Home / Chia Sẻ / KỲ THỊ CHỦNG TỘC và NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ

KỲ THỊ CHỦNG TỘC và NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ

KỲ THỊ CHỦNG TỘC & NHIỆM THỂ CHÚA KITÔĐã hai năm kể từ lần phản ánh cuối cùng của tôi về phản ứng của người Công giáo đối với nạn kỳ thị chủng tộc và đa số các ý tưởng đó giờ đây áp dụng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cơn lũ phản đối kịch liệt gần đây nhất đối với những người da đen đã mất mạng do các hành vi kỳ thị chủng tộc, với cường độ hoàn toàn mới.

Khi đọc những bình luận và suy nghĩ từ những người bạn Công giáo, một mối quan tâm được đặt ra nhiều lần: “Là một người Công giáo, tôi có thể trả lời như thế nào? Tôi nên làm gì để giúp thay đổi mọi thứ?” Tuy nhiên, cũng có những người thắc mắc: “Nếu tôi không nghĩ mình kỳ thị chủng tộc, tại sao tôi phải sửa điều này? Tôi không làm gì để gây ra nó.”

Đặc biệt, đó là phản ứng mà tôi muốn đề cập ở đây – từ bối cảnh của thần học Công giáo.

KỲ THỊ CHỦNG TỘC LÀ PHẠM TỘI

Sống trong một thành phố có lịch sử phân biệt, kỳ thị chủng tộc một nguyên nhân rất thực tế cần phải quan tâm và hành động. Đó là một chủ đề được thảo luận trong các buổi lễ của các linh mục, trong một video từ giám mục của chúng tôi và trong cộng đồng địa phương. Tôi đã nghe các linh mục giảng về tội kỳ thị chủng tộc, nhưng điều đó có nghĩa là gì?

Khi hầu hết người ta quan ngại về kỳ thị chủng tộc sử dụng thuật ngữ này, họ không sử dụng nó theo cách mà tôi (một phụ nữ da trắng) lớn lên đã nghe người ta sử dụng nó. Ngay cả trong những năm từ thời thơ ấu của tôi, sự hiểu biết của chúng tôi về kỳ thị chủng tộc đã sâu sắc hơn, và chúng tôi đã học cách lắng nghe nhau. Lớn lên, tôi cho rằng kỳ thị chủng tộc và định kiến là hành động chứ không là thái độ. Nếu tôi không quá phân biệt đối xử với ai đó vì màu da của họ, tôi nghĩ rằng tôi không cần lo lắng về vấn đề kỳ thị chủng tộc.

Nhưng trong những năm gần đây, tôi đã hiểu rằng kỳ thị chủng tộc không chỉ là về hành động mà liên quan thái độ. Nói về bản thân, tôi có thể nói rằng thái độ khó bắt nguồn từ gốc rễ hơn là hành vi. Thái độ, thành kiến,… chúng rất xảo quyệt. Chúng lặng lẽ, có vẻ khá vô hại. Tất nhiên, đây không phải là cách ma quỷ hoạt động sao? Nó cám dỗ chúng ta bằng cách giảm thiểu vấn đề, làm cho nó có vẻ ít xảo quyệt hơn chính nó.

Đó là tội chống lại đức ái, chống lại sự hiệp nhất. Nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mà tất cả chúng ta có thể nên một. Vấn đề không phải là chúng ta có đang làm một công việc “đủ tốt” hay không. Đó không phải là về việc chúng ta có đang gây tổn hại về thể lý cho một người thuộc chủng tộc khác hay không. Đó là về thái độ của tấm lòng chúng ta và những thái độ đó có phù hợp với tấm lòng của Đức Kitô hay không. Càng đọc nhiều về thái độ kỳ thị chủng tộc, tôi càng nhận ra chúng đôi khi ẩn sâu trong suy nghĩ của chính mình. Một khi tôi bắt đầu nhận ra điều đó, tôi có thể đem sự yếu đuối và cám dỗ đó đến cho Đức Kitô, và bắt đầu cầu xin ân sủng để loại bỏ mọi dấu vết kỳ thị chủng tộc trong con người tôi.

Điều đó có ý nghĩa gì đối với tôi? Điều đó có nghĩa là nhận ra những lúc tôi đánh giá một người lạ đang đến gần là một mối đe dọa ít nhiều vì màu da của họ, có nghĩa là nhận ra rằng tôi có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng những người ở khu vực lân cận khác là “khác” với tôi hoặc thậm chí cho rằng khu vực lân cận của họ “nguy hiểm.”

Nhưng Đức Kitô mời gọi tôi làm gì? Ngài mời gọi tôi coi những người khác như anh chị em của tôi trong Ngài – không kỳ thị chủng tộc. Đó là mong muốn của tôi, nhưng dù sao tôi cũng bắt mình phải suy nghĩ những ý tưởng trái ngược với mục đích đó.

KỲ THỊ CHỦNG TỘC LÀ VẤN ĐỀ NGHIÊM TRỌNG TRONG NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ

Mặc dù tôi không công khai thực hiện bất kỳ hành động kỳ thị chủng tộc nghiêm trọng nào, mặc dù tôi đang tích cực làm việc để kiểm tra suy nghĩ và thái độ của mình, và mặc dù tôi dành thời gian để lắng nghe những tiếng nói không phải của mình, nhưng như vậy vẫn chưa đủ.

Tôi không biết cách Chúa có thể mời gọi gia đình tôi đấu tranh chống lại nạn kỳ thị chủng tộc. Có thể đơn giản như việc lưu tâm đến cách chúng ta nói chuyện với con cái, liên tục đánh giá hành động và thái độ của bản thân, và cầu xin chấm dứt kỳ thị chủng tộc. Tôi biết điều này – sự kỳ thị chủng tộc là vấn đề đối với Chúa Kitô. Ngài yêu thương tất cả mọi người, và Ngài mong muốn mọi người được đối xử bằng phẩm giá và tình yêu thương.

Tuy nhiên, vấn đề này còn gây bức xúc hơn trong nội bộ Giáo Hội.

Trong giáo lý Công giáo về Nhiệm Thể Đức Kitô, chúng ta tin rằng tất cả những người đã được rửa tội (kể cả những người không Công giáo) đều được hiệp nhất một cách rất thực tế nhờ Đức Kitô, Đầu của chúng ta. Thánh Phaolô viết về cách thức, khi một bộ phận của cơ thể bị đau thì tất cả các bộ phận đều đau theo. Đặc biệt, trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được lôi cuốn vào sự kết hiệp ngày càng sâu sắc hơn với nhau. Nếu chúng ta thực sự mở lòng để làm cho tâm hồn mình phù hợp với trái tim của Đức Kitô, chúng ta phải mở lòng ra với niềm đau và nỗi khổ của người khác.

Ngay cả khi tôi không trực tiếp gây ra đau khổ cho anh chị em da đen của tôi trong Đức Kitô, tôi cũng được mời gọi xoa dịu nỗi đau khổ đó. Hơn nữa, tôi không chỉ được mời gọi để xoa dịu nỗi đau khổ đó – tôi được kêu gọi muốn cho họ giảm bớt đau khổ vì tình yêu sâu sắc của tôi dành cho họ. Việc thường xuyên lãnh nhận Bí tích Thánh Thể sẽ dẫn chúng ta đến điều đó – gia tăng kết hiệp và bác ái đối với các chi thể khác trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Nếu chúng ta cởi mở với điều này, Đức Kitô sẽ mở rộng tâm hồn chúng ta để mong muốn rằng tất cả mọi người đều được đối xử bằng tình yêu thương, phẩm giá và sự tôn trọng như chính chúng ta. Chúng ta sẽ có thể nhìn thấy những cách mà chính trị can thiệp vào những cuộc thảo luận này và nhận ra rằng, bất kể đảng phái chính trị nào, sự kỳ thị chủng tộc vẫn làm tan nát trái tim của Chúa Giêsu và gây đau khổ cho các chi thể khác trong Nhiệm Thể Đức Kitô.

Vì vậy, bất cứ phản ứng nào mà chúng ta phân biệt được Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta, điều đó phải bắt đầu bằng lời cầu nguyện để tâm hồn chúng ta có thể phù hợp với tấm lòng của Đức Kitô. Khi làm cho trái tim của chúng ta hợp với trái tim của Ngài, trái tim của chúng ta sẽ đau đớn trước nỗi khổ của người khác. Sẽ không còn là vấn đề chúng ta có bắt buộc phải làm gì đó để tạo sự khác biệt hay không. Đúng hơn, trái tim chúng ta cháy bỏng với lòng yêu mến Đức Kitô thì chúng ta sẽ không thể không hành động.

MICHELE CHRONISTER

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Chiều 23-08-2020

Xem thêm

Lc 3, 15-16. 21-22

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Trời mở ra, Cửa Thánh mở SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Lc …