Home / Chia Sẻ / KỲ NHÂN

KỲ NHÂN

KỲ NHÂNĐấng Ngôi Lời Sáng Ánh Sự Thật

Nguồn Ánh Sáng Soi Người Trần Gian

Kỳ nhân là người có phong cách “khác người” nhưng không kỳ cục, hoặc kỳ quặc. Một trong những người “không giống ai” là bác học Albert Einstein. Ông nói: “Be a loner. That gives you time to wonder, to search for the truth. Have holy curiosity. Make your life worth living.” (Cứ thui thủi một mình. Điều đó cho bạn thời gian để suy tư, tìm kiếm chân lý. Hãy hiếu kỳ linh thiêng. Hãy làm cho cuộc đời đáng sống.)

Tư tưởng đó cần thiết cho Mùa Vọng – mùa mong chờ Con Thiên Chúa, cần tĩnh lặng để suy niệm, hoán cải và hoàn thiện. Khi chờ mong, không thể thụ động mà phải tích cực hành động, nghĩa là chúng ta phải “lên đường” hoặc “ra khơi” – vào đời để đồng hành với những con người hèn mọn… Đó là “kỳ tích” noi gương Chúa Giêsu và ngôn sứ Gioan Tẩy Giả.

SỐNG CHỨNG NHÂN

Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa sai đến trước để mở lối dọn đường. Ông được gọi là tiền hô, ông không là ánh sáng nhưng ông đến để “làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1:7) Nhiều người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông Gioan: “Ông là ai?” Ông thẳng thắn nói: “Tôi không phải là Đấng Kitô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy ông có phải là ông Êlia hay là vị ngôn sứ chăng?” Ông vẫn nói “không.” Họ hỏi mãi nên ông nói thật: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói.” (Ga 1:23) Ông thật khiêm nhu khi tự nhận là “tiếng hô trong hoang địa.”

Khi nghe ông nói vậy, mấy người Biệt Phái nhíu mày: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” Ông trả nói rõ: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1:27) Ông Gioan lại khiêm nhu khi nói mình “không đáng cởi quai dép” cho Đấng đến sau ông.

Đức khiêm nhu là nền tảng mọi nhân đức, nhưng rất khó thực hiện. Ai cũng muốn được khen theo bản năng phàm nhân. Không ai muốn bị chê, nhất là những người “tai mắt” trong thiên hạ,… Tự ái là yêu mình, yêu mình là điều cần, nhưng đừng yêu mình quá. Đôi khi người ta coi trọng “chiếc ghế quyền lực” hơn danh dự. Thực tế xã hội cho thấy như vậy. Đó là một “hội chứng” đáng quan ngại, ngày nay người ta thường gọi là chủ nghĩa: Chủ nghĩa quyền lực và chủ nghĩa hưởng thụ, nhất là trong xã hội coi chữ Tiền hơn chữ Tiền ngày nay.

Có câu nói thực tế của người Việt: “Văn mình, vợ người.” Thật vậy, văn mình lúc nào cũng hay, vợ người bao giờ cũng đẹp. Người ta luôn muốn chứng tỏ mình đúng và “bản lĩnh” của mình hơn hẳn người khác. Ai “chạm” vào quyền lợi của mình thì “có chuyện,” dù chỉ là chuyện không đáng gì. Chỉ vì thấy “ngứa mắt” mà người ta cũng sẵn sàng “xử” nhau theo “luật rừng” ngay: Đánh cho bõ ghét, giết cho biết tay. “Cái tôi” và “máu tự ái” luôn sẵn sàng dâng cao như sóng thần.

Thật khó khi phải sống khiêm nhu! Vĩ nhân Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948) được dân Ấn Độ tôn là thánh nhân và gọi ông là Mahatma (Tâm Hồn Vĩ Đại). Ông nói một câu nói khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều: “Nếu người Kitô giáo sống đúng như Chúa Giêsu, tôi theo đạo ngay.” Thật xấu hổ cho chúng ta – các Kitô hữu!

DẤN THÂN VÀO ĐỜI

Loan báo Tin Mừng là trách nhiệm của mọi tín nhân. Mỗi Kitô hữu đều được Thiên Chúa sai đi vào đời để làm chứng về Đức Kitô, như ngôn sứ Isaia đã nói: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than.” (Is 61:1-2)

Đó là trọng trách của mọi người tín vọng Ngài. Nhưng Thiên Chúa không sai ai đến với người giàu sang, người quyền cao chức trọng, người ăn trên ngồi trước,… Ngài sai chúng ta đến với kẻ nghèo hèn, người đau khổ, tù nhân, người bị bỏ rơi, kẻ bị khinh miệt, kẻ cùng đinh,… Nhưng thực tế xã hội thường đi ngược lại, nghe “lời sai đi” kia cho xong lần rồi thôi, sau đó có thể lại tự ý làm theo ý mình. Có lẽ vậy mà người nghèo khổ và kẻ thấp cổ bé miệng vẫn không thể ngóc đầu lên được, nhân vị của họ vẫn bị chà đạp, nhân phẩm của họ vẫn bị bôi nhọ, và nhân quyền của họ vẫn bị tước đoạt! Chính ĐGH Leo XIII đã xác định: “Sự nghèo khổ không là điều hổ thẹn.” (Tông thư Rerum Novarum – Tân Sự, a. 37, ban hành ngày 15-5-1891)

Để có thể VÀO ĐỜI thì phải RA ĐI, và HÀNH ĐỘNG theo hướng dẫn của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ “như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.” (Is 61:11)

Đức Mẹ là tấm gương sống động về việc làm chứng và khiêm nhu. Lời Kinh Magnificat (Lc 1:46-50, 53-54) chứa đầy nét hân hoan: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” Tuy là người cao trọng và có cuộc sống hoàn hảo, nhưng Đức Mẹ vẫn nhận mình là “phận nữ tỳ hèn mọn.” Thiên Chúa Toàn Năng không chỉ làm cho Đức Mẹ biết bao điều cao cả, mà hằng ngày chúng ta cũng được Thiên Chúa ban cho bao điều kỳ diệu trong đời sống. Đơn giản nhất mà cũng quan yếu nhất là không khí, nếu thiếu không khí trong vài giây thì không gì sống nổi.

Không khí là hồng ân kỳ diệu hiển nhiên vẫn xảy ra từng giây từng phút. Đó là nhờ lòng thương xót, vì “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Ngài.” (Lc 1:50) Thiên Chúa là Đấng Thánh cao cả, yêu chuộng sự công bình và đức khiêm nhu: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1:53-54)

Không thể xao lãng việc cầu nguyện trong khi hành động. Thánh Phaolô căn dặn: “Anh chị em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng.” (1 Tx 5:16-17) Không chỉ tạ ơn khi thuận ý mình mà phải “tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1 Tx 5:18) vì “đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ, còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.” (1 Tx 5:21-22)

Tỉnh thức, hành động và cầu nguyện để “thần trí, tâm hồn và thân xác được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm.” (1 Tx 5:23) Chính nhân sẽ được Chúa Giêsu dẫn đi gặp Chúa Cha. Thánh Phaolô xác định: “Đấng kêu gọi anh chị em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.” (1 Tx 5:24) Vì chính Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” (Ga 17:24) Cái gì cũng cần điều kiện, không vì lợi ích cho Chúa mà vì lợi ích cho chính chúng ta.

Lạy Thiên Chúa, vì yêu thương mà Ngài đã tạo nên chúng con, sai chúng con vào đời để làm chứng về Lòng Thương Xót của Ngài, xin ban Thần Khí để chúng con can đảm, nhiệt thành, dấn thân và hành động với tinh thần khiêm nhu, nhận biết mình yếu kém để nỗ lực hoàn thiện theo ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Đấng Thiên Sai Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …