Home / Chia Sẻ / Kinh Thánh và tình yêu

Kinh Thánh và tình yêu

 

KinhThanh & TinhYeuAi cũng cần yêu và được yêu, vì chúng ta được tạo dựng bởi tình yêu của Thiên Chúa, và được sinh ra từ tình yêu của cha mẹ. Tình yêu vô cùng cần thiết và quan trọng, dù là tình yêu bé nhỏ.

Tình yêu có ba cấp độ: Tình yêu nhục thể (biểu lộ nơi tình yêu nam nữ trong tương quan vợ chồng), tình yêu lý tưởng (tình bạn, lòng yêu nghệ thuật, lòng ái quốc), và tình yêu siêu thoát (vượt qua mọi thứ để vươn tới tình yêu Thiên Chúa.

Và Kinh Thánh đã nói gì về lòng yêu thương?

Thánh Phaolô xác định đức mến là nhân đức cần thiết và quan trọng nhất trong các nhân đức: “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13:13). Thật vậy, Chúa Giêsu truyền lệnh: “Hãy yêu thương nhau!” (Ga 13:34; Ga 15:22; Ga 15:17). Ngài gọi đó là “điều răn mới”, là “luật mới” vì là Luật Tân Ước, khác hẳn với Luật Cựu Ước: “Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, chỗ gãy đền chỗ gãy” (Xh 21:24; Lv 24:20), thậm chí sách Đệ Nhị Luật còn nói thẳng: “Mắt anh (em) đừng nhìn mà thương hại. Luật báo phục tương xứng: Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Đnl 19:21).

Thánh Phaolô khuyên dân Ê-phê-sô: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từnhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4:2-6).

Thánh Phêrô khuyên: “Thời cùng tận của vạn vật gần đến rồi. Anh em hãy sống chừng mực tiết độ để có thể cầu nguyện được. Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi. Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca. Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4:7-10).

Thánh Gioan khuyên: “Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4:12).

Thánh Phaolô khuyên dân Ga-lát: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gl 5:19-23).

Thánh Gioan giải nghĩa tình yêu: Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4:18).

Thánh Phaolô khuyên dân Ê-phê-sô: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xótbiết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4:31-32).

Một hôm, có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”. Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”. Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (Lc 10:25-29). Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới lý sự với Ngài: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”. Sau đó Chúa Giêsu kể dụ ngôn Người Samari nhân lành (Lc 10:30-37).

Thánh Phaolô khuyên dân Phi-líp-phê: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2:1-5).

Thánh Phaolô khuyên dân Ga-lát: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau (Gl 5:25-26).

Yêu thương không chỉ là chung chung, vì yêu thương người yêu thương mình thì chẳng có gì hay, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải yêu thương ở mức cao hơn: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:28). Khó lắm đấy!

Lạy Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót, xin biến đổi chúng con để chúng con có thể đạt tới tình yêu cao cấp mà Ngài mong muốn. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …