Home / Chia Sẻ / LÀM CON

LÀM CON

LÀM CONAi cũng có một gia đình – dù gia đình đó giàu hay nghèo, nhỏ hay to (tam, tứ đại đồng đường). Ai cũng nhỏ rồi mới lớn, làm con rồi mới làm cha mẹ và trở thành ông bà. Người ta có thể tự chọn nhiều thứ nhưng không thể chọn cha mẹ và nơi sinh (kể cả ngày tháng năm sinh). Mỗi người có những bổn phận khác nhau, nhưng ai cũng có chung bổn phận làm con.

  1. CHU KỲ GIA ĐÌNH

Trang PattiMaguireArmstrong.com đặt vấn đề: Không tuân giữ các điều răn của Chúa có thể làm cho gia đình mất ân sủng?

Thiên Chúa không chỉ trở nên như chúng ta, mà Ngài còn sinh ra trong một gia đình có cha mẹ: Đức Maria là Mẹ, Đức Giuse là Cha. Gia đình phải là nơi thánh để con cái lớn khôn và chuẩn bị vào đời. Điều răn thứ tư dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20:12). Đó là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa.

Giá trị của điều răn đó trở nên hiển nhiên với chúng ta vì rồi chúng ta cũng là cha mẹ. Nhưng chúng ta đánh giá điều đó quá thấp khi chúng ta còn là con. Đôi khi tôi không biết làm sao nếu tôi đối mặt với vài điều thử thách khi tôi làm mẹ, y như lời mẹ tôi nói và đã đúng: “Mẹ hy vọng một ngày nào đó con có đứa con cũng như con vậy.”

Lúc đó tôi nghĩ: “Chẳng thành vấn đề.” Nhưng với kinh nghiệm làm mẹ, đôi khi tôi không biết xoay xở thế nào. Nếu đúng như câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn,” tôi chắc chắn không bao giờ than phiền về những đứa con ngoan. Những đứa con luôn cần có sự bắt đầu lại, thế nên có sự ân hận và cách đền bù nếu cha mẹ còn sống, và đó là điều chúng ta có thể làm ngay từ bây giờ.

Sau khi được cha mẹ tìm thấy trong Đền thờ, “Chúa Giêsu trở về và vâng phục cha mẹ” (Lc 2:51). Thiên Chúa vâng lời hai thụ tạo do chính Ngài tạo nên. Nhưng đó là cha mẹ của Ngài, thế nên Ngài vâng lời cha mẹ để làm gương cho chúng ta.

Điều răn thứ tư đặt mệnh lệnh vào gia đình nhưng cũng đặt trách nhiệm lên đôi vai những người làm cha mẹ. Con cái phải vâng lời cha mẹ vì cha mẹ thay mặt Thiên Chúa giáo dục con cái. Đó là trách nhiệm phải hoàn tất. Cha mẹ không là Thiên Chúa, nhưng cha mẹ phải phản ánh Thiên Chúa yêu thương trong đời sống con cái.

Theo Giáo lý Công giáo (số 2197), điều răn thứ tư truyền phải bác ái. Thiên Chúa muốn rằng con cái phải kính trọng cha mẹ vì cha mẹ sinh dưỡng và cho biết Thiên Chúa. Con cái phải kính trọng cha mẹ vì cha mẹ được Thiên Chúa trao quyền.

Đó không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ kết hợp với Thiên Chúa mà chúng ta còn phải làm điều ngược lại: “Kính trọng những người mà Thiên Chúa trao quyền vì mục đích tốt của chúng ta.” Dù đã khôn lớn, chúng ta vẫn phải kính trọng cha mẹ, dù chúng ta không còn ở chung với cha mẹ nhưng chúng ta vẫn phải vâng lời cha mẹ.

Cũng vậy, không phải cha mẹ nào cũng đạo đức hoặc làm gương sáng. Nhưng vì trách nhiệm làm cha mẹ, chúng ta phải nêu gương cho con cái, và đôi khi con cái phải nêu gương cho cha mẹ. Cũng có thể có sự đối kháng, nhất là trong những việc đạo đức. Ông bà thúc giục cha mẹ và con cháu đi nhà thờ, nhưng đôi khi bị phản đối, thậm chí còn bị ghét bỏ vì các giá trị đạo đức. Nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng cha mẹ, dù chúng ta không đồng ý với cha mẹ. Chúng ta phải cầu nguyện và yêu thương cha mẹ, phải thể hiện lòng tôn trọng ngay cả khi có sự bất hòa.

Kính trọng những người được Thiên Chúa trao quyền nghĩa là chúng ta phải vâng lệnh của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Khi con cái không vâng lời cha mẹ là không kính trọng cha mẹ, nghĩa là cũng không tôn kính hoặc vâng lời Thiên Chúa. Hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu đã nói rằng Ngài không bỏ chúng ta mồ côi. Ngài đã trao quyền cho Giáo hội hướng dẫn chúng ta. Sự quan phòng của Thiên Chúa được thể hiện qua sự hướng dẫn của Giáo hội và các giáo huấn.

Nếu những điều đó đưa bạn vào con đường mà bạn không muốn, có thể bạn đang tìm ra nơi để bắt đầu chữa lành tâm linh trong gia đình. Bạn không thể dùng quyền với con cái và bắt chúng vâng lời, nhưng rồi bạn lại không vâng lời Cha trên trời.

Điều răn thứ tư là điều răn tích cực. Chúng ta không được bảo làm điều gì đó, nhưng chúng ta được trao trách nhiệm là phải hoàn tất điều răn đó. Điều răn thứ tư còn liên quan đời sống, hôn nhân, lời nói, và những điều tốt lành trên thế gian. Mệnh lệnh này liên quan trực tiếp tới Thiên Chúa qua 3 điều răn đầu tiên (điều răn 1, 2 và 3) – tôn kính Thiên Chúa trên hết mọi thứ, yêu mến Ngài hết lòng hết sức, không được kêu Danh Ngài vô cớ, và giữ ngày thánh (Chúa nhật). Sau đó là đối với quyền của cha mẹ trước khi tiến hành các điều răn còn lại mà chúng ta gặp hằng ngày.

Theo Giáo lý Công giáo: “Điều răn thứ tư được truyền cho con cái trong mối quan hệ với cha mẹ, vì mối quan hệ này phổ biến nhất. Điều răn này quan tâm hệ lụy thân thuộc giữa các thành viên trong gia đình và dòng tộc. Điều răn đòi hỏi lòng kính trọng, yêu thương, và biết ơn tổ tiên và những người lớn tuổi. Cuối cùng, điều răn này còn đề cập trách nhiệm của học sinh đối với thầy cô giáo, nhân viên đối với chủ nhân, người dưới đối với người trên, công dân đối với tổ quốc và những người lãnh đạo đất nước.”

Giáo lý Công giáo (số 2199) nói: “Điều răn này bao gồm nhiệm vụ của cha mẹ, người hướng dẫn, người dạy dỗ, người lãnh đạo, quan tòa, người lãnh đạo, người có quyền trên người khác hoặc cộng đồng.”

Vì thế, con cái phải tôn kính cha mẹ cả khi các ngài đã khuất bóng. Điều đó khiến chúng ta cảm thấy mình vẫn là con cái, luôn cần vâng lời. Đó là điều tốt lành: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18:3)

  1. BỔN PHẬN LÀM CON

Cha mẹ còn sống cũng như đã mất vẫn cần được hiếu thảo. Trong cuộc sống, có những khi vì miếng cơm manh áo, vì nhu cầu cuộc sống mà đôi lúc chúng ta “quên” đi nguồn gốc của mình phải “ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây” hay “uống nước nhớ nguồn”… Đó là những câu ca dao tục ngữ mà chúng ta đã từng được nghe, hoặc câu “vì ai mà có ta?” trong ca khúc Ơn Nghĩa Sinh Thành nổi tiếng của cố Ns Dương Thiệu Tước. Mọi người đều phải sống như thế nào cho xứng đáng trong bổn phận làm con cái.

Kinh Thánh dạy: “Phải thảo kính Cha Mẹ.” Còn Kinh Phật dạy: “Tột cùng của THIỆN, không gì hơn HIẾU. Tột cùng của ÁC, không gì hơn BẤT HIẾU.” Vật gì thì cũng phải có xuất xứ, có chủ. Chim có tổ, người có tông. Cha mẹ có gì cũng là người sinh thành, dù cho không dưỡng. Vì thế, đã là ĐẠO làm người thì phải biết ĐẠO làm con, đừng bao giờ để các ngài phiền muộn, và phải biết tạo niềm vui khi các ngài ở tuổi xế bóng, vì người già thường cảm thấy cô độc. Chúng ta có thể tóm gọn trong 3 điểm:

  1. QUAN TÂM và AN ỦI – Biết quan tâm cha mẹ là một phương diện của “hiếu thảo.” Quan tâm bằng cách hỏi han, quà cáp, chăm sóc, dù chỉ là những động thái rất đơn giản. Có quan tâm, con cái mới biết được cha mẹ đang vui hay buồn, nếu có uẩn khúc thì cũng tìm hướng giải quyết. Thời điểm thuận tiện là lúc cha mẹ đang ngồi một mình, hãy đến gần để “thủ thỉ.” Nên nhớ, dù đã trưởng thành, con vẫn là con, vẫn là đứa trẻ trước mặt cha mẹ. Vả lại, khi gần gủi, cha mẹ rất hạnh phúc vì được con cái quan tâm, không cảm thấy bị lạc lỏng.
  2. CHỊU ĐỰNG – Cuộc sống nhiêu khê và vất vả nên dễ làm con người bực tức. Có thể bị la mắng dù chúng ta không “quá đáng” khiến cha mẹ buồn lòng. Đừng vội “phản ứng” mà hãy giữ thái độ đúng đắn của cương vị làm con. Tuyệt đối tránh thái độ bất kính, vẫn ngoan ngoãn làm việc để chứng tỏ “đạo làm con.” Đợi khi thuận tiện, nhẹ nhàng phân tích để cha mẹ hiểu. Tốt nhất là nói vào lúc cha mẹ vui vẻ để tránh sự hiểu lầm. Tục ngữ đã có luật tuyệt vời: “Im lặng là vàng.”
  3. TRỌNG TÀI – Ai cũng có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.” Cha mẹ chúng ta cũng không ngoài quy luật thường tình đó. Khi “chiến tranh” xảy ra giữa cha mẹ, con cái có trách nhiệm quan yếu là làm “nhịp cầu,” làm “trọng tài” để giải hòa. Đã làm trọng tài thì không được thiên vị. Có thể mua một món quà cho mẹ dịp sinh nhật nhưng nói của cha tặng và ngược lại, hoặc tổ chức một bửa tiệc để thiết lập bình thường hóa quan hệ sau những ngày “cấm vận tình cảm.”

Công lao cha mẹ rất cao dầy, không gì sánh kịp và đền đáp, dù con cái có làm đủ “nhị thập tứ hiếu”… Như vậy, tùy theo tuổi và điều kiện mà tích cực sống sao cho cha mẹ vui lòng. Nếu lở sai lỗi, hãy xin lỗi càng sớm càng tốt, vì lời xin lỗi muộn màng thì không còn giá trị cao bằng lời xin lỗi đúng hoặc kịp lúc.

Cha mẹ nào cũng luôn yêu thương và hãnh diện về con cái. Dù bạn đã từng sai trái với các ngài, thậm chí là hắt hủi, nhưng chỉ cần bạn biết nhận lỗi thì cha mẹ tha thứ ngay. Tuyệt vời làm sao tình cha nghĩa mẹ! Anh chị em với nhau mà không biết nhường nhịn, đó là làm khổ chính các đấng sinh thành. Các ngài không cần con cái đáp đền công lao-gọi là báo hiếu-mà chỉ cần con cái thành nhân, trước khi thành tài. Nếu còn nhỏ, con cái hãy đáp đền chữ hiếu bằng cách học tập chăm chỉ. Nếu đã trưởng thành, hãy phụng dưỡng cha mẹ cho phải đạo, đừng ỷ lại vào đồng tiền mình làm ra mà gây phiền lòng cha mẹ.

Có người dùng từ FAMILY (gia đình) để diễn tả câu nói của con cái dành cho cha mẹ là: “Father And Mother, I Love You!” (Thưa cha mẹ, con yêu cha mẹ). Thật là ý nghĩa! Tưởng cũng rất cần thiết để những ai đã, đang và sẽ làm con cái suy ngẫm về câu nói:

Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng

Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày

Cố gắng trân quý những gì mình đang có! Thiếu cha, vắng mẹ thì khổ lắm! Không ít người đã phải hối hận vì lỡ cư xử bất hiếu với cha mẹ nhưng đã quá muộn. Vì “cha mẹ đâu dễ ở đời với ta.” Cha mẹ chỉ có một trên đời!

Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15:4). Khi hai Bác Maria và Giuse tìm gặp Con Trẻ Chúa Giêsu thì Ngài “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng VÂNG PHỤC các ngài” (Lc 2:51). Những người làm con phải theo đó mà hết lòng phụng sự cha mẹ mình.

III. ĐẠO HIẾU

Thiên Chúa dạy điều răn thứ tư: “Hãy thảo kính cha mẹ.” Kinh Phật dạy: “Tột cùng Thiện không gì bằng Có Hiếu, tột cùng Ác không gì bằng Bất Hiếu.” Đó là đạo làm người. Dù là ai trong tôn giáo hay cuộc sống đời thường, từ kẻ cùng đinh trong xã hội tới người có quyền lực cao nhất, trước tiên người ta phải LÀM NGƯỜI, tức là có Đạo Làm Người. Không giữ Đạo Làm Người thì kẻ đó phải bị nguyền rủa.

Hiếu cũng là một đạo: Đạo Hiếu. Đạo là đường ngay nẻo chính mà ai cũng phải bước theo suốt đời!

Trong một buổi phát sóng của chương trình “Bạn Hãy Nói Với Chúng Tôi” lúc 22 giờ 30 (hằng ngày phát trên kênh VOV, hệ 2) có một câu chuyện thật thương tâm về tình mẫu tử. Nghe xong chắc hẳn ai cũng phải “nóng máu” mà thương cho bà cụ và căm phẫn đứa con “xác người, dạ thú” kia!

Bà cụ đã 81 tuổi, ở Hà Nội (rất tiếc là nhà đài không cho biết tên tuổi và nơi ở cụ thể, vì lý do “tế nhị”). Chồng bà đã mất lâu. Bà một mình nuôi 3 đứa con: Đứa con trai lớn là con nuôi, 53 tuổi; đứa con thứ hai 45 tuổi; và đứa con gái thứ ba 42 tuổi. Các con bà đã có gia đình riêng. Cha mẹ luôn yêu thương con cái. Với người Bắc và người Trung, cha mẹ yêu con đến nỗi quên mình và không mong con các sẽ đền đáp (người Nam thì nuôi con và hy vọng chúng sẽ đền đáp). Với bà cụ đau khổ kia cũng coi con trai là “của để dành” – vì dân Việt thường ảnh hưởng sâu nặng quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai coi là “có,” mười con gái coi như “không”).

Đứa con nuôi và cô con gái út không có vấn đề gì. Đứa con trai 45 tuổi do bà rứt ruột đẻ ra lại có vấn đề nghiêm trọng. 19 năm anh ta lấy vợ thì bà ăn riêng 18 năm, dù ở chung nhà. Vì tuổi cao sức yếu, nay ốm mai đau, bà mới ăn chung và “lệ thuộc” vào vợ chồng anh ta khoảng 1 năm nay. Khi bà nằm bệnh viện, anh ta thường xuyên vào thăm và “rỉ tai” khiến bà ký giấy cho xong, vì bà quá mệt mỏi cả tinh thần lẫn thể lý. Thế là anh ta tráo trở, làm sổ đỏ và tách hộ khẩu, đất đai do anh ta đứng tên. Anh ta đã lừa chính mẹ ruột mình!

Chuyện không chỉ vậy. Hàng ngày, anh ta luôn “kiếm chuyện” la hét bà, mọi thứ đều đổ lỗi cho bà, thậm chí là đánh đập bà như cơm bữa mà không hề thương tiếc. Cô con dâu là giáo viên cấp I (sic!), đã không can ngăn chồng làm ác mà còn “đổ dầu vào lửa.” Cô ta cũng kiếm chuyện “đá thúng đụng nia, đá mèo khoèo rế,” vào hùa với chồng để hành hạ mẹ. Cứ đến bữa cơm thì cô ta lại la rầy đứa con: “Già rồi còn ngu.” Mới đây, không biết cô con dâu giáo viên “to nhỏ” với chồng thế nào mà anh ta tức tốc về nhà tát bà cụ mấy cái, rồi đuổi bà cụ ra khỏi nhà.

Cô con gái út nhiều lần khuyên can anh nhưng vô ích. Anh ta còn dõng dạc tuyên bố: “Quyền ở tay ông, lôi thôi ông đuổi khỏi nhà. Có tiền không chịu bỏ ra, chết ông bỏ thối.” Nghe những lời anh ta nói mà “nổi da gà” và “rởn tóc gáy.” Vì tham lam mà anh ta bất chấp đạo lý làm người, đạo là con với mẹ mình! Thật vậy, lòng tham không có đáy, “dù đá có biến thành vàng thì lòng người vẫn không thỏa mãn” (Ngạn ngữ Trung Hoa).

Balze nói: “Lòng Mẹ là vực sâu mà dưới đáy luôn có sự bao dung.” Nhưng bà cụ kia đã chịu đựng quá nhiều, bà đã kiệt sức, cuối đời mà bà không được thanh thản. Và nay bà làm đơn kiện đứa con “trời đánh” đó, nhưng lòng người mẹ còn băn khoăn không biết bà làm vậy có quá đáng không.

Ước mong sao những người con hãy tỉnh thức mà báo hiếu phần nào với song thân phụ mẫu – dù không bao giờ có thể đền ơn đáp nghĩa đủ, nếu không sẽ không còn cơ hội, vì Petit Sein đã xác định: “Cái chết của người mẹ là nỗi đau buồn thứ nhất khi người ta khóc mà không có mẹ bên cạnh dỗ dành.”

Người ta có thể chọn nhiều thứ nhưng không thể chọn cha mẹ, dù cha mẹ có thế nào thì vẫn là người sinh thành và dưỡng dục, dù con có lớn mấy (thành cha mẹ, thành ông bà) thì cũng vẫn là con của cha mẹ mình. Công lao sinh dưỡng lớn lao lắm:

Công cha nặng lắm, ai ơi!

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang

Người ta có thể tìm lại được nhiều thứ đã mất, nhưng không bao giờ tìm lại được cha mẹ đã mất. Khi các ngài qua đi, không còn trên cõi đời này, chúng ta sẽ cảm thấy hụt hẫng, trống vắng, để rồi…

Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi

Ngó không thấy mẹ, bùi ngùi nhớ thương!

Chữ Hiếu lớn lao và quan trọng lắm. Chẳng ai trả công sinh dưỡng đúng mức cho cha mẹ, mà chính các ngài cũng chẳng mong con cái đáp đền, nhưng làm người phải biết đạo làm người, và làm con phải biết đạo làm con – dù người đó là ai:

Lo đêm rồi lại lo ngày

Ở sao hiếu thảo cho tày phận con

Ông Tô-bít nói với con trai là Tô-bi-a: “Con hãy chôn cất cha cho tử tế. Hãy thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Này con, con phải nhớ rằng mẹ con đã trải qua bao nỗi ngặt nghèo vì con, khi con còn trong dạ mẹ. Khi người mất, con hãy chôn cất người ngay bên cạnh cha, trong cùng một phần mộ” (Tb 4:3-4).

Kinh Thánh dạy: “Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con” (Hc 3:2-14).

  1. TÌNH THÁNH THẤT

Đối Thoại MỘT:

Một hôm, tại xưởng thợ Thánh Gia, Bé Giêsu kề tại Mẹ Maria nói nhỏ:

– Mẹ!

– Gì vậy, Con yêu?

– Mẹ nấu cơm chưa?

– Mới 10:30 mà Con đói bụng hả?

– Con chưa đói.

– Sao Con hỏi cơm?

– Con thấy Ba làm mệt, mấy chú kia cũng mệt. Con muốn Mẹ nấu cơm sớm cho Ba và các chú nghỉ sớm.

– Rồi. Mẹ biết rồi.

– Mẹ nấu xong chưa?

– 15 phút nữa là có ngay.

– Yeah! Cảm ơn Mẹ. Con xuống phụ Mẹ dọn cơm nha.

– Được rồi, Con yêu!

Đối Thoại HAI:

Một buổi chiều tại Thánh Gia, Bé Giêsu đến chỗ Ba Giuse đang làm việc…

– Ba ơi!

– Gì vậy Con yêu?

– Con có cái này cho Ba nè!

– Con ăn đi. Ba còn no.

– Không. Cái này là goûter thôi, Ba ăn đi! (theo Pháp ngữ, goûter [gu-tê] là ăn bữa lỡ, kiểu “ăn dặm”).

– Ba dành cho Con đó.

– Mẹ nói Con đem ra cho Ba đó. Ba ăn đi, không ăn Mẹ buồn đó!

– Con ngoan lắm. Được rồi. Con một nửa, Ba một nửa, OK nha!

– Yes, sir!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu …