chúng tôi đến buổi họp đầu tiên, Cha đan viện trưởng nói với mọi người: ‘Chào quý ông, nếu quý ông có mặt ở đây tối nay, đó là nhờ các bà vợ của quý ông!’ Thế là mọi người cười vang.”

Vậy từ đâu có sự e dè này nơi các ông? Theo Linh mục Michel Martin-Prével, người sáng lập chương trình Tôbia và Sarah cho các cặp vợ chồng gặp khó khăn thì “các ông ‘cứng cổ’ khi cầu nguyện, vì họ có cảm tưởng mình mất tự do. Đàn ông là hành động, không có gì để làm và để mình được hướng dẫn là chuyện khó chấp nhận đối với họ. Họ cũng kín đáo hơn trong cách sống đức tin của mình”.

Các cặp vợ chồng phải giúp “lẫn nhau để thánh hóa đời sống vợ chồng” và họ phải có trách nhiệm với nhau trước mặt Chúa, Giáo lý công giáo nhắc (§ 1 641). Đó là chêm thêm nước vào cối xay. Nhưng Linh mục Martin-Prével dè chừng: “Trong một cặp, người này không nên làm người hướng dẫn thiêng liêng cho người kia”. Hôn nhân không cho phép xâm nhập vào đời sống nội tâm người phối ngẫu. Quan tâm đến đời sống thiêng liêng của nhau thì được, nhưng làm giùm cho người khác thì không! Đó là cả một chuyện tế nhị.

Bài học 1, gương thầm lặng

Linh mục Maximilien giải thích: “Một quả tim, một thể xác, một tâm hồn nhưng trong sự hiệp thông bản thể có sự tự do của đương sự, tự do của tâm hồn, bí mật của đời sống thiêng liêng”, cha Maximilien là đan viện trưởng đan viện Lagrasse. Đương nhiên, Giáo hội khuyến khích cầu nguyện chung, tìm một hình thức kết hợp thiêng liêng. Nhưng đừng quên mỗi người dệt mối quan hệ riêng của mình với Chúa theo đường hướng thiêng liêng và theo nhịp riêng của mình. Để lấy lại hình ảnh của Linh mục Huot de Longchamp đưa ra, vợ chồng là cái dây vòng hình quả tim và “đừng ngạc nhiên khi không thấy nhau trong sự thăng tiến, chỉ cần mỗi người muốn tiến để tin chắc mình sẽ giúp người kia tiến, dù người kia xa ở phía trước hay thụt lui phía sau”.  Vì thế, bà Marguerite đã có lý khi bà vẫn đi tĩnh tâm hàng năm, dù buồn vì đi một mình. Chứng tá này sẽ hiệu quả hơn bất cứ bài thuyết phục hay lời mời mọc lặp đi lặp lại nào, có khi cứ mời hoài sẽ làm ông chồng bực mình thêm, làm nặng thêm vấn đề.               

Bài học 2, đồng minh cần thiết

Không ai là tiên tri ở xứ mình. Người vợ không phải là người ở trong cương vị thuyết phục chồng mình đi tĩnh tâm. Linh mục François Potez, cha xứ của một giáo xứ ở Paris còn đi xa hơn: “Tôi nghĩ các ông sẽ cự lại khi nghe vợ đề nghị! Bà càng đề nghị thì ông càng không muốn đi.” Vì sao? Linh mục Martin-Prével phân tích: “Đối với đàn ông, việc chấp nhận vợ hơn mình trong một lãnh vực nào đó không phải là chuyện hiển nhiên. Lý tưởng là nhờ người thứ ba can thiệp. Một người bạn hiền, một linh mục, một người hướng dẫn thiêng liêng có thể giúp người đàn ông có quyết định trong tiến trình này. Hoặc lời chứng của một người đã đi tĩnh tâm và đã được vững mạnh hoặc được biến đổi.” Làm sao tìm được hạt ngọc hiếm này? Một người đầy lòng trắc ẩn cho chúng ta giải pháp: “Trong việc này, tông đồ tốt nhất là bạn bè. Giữa đàn ông với nhau, chúng tôi nói cùng một ngôn ngữ”.

Bài học 3, công thức lý tưởng

Một cuộc tìm kiếm tại thục địa. Bạn thích chương trình canh tân đặc sủng, chồng thích thinh lặng của đan viện? Vậy trong thời gian đầu, bạn nên chọn một nơi có phong cảnh đẹp, “nhưng phải chịu dùng phòng tắm với ba mươi người khác!”, bà Véronique cười nói. Và phải xem chương trình! Bao nhiêu giờ giáo huấn, theo nhịp nào, chủ đề nào? Và nhất là: theo cách nào? Bà Anne thố lộ: “Chồng tôi rất kín đáo. Khi tôi nói có một khóa gia đình tổ chức ở một đan viện mà anh rất thích, anh nói ngay ‘thật khủg khiếp khi nghĩ đến phải chia sẻ’. Khi đó tôi điện thoại cho các Linh mục, các cha bảo đảm sẽ không có thì giờ để chia sẻ cũng như làm chứng, và như thế thì khá bất bình thường. Chồng tôi chấp nhận, nhưng tôi cũng sợ khi đến đó anh không thích! Nhưng rồi anh thích tầm mức trí tuệ của các buổi nói chuyện và rất thích ly rượu ngon trước bữa ăn chiều!”

Bài học 4, cầu nguyện

Cuối cùng tất cả các cố gắng này đều được làm qua lời cầu nguyện. Như bà Marguerite dí dỏm nói: “Tôi nghĩ người tốt nhất để bắt chồng tôi là Chúa Thánh Thần!” Bà Anne thì cầu nguyện với Thánh Brigitte trong vòng một năm để chồng mình đi khóa tĩnh tâm gia đình. Bà Véronique tin chắc: “Mà cũng phải cầu nguyện trước khi lên đường, vì thường thường gần đến ngày đi thì lại càng không muốn đi. Và khi bị nghi ngờ thì người ta tự nhủ, được ăn cả ngã về không. Rồi một khi đến nhà tĩnh tâm, lại cũng phải tiếp tục cầu nguyện xin Chúa đánh động tâm hồn  chồng mình, vì chính Chúa mới làm cho anh trở lại, chứ không phải chúng ta”.

Bài học 5, kiên nhẫn

Chỉ còn chờ thời điểm đến… “Bà vợ phải kiên nhẫn, Linh mục Martin-Prével khuyên. Tôi đã chứng kiến nhiều ông chồng trở lại lúc về già.” Và đó là điều đáng yên tâm. Bà nào còn cần dấu chỉ khuyến khích trong trận chiến thấy thua trước mặt này thì hãy nghĩ đến Thánh Clotilde. Không dễ để thuần hóa một con ngựa chứng… Thánh Rita rồi cũng làm cho ông chồng khủng khiếp của mình trở lại. Có phải tình cờ mà Thánh Rita là quan thầy cho những trường hợp tuyệt vọng đó sao?

Marta An Nguyễn chuyển dịch

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …