Home / Chia Sẻ / KINH MÂN CÔI: LỜI NGUYỆN CẦU CÓ CƠ SỞ

KINH MÂN CÔI: LỜI NGUYỆN CẦU CÓ CƠ SỞ

                                    

Cứ mỗi lần lặp đi, lặp lại lời “Kinh Kính Mừng” theo sau lời Kinh Lạy Cha, và lời suy niệm Tin Mừng, nếu như chưa có lòng mến mộ, chúng ta sẽ cảm thấy chán ngán, và không khai thác được ơn ích nhiệm mầu ấy. Nhưng khi cảm nghiệm được giá trị siêu nhiên tuyệt vời ấy, thì chúng ta không thể cưỡng lại sự say mến, sự nhẹ nhàng, sự hấp dẫn của lời Kinh Kính Mừng , trong một chuỗi huyền nhiệm đó, mà chúng ta gọi là Kinh Mân Côi.

Vâng, Kinh Mân Côi có nhiều tước hiệu để nói lên đặc tính cao siêu nầy. Có thể nói, mỗi tước hiệu, hay mỗi tên gọi, do sự suy niệm riêng tư mà thành, gọi là suy tư.

Hôm nay, tháng Mân Côi sắp bước qua, con xin chia sẻ một đặc tính khác của Kinh Mân Côi, đó là: Kinh Mân Côi: Lối Cầu Nguyện Có Cơ Sở.

Vâng, nói đến cơ sở là nói đến sự chứng minh, nói đến sự chứng minh là nói đến khoa học, nói đến khoa học thì cần phải có cơ sở. Vâng, cơ sở là sự dẫn chứng hợp lý.

Thưa quý vị! Tại sao con người cần đến tôn giáo? Thưa, bởi vì, con người không có chỗ dựa, và chỗ dựa vững chắc nhất cho con người, đó là tôn giáo. Khi con người muốn phủ nhận thực tại nầy, thì con người chối bỏ sự thật. Lúc đó, con người cho rằng tôn giáo là thuốc phiện, nhưng thực tế ngày nay, ý tưởng nầy xem như đã lạc hậu. Vì, con người ngày càng chân nhận giá trị của tôn giáo, và như thế thực tế chứng minh, tôn giáo không phải là thuốc phiện như con người đã nghĩ, mà là một sự thật được nhìn nhận: Tôn giáo cần thiết cho đời sống xã hội con người. Tại sao vậy? Thưa, vì con người là tạo vật cao cấp nhất, là hình ảnh của Thượng Đế, nên chi, từ đó, ngoài Thượng Đế ra không có ai khác thay thế chổ dựa vững chắc cho con người được.

Theo đó, con người vẫn là tạo vật thấp hèn của Thượng Đế. Vì: “Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của Thượng Đế cũng cao hơn tư tưởng của con người bấy nhiêu“. Vâng, đó là chân lý.

Và chân lý, thì bất di, bất dịch. Vì thế, khi con người cần đến chổ dựa vững chắc ấy, thì con người tìm đến đâu? Há, chẳng phải là Thượng Đế hay sao? Nhưng, Thượng Đế của Công gíao chính là Thiên Chúa. Khi, con người chạy đến với Thiên Chúa thì họ thường kêu cầu, nài van ân sủng, Thánh ân, tức là lộc trời. Nhưng, trong khi con người vốn dĩ mang hình ảnh Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa nguyên là siêu nhiên, vậy con người có hình hài hữu thể bởi đất mà ra. Vậy, con người vẫn mang xác đất, trong tính siêu nhiên. Trong xác đất ấy, con người luôn bất xứng với Thiên Chúa, có thể ví như: “chim non chưa mọc lông vũ”, không thể bay lên bầu trời cao được. Vì thế, con người phải cần đến một phương tiện để chắp cánh bay cao. Đó là: Kinh Mân Côi. Thật vậy, chúng ta không thể trực tiếp cầu nguyện cùng Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa là Đấng toàn năng cao cả, nơi Thiên Chúa tuyệt đối thánh thiện. Vì thế, con người dù có tốt lành đến đâu, cũng vẫn bất xứng trước Nhan Thánh Thiên Chúa. Hơn nữa, con người không thể tuyệt đối thánh thiện đến độ Thiên Chúa phải nhượng bộ. Vì vậy, chỉ có một nhân vật thuộc loài thụ tạo, nhưng nhân vật ấy được tràn đầy ân sũng, và được Đấng toàn năng đoái nhìn duy nhất, đó là Đức Trinh Nữ Maria. Một nhân vật thuộc thụ tạo, nhưng Đức Trinh Nữ Maria đã khám phá, đã “chiếm trọn“ lòng thương xót, sự đoái thương bởi lòng từ bi nhân hậu nơi Thiên Chúa là Cha nhân từ. Bởi vậy, sự diễm phúc nơi Đức Mẹ chính là ở điểm nầy. Vì không phải sự diễm phúc có từ nơi Mẹ, mà là từ nơi Đấng tạo thành, được trao cho một thụ tạo trên các thụ tạo, đó là Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria. Vâng, nơi Mẹ tràn đầy diễm phúc, bởi vì Mẹ đáng được chúc tụng. Đến đây, chúng ta thấy, chúng ta đã cảm nghiệm được phần nào sự tràn đầy diễm phúc nơi Mẹ. Và như vậy, từ tạo vật thấp hèn, điều nầy không thể hiểu cách khác được, vì ngoài Thiên Chúa mọi tạo vật đều thấp hèn. Vâng, chỉ duy có tình thương phát xuất từ Thiên Chúa và sự đáp trả cách xừng hợp từ nơi thụ tạo, thì lúc bấy giờ, con người mới trở nên cao trọng.

Vâng, sự cao trọng trong sự nhìn nhận vị trí thấp hèn, đó gọi là sự khiêm nhường. Vâng, Chính Đức Trinh Nữ Maria đã cảm nghiệm được điều đó, và đã thi hành điều đó. Vì vậy, Mẹ được tràn đầy diễm phúc. Và quả thật, đến muôn đời, đều khen Mẹ diễm phúc, bởi Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ điều cao trọng ấy. Vâng, chính điều cao trọng nơi Mẹ là Mẹ nhìn nhận sự thấp hèn, Mẹ hoàn toàn cậy dựa vào ân sủng nhưng không bởi Thiên Chúa. Tràn đầy ân sủng là điều không phải dễ. Ai có thể được xứng đáng tràn đầy ân sủng, nếu như không có lòng khiêm hạ. Từ đó, đi theo lý tưởng, hay là tâm tình như Đức Mẹ, thì các thánh mới bắt chước Mẹ mà đi theo. Vâng, từ đó chúng ta thấy, Mẹ được gọi là “Eva Mới“, có nghĩa là người “sinh ra” cả một thế hệ giao ước mới. Mẹ chúng sinh một dòng dõi tràn đầy ân sủng, là như vậy.

Vì thế, lời “Kinh Kính Mừng… và Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…” Thật là hữu lý, hợp tình vậy. Nên chi, lời kinh Kính Mừng được nối kết thành Kinh Mân Côi, bằng lối đọc và suy gẫm những mầu nhiệm Tin Mừng, thì không còn là lời Kinh nhàm chán nữa, mà là lời Kinh vô cùng thân thiết, gần gũi, hữu ích cho nhân loại đã qua, hôm nay và mai sau. Và là lời Kinh cầu mang giá trị quen thuộc nhưng không nhàm chán, vì ơn ích siêu việt bởi Kinh nầy. Vì thế, Kinh Mân Côi không phải chỉ dành cho người bình dân, bà già, phụ nữ, mà là Lời Kinh mang giá trị giúp đưa con người tiến đến bên Thiên Chúa. Dành cho tất cả những ai cần đến ơn Cứu Chuộc của Thiên Chúa qua Đức Giêsu-Kitô.

Như vậy, Kinh Mân Côi là lời nguyện cầu có cơ sở, có giá trị thật cần thiết cho nhân loại, bởi tính hợp lý của Kinh Mân Côi. Chứ không phải chỉ để đọc cho vui, hay cổ động theo phong trào, mà là như chim muốn bay cần phải có cánh, thì Kinh Mân Côi, chính là đôi cánh dành cho những ai muốn bay đến cùng Thiên Chúa, để đón nhận ơn Cứu Độ và tình thương nơi Thiên Chúa là Cha. Để được vậy, mỗi ngày chúng ta cùng chiêm ngắm những hạt Mân Côi qua chuỗi hạt tình thương, được nối kết bởi các lời nguyện cầu theo Tin Mừng và nhất là Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Theo đó, Kinh Mân Côi không phải là hình thức đọc cho Đức Mẹ, hay là lối thờ phượng, tôn kính riêng cho Đức Mẹ, mà chúng ta đôi khi lầm tưởng.

Kính Mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà… Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con khi nầy và trong giờ lâm tử. Amen.

Cuối tháng Mân Côi 2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …