Home / Chia Sẻ / KỲ DIỆU SỰ CÔ ĐỘC

KỲ DIỆU SỰ CÔ ĐỘC

KỲ DIỆU SỰ CÔ ĐỘC“Giờ ấy đã đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.” (Ga 16:32)

Chúng ta biết rằng sự cô độc, dù nguyên nhân của nó là gì, có thể làm cho chúng ta nhận thức rõ hơn về sự hiện diện của Chúa, nhưng hầu như tất cả chúng ta đều lo lắng ở một mức độ nào đó về sự cô đơn. Mặc dù đôi khi cần và muốn ở một mình, tất cả chúng ta đều đã trải qua sự cô độc và sẵn sàng đồng ý rằng một phần bản chất con người của chúng ta là hòa đồng và dành thời gian cho người khác.

Cô đơn thường được coi là vấn đề cần giải quyết, là sự trống trải cần lấp đầy, hoặc là số phận cần né tránh. Thật vậy, đôi khi nó là vậy. Nhưng sự đơn độc cũng có thể là khu vườn, được làm cỏ, trồng trọt và vun xới, để Chúa tạo ra mùa gặt thiêng liêng phong phú. Nếu chúng ta cảm thấy cô đơn, có thể đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta cần ở bên ai đó – hoặc có thể là dịp nhắc nhở rằng Chúa Giêsu đang ở cùng chúng ta.

Nhiều vị thánh rất muốn sự cô độc. Mặc dù có lẽ khó có thể bắt chước, chúng ta vẫn dễ dàng ngưỡng mộ lòng trung thành của họ trong việc sống như ẩn sĩ hoặc tu sĩ – nghĩa là các tu sĩ ít hoặc không tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Ngoại trừ những người được gọi là ẩn sĩ, cuộc sống đơn độc không phải là một cuộc sống hấp dẫn; ngay cả các thánh cũng có thể trải nghiệm sự cô độc. Thánh Thomas More bị biệt giam 15 tháng sau khi bị vua Henry VIII bắt giữ vì tội mưu phản. Đây hẳn là một thử thách khủng khiếp đối với một người hướng ngoại và hướng về gia đình như ngài, nhưng điều đó không khiến ngài từ bỏ đức tin.

Học giả vĩ đại là Thánh Thomas Aquino, ngài dành nhiều giờ ở một mình để nghiên cứu và viết lách, ngài nhận xét: “Không có vật sở hữu nào thú vị nếu không có bạn đồng hành. Dù có thú vật và cây cối trong vườn, người ta vẫn có thể cô đơn ở đó.”

Thánh nữ Fabiola là bạn của Thánh Giêrônimô Người ta nói rằng bản chất bà rất thân thiện, đến nỗi bà không thể chịu đựng được khi ở một mình trong bất cứ lúc nào. Thật vậy, Thánh Giêrônimô nhận xét: “Bà ấy nghĩ chuồng ngựa [tức là nơi tĩnh tâm] phải là phần liền với khu nhà ở.” Một vị thánh khác rất thích làm bạn là Đức Piô X, người được bầu làm giáo hoàng đầu thế kỷ XX. Từ lâu, các giáo hoàng đã dùng bữa một mình mà không có ai cùng ăn tối. Đức Piô X đã bỏ truyền thống này ngay lập tức và quyết định ăn uống với bất kỳ ai có mặt: bạn bè, người thân, linh mục, sứ giả, phụ tá, thậm chí cả những người thợ làm ở khu vườn của giáo hoàng.

Ngay cả nhân vật vĩ đại như Thánh Patrick cũng trải qua cô đơn. Bản chất ngài rất nhạy cảm và giàu tình cảm, thường nhận xét về việc cảm thấy khó khăn khi rời gia đình ở Anh sau khi ngài được quy tụ với thân nhân.

Trong bối cảnh khác,Thiên Chúa đã phán: “Thật không tốt khi người đàn ông nên ở một mình.” Bản chất con người thật của chúng ta là chia sẻ cuộc sống với người khác. Đôi khi chúng ta không có đủ sự cô độc và riêng tư, những lần khác chúng ta cảm thấy khá đơn độc và bị lãng quên. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, chúng ta phải nhớ rằng Chúa luôn ở với chúng ta, và nếu chúng ta dâng gánh nặng của mình cho Ngài, một ngày nào đó chúng ta sẽ vui mừng với tất cả các thiên thần và các thánh trong Vương Quốc của Ngài.

SUY TƯ

Thánh Gioan Chrysostom nói: “Con ở đâu, Ngài cũng ở đó, và Ngài ở đâu, con cũng ở đó. Vì chúng ta là một thân thể duy nhất, và thân thể không thể tách rời khỏi đầu cũng như không thể tách đầu ra khỏi thân. Khoảng cách chia cách Ngài và con, nhưng tình yêu gắn kết Ngài và con, và chính cái chết cũng không thể chia cách.” Thánh Gioan Vianney nhận định: “Thiên Chúa nói với chúng ta trong sự đơn độc.”

Thánh Alphonso Liguori cho biết: “Một ngày nọ, Chúa nói với Thánh nữ Têrêsa rằng Ngài nói chuyện với nhiều linh hồn, nhưng thế giới ồn ào đến mức tai họ không thể nghe thấy tiếng nói của Ngài. Ôi, giá như họ cách xa thế giới một chút!” (Khoảng lặng và sự đơn độc cần thiết cho đời sống tâm linh của chúng ta.)

CỐ GẮNG

Hãy cân nhắc câu chuyện về một giáo viên trung học thông minh nhưng cô đơn, tin rằng không ai đánh giá cao hoặc đối xử công bằng với mình. Thái độ gây hấn và sự nhanh nhạy đã khiến cô ấy không thể kết bạn, một bằng chứng nữa trong tâm trí cô ấy nghĩ rằng cuộc đời bất công. Cuối cùng có ai nào đó đã chỉ cho cô ấy biết rằng chính những tác động của cô ấy đang tạo ra cảm giác bị cô lập, đặc biệt là cô ấy tin chắc rằng cô ấy không làm cho mình đáng phải chịu như vậy. Vì thế, cô ấy áp dụng cách tiếp cận mới: khi bước lùi hoặc thất vọng, cô ấy tự nhủ: “Mình không đáng được đối xử tốt hơn, điều đó khá đúng với mình.” Trong một thời gian rất ngắn, thái độ sống mới của cô ấy đã khiến cô ấy trở nên dễ gần và chấp nhận người khác, rồi cô ấy sớm có tình bạn thỏa mãn. Nếu bạn đang trải qua sự cô độc, hãy cân nhắc (có thể với sự hỗ trợ của người mà bạn tin tưởng) xem thái độ của bạn có góp phần vào tình trạng đó hay không. Nếu có, hãy tích cực thay đổi thái độ đó.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, điều rắc rối trong cuộc sống bây giờ là con dường như có tất cả những thứ không quan trọng và mất tất cả những thứ quan trọng. Con có cuộc sống; con có đủ tiền để sống; con có nhiều thứ chiếm giữ con. Nhưng con chỉ có một mình, và đôi khi con cảm thấy không gì có thể khỏa lấp được.

Lạy Chúa, xin làm cho con nhận thấy ý nghĩa đức tin của con. Xin làm cho con nhận ra con có niềm hy vọng và cũng có ký ức, đám mây bằng chứng vô hình đang vây quanh con; xin cho con nhận ra Ngài có ý đó khi Ngài nói rằng Ngài sẽ luôn ở bên con; xin làm cho con nhận biết bao lâu Ngài còn để con ở đây, có điều gì đó Ngài muốn con làm. Khi con làm điều đó, xin Ngài giúp con tìm được sự thoải mái và can đảm mà con cần có để tiếp tục. Con dâng Ngài nước mắt và trái tim bị tổn thương của con, xin Ngài đón nhận. Amen.

LM JOSEPH M. ESPER

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Đêm 12-11-2021

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN