Home / Chia Sẻ / LÀM HAY LÀ?

LÀM HAY LÀ?

Lời tuyên bố gây sững sờ

1-8-2024 7-59-43 PMĐoạn văn hôm nay mở đầu cho cuộc đối thoại dài giữa Đức Giêsu với đám đông dân chúng muốn tôn Người làm vua, sau khi họ được chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều.  Cuộc đối thoại này được gọi là diễn từ về bánh trường sinh, trong đó Đức Giêsu đáp lại việc tìm kiếm của đám đông dân chúng qua những tuyên bố quan trọng, nhưng họ không hiểu nổi.  Đức Giêsu cố gắng giải thích cho họ hiểu tầm mức sâu xa của những điều mới xảy ra.  Bánh Người vừa ban cho đám đông mới chỉ là một dấu chỉ, qua đó Người loan báo một thực tại còn sâu sắc hơn nhiều.  Thực tại ấy là nguồn mạch đích thực của sự sống, bởi vì nó không chỉ diễn tả tình yêu, nhưng chính là tình yêu.

“Tôi là bánh trường sinh”

Một tuyên bố đầy mâu thuẫn và có tính khiêu khích.  Lời tuyên bố này buộc các thính giả phải đặt mình vào một tầm mức hoàn toàn khác hẳn với cuộc sống thể chất.  Họ phải tự đặt câu hỏi cho chính mình: Đâu là khát vọng cơ bản đang thúc đẩy họ?  Phải chăng họ là những người đang ở trong tình trạng no nê, thoả mãn vì đã được ăn và bây giờ không còn đói?  Họ có cảm thấy khao khát một chuyện gì khác không, và chuyện đó là gì?

Lời tuyên bố của Đức Giêsu không có ý nói bánh ăn của con người không làm cho họ cảm thấy ngon miệng.  Người cũng không nói với họ là nhu cầu ăn uống không cần thiết nữa và phải loại bỏ.  Người có ý buộc họ phải đào sâu khát vọng của mình: họ có mong muốn được sống vĩnh cửu hay chỉ sống đời này?  Người cho họ hiểu rằng con người không thể sống được nếu không có mối liên hệ với thế giới đang nuôi dưỡng mình.  Con người không thể sống được nếu không có mối liên hệ với người khác cũng như với chính mình.

 

Đó là điều Đức Giêsu muốn đề nghị qua lời tuyên bố “Tôi là bánh trường sinh.”

“Việc Thiên Chúa muốn là các ông tin…”

 

Khi đám đông đến gặp Đức Giêsu, Người đã nói với họ: “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”  Đức Giêsu biết dân chúng đi tìm Người không phải vì đã hiểu được dấu lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng vì những mục đích phàm trần.  Trong thâm sâu, có lẽ Đức Giêsu muốn nói với họ rằng: “Việc các ông phải làm là đừng tìm kiếm thứ của ăn hư nát, nhưng là nhận ra trong dấu lạ tôi vừa thực hiện là hành động của Chúa Cha.  Chính Chúa Cha đã trao cho tôi làm thay và tôi là người do Chúa Cha sai đến.  Hãy tin vào tôi, đó là việc các ông phải làm.”

Lời tuyên bố làm đám đông ngạc nhiên, chưng hửng.

 

Tin vào tôi tức là vào Đức Giêsu, người đang nói chuyện với đám đông.  Đây không phải là tin cách mù quáng nhưng là đi vào trong nhãn quan mới của người đang nói chuyện.  Tin Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến có nghĩa là khám phá nơi chính bản thân mình ý nghĩa về cuộc sống của mình, về khát vọng cũng như lời mời gọi của mình.

 

Lời đề nghị của Đức Giêsu không bảo người ta phải rút lui, nhưng thúc đẩy họ đạt đến chân lý sâu xa đang ẩn giấu nơi tâm hồn con người, vì con người che giấu chân lý.

 

Về phần mình, qua hành động, qua cuộc sống và cái chết, Đức Giêsu buộc mỗi người phải đối diện với thực tại ấy.  Ai chấp nhận mở ra, người ấy vượt lên trên những biểu hiện bên ngoài, hiểu được nền tảng của thực tại và họ sống.

 

Cuộc đối thoại quyết liệt

 

Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và đám đông quả là một thứ bi kịch.  Đức Giêsu muốn bày tỏ những điều bí nhiệm, còn dân chúng lại cứ muốn hiểu theo nghĩa vật chất.  Các cử chỉ và lời lẽ của Đức Giêsu do thánh Gio-an thuật lại ghi nhận rằng mối căng thẳng từ bên trong mỗi lúc một tăng thêm.  Người ta phải đau đớn mà nhìn nhận rằng, giữa hai bên, không hề có sự thông cảm, khoan nhượng.  Một cuộc đối thoại quyết liệt.

 

Khởi đầu, đám đông đi tìm Đức Giêsu.  Sau khi được Người cho ăn bánh no nê, họ đã lạc mất Người, và họ đi tìm.

 

Nhưng họ đi tìm ai?  Có phải là tìm người vừa cho họ ăn bánh, hay là người sẽ giải quyết những vấn đề cụ thể của họ?  Sau khi được Đức Giêsu nuôi ăn, họ nghĩ rằng mình có quyền chiếm đoạt Người.  Gặp Đức Giêsu, họ đưa ra một loạt câu hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” – “Ông sẽ làm gì đây?” – “Ông làm được dấu lạ nào?”  Và cuối cùng, như một lệnh truyền: “Xin ban cho chúng tôi…”

 

Làm, đó là từ ngữ chính của đám đông.  Họ muốn Đức Giêsu phải luôn làm một điều gì đó, một điều gì mới với tư cách là một nhà ảo thuật đầy khéo léo.  Và họ sẽ đưa ra nhận xét về Đức Giêsu theo những việc Người làm.

 

Để đáp lại từ làm của đám đông, Đức Giêsu nói: “Tôi là.”

 

Họ hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”

 

Đức Giêsu đáp: “Việc Thiên Chúa muốn các ông làm là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

  • Xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.
  • Chính tôi là bánh trường sinh.  Hãy đến và hãy tin.

Đây chính là trọng tâm của bi kịch; không có ánh sáng Thần Khí, không thể nào vượt qua được.  Không có thái độ sẵn sàng, làm sao có thể hiểu được là là quan trọng nhất, và “tôi làm” chỉ là một hình thức của “tôi là?”

 

Quả thật, người ta không thể nói rằng mình yêu mến Thiên Chúa mà trong thực tế lại ghét anh em mình.  Nhưng người ta càng không thể coi điều này hơn điều kia để rồi không sống chính sự sống của Đức Kitô, không sống tình yêu Người trao tặng qua cuộc sống của Người.

 

Trong thực tế, người ta thường bỏ qua khó khăn này.  Người ta dễ dàng quả quyết Đức Giêsu là bánh trường sinh, nhưng lại không nhìn nhận đó là lương thực của mình.  Người ta rất ao ước đón nhận Bánh trường sinh, nhưng lại không muốn tiến đến với Đức Kitô, không muốn nhận lấy thập giá và bước đi theo Người.

 

Cuối cùng, người Do-thái chẳng hiểu được Đức Giêsu muốn nói với họ.  Họ chỉ mong muốn Đức Giêsu làm cho họ có bánh ăn, chứ không muốn Đức Giêsu là bánh cho họ.

Bánh là chính Thiên Chúa

 

“Tôi là bánh trường sinh.”

 

Đây là một khẳng định quan trọng Đức Giêsu gửi đến mỗi chúng ta.  Qua câu nói này, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta: “Hãy đến với tôi, anh em sẽ không còn đói; hãy tin vào tôi và anh em sẽ không còn khát.”

 

Thật thế, chúng ta đói, chúng ta thiếu, không phải chỉ bánh ăn; chúng ta khát không phải chỉ nước uống.  Chúng ta còn đói, còn khát tình bạn.  Chúng ta cần gặp được một cái nhìn, cần được nâng đỡ cách thân tình qua sự trợ giúp đầy tình huynh đệ.  Chúng ta cần biết, cần thấy rằng chúng ta được người khác hiểu biết, thông cảm, và nhất là được người khác yêu mến.

 

Sau nữa, chúng ta còn đói khát điều căn bản hơn là chính Thiên Chúa.  Cơn đói khát này, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể làm thoả mãn.  Vì thế, Thiên Chúa đã đến với chúng ta, không chỉ như một sự kiện, nhưng nơi một con người là Đức Giêsu Kitô.

 

Chìa khoá mở ra tương lai của chúng ta chính là Đức Kitô, và chỉ một mình Người.

Chúng ta phải tiến đến với Đức Kitô, chứ không phải là đi tìm bánh.

Chúng ta phải đáp lại sự hiện diện của Đức Kitô không chỉ bằng từ ngữ, nhưng bằng thái độ sẵn sàng do Thần Khí thúc đẩy, Người sẽ giúp chúng ta nói lên:

 

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin hãy đến.

Chúa thực là bánh trường sinh,

là bánh từ trời xuống.”

 

**********************

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con,

xin ban cho chúng con Người Con của Chúa.

Xin cho chúng con được ăn

thịt và máu Người.

Xin cho chúng con được hưởng

tất cả những gì Người đã nói và đã làm giữa chúng con.

Người thường hay nói lương thực của Người là thi hành ý Chúa.

Xin dạy chúng con

đừng chỉ tìm sống cho riêng mình

để biết mến yêu người khác,

và như vậy,

được bước từ cõi chết sang cõi sống.  (theo F. Cromphout)

Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …